26/12/2024

Nghiên cứu vì người bệnh

Luôn thôi thúc bản thân đi tìm cái mới để làm tốt hơn công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Văn Bình, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), đã có nhiều sáng kiến và nghiên cứu khoa học được đánh giá cao.

 

Nghiên cứu vì người bệnh

 

 

Luôn thôi thúc bản thân đi tìm cái mới để làm tốt hơn công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Văn Bình, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), đã có nhiều sáng kiến và nghiên cứu khoa học được đánh giá cao.

 

 

 

 

Bác sĩ Huỳnh Văn Bình đang tham gia hiến máu - Ảnh: NV
Bác sĩ Huỳnh Văn Bình đang tham gia hiến máu – Ảnh: NV

Nhiều giải thưởng đã được trao cho sự tận tâm với nghề của người bác sĩ trẻ ấy: hai lần liên tiếp đoạt giải thưởng Phạm Ngọc Thạch của Thành đoàn TP.HCM (xét chọn hai năm/lần) vào năm 2013 và 2015, một trong 10 gương mặt trẻ của lĩnh vực khoa học được nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2013 do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và công nghệ trao tặng.

Luôn đặt câu hỏi “tại sao?”

Hơn chục năm làm trong lĩnh vực gây mê hồi sức, bác sĩ Bình đau đáu tìm cách cải tiến các quy trình làm việc tốt hơn với mong muốn giúp nhiều hơn cho người bệnh.

Đề tài “Đánh giá hiệu quả gây tê thần kinh ngoại vi trong phẫu thuật chi – dưới hướng dẫn siêu âm” do anh nghiên cứu đã được hội đồng y đức của bệnh viện nghiệm thu đưa vào triển khai rộng rãi toàn bệnh viện.

“Các nghiên cứu và hướng dẫn có uy tín trên thế giới đã chứng minh đây là kỹ thuật có hiệu quả và an toàn cao, giảm biến chứng cho bệnh nhân so với kỹ thuật gây tê cổ điển dựa vào mốc giải phẫu hay máy kích thích” – anh Bình giải thích.

Đề tài được anh và các đồng nghiệp thực hiện trong ba năm ròng rã từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014. Tỉ lệ thành công đạt con số tuyệt đối 100%. Đó là kết quả không chỉ khích lệ mà còn thôi thúc anh tiếp tục đeo đuổi con đường vừa làm việc vừa nghiên cứu.

Ứng dụng đề tài này vào thực tế còn góp phần tăng hiệu quả trong việc giảm đau sau mổ kéo dài. Có đến 88% trường hợp không cần sử dụng thêm thuốc giảm đau sau mổ, giảm thiểu các tai biến của việc dùng thuốc, rút ngắn thời gian nằm hồi tỉnh và nằm viện.

“Bệnh nhân tỉnh táo, có thể ăn uống và vận động sớm, giảm biến chứng. Người chăm bệnh cũng bớt vất vả và chi phí mỗi người bệnh giảm 1-1,5 triệu đồng cho khâu này. Con số tiết kiệm không nhiều nhưng nhiều người được ứng dụng thì sẽ giảm chi phí cho xã hội, tiết kiệm cho bệnh nhân” – anh Bình chia sẻ.

Luôn đặt câu hỏi “tại sao?” rồi đi tìm lời giải trong quá trình làm việc, từ năm 2011 anh đã chủ nhiệm thực hiện đề tài “Khảo sát tình hình viêm phổi bệnh viện liên quan thở máy”. Sau những nỗ lực của anh cùng đồng nghiệp, đề tài đã xác định được những vi khuẩn thường gặp, mức độ kháng thuốc… và loại kháng sinh điều trị hiệu quả.

Hiệu quả của đề tài không chỉ chăm sóc tốt hơn cho người bệnh mà giảm chi phí cho đợt điều trị. “Giảm một ngày nằm viện là bệnh nhân giảm khoảng 2 triệu đồng và giảm nhiều chi phí khác nữa” – bác sĩ Bình cho biết.

In dấu chân tình nguyện

Nhiều năm qua, bác sĩ Bình đã tham gia những chuyến khám bệnh miễn phí cho bà con vùng sâu vùng xa. “Tất cả các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên đều in dấu chân mình hết rồi đấy. Mỗi nơi đều đọng lại những kỷ niệm với bà con” – anh Bình hóm hỉnh.

Tất cả những ngày phép trong năm anh cũng dành để tham gia những chuyến tình nguyện khám bệnh cho bà con nơi xa và đôi khi là đổi ca trực với các đồng nghiệp để sau những chuyến tình nguyện về anh phải trực nhiều ngày hơn.

“Đến khám cho bà con chỉ một lần nhưng mình nhắc nhở bà con hễ có bệnh là phải đi trạm xá chứ không nên mê tín dị đoan cúng bái để khỏi bệnh” – anh Bình cho biết. Bản thân anh từng chia sẻ giọt máu của mình cho nhiều bệnh nhân với hơn 20 lần hiến máu, trong đó có cả những lần phải vào viện gấp để hiến máu cho những ca cần kíp.

Nhớ lại những ngày tháng sinh viên, anh cho biết lúc đó phải đi xe buýt từ huyện Bình Chánh lên học ở Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế của TP.HCM (nay là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

“Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy nếu gia cảnh quá khó khăn thì có khi không nên chọn ngành y khoa vì chi phí tài liệu học tập tốn kém hơn nhiều ngành khác. Nhưng tôi đã tự chọn cho mình con đường nghề nghiệp ngay từ lúc là học sinh lớp 8 rồi.

Tôi có người cậu bị tai nạn được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu khỏi lưỡi hái tử thần nên ngay từ lúc đó tôi ấn tượng với màu áo trắng của bác sĩ. Cứ thế tôi quyết tâm học thật tốt để chuẩn bị thi vào ngành y” – anh Bình chia sẻ.

Nhưng khi nhắc lại những khó khăn, anh xua tay: “Đừng nói gì đến quá khứ khó khăn mà hãy nhìn về tương lai mình sẽ làm gì để phát triển hơn nữa”. Và hiện nay anh đang học chuyên khoa II (tương đương trình độ tiến sĩ) ngành gây mê hồi sức.

Anh từng tự vấn bản thân khi một đồng nghiệp nghỉ việc, có lúc anh cũng lung lay, lên mạng kiếm nơi nào tuyển người.

Dừng lại ở lời mời hấp dẫn của một nơi chuyên về thẩm mỹ nhưng rồi Bình như sực tỉnh khi người yêu nhắc: “Hồi đó anh chọn ngành y cũng vì muốn chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, còn ngành thẩm mỹ chỉ là phục vụ nhu cầu làm đẹp con người mà thôi. Nhờ đó mà tôi không bao giờ còn ý định từ bỏ con đường mình đã và mãi theo đuổi” – bác sĩ Bình kể lại.

Để có thể hoàn thành tốt công tác chuyên môn và nghiên cứu, thật sự rất khó. Tuy nhiên, vẫn có thể thực hiện được nếu có lòng nhiệt huyết với nghiên cứu và quyết tâm thực hiện.

Đa số thời gian sau giờ làm, những ngày nghỉ là thời gian nghiên cứu của tôi. Thêm nữa là do môi trường công tác, tôi được hướng dẫn và truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu từ bác sĩ trưởng khoa trước đây và có nhiều đồng nghiệp hỗ trợ.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng để viên chức có thể vừa làm vừa nghiên cứu cần phải đủ những điều kiện: phải thấy rằng nghiên cứu là một nhiệm vụ bắt buộc bên cạnh công tác chuyên môn chính; chỉ có nghiên cứu mới có thể giúp mình nâng cao trình độ chuyên môn; cần có sự hướng dẫn của người đi trước và hỗ trợ của đồng nghiệp.

Quan trọng nhất vẫn là khi ta xem đó là của ta thì ta sẽ quyết tâm thực hiện.