23/12/2024

Dạy ý thức bảo vệ của công từ nhỏ

Đến Việt Nam dạy tiếng Anh một năm qua, tôi thấy nhiều người rất thiếu ý thức bảo vệ của công. Những hình ảnh người dân vô tư quăng lưới chài cá dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) trông rất phản cảm.

 

Dạy ý thức bảo vệ của công từ nhỏ

 

 

Đến Việt Nam dạy tiếng Anh một năm qua, tôi thấy nhiều người rất thiếu ý thức bảo vệ của công. Những hình ảnh người dân vô tư quăng lưới chài cá dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) trông rất phản cảm.

 

 

 

 

 

Dạy ý thức bảo vệ của công từ nhỏ
Quăng chài bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) mặc dù có lệnh cấm đánh bắt cá – Ảnh: Hữu Khoa

Khi xâm phạm của công, người ta chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn nhu cầu tức thời của bản thân hơn là thiệt hại họ có thể gây ra cho cộng đồng, tài sản chung, hay là chính bản thân họ.

Do giáo dục 
không đến nơi đến chốn

Theo tôi, những người vi phạm việc bảo vệ của công, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng là do họ không thấy hậu quả của việc mình làm. Ở Mỹ, đi tè ở nơi công cộng là bất hợp pháp và có thể bị phạt rất nặng. Còn ở đây, dẫu có quy định xử phạt hành chính về hành vi này nhưng trên thực tế ở bất kỳ đường phố nào bạn cũng có thể nhìn thấy cảnh tè bậy và những người vi phạm cứ vô tư, nhởn nhơ vì không thấy lực lượng nào xử phạt họ cả!

Ngoài ra, tôi tin rằng các vấn đề liên quan đến ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng kém là hậu quả của việc cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu nhà vệ sinh công cộng, đồng thời là do giáo dục không đến nơi đến chốn.

Ở Mỹ, chúng tôi được giáo dục ý thức bảo vệ của công từ nhà trường, trong gia đình từ bé. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng chú ý giáo dục về việc này. Chúng tôi được dạy rất nhiều rằng xả rác là một hành vi rất xấu, ở công viên, người ta cũng gắn đầy bảng cảnh báo phạt tiền nếu xả rác. Trong khi đó ở Việt Nam người ta xả rác quá nhiều, có khi đi ra biển cũng thấy toàn rác và đầu lọc thuốc lá.

Xử phạt mạnh tay

Theo tôi, giải pháp để giải quyết vấn đề trên là áp dụng những hình phạt mà pháp luật đã quy định, chứ không thể chỉ đưa ra quy định cho có còn trên thực tế người dân cứ vi phạm thoải mái. Và nên chăng cần công bố tên tuổi người vi phạm trên các phương tiện công cộng. Ở nhiều quốc gia, chính quyền có những hình phạt rất nặng, mức phạt hành chính rất cao, hoặc thậm chí còn bỏ tù những người có hành vi gây hại nơi công cộng như xả rác, hay xâm nhập và phá hoại tài sản công cộng. Ở Mỹ, xả rác trong công viên có thể bị phạt tiền từ 25 USD đến 500 USD.

Nhiều thành phố ở Mỹ khuyến khích việc vẽ graffiti, xem hoạt động này là nghệ thuật và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, ở những nơi đặc biệt như nhà thờ hay các công trình công cộng, vẫn có người gác suốt ngày đêm để bảo vệ tài sản, cũng như phòng hờ ai đó “nổi hứng” nghệ thuật mà vẽ lên những công trình này. Tôi có nghe chuyện một số bạn trẻ vẽ bậy lên tường nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM và những chuyện tương tự đáng buồn thế này đã xảy ra tại nhiều nơi khác…

Với hành vi đánh bắt cá trái phép mà tôi thấy khá nhiều ở các con kênh dọc TP.HCM, tôi nghĩ lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra và áp dụng các hình thức phạt theo quy định nếu muốn chấm dứt tình trạng này.

Ngoài ra, theo tôi, việc trả lương cao hơn cho những người làm công tác bảo vệ nơi công cộng cũng là biện pháp để khuyến khích họ tâm huyết hơn với công việc của mình, góp phần tích cực ngăn chặn các hành vi phá hoại của công.

Đường phố bốc mùi kinh khủng!

Tôi thấy nhiều người Việt Nam vẫn chưa ý thức đến vấn đề giữ gìn của công, giữ vệ sinh nơi công cộng. Có quá nhiều người cứ vô tư xả rác ra đường. Theo tôi, một trong những giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là luật pháp phải nghiêm khắc. Ví dụ, ở Singapore, họ có luật cấm vứt rác trên đường và thực tế là đường phố Singapore cực kỳ sạch sẽ.

Tại Nhật, chúng tôi đã được giáo dục là phải tôn trọng của công, sử dụng đồ công cộng một cách cẩn thận, không vứt rác ra đường…

Trong thời gian ở Việt Nam, tôi thấy nhiều nam giới đi tè ngay trên đường, hậu quả là đường phố bốc mùi kinh khủng. Chẳng lẽ các bạn bất lực trước việc này sao?TeTsu(người Nhật)

Dạy ý thức bảo vệ của công từ nhỏ
Ảnh do nhân vật cung cấp

“Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ của công. Nếu môi trường giáo dục thu hút được nhiều nhà giáo có hành vi xã hội tốt sẽ rất có ích cho việc truyền dạy ý thức cho các em học sinh

Michael Katkin

MICHAEL KATKIN (người Mỹ) – NGỌC ĐÔNG ghi