Chuyện loài khỉ ở đảo Rều
Hơn nửa thế kỷ nay, đảo Rều (thuộc vịnh Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) có một vương quốc khỉ vàng quần tụ sinh sống.
Chuyện loài khỉ ở đảo Rều
Hơn nửa thế kỷ nay, đảo Rều (thuộc vịnh Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) có một vương quốc khỉ vàng quần tụ sinh sống.
Hơn 1.000 con khỉ vàng Macaca Mulatta được nuôi trên đảo Rều phục vụ sản xuất văcxin và các công trình nghiên cứu y học – Ảnh: Đức Hiếu |
Đây là những chú khỉ được nuôi để sản xuất văcxin bại liệt và phục vụ nhiều công trình nghiên cứu y học.
Năm 1962, khỉ vàng Macaca Mulatta bắt đầu được nuôi theo phương pháp bán tự nhiên tại trại chăn nuôi đảo Rều. Từ đó đến nay, nhiều thế hệ khỉ đã góp công lớn cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển y học nước nhà.
Khỉ vàng Macaca Mulatta là nguồn nguyên liệu đầu để sản xuất hàng chục triệu liều văcxin bại liệt mỗi năm, góp phần vào việc thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt tại Việt Nam vào những năm 2000 |
Tiến sĩ NGUYỄN THÚY HƯỜNG |
Kỳ công chăm sóc
Những ngày cuối đông, chúng tôi lên tàu ra đảo Rều trong cơn mưa lất phất xám xịt. 5g30 sáng, trong cái lạnh căm căm, những nhân viên trên đảo đã dậy từ bao giờ, chuẩn bị nấu thức ăn cho bầy khỉ lên tới cả ngàn con. Thực đơn hôm nay có xôi gạo lứt nấu cùng đậu đen, đậu tương…
Tùy vào lịch trong tuần mà sẽ bổ sung trái cây tráng miệng theo mùa cho khỉ như chuối, táo, lê, dưa hấu…
Mở nắp vung nồi xôi vừa chín tới thơm phức, nóng hôi hổi, chị Hà – nhân viên của trại – thoăn thoắt bỏ ra thúng rồi đến những khu “nhà ăn” của khỉ. Đàn khỉ trên đảo chia thành nhiều bầy, mỗi bầy do một chú khỉ đực trưởng thành thống lĩnh cư trú một vùng nên hệ thống nhà ăn cũng được bố trí khắp đảo, cách nhau vài trăm mét.
Tiếng kẻng báo giờ ăn vừa được gõ, khỉ lớn, khỉ bé, khỉ đực, khỉ cái, khỉ mẹ bồng con… lũ lượt chuyền cành kéo về, nhanh tay bốc đồ ăn đầy hai bọng má rồi lại tót lên cây. Bầy khỉ kéo đi, khu nhà ăn như một bãi chiến trường ngổn ngang vỏ hoa quả, thức ăn còn dư thừa…
Trong khi đó, những bác sĩ thú y như trại trưởng Vũ Công Long hay kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Huy Phương lại có nhiệm vụ theo dõi chung đàn khỉ cũng như những chú khỉ được tách riêng để theo dõi, phục vụ việc nghiên cứu.
Gắn bó với đảo, mọi người thường đùa nhau có khi còn thương khỉ như chính con đẻ của mình. Chỉ vài chú khỉ có dấu hiệu sức khoẻ suy giảm là bác sĩ, nhân viên lo lắng không yên, phải tách ra chăm sóc và theo dõi hằng ngày.
Ba đời công tác ở đảo
Trại phó Nguyễn Huy Phương năm nay hơn 40 tuổi nhưng đã có thâm niên làm việc tại đảo hơn 20 năm. Nhà ông có ba đời công tác tại đảo, từ ông bà rồi đến bố mẹ, ông Phương cũng là một thành viên lớn lên tại đảo từ bé.
Nghiêng mái đầu đã điểm hoa râm, ông Phương cười hiền, chia sẻ: “Năm 1989, tôi tốt nghiệp THPT rồi đi biển theo nghề chài lưới được 5 năm. Sau đó, cảm thấy gắn bó với đảo, với bầy khỉ hay quậy phá nên xin về đây làm việc. Tôi lấy vợ trước khi ra đây làm việc, từ đó chồng ở đảo chăm khỉ, vợ ở nhà chăm con. Biết vợ thiệt thòi nhiều nhưng mình đã yêu đảo, yêu việc rồi thì chẳng muốn rời đâu”.
Ngoài ông Phương, hai anh em ông Phạm Minh Tuấn, Phạm Xuân Thái cũng là đời thứ ba lớn lên và trưởng thành từ đảo Rều.
Ông ngoại của hai ông là Phạm Văn Khiên trước cũng là cán bộ nhân viên trung tâm văcxin được cử ra đảo khai hoang, xây dựng đảo. Khi trại chăn nuôi đảo Rều được xây dựng xong, ông Khiên đưa cả vợ con ra đảo sinh sống. Cả gia đình cứ thế sống trên đảo khỉ cho đến khi ông nghỉ hưu.
Hơn 50 năm qua, khỉ vàng trên đảo vẫn được nuôi bán tự nhiên dưới bàn tay chăm sóc của con người, vậy nên chẳng ai rời đảo đi được quá đôi ngày.
Tết trong ký ức của những nhân viên tại đây là những ngày nghỉ vội, đôn đáo về qua gia đình, bạn bè rồi lại sấp ngửa ra đảo. Hoặc không, nhà ở xa thì dăm ba năm mới về quê một lần. Năm nay cũng thế, khi đất liền đã tràn ngập không khí xuân với đào mai khoe sắc thì những người ở đảo khỉ vẫn cặm cụi với công việc thường nhật.
Đóng góp to lớn
Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút polio (thuộc họ virút đường ruột) gây ra, nếu không chữa trị hợp lý có nguy cơ khiến bệnh nhân bị liệt hoặc nặng hơn là biến chứng gây tử vong.
Những năm 1950-1960, bệnh bại liệt bùng phát thành dịch lớn tại nhiều tỉnh thành phía Bắc nước ta. Không sản xuất được văcxin, dịch đã lây lan khiến hơn 17.000 trẻ mắc bệnh và trên 500 trẻ tử vong, mang theo nỗi lo lắng của nhiều gia đình có con nhỏ.
Năm 1962, Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội dưới sự chỉ đạo của giáo sư Hoàng Thuỷ Nguyên đã sản xuất thành công văcxin Sabin (OPV), một trong hai loại văcxin phòng chống bại liệt. Cùng với đó, đảo Rều được xây dựng để trở thành địa chỉ duy nhất trên toàn quốc nuôi đàn khỉ vàng phục vụ nghiên cứu phát triển văcxin bại liệt.
Những chú khỉ được lựa chọn sẽ được nuôi cách ly và kiểm tra xác nhận không có mầm bệnh, đưa về Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC). Sau đó, những chuyên gia tại đây sẽ phẫu thuật lấy thận, tách các tế bào thận riêng rẽ để nuôi cấy trên các chai thuỷ tinh bằng môi trường phát triển, khi tế bào đã phát triển phủ kín một lớp trên bề mặt chai sẽ được gây nhiễm chủng virút polio đã giảm độc lực.
Chủng virút này nhân lên trên tế bào, trưởng thành và giải phóng ra khỏi tế bào tạo thành hỗn dịch văcxin bại liệt bán thành phẩm đơn type. Khi sản xuất văcxin thành phẩm sẽ tiến hành phối trộn ba type virút, bổ sung chất bảo quản, lọc vô trùng và đóng lọ để trở thành văcxin thành phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hường, phó giám đốc POLYVAC, chia sẻ: “Khỉ vàngMacaca Mulatta là nguồn nguyên liệu đầu để sản xuất hàng chục triệu liều văcxin bại liệt mỗi năm, góp phần vào việc thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt tại Việt Nam vào những năm 2000.
Từ đó đến nay, bằng việc duy trì tiêm chủng thường xuyên văcxin bại liệt hằng năm, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được thành quả đó. Ngoài ra, khỉ vàng Macaca Mulatta được lựa chọn là đối tượng nghiên cứu của các đề tài khoa học cũng như kiểm định chất lượng, thử nghiệm tiền lâm sàng nhiều sản phẩm sinh học và văcxin”.
Cách đất liền khoảng 3km, trại chăn nuôi đảo Rều nằm giữa vô vàn đảo đá trên vịnh Bái Tử Long. Từ khi bắt đầu hoạt động năm 1962 đến nay, nhiều lượt bác sĩ, kỹ sư chăn nuôi, nhân viên đã tình nguyện ở lại đảo, chăm sóc và nuôi dưỡng đàn khỉ. Đến nay, qua hơn 50 năm, đàn khỉ đã có số lượng hơn 1.000 con phục vụ công tác sản xuất văcxin phòng bại liệt dạng uống (OPV), thử nghiệm tiền lâm sàng các loại văcxin viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp, thuốc phòng chống virút H5N1… |
Bia tưởng niệm khỉ vàng Trong niềm vui mừng nhìn thấy những liều văcxin được sản xuất phục vụ công tác phòng bệnh, những bác sĩ thú y, nhân viên trên đảo đều dành những phút giây tưởng nhớ đến chú khỉ đã lãnh trách nhiệm hi sinh thân mình cho sự nghiệp y học. Bác sĩ Long kể lại mỗi lần phải bắt khỉ con, ông và những nhân viên đều không thể kìm lòng trước sự quấn quýt của mẹ con nhà khỉ. Biết phải xa con mãi mãi, khỉ mẹ đều giữ chặt con không cho ai đụng đến. Khi đã bị mất con, khỉ mẹ sẽ hằn học với cả những người coi sóc hằng ngày, buồn bã một thời gian dài. Biết là vậy nhưng vì lợi ích của cả cộng đồng nên mọi người không thể không làm việc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhiều chú khỉ vàng đã “đổi” sự sống của mình để lấy sức khoẻ cho hàng triệu trẻ em Việt Nam. Cảm thương trước những lần chứng kiến sự sinh ly, tử biệt của gia đình khỉ, trại trưởng Vũ Công Long đã đề xuất cơ quan được dựng trên đảo một tấm bia tưởng nhớ sự hi sinh đó, để thể hiện cái tình đáp lại cái nghĩa của những chú khỉ vàng Macaca Mulatta. |