Lo cho mình, cùng giúp bạn
Mô hình trồng chuối đã và đang được nhân rộng tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ) do chính đoàn viên, thanh niên tự tay trồng và chăm sóc là câu chuyện tìm kiếm cách lo cho mình và cùng giúp bạn.
Lo cho mình, cùng giúp bạn
Mô hình trồng chuối đã và đang được nhân rộng tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ) do chính đoàn viên, thanh niên tự tay trồng và chăm sóc là câu chuyện tìm kiếm cách lo cho mình và cùng giúp bạn.
Những buồng chuối do thanh niên trồng nặng 12-15kg – Ảnh: T.Trang |
Người tham gia có thêm thu nhập, và lợi nhuận sẽ được dùng để hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo mà không cần đến xã hội hoá.
Giúp mình và giúp bạn
Anh Lê Văn Hoàng, bí thư Quận đoàn Cái Răng, cho biết năm nào quận đoàn cũng phải đến nhiều nơi để “xin” nguồn tiền hỗ trợ người nghèo vào những dịp lễ tết, hay cho học sinh nghèo vào dịp đầu năm học.
“Trong khi lực lượng đoàn viên khó khăn cũng khá nhiều, tại sao không hướng dẫn họ cách thoát nghèo bằng chính sức lực của mình” – anh Hoàng nói.
Anh Hoàng từng nghĩ đến việc giúp thanh niên kinh doanh buôn bán để có thêm thu nhập nhưng không khả quan mấy vì không có vốn, thanh niên chưa có kinh nghiệm mà bày ra buôn bán lại có nguy cơ “mất luôn cả vốn lẫn lời”.
Cân đo đong đếm nhiều lần, lại được lãnh đạo gợi ý nên anh Hoàng chọn cách huy động đoàn viên thanh niên trên địa bàn cùng nhau trồng chuối vừa không tốn chi phí, thời gian thu hoạch ngắn, sản lượng cao lại không sợ “ế” hàng, chỉ cần siêng năng là được.
“Mỗi cây chuối được trồng thường mọc thêm hai, ba cây con nên chuối phát triển xoay vòng, trổ buồng quanh năm” – anh Hoàng chia sẻ.
Địa điểm được chọn để thanh niên trồng chuối là những khu đất công do Nhà nước quản lý nhưng chưa được sử dụng, đất của dự án và một số khu đất trống tại nhà một số đoàn viên.
Từ khi triển khai mô hình năm 2014 đến nay, tổng cộng diện tích trồng chuối hiện quận đoàn quản lý đã hơn 2ha. Tiếp đó, quận đoàn đã đứng ra vay ngân hàng chính sách lấy tiền làm vốn mua 6.000 cây chuối, trong đó có gần 3.000 cây chuối cấy mô triển khai trồng rải rác khắp địa bàn quận, đến nay đã có hơn 10.000 cây chuối đang được trồng.
Anh Hoàng cho biết đa số thanh niên tham gia trồng chuối chỉ một số ít là chưa có việc làm, còn lại các bạn đều có công ăn việc làm nhưng thu nhập tương đối thấp, đây là hoạt động giảm bớt thời gian nhàn rỗi cũng như tăng thu nhập cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn mình.
“Sau khi trừ hết chi phí từ phân thuốc, cây giống, quận đoàn chỉ thu lại 15.000 đồng/cây, còn lại các bạn được hưởng 60-70% lợi nhuận” – anh Hoàng nói.
Bạn Trần Văn Trường (phường Thường Thạnh) đang làm bảo vệ tại một cửa hàng ăn uống, thời gian từ đầu giờ chiều đến tối, buổi sáng rảnh rỗi nên khi nghe quận đoàn phát động, Trường tham gia cho vui.
“Mình chỉ nghĩ tham gia phong trào Đoàn thôi, đâu ngờ “làm chơi ăn thiệt”. Tuy vậy, do chưa có kinh nghiệm trồng trọt nên chuối mình trồng chưa đạt năng suất lắm, những đợt tới chắc chuối sẽ trổ buồng nhiều hơn, có tiền hơn” – Trường phấn khởi.
Sẽ tiếp tục cải tiến
Chị Trịnh Ngọc Bích, bí thư Đoàn phường Thường Thạnh (Q.Cái Răng), cho biết mô hình trồng chuối ra đời dễ thực hiện, lại có sức lan toả rất tốt trong đoàn viên.
“Lúc đầu trong phường chỉ có vài bạn tham gia, sau bạn này rủ bạn khác mà riết đã có hơn 20 người “trực chiến” tham gia từ khâu trồng chuối đến thu hoạch” – chị Bích nói.
Chị Bích khoe thêm ngay cả bản thân thấy đất nhà mình còn trống nên cũng xung phong hùn công, góp đất để tăng diện tích trồng chuối và tăng thu nhập cho thanh niên.
Anh Bùi Thanh Bạc – bí thư Đoàn phường Phú Thứ, một trong những đoàn phường tham gia hưởng ứng trồng chuối nhiều nhất với hơn 500 cây cấy mô – cho biết chuối cấy mô rất dễ trồng, lúc mới trồng chỉ cần tưới thường xuyên khoảng ba tháng. Sau thời gian đó không cần chăm sóc nhiều mà chuối lại ít bệnh, trổ buồng đồng loạt nên rất dễ thu hoạch.
“Lúc đầu tụi tui tự đi tìm thương lái hoặc đến tiểu thương các chợ để chào hàng. Nay thì họ biết tiếng chuối ngon, trái to, thơm nên tự đặt hàng mua. Hiện còn các đơn hàng đặt rồi mà chưa có chuối để cung ứng” – anh Bạc khoe.
Nhưng theo anh Lê Văn Hoàng, khó khăn hiện nay là việc bảo quản chuối vì đa số là đất mượn nên ngoài giờ tưới tiêu chăm sóc thì thanh niên về nhà hết, chuối lại bỏ không nên bị mất trộm cũng khá nhiều.
Hiện tổng số thanh niên trực tiếp tham gia trồng và chăm sóc chuối là hơn 70 người. Dự định sau đợt thu hoạch tiếp theo này, quận đoàn sẽ lựa chọn và giao khoán hết cho thanh niên trách nhiệm tự quản lý, chăm sóc và thu hoạch.
“Theo đó lợi nhuận thu được ngoài việc chia cho những người trực tiếp chăm sóc, phần còn lại quận đoàn sẽ quản lý lập quỹ dành cho thanh niên khó khăn vay vốn xoay vòng, xây dựng nhà nhân ái cho những hộ dân đặc biệt khó khăn” – anh Hoàng tính toán.
Theo thống kê của Quận đoàn Cái Răng, sau một năm trồng chuối và thu hoạch, lợi nhuận quận đoàn thu về gần 40 triệu đồng (chưa kể đợt chuối sắp thu hoạch trước Tết Nguyên đán). Quận đoàn đã lên danh sách tặng quà cho bà con nghèo, sửa sang nhà của thanh niên bị xập xệ, phần còn lại sẽ để thanh niên vay…
Sẽ nhân rộng mô hình Chị Trần Thị Vĩnh Nghi, bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ, cho biết mô hình trồng chuối của thanh niên Quận đoàn Cái Răng đạt hiệu quả cao, thu hút nhiều thanh niên, đã trang trải bớt khó khăn cho thanh niên trên địa bàn. “Hiện chúng tôi đang khảo sát và xin ý kiến UBND TP để nhân rộng mô hình trên tại huyện Vĩnh Thạnh. Đồng thời sẽ xây dựng thương hiệu chuối riêng cho vùng, tuy nhiên trước tiên chỉ trồng nhỏ lẻ, sau đó mới mở rộng từ từ” – chị Nghi nói. |