27/12/2024

Huy động toàn lực chống hạn, mặn

Trong ngày 18-2 lãnh đạo nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt vào cuộc dồn lực chống hạn, mặn.

 

Huy động toàn lực chống hạn, mặn

 

 

Trong ngày 18-2 lãnh đạo nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt vào cuộc dồn lực chống hạn, mặn.

 

 

 

 

Huy động toàn lực chống hạn, mặn
Lúa của ông Nguyễn Thành Long (ấp Mỹ Long, xã Chánh An, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) vừa chết sạch 2.000m2 do tưới phải nước bị nhiễm mặn, ông phải cải tạo đất, gieo sạ lại vụ khác vào chiều 18-2 – Ảnh: Chí Quốc

Ngay sau buổi làm việc của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp cấp bách đối phó với thiên tai hạn, mặn, trong ngày 18-2 lãnh đạo nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt vào cuộc.

Ông Trương Cảnh Tuyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết ngay sau buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Hậu Giang đã cho chủ trương khoan sáu giếng tại TP Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, thị trấn Ngã Sáu, khu tái định cư Đông Phú (huyện Châu Thành) và xã Hoà An (huyện Phụng Hiệp) để cung cấp cho nhà máy nước khi thiếu nước ngọt. Hiện toàn tỉnh chỉ có năm máy đo nồng độ mặn nên Hậu Giang trang bị thêm sáu máy nữa nhằm tăng khả năng dự báo và cập nhật liên tục tình hình xâm nhập mặn.

Dời lịch xuống giống để né hạn, mặn

Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hậu Giang cho biết hạn, mặn ảnh hưởng đến khoảng 50.000ha, chiếm 1/2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang. Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay tinh thần chỉ đạo của tỉnh là những nơi nào dự báo hạn, mặn không uy hiếp thì xuống giống vụ hè thu, còn những nơi khác thì dời lịch xuống giống đến tháng 5-2016 để né hạn, mặn.

Tại Kiên Giang, cũng trong sáng 18-2, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng đã chủ trì cuộc họp khẩn về ứng phó với tình hình hạn, mặn bất thường. Theo Sở NN&PTNT, thống kê mới nhất tỉnh này có hơn 34.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn, trong đó diện tích lúa mùa bị thiệt hại hơn 27.000ha, còn lại là lúa vụ đông xuân. Trong khi đó, theo lãnh đạo các huyện, số liệu nói trên là dựa trên khảo sát từ đầu tháng, sau Tết Nguyên đán đến nay con số thiệt hại thực tế đã cao hơn. Chưa kể các huyện Hòn Đất, Kiên Lương còn một diện tích lúa đáng kể đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn trong vài ngày tới.

Tại Vĩnh Long, ông Lưu Nhuận, chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh có ba địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn là các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít. Tỉnh đã lên phương án hỗ trợ nông dân trong việc cấp nước sinh hoạt nếu những ngày tới tình hình hạn, mặn tiếp tục diễn biến gay gắt hơn.

Cụ thể, nếu nước ngọt không cấp được cho dân (qua hệ thống của trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) sẽ hỗ trợ nước bình (20 lít) cho dân với tổng chi phí dự kiến khoảng 1,8 tỉ đồng và thậm chí là huy động sà lan chở nước từ vùng ngọt đến hỗ trợ vùng thiếu nước.

Còn tại Bạc Liêu, ông Lai Thanh Ẩn, chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Bạc Liêu, cũng cho biết hiện địa phương mới chỉ thống kê số hộ bị thiệt hại để hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Hiện tại tỉnh đang huy động toàn lực để chống hạn, xâm nhập mặn trước.

Không biết cầm cự được bao lâu

Sau khi lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chỉ đạo quyết liệt, tình hình lúa chết vì mặn xâm nhập đã có chiều hướng chựng lại. Nước ngọt được bơm liên tục vào khu vực đồng lúa huyện Gò Công Đông. Nhiều nông dân khấp khởi mừng. Lão nông Lê Văn Nết (76 tuổi, ấp Bầu Kênh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông) cho biết cả đời trồng lúa nhưng chưa thấy năm nào hạn và mặn xâm nhập gay gắt như năm nay. Như bao nông dân khác trong vùng, ông Nết xuống giống vụ đông xuân theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh.

Thế nhưng nay 50 công lúa (1 công là 1.000m2) đã gieo sạ được 70 ngày đang héo úa, có nguy cơ mất trắng. Nghe ngành thuỷ lợi đang bơm nước qua cống Xuân Hoà để cung cấp nước ngọt cho vùng lúa Gò Công Đông, ông Nết đã vượt hơn 50km từ nhà đến để chứng kiến tận mắt mới tạm yên tâm.

“Tui thấy trạm bơm nước hoạt động ngày đêm như vầy là tạm yên tâm rồi. Lúa của tui và bà con trong vùng chắc được cứu thôi” – ông Nết bày tỏ niềm vui.

Trái ngược với nông dân tại Tiền Giang, ông Hồ Hữu Dương (ngụ ấp 7, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre) nhìn xuống ruộng lúa đã bị chết cháy gần hết của mình rồi thở dài. Nhà ông Dương có 25 công ruộng (25.000m2) nhưng đã bị thiệt hại 21 công do bị nhiễm mặn quá nặng. “Còn 4 công nữa ngày nào cũng phải bơm nước, vào phân nhưng không biết còn cầm cự được bao lâu” – ông Dương nói.

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, diện tích lúa đông xuân 2015-2016 bị thiệt hại khoảng 10.000ha trong tổng số 14.000ha của tỉnh.

Trong đó khoảng 4.000ha đã bị mất trắng, số còn lại cũng khó loại trừ nguy cơ mất trắng. Không chỉ thiệt hại về cây lúa, các loại cây ăn trái tại Bến Tre, nhất là bưởi da xanh, cũng bị thiệt hại nặng nề vì nhiễm mặn.

Tại huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành, tính tới thời điểm hiện nay có hàng chục hecta cây ăn trái bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hậu quả để lại còn kéo dài trong nhiều năm tới. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng theo uớc tính ban đầu, thiệt hại do mặn gây ra trên toàn tỉnh lên đến hàng chục tỉ đồng.

Công bố thiên tai xâm nhập mặn

Tại cuộc họp bất thường với các sở ngành, đơn vị liên quan để đưa ra các giải pháp đối phó với hệ luỵ từ thực trạng xâm nhập mặn vừa qua, ông Nguyễn Hữu Lập, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã công bố thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 2 – cấp độ cao nhất.

Ông Lập yêu cầu hoạt động của mọi sở ngành, đơn vị và người dân đều phải tuân thủ theo Luật phòng chống thiên tai. Đồng thời các địa phương phải thực hiện nghiêm túc và chính xác công tác thống kê thiệt hại.

Ông Lập cũng đưa ra các giải pháp yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương cần khẩn trương gia cố đê bao, điều tiết một cách có hiệu quả các cống… để giảm thiểu độ mặn trong nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, cũng như để bảo vệ môi trường cho người dân.

“Yêu cầu nhanh chóng hoàn thành các công trình thuỷ lợi để phục vụ nước sinh hoạt cho các khu vực trọng yếu của tỉnh như TP Bến Tre, huyện Châu Thành” – ông Lập chỉ đạo.

Không thể chạy mãi theo thành tích
năng suất lúa

Ông Lê Xuân Hiền – phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Kiên Giang – cho biết ghi nhận tại Kiên Giang cho thấy mức độ xâm nhập mặn đã tăng liên tục từ năm 2013 tới nay.

“Từ năm 2014, Thái Lan đã khuyến khích nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng ít dùng nước do nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm.

Trong khi đó, Việt Nam dường như vẫn cố chạy theo chỉ tiêu xuống giống và năng suất thu hoạch cho bằng được. Theo tôi, đã đến lúc ta nên nghiên cứu cách làm của Thái Lan, không thể cứ chạy mãi theo thành tích năng suất lúa” – ông Hiền đề xuất.

Gợi ý giải pháp chống nhiễm mặn cho đất

Các ý kiến chuyên gia về vấn đề chống nhiễm mặn cho đất dưới đây được khai thác từ trang Researchgate.net, cổng thông tin khoa học do hai tiến sĩ vật lý là Ijad Madisch, Sören Hofmayer và nhà khoa học máy tính Horst Fickenscher thành lập năm 2008 với hơn 8 triệu thành viên, phần đông là các chuyên gia khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tiến sĩ môi trường, khoa học đất đai Vasily Ubugunov thuộc Viện tổng hợp và sinh học thực nghiệm tại Ulan-Ude, Nga cho rằng cách rửa mặn tốt nhất cho đất là trồng những loại cây có khả năng khử mặn. Tuy nhiên, cần lựa chọn giống cây chịu mặn phù hợp. Điều này phụ thuộc vào các điều kiện thổ nhưỡng cũng như đặc trưng nhiễm mặn.

Trồng cây khử mặn cho đất được đánh giá là phương pháp rẻ tiền nhất hiện nay, cộng thêm ưu điểm là không làm mất độ phì nhiêu của đất.

Ngoài ra còn một số phương pháp khác để cải thiện tính chất hóa học của đất như bón cho đất các hóa chất có khả năng ức chế độ mặn. Tuy nhiên, những cách này không loại bỏ được muối, đôi khi còn làm phát sinh thêm các chất ô nhiễm khác trong quá trình xử lý.

Tiến sĩ về khoa học môi trường và kỹ thuật nông nghiệp J. Beltrão của Đại học Algarve ở Faro, Bồ Đào Nha cho rằng các kỹ thuật chống tình trạng xâm nhập mặn của đất có thể được đặc trưng hoá theo bốn thế hệ: 1/ Tình trạng nhiễm mặn vùng rễ do thẩm thấu đất, lúc này tình trạng nhiễm mặn có thể quan sát được; 2/ Sử dụng hệ thống tưới tiêu dưới bề mặt giúp giảm bớt độ mặn nhưng lại có thể dẫn tới nguy cơ nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn do mưa tự nhiên hoặc do quá trình thẩm thấu tự nhiên; 3/ Bón thêm chất hóa học tăng độ chịu mặn, nhưng cũng làm tăng độ nhạy cảm cho đất và tăng nguy cơ bạc màu đất vì các chất độc hại như nitrate; 4/ Sử dụng các loài cây chịu mặn, kỹ thuật này sẽ hữu ích cho cây nhưng lại không giải quyết được vấn đề nhiễm mặn của đất hay nước ngầm.

Tiến sĩ J. Beltrão cho rằng cách hiệu quả nhất để kiểm soát tình trạng nhiễm mặn đất và duy trì môi trường canh tác ổn định phải thông qua việc sử dụng những kỹ thuật sạch và an toàn với môi trường. Ông J. Beltrão chỉ ra các bước: 1/ Sử dụng các loại cây trồng có khả năng loại bỏ muối (các ion); 2/ Sử dụng các giống cây có khả năng chịu hạn vì càng dùng ít nước càng giảm thiểu nguy cơ nhiễm mặn; 3/ Giảm bớt độ mặn bằng cách áp dụng phương pháp điều chỉnh lượng nước tưới thiếu hụt (một kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho cây); 4/ Sử dụng các mức nước đủ tối thiểu cần thiết trong quá trình canh tác.

Tán đồng với giải pháp dùng cây trồng khử mặn, tiến sĩ địa hóa học, quản lý nước và thuỷ lợi Claude Hammecker của Viện nghiên cứu phát triển ở Marseille, Pháp lưu ý thêm về khả năng muối sẽ tập trung trong cây hoặc sẽ kết tinh lại trên lá. Do đó theo ông, nếu cây trồng không được đưa khỏi vùng đất canh tác bị nhiễm mặn, rốt cuộc muối sẽ lại thẩm thấu ngược vào đất sau khi trời mưa.

Tiến sĩ Claude Hammecker cho rằng cách tốt nhất để loại bỏ muối ở vùng rễ cây vẫn là hệ thống kênh mương rửa mặn. Tùy theo điều kiện đất đai và loại rau màu trồng cấy, tuỳ theo độ sẵn có của nguồn nước tại địa phương, hệ thống kênh mương rửa mặn có thể hoạt động theo chiều dọc hay theo chiều ngang so với bề mặt đất canh tác.

D.KIM THOA


N.TRIỀU – H.T.DŨNG – K.NAM – L.DÂN – Q.THANH – C.QUỐC – Đ.TUYÊN – M.TRƯỜNG