Anh bí thư bạn của người tâm thần
Chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, trò chuyện, cho uống thuốc, tắm rửa… người bệnh tâm thần là việc làm hằng ngày của Nguyễn Xuân Nam, chàng điều dưỡng, bí thư chi đoàn Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (thuộc Sở Lao động – thương binh & xã hội TP.HCM).
Anh bí thư bạn của người tâm thần
Chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, trò chuyện, cho uống thuốc, tắm rửa… người bệnh tâm thần là việc làm hằng ngày của Nguyễn Xuân Nam, chàng điều dưỡng, bí thư chi đoàn Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (thuộc Sở Lao động – thương binh & xã hội TP.HCM).
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Nam chăm sóc bệnh nhân tâm thần – Ảnh: K.Anh |
Đã gần năm năm, dưới màu áo trắng của người điều dưỡng với bao việc vất vả, người bệnh tâm thần như người thân của Nam.
“Bệnh nhân bình thường đã vất vả nhưng còn có người thân bên cạnh hỗ trợ. Bệnh nhân của mình đôi lúc còn không làm chủ được bản thân thì lại càng vất vả. Nhưng họ cần chúng tôi hơn ai hết” – Nam bộc bạch.
Chăm bệnh nhân còn hơn người thân
Giờ cơm trưa, Nam cùng các đồng nghiệp và một số bệnh nhân dạng nhẹ đi nhận cơm về trại rồi nhanh tay chia phần cho các bệnh nhân khác. Có hơn 20 suất ăn được giằm thức ăn thật nhỏ rồi nhân viên trong khoa chia nhau đút cho những người bệnh lớn tuổi.
Vừa đút ăn cho một bệnh nhân lớn tuổi bị mù, Nam vừa ân cần trò chuyện với ông. “Ông há miệng đi, cháu đút ông ăn nè. Hôm nay ông ăn thấy ngon miệng không?”, thoạt Nam lấy khăn lau mặt cho ông.
Phòng bệnh này được Nam và đồng nghiệp phân công nhau thăm nom, cứ khoảng 30 phút lại phải thăm và thay quần, áo cho bệnh nhân vì họ không kiểm soát được chuyện vệ sinh cá nhân.
“Dù uống thuốc đều đặn nhưng họ quá lớn tuổi, có khi cũng lẫn rồi. Để đảm bảo vệ sinh, không xảy ra dịch bệnh, anh em chúng tôi thường xuyên xịt rửa phòng bằng thuốc tẩy ngày mấy lần” – Nam cho biết.
Nói các nhân viên ở đây chăm bệnh nhân hơn người thân tưởng chừng như nói quá, nhưng có chứng kiến mới thấy hết sự vất vả của họ. Những vết ghẻ lở của bệnh nhân do một tay Nam và đồng nghiệp rửa, xức thuốc.
Nam tâm sự: “Lần trước bố tôi bị tai nạn phải nằm viện cả tháng trời ở quê, tôi không thể về để chăm sóc ông được. Nhiều lúc ngồi rửa vết thương cho bệnh nhân ở đây tôi lại ứa nước mắt khi nghĩ đến bố mình. Tôi cũng tự an ủi mình cứ làm tốt công việc ở đây rồi bố sẽ có y bác sĩ và mẹ tôi chăm lo”.
Hết lòng vì người bệnh, bao vất vả được bù đắp khi tỉnh táo họ nói lời cảm ơn Nam hoặc có chuyện gì cũng đợi để “kể cho bác Nam nghe”.
Nhưng nhiều phen họ cũng làm Nam hết hồn, khi thì bị rượt đuổi, khi thì bị bạt tai. “Có hôm bị bệnh nhân từ phía sau nhào vô bạt tai làm đau hết mấy ngày đó chứ” – Nam cho biết.
“3 cùng” với… người tâm thần
Cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người tâm thần… là chuyện “3 cùng” thường tình của anh điều dưỡng trẻ này.
Dịp lễ tết là những ngày công việc của Nam cũng như đồng nghiệp càng vất vả hơn ngày thường vì tâm lý bệnh nhân muốn được người nhà đến thăm hoặc đón về chơi nhưng không được đáp ứng, họ quay sang chửi nhân viên hoặc tìm cách trốn ra ngoài.
“Tôi phải tỉ tê bằng chính câu chuyện gần năm năm mình chưa về quê nói với các bệnh nhân, họ mới thấy được chia sẻ và an ủi. Những người bệnh nhẹ thường thích được an ủi, sẻ chia” – Nam cho biết.
Chính vì thế, Nam đề xuất lãnh đạo tạo điều kiện để anh tiếp tục học lên đại học chuyên ngành công tác xã hội. Hiện Nam đang học năm thứ hai và đã ứng dụng được nhiều kiến thức hỗ trợ công việc điều dưỡng của mình. Ban ngày vốn vất vả, những ca trực đêm vất vả hơn nhiều với đội ngũ làm việc ở trung tâm.
“Đêm đến phải thường xuyên vào trại để trông chừng bệnh nhân có cởi đồ hay vứt hết mền đi không. Mình phải giữ ấm cho họ, bị lạnh họ sẽ dễ nhiễm thêm các bệnh khác” – Nam cho biết.
Dịp tết vừa rồi Nam và đồng nghiệp ra vào thường xuyên Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm một bệnh nhân của khoa A bị bệnh phải nhập viện. Khi chăm bệnh nhân tại các bệnh viện lại càng vất vả hơn so với chăm ở trung tâm.
“Đôi lúc bệnh nhân của mình thiếu hợp tác, làm khó y bác sĩ của bệnh viện khiến mình cũng hết sức ngại với họ. Vì khi vào viện, mình cũng như người thân của bệnh nhân mà thôi. Cả ngày, cả đêm phải luôn túc trực bên cạnh”.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh, Nam và đồng nghiệp nhận ra việc trị liệu tâm lý cho người bệnh là hết sức quan trọng. Thông qua việc hỗ trợ họ cùng lao động, nhặt cỏ, trồng rau, tưới nước… để họ thấy bản thân có ích, họ sẽ ổn định tâm thần hơn nữa.
Là bí thư chi đoàn nên Nam “chủ xị” để chi đoàn thường xuyên tổ chức sân chơi cho người bệnh. Những bài ca tiếng hát cũng phần nào giúp họ thêm hưng phấn và tìm lại cảm xúc thật của bản thân.
Gắn bó với nơi đây đã gần năm năm, Nam – chàng trai xứ Nghệ – nói đấy chính là duyên nghiệp của mình. Anh bảo khó có thể dứt tình ra đi dù đồng lương chỉ tạm đủ tằn tiện cho cuộc sống xa quê. Nhưng chính từ nơi đây, Nam tìm được một nửa của mình là người con gái cùng chí hướng, hết lòng vì người bệnh.
“Bà xã của tôi làm việc tại khoa nặng nhất trong trung tâm này nhưng cả hai luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt công việc. Chúng tôi hiểu người bệnh luôn cần mình” – Nam thủ thỉ.
Bác sĩ Bùi Văn Xây, giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần, cho biết: “Làm việc tại trung tâm này không chỉ cần chuyên môn tốt mà còn rất cần cái tâm của người nhân viên đối với bệnh nhân. Nam là người điều dưỡng nhiệt tình chăm sóc các bệnh nhân nặng. Nam là điển hình được Đoàn thanh niên của sở, Thành đoàn TP.HCM khen tặng với nhiều thành tích trong công tác Đoàn, về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, chị Nguyễn Hoàng Hiếu, bí thư Đoàn thanh niên Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết với vai trò thủ lĩnh thanh niên, Nam đã rất chịu khó mày mò, tìm kiếm cách tổ chức các hoạt động thu hút và gắn kết các bạn trẻ của đơn vị. Không chỉ tổ chức hoạt động cho đoàn viên thanh niên, Nam còn thiết kế những nội dung hoạt động gắn liền với người bệnh tâm thần để hỗ trợ hoạt động chuyên môn, giúp người bệnh được nâng đỡ tinh thần. Từ lúc Nam làm bí thư chi đoàn, hoạt động thanh niên của trung tâm đã khởi sắc hơn, phát huy được vai trò của các bạn trẻ trong đơn vị”. |