27/12/2024

Hơn 20 năm đưa người qua đường

Đang giũa chìa khoá cho khách, anh bỏ ngang, cúi xuống góc tủ cầm lấy tấm biển, bước nhanh về phía một bà cụ, cẩn thận dắt bà qua đường.

 

Hơn 20 năm đưa người qua đường

Đang giũa chìa khoá cho khách, anh bỏ ngang, cúi xuống góc tủ cầm lấy tấm biển, bước nhanh về phía một bà cụ, cẩn thận dắt bà qua đường.

Hình ảnh người đàn ông cầm tấm biển dắt người qua đường đã quen thuộc với người dân thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam 22 năm qua. Anh tên là Lê Văn Thịnh, 42 tuổi, làm nghề sửa khoá, hiện sống cùng vợ và bốn con tại khối phố Long Xuyên, thị trấn Nam Phước.

Theo lời anh kể, thời anh mới 20 tuổi, ngã ba thị trấn Nam Phước – Quốc lộ 1A này đã đông đúc xe cộ qua lại nên anh đã chọn làm nơi hành nghề. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính, vì nhà anh chỉ cách đó khoảng 500m. Anh chọn ngã ba là để có điều kiện làm cái “công việc” mà anh mong muốn, là đưa người qua đường.

Các đối tượng được anh ưu tiên là học sinh, người già và phụ nữ mang thai. Nhiều học sinh đã được anh đưa qua đường suốt từ tiểu học đến hết cấp II. Tôi hỏi: “Điều gì đã thúc đẩy anh làm việc đó?”. Anh cười, nói có vẻ xa xôi: “Cái không gian sống này hình như chật chội quá, tôi muốn làm cho nó thoáng đãng hơn một tí. Mà tôi nghĩ, làm được thì làm, còn làm không được thì im lặng mà sống, không nói chi hết”.

Hon 20 nam dua nguoi qua duong
Học sinh an toàn qua đường dưới sự hướng dẫn của anh Thịnh

Cái vụ “im lặng” – “không nói chi” mà anh ám chỉ là lúc anh mới làm chuyện dắt người qua đường thì ai cũng bảo anh… điên. Ai nói gì anh cũng bỏ ngoài tai, chỉ những hình ảnh đau thương do tai nạn nơi ngã ba này, dù đã hơn 20 năm, anh vẫn nhớ rất rõ. Đó cũng là nguyên nhân anh vẫn làm mãi việc ấy.

Từ xa, có bốn học sinh tiểu học đi tới, quanh quẩn nơi anh sửa khoá như chờ đợi. Rồi anh buông đồ nghề, cúi người xuống cầm tấm biển dẫn các em qua đường, xong tiếp tục trở lại với công việc.

Có người khách nôn nóng, bảo anh tranh thủ làm nhanh, anh thủng thẳng: “Nếu anh chấp nhận làm thì vui lòng chờ đến lượt; còn việc của tôi, tôi không cho phép mình cẩu thả”. Tôi hỏi: “Đang làm, anh bỏ đi như rứa, không sợ mất khách à?”. Anh cười: “Nếu đã sợ thì tôi đã không làm. Những khách không bỏ đi là những người hiểu tôi. Còn những người không hiểu, bỏ đi, thì đã… đi từ lâu rồi”.

Một học sinh đeo phù hiệu Trường tiểu học số 3 Nam Phước nói: “Con học lớp 3, ba má con đều làm công nhân, không về sớm đón con được. Con cũng tự đi được, nhưng qua đường xe cộ đông quá nên con sợ, phải chờ chú Thịnh dẫn qua, còn không là cứ đứng miết…”. Chỉ tấm biển mà anh cầm để dẫn người qua đường có nội dung: “Stop! Chú ý! Nhường đường cho người già và trẻ em”, anh bảo, nó có “tuổi đời” cũng gần 10 năm rồi, do công an thị trấn Nam Phước tặng. Sau đó, anh “sắm” thêm chiếc còi, ra dáng chuyên nghiệp hẳn.

Khách vãn, anh kể tôi nghe về nỗi ám ảnh của các vụ tai nạn, rồi khẳng định: “Tôi phải làm việc này thôi. Khi nào già yếu mới nghỉ”. Đã có những lúc anh bị cánh tài xế xe tải đòi… đánh vì cản đường. Anh thở dài: “Văn hoá giao thông của mình tệ lắm. Qua ngã ba mà phóng ầm ầm, bóp còi inh ỏi. Có biển báo giảm tốc độ, có vạch cho người đi bộ sang đường, mà họ vẫn không chịu nhường. Tội mấy đứa nhỏ, cứ sợ hết vía mà đứng lơ ngơ…”.

Hỏi thêm, tôi giật mình khi nghe mỗi ngày có đến hàng trăm học sinh qua lại ngã ba này. Như vậy, mỗi ngày anh Thịnh phải dắt học sinh qua đường rất nhiều lần, chưa kể người già yếu. Giờ học sinh tan trường sáng chiều là những lúc anh tất bật nhất.

Vài năm trở lại đây, anh còn tìm đến những mảnh đời khó khăn để tìm hiểu rồi kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. “Mình cũng nghèo, không có tiền giúp đỡ nên chỉ còn cách kêu gọi mọi người chung tay”, anh nói.

 

 

Lê Xuân