Sư cô nghèo tụng kinh nuôi tám đứa trẻ bệnh…
Một phụ nữ tu tại gia, sống trong căn nhà nhỏ nằm trong hẻm xa tít giữa lòng TP Châu Đốc, đã cưu mang tám đứa trẻ nghèo, cơ nhỡ nhiều năm nay.
Sư cô nghèo tụng kinh nuôi tám đứa trẻ bệnh…
Một phụ nữ tu tại gia, sống trong căn nhà nhỏ nằm trong hẻm xa tít giữa lòng TP Châu Đốc, đã cưu mang tám đứa trẻ nghèo, cơ nhỡ nhiều năm nay.Bà Sáng với các em mồ côi được bà nuôi dưỡng nhiều năm nay trong căn nhà chật hẹp giữa lòng thành phố – Ảnh: BỬU ĐẤU
Để có tiền lo cho các em ăn học và sinh hoạt hằng ngày, cô phải đi tụng kinh kiếm tiền và xin cơm, gạo của các chùa…
Đó là bà Phạm Thị Kim Sáng, 60 tuổi, pháp danh Hiền Liên, ngụ tổ 32, khóm Châu Long 2, P.Châu Phú B, TP Châu Đốc, An Giang. Trong căn nhà nhỏ chưa đến 30m2 là tổ ấm của tám em mồ côi cha mẹ hơn 15 năm qua.
Tụng kinh nuôi con nuôi
Bà Sáng cho biết ngay từ nhỏ lúc 16 tuổi bà đã lén gia đình đi xuất gia, thế nhưng bị gia đình phát hiện rồi bắt về. Năm 21 tuổi, bà quyết định lên tỉnh Lâm Đồng xuất gia trong một ngôi chùa. Đến năm 2003 mẹ mất nên bà phải quay về nhà lo tang gia. Kể từ đó, bà đi đám tang thấy em nào mồ côi không người nuôi là bà nhận về nuôi.
Hơn 15 năm qua bà đã nhận nuôi được chín em. Một em trong số này đã được gia đình nhận lại nên hiện còn lại nhà bà tám em. Trong số này có ba em có giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện, một em bị đau não chỉ mới 5 tuổi nhưng phải nhập viện thường xuyên, hai em theo học cấp I và cấp II ở Trường THCS Thủ Khoa Huân, hai em còn lại chưa được đi học vì không làm được giấy tờ nhập học.
Nhắc đến những đứa con nuôi của mình, bà Sáng rưng rưng nước mắt kể về trường hợp bé Phan Thị Ngọc Diễm, 4 tuổi. Vào một ngày đầu năm 2013, khi bà vừa mở cửa thì thấy một em bé hơn 7 tháng được ai đó bỏ trước nhà mình trong tình trạng sắp chết.
Thấy vậy bà liền trình báo công an rồi đưa bé vào bệnh viện chăm sóc và làm thủ tục nhận nuôi em đến nay. Tuy nhiên, các bác sĩ nói em không được bình thường do bị đau não từ nhỏ. Mỗi lần em phát bệnh phải nằm viện vài ngày mới khỏi.
“Tôi cũng không biết cha mẹ cháu bé là ai. Từ lúc nuôi nó đến giờ đã tốn không biết bao nhiêu tiền. Nhiều khi thấy cháu phát bệnh nằm lăn lóc mà lòng tôi đau lắm. Tôi phải đi tụng kinh để kiếm tiền lo cho nó. Sau này nhờ nó được hưởng bảo hiểm y tế và trợ cấp của Nhà nước nên cũng đỡ!” – bà Sáng nói.
Theo bà Sáng, lúc trước bà làm hồ sơ thủ tục nhập học cho bốn em nhưng vì các em không được bình thường nên chỉ học một hoặc hai năm đã bỏ học. Hằng ngày để có tiền nuôi tám miệng ăn, bà Sáng phải đi tụng kinh ở các đám tang hay qua tịnh xá Ngọc Châu xin gạo, tiền lo cho các em ăn, thậm chí tiền đóng học phí cho các em cũng được bà chắt mót từ tiền tụng kinh.
Hôm chúng tôi ghé thăm cũng là lúc bà và các em đang quây quần bên nhau ăn cơm trưa. Vừa xoa đầu em Nguyễn Thị Cẩm Tú, 5 tuổi, bà nói: “Bé này mẹ chết, cha bỏ nên bơ vơ ở với bà ngoại ở Phú Quốc. Thấy vậy bà này cho tôi nuôi. Bây giờ nó gần tuổi đi học mà chưa làm giấy tờ gì được nên cũng lo lắm”.
Tâm nguyện
Khi chúng tôi đặt vấn đề cuộc sống còn gặp khó khăn thiếu trước hụt sau, chỗ ở chật hẹp thì làm sao nuôi dưỡng các em nên người, bà Sáng nói: “Tâm nguyện tôi từ đó đến giờ là cứu giúp mấy em mồ côi, cơ nhỡ này. Khi nào tôi ngã xuống thì lúc đó mới ngừng nhận nuôi các em. Còn đủ sức lực thì bằng mọi cách tôi sẽ giúp các em được ăn học, được có mái nhà chứ không thể để các em cơ nhỡ không ai nuôi dưỡng được”.
Em Phan Thị Kim Phụng, 15 tuổi, đã ở với bà Sáng từ khi lên 2 tuổi đến nay. Em cho biết từ nhỏ cha mẹ mất sớm nên hằng ngày lang thang khắp nơi. Trong một lần tình cờ bà Sáng gặp em đang bị trẻ cùng lứa ăn hiếp nên nhận về nuôi đến nay.
“Bà không chỉ lo lắng cho em như con mà còn cho em ăn học. Bà còn sắm xe đạp cho em đi học hằng ngày ở Trường Thủ Khoa Huân. Nếu không có bà, không biết cuộc đời em sẽ ra sao” – Phụng nói.
Bà Sáng cho biết trong số tám đứa trẻ cũng có em còn cha còn mẹ nhưng cũng cho bà nuôi vì hoàn cảnh khó khăn. Số em mồ côi thì ở nhiều tỉnh như Kiên Giang, Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang, Long An…
Điều bà lo lắng nhất là ngôi nhà chật hẹp, các em phải chen lấn nhau mới nằm ngủ được. Nếu cho đi học hết thì bà không có khả năng lo. “Cũng nhờ tôi tu tại gia nên nhiều người ghé cúng Phật. Nhờ tiền này tôi mới lo cho các em được” – bà Sáng nói.
Ông Lưu Vĩnh Nguyên trao tặng quà cho bà Sáng – Ảnh: BỬU ĐẤU
Chính quyền sẽ tiếp sức giúp cô
Ngày 13-3, sau khi nhận thông tin của PV Tuổi Trẻ về một sư cô nuôi các trẻ mồ côi, bệnh tật, ông Lưu Vĩnh Nguyên – bí thư Thành uỷ Châu Đốc – đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và tặng 5 triệu đồng cho bà Sáng.
Tại đây, sau khi thăm hỏi và khảo sát nhà bà Sáng, ông Nguyên đã yêu cầu Ban khóm Châu Long 2 và chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Châu Đốc lập danh sách các con nuôi của bà Sáng để đưa vào diện được hưởng chế độ trợ cấp xã hội và hưởng bảo hiểm y tế.
“Rất cảm ơn PV báo Tuổi Trẻ đã chia sẻ thông tin về hoàn cảnh này. Tôi đã chủ động chỉ đạo làm hồ sơ, thủ tục để các em này nhận tiền trợ cấp và bảo hiểm y tế. Từ đây về sau, cô Sáng có chuyện gì khó khăn cứ liên hệ với Mặt trận, không thì cô có thể liên hệ trực tiếp cho tôi. Nuôi trẻ bình thường đã khó, còn cô nuôi nhiều trẻ bệnh tâm thần như vậy thì TP Châu Đốc phải có trách nhiệm tiếp sức cô” – ông Nguyên nói.