Chạy đua khám phá vũ trụ
Tokyo và Bắc Kinh bước vào cuộc đua tìm hiểu những kỳ bí trong vũ trụ, với thử thách nghiên cứu các lỗ đen bí ẩn và sóng hấp dẫn.
Chạy đua khám phá vũ trụ
Tokyo và Bắc Kinh bước vào cuộc đua tìm hiểu những kỳ bí trong vũ trụ, với thử thách nghiên cứu các lỗ đen bí ẩn và sóng hấp dẫn.
Vệ tinh ASTRO-H của Nhật – Ảnh: JAXA |
“Sóng hấp dẫn cung cấp cho chúng ta một công cụ mới để hiểu thêm về vũ trụ, do đó Trung Quốc cần phải tham gia nghiên cứu này |
Nhà vật lý học Hồ Văn Thuỵ thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc |
Trước đây, theo AFP, các nhà thiên văn học chưa bao giờ có cơ hội quan sát trực tiếp một lỗ đen vũ trụ, nhưng công bố đầu tiên về sóng hấp dẫn vừa qua của các nhà khoa học thuộc Đài quan sát sóng hấp dẫn giao thoa kế laser tại Mỹ đã góp thêm bằng chứng hùng hồn cho sự tồn tại thật sự của lỗ đen vũ trụ.
Nhật truy nguồn gốc vũ trụ
Vì thế, thật trùng hợp khi vệ tinh nghiên cứu của Nhật được phóng lên với nhiệm vụ tìm hiểu xem các dải thiên hà đã hình thành như thế nào và vũ trụ ra đời ra sao…
Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật (JAXA) cho biết vệ tinh ASTRO-H, dài 14m, đường kính 9m và nặng 2,7 tấn, là sản phẩm hợp tác phát triển giữa cơ quan này với Cơ quan vũ trụ NASA của Mỹ, Cơ quan vũ trụ Canada và các tổ chức khác.
Vệ tinh ASTRO-H đã đi vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 580km bên trên Trái đất và sẽ thu nhận các tia X phát ra chủ yếu từ các lỗ đen, các cụm thiên hà nhờ 200 tấm kính gắn trên vệ tinh. Các tia này sau đó sẽ được chuyển về những thiết bị tối tân có trên vệ tinh để phân tích.
Trang CBC News cho biết vệ tinh được lắp đặt cả kính thiên văn có thể quan sát tia X mang tên Hitomi, có nghĩa là “con mắt”. ASTRO-H được trang bị máy đo vi nhiệt lượng cho phép quan sát các tia X trong một góc rộng từ vũ trụ, trong khi ba bộ tách sóng khác trên vệ tinh cho phép quan sát băng thông rộng các tia X đến những tia gamma.
Với vụ phóng thành công vệ tinh ASTRO-H hôm 17-2 từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở miền nam nước này, ngành tên lửa Nhật có thể tự hào về tỉ lệ thành công đến 97% của loại tên lửa đẩy H-2A, do JAXA và Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi hợp tác phát triển và khai thác. Phía Nhật cũng đang mong muốn phát triển thêm loại tên lửa này để giảm giá thành, đưa nó ra cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Trung Quốc soi sóng hấp dẫn
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin các nhà khoa học nước này sẽ tiến hành ba dự án riêng biệt tìm hiểu về sóng hấp dẫn, với mong muốn trở thành “người đi đầu thế giới” trong lĩnh vực khoa học này.
Các quan chức trong lĩnh vực vũ trụ của Trung Quốc tin rằng nhờ chương trình vũ trụ được đầu tư nhiều tỉ USD mà chính quyền Bắc Kinh xem là biểu tượng sự tiến bộ của đất nước, họ sẽ có cơ hội thực thi các nghiên cứu quy mô và tham vọng.
Tân Hoa xã đưa tin Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã trình ra một dự án xác định sóng hấp dẫn trong vũ trụ. Theo đó, chương trình được viện đề xuất mang tên Taiji với biểu tượng âm dương của Trung Quốc sẽ đưa các vệ tinh của Trung Quốc lên quỹ đạo hoặc chia sẻ trang thiết bị với sáng kiến eLISA của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
“Sóng hấp dẫn cung cấp cho chúng ta một công cụ mới để hiểu thêm về vũ trụ, do đó Trung Quốc cần phải tham gia nghiên cứu này” – nhà vật lý học Hồ Văn Thuỵ thuộc CAS tuyên bố trên Nhật Báo Trung Quốc.
Ông Hồ cho biết thêm: “Nếu chúng ta phóng vệ tinh của chính chúng ta thì chúng ta sẽ có cơ hội để trở thành người đứng đầu thế giới” trong nghiên cứu sóng hấp dẫn. Ông Hồ khẳng định thành công của dự án “phụ thuộc vào sự quyết tâm của đội ngũ cũng như nguồn đầu tư của quốc gia”.
ĐH Sun Yat-sen tại Quảng Châu cũng chuẩn bị một dự án phóng tên lửa nghiên cứu về sóng hấp dẫn, trong khi Viện Vật lý năng lượng cao tại CAS cũng đang có một dự án mặt đất về vấn đề này ở Tây Tạng.
Ngoài ra trong tuần này, chính quyền Trung Quốc cũng cho sơ tán hơn 9.000 người tại tỉnh Quý Châu để dọn đường cho công tác xây dựng kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới.
Bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực thiên văn học, Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy các dự án khám phá vũ trụ trị giá nhiều tỉ USD, đặc biệt là các kế hoạch về một trạm không gian có quỹ đạo vĩnh viễn trong vũ trụ vào năm 2020 và nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng.