23/12/2024

WHO đối mặt với sức ép chống dịch virút Zika

Các chuyên gia y tế quốc tế đang đồng loạt kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lập tức hành động nhanh để ngăn chặn dịch virút Zika gây dị tật não ở trẻ sơ sinh lây lan trên phạm vi toàn cầu.

 

WHO đối mặt với sức ép chống dịch virút Zika

Các chuyên gia y tế quốc tế đang đồng loạt kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lập tức hành động nhanh để ngăn chặn dịch virút Zika gây dị tật não ở trẻ sơ sinh lây lan trên phạm vi toàn cầu.

WHO đối mặt với sức ép chống dịch virút Zika
Nhân viên y tế xịt thuốc chống muỗi Aedes tại một công viên ở ở Buenos Aires, Argentina – Ảnh: AP

Theo Reuters, ngày 28-1, WHO mở phiên họp khẩn ở Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận phương pháp đối phó với dịch virút Zika trong thời điểm nhiều nước đang nỗ lực ngăn chặn dịch.

Mới đây, nhóm nghiên cứu ĐH Georgetown (Mỹ) kêu gọi Tổng giám đốc WHO Margaret Chan rút ra bài học từ dịch Ebola.

Họ cho rằng WHO nên mở cuộc họp với các chuyên gia y tế và bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới để thảo luận phương pháp đối phó và xem xét tuyên bố Zika là khủng hoảng y tế nghiêm trọng, có thể đe dọa sức khỏe người dân thế giới.

Hiện chưa có vác xin hay thuốc chữa Zika. Virút này gây sốt nhẹ, ngứa ngáy và đỏ mắt. Khoảng 80% người nhiễm virút không phát triệu chứng gì, do đó phụ nữ có thai rất khó biết họ có bị mắc bệnh hay không. 

Tháng 4-2014, WHO thừa nhận đã mắc nhiều sai lầm trong cuộc chiến chống virút Ebola ở Tây Phi khiến hơn 10.000 người thiệt mạng. Nhiều nhà y tế chỉ ra rằng WHO phản ứng chậm chạp khiến dịch Ebola bùng nổ trên diện rộng tại Tây Phi.

Trong bài báo trên tạp chí của Hiệp hội Y tế Mỹ (AMA), bác sĩ Daniel Lucey và chuyên gia Lawrence Gostin, hai chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, nhận định virút Zika có thể lây lan từ Brazil tới phần còn lại của châu Mỹ, châu Âu và châu Á.

Bác sĩ Lucey nhấn mạnh chỉ có bà Chan mới có quyền tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới và xem xét coi Zika là trường hợp y tế khẩn cấp mang tầm quốc tế.

Biện pháp này sẽ cho phép các nước hợp tác ra cảnh báo về du lịch, ưu tiên nghiên cứu và thực hiện các biện pháp kiểm soát sự lây nhiễm.

“Việc này cần phải diễn ra ngay lập tức” – bác sĩ Lucey quả quyết.

Trong khi chờ đợi động thái từ WHO, các nước đã có những nỗ lực chống dịch. Chính phủ Mỹ cho biết sẽ cấm những người từng đến các vùng có dịch đi hiến máu. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cũng mở cuộc chiến chống muỗi Aedes làm lây lan virút Zika.

Các hãng hàng không thế giới cũng có hành động cụ thể. Hãng hàng không LATAM lớn nhất Mỹ Latinh cho biết sẽ tạo điều kiện cho hành khách là phụ nữ có thai và người đi cùng thay đổi điểm bay trong các chuyến bay tới Brazil, Colombia, Mexico và các nước khác có dịch.

Hãng hàng không Mỹ United Airlines mở rộng chương trình cho phép hành khách mua vé tới các vùng có dịch được hoãn chuyến đi hoặc trả lại vé và được hoàn tiền 100%.

Virút Zika đang bùng phát ở miền đông bắc Brazil và đã lan đến hơn 20 quốc gia châu Mỹ.

Mới đây Bồ Đào Nha phát hiện năm người nhiễm bệnh sau khi đến Brazil. Bốn trường hợp nhiễm bệnh xuất hiện ở New York (Mỹ). Các bang ở Mỹ như California, Minnesota, Virginia và Arkansas cũng đã phát hiện người nhiễm virút.