Câu chuyện của cậu học trò cụt tay
9 năm trước, cậu học trò nghèo 15 tuổi Ngô Thái Hoàng Em (X.Chánh Hội, H.Mang Thít, Vĩnh Long) vì muốn có tiền mua xe đạp nên tranh thủ những ngày hè đi làm thêm ở một cơ sở sản xuất gạch. Không may, tai nạn đã cướp đi đôi tay của em.
Câu chuyện của cậu học trò cụt tay
9 năm trước, cậu học trò nghèo 15 tuổi Ngô Thái Hoàng Em (X.Chánh Hội, H.Mang Thít, Vĩnh Long) vì muốn có tiền mua xe đạp nên tranh thủ những ngày hè đi làm thêm ở một cơ sở sản xuất gạch. Không may, tai nạn đã cướp đi đôi tay của em.
Đôi chân của Hoàng Em gõ bàn phím thoăn thoắt… – Ảnh: MINH TÂM |
Thế nhưng, không đầu hàng số phận, em đã cố gắng để sống thành người có ích.
Theo lời chỉ dẫn của người thân Hoàng Em, từ Vĩnh Long, tôi đã lên Sài Gòn, đến tận công ty nơi em đang làm. Đập vào mắt tôi là hình ảnh cậu lập trình viên 24 tuổi đang dùng đôi chân gõ bàn phím thoăn thoắt.
Nhắc lại chuyện cũ, Hoàng Em kể chỉ mới làm gạch được nửa tháng thì tai nạn xảy ra. Trong lúc cho đất vào máy thì thanh gạt sạn rớt vào máy nghiền. Em vói tay trái xuống lấy thanh gạt ra thì tay bị cuốn vào máy. Quýnh quáng, Em vội dùng tay phải chụp lấy tay trái kéo ra khiến cả hai tay đều bị máy cuốn vào.
Tỉnh dậy trong bệnh viện, Em rơi vào trạng thái sốc trước thực tế tàn nhẫn: hai cánh tay bị máy cuốn nghiền nát đến gần bả vai.
Thời điểm đó, thông tin về cậu học trò nghèo bị tai nạn khiến nhiều tấm lòng thơm thảo gửi tiền trao tặng. Cô nha sĩ Liên Hương từ nước Mỹ xa xôi đã liên hệ nhiều nơi rồi đưa rước mẹ con Hoàng Em sang Mỹ để lắp đôi tay giả. Trường Nguyễn Tất Thành cũng tặng Em một bộ máy vi tính. Rồi thầy Nguyễn Ngọc Ký đến gặp Em.
Sự động viên, chia sẻ của người thành đạt đồng cảnh ngộ đã giúp Em bình tâm để định hướng tương lai nghề nghiệp. Tiền của độc giả hỗ trợ, gia đình Em mua máy gặt đập liên hợp để đi gặt thuê, lấy tiền trang trải cuộc sống. Riêng đôi tay giả giúp Em tự đạp xe đến trường, lấy những vật dụng nhẹ như quyển sách, kem đánh răng…
Tuyệt hơn, nhờ kiên trì tập luyện nên đôi chân đã có thể thay thế đôi tay từ sinh hoạt cá nhân, cầm bút viết, gõ bàn phím máy vi tính…
Năm cuối cấp, Em được đặc cách không thi tốt nghiệp THPT. Kế đó Em đăng ký học tại Trung tâm đào tạo lập trình viên CNC Aptech ở Sài Gòn. Tốt nghiệp loại giỏi, Em được trường giới thiệu vào làm tại Công ty giải pháp công nghệ Na An, đến nay đã gắn bó với công ty được ba năm.
Chị Nguyễn Thuỳ Trang – phó giám đốc công ty – chia sẻ: “Ngày đầu Hoàng Em nộp hồ sơ xin việc, tôi rất ấn tượng với tác phong làm việc của Em bởi Em dùng đôi chân gõ bàn phím vi tính rất nhanh, rất thạo. Em làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Chỗ Em ở cách xa nơi làm 20km nhưng 5g Em đã chạy xe đạp điện đi làm nên đến công ty sớm nhất.
Khách hàng của công ty đa số là doanh nghiệp lớn, nhiều người đòi hỏi rất cao trong việc thiết kế, lập trình web và các phần mềm ứng dụng… nhưng Em vẫn không nề hà làm tới khuya. Em luôn có ý thức cao trong việc trau dồi chuyên môn bằng cách lên mạng tự học công nghệ thông tin để nâng cao tay nghề…”.
Giờ Em đã lo được cho mẹ bằng chính đồng lương do… đôi chân mình làm ra. Sáng đi làm, tối cùng mẹ xem tivi, để rồi khi thấy những hoàn cảnh khó khăn, hai mẹ con cùng góp chút lòng chia sẻ. Rồi Em về ngôi trường phổ thông xưa mà mình đã học để gửi tặng những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn những món quà.
Thầy Huỳnh Văn Thế, giáo viên Trường THPT Mang Thít, cho biết: “Cứ vào đầu niên học mới, Em đều gửi tặng xe đạp, tập vở cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Khi trường tổ chức tết tặng sách cho các em ở xã nghèo, vùng xa, Em cũng tham gia. Tấm lòng thơm thảo của Em, trường rất trân trọng…”.