23/12/2024

Tuần cầu cho sự hợp nhất các Kitô hữu

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta khai mạc tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất. Mối bận tâm tái lập sự hợp nhất liên hệ đến toàn thể Giáo hội, tín hữu cũng như chủ chăn, mỗi người đều phải lưu tâm tùy theo sức riêng của mình. Nỗi bận tâm này chứng tỏ một phần nào sự liên kết huynh đệ vốn tiềm tàng giữa các Kitô hữu và dẫn đưa tới sự hợp nhất đầy đủ và toàn hảo theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đề tài chúng ta suy niệm trong năm nay là lời mời gọi của Thánh Phêrô: “Được kêu gọi để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa”.

  

TUẦN CẦU CHO SỰ HỢP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

(Từ ngày 18/1 – 25/1/2016)

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta khai mạc tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất. Mối bận tâm tái lập sự hợp nhất liên hệ đến toàn thể Giáo hội, tín hữu cũng như chủ chăn, mỗi người đều phải lưu tâm tùy theo sức riêng của mình. Nỗi bận tâm này chứng tỏ một phần nào sự liên kết huynh đệ vốn tiềm tàng giữa các Kitô hữu và dẫn đưa tới sự hợp nhất đầy đủ và toàn hảo theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đề tài chúng ta suy niệm trong năm nay là lời mời gọi của Thánh Phêrô: “Được kêu gọi để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa”.

 

NGÀY THỨ 1: HÃY LĂN TẢNG ĐÁ RA

(Thứ hai ngày 18/1/2016)

Nhân loại đang phải gánh chịu biết bao khổ đau do sự chia rẽ, bất hoà và thù hận. Giáo hội Công Giáo chúng ta cũng đang mang những thương tích do những yếu đuối của con cái gây nên. Những thương tích ấy như tảng đá đang giam hãm chúng ta trong ngôi mộ tinh thần.  Nhưng nếu chúng ta đem tất cả những đau khổ này lên Chúa Giêsu trên Thập Giá, thì lịch sử sẽ không dừng lại ở đó để đóng khung chúng ta trong những ngôi mộ của sự chết. Thật vậy, kỳ công của Thiên Chúa là đây: chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ làm rung chuyển mặt đất, lăn tảng đá ra, giải thoát và gọi chúng ta ra ngoài trong buổi sáng của một ngày mới. Khi đó, trong buổi bình minh mới, chúng ta được liên kết với các anh chị em, những người cũng từng bị giam cầm và đau khổ. Và tương tự như Madalena, chúng ta phải “vội vã rời đi” khỏi thời điểm quan trọng của niềm vui này, để đi ra loan báo cho những người khác những gì Chúa đã làm.

Trong cái nhìn của nhân loại, sức mạnh của sự dữ và tính ích kỷ như vực sâu thẳm nuốt gọn những nỗ lực xem ra quá nhỏ bé và mỏng manh của con người. Nhưng chúng ta hãy vững tin vào lời Chúa Giêsu nhắn nhủ ta: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

Giờ đây, chúng ta hợp dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho phong trào Đại Kết có được những hoa trái như lòng Chúa ước mong.

NGÀY THỨ 2:

ĐƯỢC GỌI LÀM NGƯỜI ĐƯA TIN VUI

(Thứ ba ngày 19/1/2016)

 “Niềm vui Tin Mừng mời gọi tất cả chúng ta sống lời sấm của tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” 

Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến và mang Tin Mừng giải thoát cho chúng ta, một Tin Mừng có thể chữa lành những con tim tan vỡ và giải phóng chúng ta khỏi những ràng buộc đang trói chặt chúng ta. Ước gì, chúng ta chia sẻ được kinh nghiệm của Thánh nữ Êlisabéth: “Thiên Chúa đã đặt vào lòng tôi một sự khát khao vô biên, một nhu cầu yêu thương thật lớn, mà chỉ có Người mới có thể làm cho tôi thoả mãn. Vì thế, tôi đến với Người như một đứa trẻ cần đến người mẹ, bởi vì Người lấp đầy lòng tôi, chiếm ngự lòng tôi và đón nhận tôi trong cánh tay của Người”.

Trong thánh lễ sắp dâng, xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta gặp được Chúa Giêsu, gặp được Tin Mừng giải thoát, và gặp được Niềm Vui để rồi lại mau mắn lên đường chia sẻ Niềm Vui ấy cho mọi người, xây dựng tình thương hợp nhất nơi cộng đoàn chúng ta đang sống, nhờ đó góp phần làm phát triển sự hợp nhất của toàn thể Giáo hội và cộng đồng nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho sự hợp nhất trong Giáo hội Công Giáo.

 

NGÀY THỨ 3: CHỨNG TỪ HUYNH ĐỆ

(Thứ tư ngày 20/1/2016)

 Những sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một chướng ngại cho việc Phúc Âm hoá. Thế giới không thể tin rằng, chúng ta là môn đệ của Đức Kitô, một khi tình yêu của chúng ta dành cho người khác không hoàn toàn.

Có lẽ đối với chúng ta, việc cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu còn nhiều xa lạ. Chúng ta có thể phần nào mang trong mình nỗi xót thương cho một nhân loại đang chém giết nhau một cách bạo tàn. Nhưng chúng ta dường như chưa thể cảm nếm sâu xa nỗi đau đớn của Thiên Chúa khi con cái của Ngài, trong đó có chúng ta, đang chia rẽ, đôi khi hận thù nhau.

Với thánh lễ chúng ta sắp dâng, nhờ lời chuyển cầu của Cha Thánh Giuse,  xin cho chúng ta có thể đi sâu vào cung lòng thương xót của Thiên Chúa, để cảm nếm Người thương chúng ta dường nào, nhờ đó chúng ta cũng biết yêu thương anh chị em của mình như vậy. Đồng thời chúng ta cũng cầu xin cho sự hợp nhất giữa Giáo hội Công Giáo và Chính Thống.

 

NGÀY THỨ 4:

MỘT DÂN TƯ TẾ ĐƯỢC MỜI GỌI

ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

(Thứ Năm, ngày 21/01/2016)

 “Trong thế giới ngày nay, không gian sống của chúng ta bị tràn ngập bởi lời nói. Những lời ấy có sức mạnh xây dựng lẫn tàn phá. Nhưng hơn hết, chúng ta đã được nghe Lời của Thiên Chúa, Lời mời gọi chúng ta đến sự hợp nhất.

Hơn nữa, chúng ta là dân Tư Tế. Nếu chúng ta hợp nhất với nhau để tuyên xưng Đức Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ, thì lời đó không là những giọt nước bình thường tan trong đại dương nhưng còn có sức mạnh lớn lao để biến đổi con người.

Ước gì chúng ta luôn biết để cho Lời Chúa thấm nhập và thánh hoá, để một khi tâm hồn ta đầy tràn Lời Cứu Độ, chúng ta sẽ dễ dàng nói những lời yêu thương và tha thứ, tri ân và khích lệ. Đó là những lời mang sức mạnh biến đổi con người trong ơn cứu độ, trong niềm vui của Thiên Chúa.

Giờ đây, mời cộng đoàn cùng bước vào thánh lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa các anh em Tin Lành và Giáo hội Công Giáo.

 

NGÀY THỨ 5:

TÌNH HUYNH ĐỆ CỦA CÁC TÔNG ĐỒ

(Thứ Sáu, ngày 22/01)

 “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau.”

Con đường hoàn thiện hệ tại đức ái, nghĩa là tình yêu đích thực, tình yêu mà Thiên Chúa đã mạc khải trong Đức Kitô. Bác ái là ân huệ “lớn lao nhất” mang lại giá trị cho mọi ân huệ khác… Vào giờ phút cuối cùng, khi chúng ta diện đối diện với Thiên Chúa, thì tất cả những ân huệ khác đều biến mất, ân huệ duy nhất còn tồn tại vĩnh viễn, đó là đức ái, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, và chúng ta sẽ giống như Người, sẽ hiệp thông trọn vẹn với Người.” Tình yêu đối với tha nhân chính là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, là dấu chỉ, là bảo chứng chắc chắn cho sự hợp nhất của ta với Thiên Chúa ngày sau hết.

Sự chia rẽ giữa các mục tử, ngay cả giữa các tông đồ giáo dân với nhau vừa là một phản chứng lớn lao, vừa phá đổ tình hợp nhất của cộng đoàn Kitô nơi chúng ta hiện diện, gây nên những vết thương trong lòng Giáo hội. Xin cho tất cả chúng ta, từ những mục tử đến các tín hữu, từ tông đồ giáo dân đến các người phục vụ âm thầm… luôn được đầy tràn Thánh Thần tình yêu, để chúng ta có thể vượt thắng mọi chia rẽ, bất hoà, luôn biết dùng tình yêu và lòng thương xót mà đối xử với nhau, mà thi hành nhiệm vụ, để luôn là những người bảo vệ và xây dựng tình thương hợp nhất từ gia đình đến cộng đoàn giáo xứ, góp phần xây dựng sự hợp nhất trong Giáo hội hoàn vũ và cộng đoàn nhân loại. 

Trong thánh lễ này, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa các anh em Anh Giáo và Giáo hội Công Giáo.

 

NGÀY THỨ 6:

ANH EM HÃY LẮNG NGHE GIẤC MƠ NÀY!

(Thứ Bảy, ngày 23/01/2016)

Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu làm đau lòng người. Các Giáo hội đau đớn bởi không có khả năng quây quần chung nơi Bàn tiệc của Chúa như trong một gia đình; đau khổ bởi sự hận thù và tranh giành trong lịch sử.

Thế nhưng, “Đức Kitô vén mở cho chúng ta một viễn cảnh, một sứ điệp của vương quốc của Cha Người. Đó là viễn ảnh hợp nhất. Nhưng cũng giống như anh em của Giuse, đôi lúc điều đó làm chúng ta khó chịu, chúng ta nổi giận và chúng ta e ngại, vừa vì viễn cảnh ấy, vừa vì những gì dường như hàm chứa trong đó. Điều này đòi chúng ta thuận phục và nghiêng mình trước Thánh Ý của Chúa. Chúng ta lo lắng bởi vì chúng ta có ý nghĩ sợ những gì chúng ta có thể mất đi. Nhưng viễn cảnh đó không mang đến điều gì đó mất đi, mà hàm chứa những cuộc tìm gặp lại giữa các anh chị em từng bị lạc mất, một sự trở lại hợp nhất gia đình.” 

Nhìn vào công trình đại kết, dường như vẫn chỉ là một giấc mơ quá xa vời. Khoảng cách quá rộng như không tìm được cây cầu đủ dài để nối liền. Lòng ích kỷ quá lớn như chẳng thể đong đầy bởi tình yêu. Thế nhưng, chính Chúa đang ở với chúng ta. Tình yêu và quyền năng Ngài đang hoạt động trong Giáo hội. Điều quan trọng là trong sự bất lực của phận người, chúng ta vẫn vững niềm cậy trông để tha thiết cầu nguyện và đặt những bậc thang yêu thương bé nhỏ từng ngày, từng ngày, để rồi Chúa sẽ ghép lại thành “cây cầu” đủ dài làm hiện thực giấc mơ vĩ đại vào ngày mà chỉ mình Chúa biết trong tình yêu nhiệm mầu của Người.  

Trong thánh lễ sắp dâng, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa các anh em Do Thái giáo, Hồi Giáo và Giáo hội Công Giáo.

NGÀY THỨ 7:

LÒNG HIẾU KHÁCH TRONG LỜI CẦU NGUYỆN

(Chúa nhật 24/1/2016)

Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên thành viên trong gia đình Thiên Chúa là Giáo hội, được trở nên chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô và được chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Chúa, làm chứng nhân giữa trần gian này. Hôm nay, chúng ta tha thiết xin Chúa cho mỗi người luôn ý thức về sứ mạng của mình và nỗ lực biến đổi đời sống thành lời rao giảng Tin Mừng của Chúa cho thế giới này.

Ước gì chúng ta luôn biết thường xuyên cầu nguyện cho sự hợp nhất của Giáo hội, nếu có thể, hãy mời những anh em Kitô hữu khác cùng cầu nguyện với chúng ta, nhờ đó Giáo hội được trở nên chốn nghỉ ngơi và bồi dưỡng, nơi mà những người tuy còn khác biệt nào đó với chúng ta trong đức tin và sự thờ phượng, vẫn có thể chung lòng với chúng ta chúc tụng và cảm tạ Chúa.

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta bước vào thánh lễ cách sốt sắng để cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa anh em Do Thái giáo, Hồi giáo, và Công Giáo.

NGÀY THỨ 8:

HƯỚNG VỀ ANH EM CHƯA BIẾT CHÚA

(Thứ hai ngày 25/1/2016)

Dân số thế giới vào năm 2015 đã lên tới gần 8 tỷ người. Thế nhưng hai phần ba nhân loại chưa được nghe biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người.

Ngày kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu được hợp nhất hôm nay, cũng là ngày chúng ta mừng lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, đưa lòng chúng ta đến với tất cả những người chưa nhận biết Chúa hay chưa tin Chúa để cầu nguyện cho họ.

Ước gì, nhờ đời sống chứng tá và lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng của chúng ta, mà nhiều người chưa nhận biết Đức Kitô, được Chúa Thánh Thần tác động và dẫn đưa họ đến với Chúa Giêsu, tuyên xưng Người là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất của cuộc đời họ, nhờ đó, Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô ngày càng thêm phong phú, sung mãn hơn.

Giờ đây, chúng ta cùng hân hoan bước vào thánh lễ , xin Chúa giúp chúng ta được trở nên những chứng nhân nhiệt thành của Tin Mừng, không chỉ bằng lời, nhưng bằng cả cuộc đời cầu nguyện và nhiệt thành sống đức tin, để không chỉ làm cho Hội Thánh thêm phong phú, nhưng ngày càng thêm xinh đẹp nhờ đời sống thánh thiện của mỗi người chúng ta.