23/12/2024

Việc thống nhất cách đặt dấu giọng trên vài vần oa, oe và uy

Các bạn thân mến, sau khi dự Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ quốc ngữ”, Hành Khất Kitô mong ước chính người Công giáo đi bước đầu trong việc thống nhất cách đánh dấu trong những sách báo Công giáo. Xin chia sẻ với các bạn thư gửi cho những người có trách nhiệm để cổ vũ việc này.

 

Việc thống nhất cách đặt dấu giọng

trên các vần oa,oe và uy

 

Người gửi: Lm. Nguyễn Ngọc Sơn,

1B Tôn Thất Tùng, P. Phạm Ngũ Lão,
Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh. Đt: 0908 411106
Email: [email protected]

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/1/2016

 

Kính gửi: Ông Hoàng Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch
51 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Email: [email protected]

Kính thưa Ông Bộ trưởng,

Tôi là Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn. Trước đây tôi là giảng viên ở Khoa Kỹ Thuật In của Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM từ năm 1988-2004, Khoa Ngữ văn Báo chí của Đại học Tổng hợp TP.HCM trong những năm 1995-1996 và Khoa Mỹ thuật Công nghiệp của Đại học Kiến Trúc TP.HCM 2002-2004. Nay tôi đang giảng dạy cho một số Học viện Công giáo.

Khi đọc Báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ và nhiều sách báo khác cũng như các thông báo, bảng hiệu của các cơ quan chính quyền, tôi thấy việc đặt dấu giọng trên các vần oa, oe, uy (thí dụ: hóa, hòe, hủy) không tương ứng với cách đặt dấu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phổ biến cho các em học sinh từ lớp Một, cũng như trong một vài cuốn Từ điển như Từ Điển Bách khoa Việt Nam của Hội Đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (thí dụ: hoà, hoè, huỷ). Ngay trong trang web của Quý Bộ, từ “văn hoá’ cũng đặt dấu sắc không thống nhất, lúc trên chữ “o”, lúc trên chữ “a”.

Tôi đã nghiên cứu vấn đề, xem lại cách đặt dấu từ thời Alexandre de Rhodes (1651) đến nay qua các từ điển xuất bản và mong ước người Việt chúng ta sẽ sớm thống nhất được cách đặt dấu để giúp cho những ai học tiếng Việt, nhất là người nước ngoài, thấy được sự hợp lý của tiếng nước ta. Đây cũng là góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam. Đó là lý do tôi xin gửi đến Quý Bộ bài nghiên cứu của tôi về việc thống nhất dấu giọng trên vài vần trong tiếng Việt cho phù hợp với ngôn ngữ học hiện đại. Bài này cũng được phát biểu trong cuộc Hội thảo khoa học “Bình Định và chữ Quốc ngữ” vào ngày 13/1/2016 tại Tp. Quy Nhơn vừa qua. Rất mong được Quý Bộ quan tâm. Tôi cũng xin chuyển đến Ông lá thư gửi đến ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì vấn đề có liên quan chặt chẽ giữa 2 Bộ với nhau.

Kính chúc Ông Bộ trưởng và các viên chức chính quyền trong Bộ luôn an mạnh, hạnh phúc và đạt nhiều thành công trong Năm Mới.

Trân trọng.

Lm. Nguyễn Ngọc Sơn