Trong 24 giờ, thế giới mất đi hai nhà văn lớn
Mặc dù đều qua đời ở tuổi thượng thọ, nhưng sự ra đi nối tiếp nhau chỉ trong vòng 24 giờ của nhà văn Mỹ Harper Lee (89 tuổi) và nhà văn Ý Umberto Eco (84 tuổi) vẫn khiến thế giới bất ngờ, tiếc nuối.
Trong 24 giờ, thế giới mất đi hai nhà văn lớn
Mặc dù đều qua đời ở tuổi thượng thọ, nhưng sự ra đi nối tiếp nhau chỉ trong vòng 24 giờ của nhà văn Mỹ Harper Lee (89 tuổi) và nhà văn Ý Umberto Eco (84 tuổi) vẫn khiến thế giới bất ngờ, tiếc nuối.
Hai nhà văn vừa tạ thế Harper Lee (trái) và Umberto Eco – Ảnh: Portafolio |
Người vượt tầm thời đại
Với nữ nhà văn Nelle Harper Lee, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer hạng mục tiểu thuyết năm 1961 cùng tác phẩm Giết con chim nhại, bạn đọc ngỡ ngàng trước thông tin này vì chỉ cách đây vài tháng bà vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai trong đời văn, cuốn Go set a watchman.
Nhà xuất bản HarperCollins cho biết đã bán được hơn 1,1 triệu bản cuốnGo set a watchman chỉ trong vòng một tuần. Đây là kỷ lục sách bán chạy nhất trong lịch sử công ty này.
Nhà văn Haper Lee sinh ngày 28-4-1926 tại Monroeville, bang Alabama. Trong cuộc đời văn nghiệp, cái tên Harper Lee đã đóng đinh với tiểu thuyết đầu tay của bà: Giết con chim nhại.
Cuốn sách đã bán được hơn 30 triệu bản và được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Kể từ năm 2010 tới nay, trung bình mỗi năm vẫn có gần nửa triệu bản tác phẩm này ấn hành.
Tiểu thuyết Giết con chim nhại sau khi phát hành đã liên tục 98 tuần nằm trong danh mục sách bán chạy nhất của New York Times. Theo Telegraph, cho tới cuối đời trung bình nhà văn Harper Lee đã nhận được 3,2 triệu USD mỗi năm tiền bản quyền từ cuốn sách này.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đã nói thế này khi trao tặng nhà văn Harper Lee Huân chương tự do năm 2007: “Nhà văn Harper Lee đã vượt trước thời đại của bà và kiệt tác Giết con chim nhại đã hối thúc nước Mỹ theo kịp bà ấy”.
Và ông Bush cũng đã bày tỏ lòng thương tiếc ngay khi biết tin bà qua đời: “Người con gái của bang Alabama này đã bày tỏ thái độ về lòng tôn trọng, sự bao dung và hơn tất cả, về tình yêu, và điều đó sẽ còn mãi tiếng vang”.
Người chèo lái hai thế giới
Ngày 19-2, báo New York Times đưa hàng tít “Umberto Eco, 84 tuổi, học giả có sách bán chạy nhất và là người chèo lái hai thế giới, đã qua đời”.
Nguồn tin từ gia đình cho biết nhà văn Umberto Eco qua đời tại nhà riêng nhưng chưa rõ nguyên nhân mất. Ông sinh ngày 5-1-1932 tại Alessandria, một thị trấn công nghiệp thuộc vùng Piedmont phía bắc Ý. Ông lập gia đình và có hai con với bà Renate Ramge, kiến trúc sư kiêm giảng viên nghệ thuật.
Trong sự nghiệp đồ sộ của nhà văn Umberto Eco với tư cách một nhà văn kiêm nhà ký hiệu học, lằn ranh giữa học thuật và văn chương dường như chưa bao giờ rõ ràng. Ông đã đưa vào bảy cuốn tiểu thuyết rất nhiều suy ngẫm từ việc nghiên cứu văn hóa.
Nói thông thạo năm ngoại ngữ và cả tiếng Latin lẫn tiếng Hi Lạp cổ điển, ông cũng miệt mài lý giải những vấn đề văn hoá thông qua hệ thống ký hiệu và biểu tượng văn hoá. Ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách về đề tài này trong thời gian giảng dạy tại Đại học Bologna, ngôi trường cổ nhất châu Âu.
Trong công cuộc nối kết giữa hai thế giới văn chương và học thuật, có lẽ không có tác phẩm nào của Umberto Eco thành công hơn cuốn tiểu thuyết đầu tay Tên của đoá hồng, xuất bản lần đầu năm 1980 tại châu Âu, tới nay đã bán được hơn 10 triệu bản và được dịch ra 30 ngôn ngữ. Tại Việt Nam, Công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam đã giới thiệu tác phẩm này qua bản dịch của Lê Chu Cầu.
Các tác phẩm của văn hào người Ý Umberto Eco có ảnh hưởng lớn tới nhiều nhà văn và nghệ sĩ trên thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chíVogue, nhà văn Umberto Eco từng thừa nhận ông không phải là một tác giả dễ đọc:
“Mọi người cứ hay hỏi tôi vì sao những tác phẩm của ông khó đọc như vậy lại có thể thành công và tôi thường cảm thấy bị xúc phạm trước câu hỏi đó. Nó cũng giống như khi anh hỏi một phụ nữ làm thế nào mà những gã đàn ông kia cứ quan tâm tới chị như vậy?”.
Và rồi với giọng điệu mỉa mai quen thuộc, ông nói: “Bản thân tôi cũng thích những cuốn sách dễ đọc khiến tôi có thể ríu mắt ngủ ngay”.