23/12/2024

200.000 người dự Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại biên giới Mêxicô – Hoa Kỳ

CIUDAD JUÁREZ – ĐTC tưởng niệm các nạn nhân bỏ mình trên đường vào nước Mỹ và cử hành Thánh lễ trước sự tham dự của 200.000 tín hữu tại Ciudad Juárez, cách biên giới Mỹ 80 mét. Lúc hơn 3 giờ chiều thứ tư 17-2-2016, ĐTC đã đến khu vực hội chợ triển lãm của Ciudad Juárez. Khi vực rộng lớn này có thể tiếp nhận 200.000 người ở quảng trường và hơn 30.000 người ở sân vận động Benito Juárez.

200.000 người dự Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại biên giới Mêxicô – Hoa Kỳ
 

Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ cho 200.000 người tại biên giới Mêxicô – Hoa Kỳ – AP

CIUDAD JUÁREZ – ĐTC tưởng niệm các nạn nhân bỏ mình trên đường vào nước Mỹ và cử hành Thánh lễ trước sự tham dự của 200.000 tín hữu tại Ciudad Juárez, cách biên giới Mỹ 80 mét.

Lúc hơn 3 giờ chiều thứ tư 17-2-2016, ĐTC đã đến khu vực hội chợ triển lãm của Ciudad Juárez. Khi vực rộng lớn này có thể tiếp nhận 200.000 người ở quảng trường và hơn 30.000 người ở sân vận động Benito Juárez. Đến nơi, ngài dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào các tín hữu và cũng đi sát biên giới Mỹ để có thể chào thăm hàng trăm tín hữu Công giáo ở trên đất Hoa Kỳ, chỉ cách nhau bằng hàng rào kim loại, do chính phủ Mỹ dựng lên để kiểm soát làn sóng nhập cư từ Mêxicô. Làn sóng này rất mạnh, làm cho dân Mêxicô sống trên đất Mỹ hiện lên tới hơn 30 triệu người. Số tiền người Mêxicô làm việc ở nước ngoài ngày càng gia tăng và hiện chiếm tới 3% tổng sản lượng của Mêxicô và trở thành một nguồn ngoại tệ quan trọng của Mêxicô. Có nhiều người Mêxicô hiện sống trên đất Mỹ nhưng không có giấy tờ, trong số này có hơn 13.000 người đang chờ bị trục xuất về nước, theo báo ”El Nacional”, Quốc gia, số ra ngày 16-2 vừa qua, trích thuật thống kê của Đại học Syracuse ở Mỹ.

Theo con số do cơ quan biên phòng của Mỹ công bố, đã có 4.353 người chết trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2005 đến 2015, khi tìm đường lẻn từ Mêxicô vào đất Mỹ.

Đến gần biên giới Mỹ, ĐTC dừng lại trước cây Thánh giá lớn được dựng lên để tưởng niệm những người đã vượt bên từ Mêxicô sang Mỹ và đã bỏ mình trong hành trình này. ĐTC cúi đầu cầu nguyện trong thinh lặng rồi đặt một bó hoa trên bàn trước cây Thánh giá. Tại đó có 3 cây Thánh giá nhỏ, ĐTC làm phép, để các Thánh giá này được đưa về 3 giáo phận ở Mỹ giáp biên giới Mêxicô, đó là Giáo phận El Paso, Lac Cruces và New Mexicô.

Dân chúng đứng ở bên kia hàng rào, trên lãnh thổ Mỹ, thuộc hành phố El Paso, bang Texas, vui mừng chào ĐTC và ngài cũng vẫy tay đáp lại.


Thánh lễ

Liền đó, ĐTC tiến vào khu vực hành lễ: 200.000 tín hữu đã chờ sẵn tại đây và dành cho ngài sự chào đón thật nồng nhiệt. Đồng tế với ĐTC Thánh lễ lúc 4 giờ chiều tại Ciudad Juárez, cũng là Thánh lễ cuối cùng ngài cử hành trong cuộc viếng thăm, ngoài các GM và LM Mêxicô, còn có nhiều GM Hoa Kỳ, đặc biệt là ĐHY Sean O’Malley, Dòng Capuchino, TGM Giáo phận Boston và là người đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc mục vụ cho người di cư.

Ngoài ra, có 50.000 tín hữu thuộc Giáo phận El Paso, Hoa Kỳ, tụ tập tại sân vận động Sun Bowl tham dự qua màn hình Thánh lễ do ĐTC cử hành ở Ciudad Juárez.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa Bài đọc I kể lại sự kiện Ngôn sứ Giona loan báo “thành Ninivê sẽ bị tàn phá trong 40 ngàỳ”, và toàn dân, từ nhà vua đến thứ dân đã ăn năn hối cải. 

Ngài nói:

“Ngôn sứ Giona giúp nhìn thấy, giúp ý thức. Ngay sau đó, lời kêu gọi của ngôn sứ thấy có những người nam nữ có khả năng hoán cải, có khả năng khóc. Khóc vì bất công, vì sự sa đoạ, vì đàn áp. Đó là những giọt lệ có thể mở ra con đường dẫn đến sự biến đổi; đó là những giọt nước mắt có thể làm mềm lòng, có thể thanh tẩy cái nhìn và giúp nhìn thấy cái vòng tội lỗi mà nhiều khi ta sa vào. Đó là những giọt lệ làm cho cái nhìn trở nên nhạy cảm và thái độ cứng cỏi, nhất là sự ngái ngủ trước đau khổ của người khác được dịu dàng hơn. Đó là những giọt nước mắt có thể tạo ra một sự đoạn tuyệt có thể giúp chúng ta cởi mở hoán cải.”

ĐTC khẳng định: 

“Lời Ngôn sứ Giona vẫn còn vang vọng mạnh mẽ ngày nay giữa chúng ta; lời này là tiếng kêu trong hoang địa và mời gọi chúng ta hoán cải. Trong Năm Lòng Thương Xót này, cùng với anh chị em, tại nơi này, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót của Chúa, cùng với anh chị em, tôi muốn xin ơn nước mắt, ơn hoán cải.

Tại Ciudad Juárez này, cũng như ở các vùng biên giới khác, có hàng ngàn người di cư từ Trung Mỹ và từ các nước khác tập trung, không kể bao nhiêu người Mêxicô cũng tìm cách qua bên kia biên giới. Một cuộc đi qua, một hành trình đầy những bất công kinh khủng: bị biến thành nô lệ, bị bắt cóc, bị bóc lột, tống tiền, nhiều anh chị em chúng ta trở thành đồ vật thương mại đưa người vượt biên.

Chúng ta không thể chối bỏ cuộc khủng hoảng nhân đạo trong những năm gần đây đã gia tăng sự di cư của hàng ngàn người, trên xe lửa, hoặc trên xa lộ và cả những người đi bộ qua hàng trăm cây số đường núi, sa mạc, những con đường hiểm trở. Thảm trạng con người do sự buộc lòng di cư ngày nay gây ra là một hiện tượng hoàn cầu. Cuộc khủng hoảng này, người ta có thể đo lường bằng những con số, nhưng chúng ta muốn đo lường nó bằng những tên gọi, bằng những chuyện của mỗi người, các gia đình. Họ là những anh chị em bị nghèo đói và bạo lực, nạn buôn bán ma tuý và các tổ chức bất lương thúc đẩy phải ra đi. Đứng trước bao nhiêu trống rỗng về luật pháp, người ta giăng một mạng lưới ngày càng bắt được và phá huỷ nhiều người nghèo hơn. Không những họ chịu đau khổ vì nghèo đói, nhưng nhất là vì những hình thức bạo lực ấy. Bất công trở nên tàn bạo hơn nơi những người trẻ: họ như những con vật bị sát sinh, bị bách hại và đe doạ khi họ tìm cách ra khỏi cái vòng bạo lực và hoả ngục ma tuý, và phải nói gì về biết bao nhiêu phụ nữ bị người ta tước đoạt mạng sống một cách bất công!”

ĐTC kết luận:

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn hoán cải, ơn nước mắt: chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được một con tim cởi mở như dân thành Ninive trước tiếng gọi của Chúa nơi khuôn mặt đau khổ của bao nhiêu người nam nữ. Đừng bao giờ xảy ra chết chóc và bóc lột nữa! Luôn luôn có thời gian để thay đổi, luôn luôn có một con đường để đi ra và một cơ may, luôn có thời gian để khẩn cầu lòng thương xót của Chúa Cha.”

Bài giảng của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần vì những tràn pháo tay hưởng ứng của các tín hữu. Trong bài giảng, ngài cũng chào thăm các tín hữu dự lễ bên kia biên giới và nói: “Tôi lợi dụng dịp này để từ đây chào thăm các anh chị em tháp tùng chúng ta trong lúc này ở bên kia biên giới, đặc biệt những người tụ họp ở Sân Vận động Sun Bowl của Đại học El Paso, dưới sự hướng dẫn của Đức GM bản quyền Mark Seitz. Với sự trợ giúp của kỹ thuật, chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện, ca hát và cử hành lòng thương xót mà Chúa ban cho chúng ta và không có biên giới nào có thể ngăn cản chúng ta chia sẻ với nhau. Xin cám ơn anh chị em ở El Paso, vì đã làm cho chúng ta cảm thấy mình là một gia đình duy nhất, một cộng đoàn Kitô duy nhất.”

Lời cám ơn

Cuối Thánh lễ, Đức TGM José Guadalupe Torres Campos của Giáo phận Ciudad Juárez đã đại diện mọi người cám ơn và tiễn biệt ĐTC.

Ngài đáp từ và cám ơn tất cả mọi người, chính quyền liên bang cũng như tiểu bang và tất cả những người đã cộng tác vào cuộc viếng thăm của ngài. 

ĐTC nói: “Bao nhiêu người phục vụ không tên, trong âm thầm, đã đóng góp hết sức để những ngày này trở thành một đại lễ gia đình: xin cám ơn anh chị em. Tôi cảm thấy được đón nhận, với tình thương mến, lòng hân hoan và hy vọng của đại gia đình Mêxicô: cám ơn anh chị em đã mở cho tôi những cánh cửa cuộc sống và quốc gia của anh chị em.”

Ngài cũng ứng khẩu nói thêm: “Mêhicô là một ngạc nhiên!”: Đêm dài dường như vô tận và dày đặc, nhưng những ngày này tôi có thể nhận thấy nơi dân tộc này có biết bao nhiêu ánh sáng loan báo hy vọng: tôi có thể thấy nơi nhiều chứng nhân của dân tộc Mêxicô, nơi khuôn mặt nhiều người sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục bước đi trên phần đất này, hướng dẫn họ và nâng đỡ niềm hy vọng; nhiều người nam nữ, với những nỗ lực hằng ngày, làm cho xã hội Mêxicô không còn ở trong bóng đêm. Họ là những ngôn sứ của ngày mai, là dấu hiệu một bình minh mới. Xin Đức Mẹ Guadalupe tiếp tục thăm viếng anh chị em, tiếp tục đồng hành trên đất nước này, giúp anh chị em trở thành những thừa sai và chứng nhân về lòng thương xót và hoà giải.”

Giã từ Mêxicô

Sau khi kết thúc Thánh lễ vào lúc 6 giờ chiều giờ địa phương, ĐTC đã ra phi trường quốc tế Ciudad Juárez cách đó 17 cây số để đáp máy bay về Roma. Cũng như khi ngài đến nước này tối ngày 12-2 vừa qua, lần này cũng có hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường để tiễn biệt ĐTC, trước khi ngài được Tổng thống, Phu nhân và một số quan chức chính phủ và giáo quyền chính thức giã từ tại phi trường.

Lúc 7 giờ 15 phút tối giờ địa phương, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không AeroMéxico đã cất cánh, chở ĐTC, đoàn tuỳ tùng và 76 ký giả quốc tế đã cất cánh và sau 12 giờ bay, vượt qua 9.720 cây số, máy bay đã đáp xuống phi trường Ciampino của thành phố Roma, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm mục vụ thứ 12 của ĐTC tại nước ngoài. Và như thường lệ, trên đường từ sân bay về Vatican, ngài đã dừng lại Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện và cảm tạ trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma.

 

G. Trần Đức Anh OP