25/12/2024

Tóc bạc cũng do di truyền

Các nhà khoa học quốc tế mới đây đã xác định tóc bạc cũng một phần do yếu tố di truyền, thắp lên hi vọng cho những người chưa già đã bạc tóc.

 

Tóc bạc cũng do di truyền 

 

 

Các nhà khoa học quốc tế mới đây đã xác định tóc bạc cũng một phần do yếu tố di truyền, thắp lên hi vọng cho những người chưa già đã bạc tóc.

 

 

 

 

Tóc bạc cũng do di truyền 
Mái tóc trắng xoá của nữ hoàng Anh Elizabeth – Ảnh: Reuters

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học London (UCL) đăng trên tạp chíNature Communications đã xác định được thủ phạm gây bạc tóc là gen IRF4, vốn là gen chi phối việc sản xuất sắc tố melanin tạo nên đặc điểm màu tóc, màu da và mắt của một người.

Tình trạng bạc tóc xảy ra khi nang tóc không còn sản xuất được melanin và tốc độ này diễn ra nhanh hay chậm tùy mỗi người. Nhưng những người mang một biến thể nhất định của IRF4 có xu hướng bạc tóc nhanh hơn. Trước đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy con người có thể bạc tóc sớm do các yếu tố môi trường như khói thuốc, căng thẳng…

 “Đây thật sự là nghiên cứu đầu tiên về yếu tố di truyền đối với tình trạng bạc tóc” - Reuters dẫn lời nhà di truyền học Kaustubh Adhikari của UCL nói. Nghiên cứu được thực hiện trên 6.300 người, cả nam lẫn nữ, tại khu vực Nam Mỹ thuộc nhiều chủng tộc từ Âu, người Mỹ bản địa đến người gốc Phi.

Ngoài IRF4, họ cũng xác định nhiều gene ảnh hưởng đến hình dạng, độ xoăn của tóc, độ dày của râu, lông màu… Các nhà khoa học UCL cho biết nghiên cứu của họ cũng là bằng chứng cho thấy các đặc điểm của tóc bị ảnh hưởng bởi một số dạng chọn lọc, như chọn lọc tự nhiên và chọn lọc giới tính, trong quá trình tiến hoá.

Theo nhà tâm lý Mỹ Vivian Diller, mái tóc bạc thường khiến người ta sợ hãi dù đã qua cái thời tóc bạc nghĩa là sắp chết. Nhưng việc xác định được gen IRF4 mở ra khả năng nghiên cứu các biện pháp giúp trì hoãn hoặc đảo ngược quá trình bạc tóc bằng việc tác động ngay từ nang tóc thay vì chỉ còn cách chờ nhuộm như trước đây.  

Theo nhà khoa học Andres Ruiz-Linares, nếu bỏ qua yếu tố đạo đức còn đang tranh cãi, người ta thậm chí có thể can thiệp bằng cách chỉnh sửa gen.

Nhưng nghiên cứu không chỉ mở ra triển vọng cho ngành mỹ phẩm, nó cũng sẽ giúp ích nhiều cho trong các lĩnh vực khác như pháp y, giúp các kỹ thuật viên ADN xác định các yếu tố ngoại hình dựa trên cấu tạo di truyền của một người.

TRẦN PHƯƠNG