23/12/2024

Hứa hẹn đột phá trong y học năm nay

Những phát triển mới trong lĩnh vực khoa học đang mở đường đến kỷ nguyên mới trong y học, từ các liệu pháp điều trị ung thư đến những đứa trẻ sinh ra từ 3 bậc cha mẹ.

 

Hứa hẹn đột phá trong y học năm nay

 

 

Những phát triển mới trong lĩnh vực khoa học đang mở đường đến kỷ nguyên mới trong y học, từ các liệu pháp điều trị ung thư đến những đứa trẻ sinh ra từ 3 bậc cha mẹ.





Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock


Theo sau một đột phá đầy hứa hẹn trong y khoa, các hãng dược phẩm sẽ cho ra đời những dòng thuốc hoàn toàn mới, mang niềm hy vọng cho các bệnh nhân đang chống chọi với ung thư. Theo tờThe Telegraph, những người đang mắc ung thư tế bào hắc tố, dạng nguy hiểm nhất của ung thư da, có thể được hưởng lợi từ các loại thuốc mới như pembrolizumab. Được gọi là “các chất ức chế kiểm soát”, những loại thuốc này hoạt động bằng cách tấn công các thụ quan tế bào ung thư, vốn đóng vai trò cản trở phản ứng bình thường của hệ miễn dịch.

Các liệu pháp điều trị miễn dịch cũng cho thấy những hứa hẹn trong các dạng ung thư khác – bao gồm phổi, gan, ruột, tuyến tiền liệt, đầu và cổ. Bên cạnh đó, nghiên cứu mới có thể cho phép phẫu thuật dễ dàng hơn nhiều loại ung thư, nhờ vào cái gọi là “sơn khối u” làm từ chlorotoxin, hoá chất có trong nọc bò cạp. Dạng sơn này làm nổi bật các tế bào ung thư, dẫn lối cho các nhà phẫu thuật biết chính xác nơi cần cắt bỏ. Được điều chế nhờ vào công của bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi Jim Olson của Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson tại Seattle (Mỹ), sơn từ nọc bò cạp đã chứng minh “thắp sáng” được các khối u ở não, tuyến tiền liệt, ngực, ruột kết, da và các dạng ung thư khác. Hiện quá trình thử nghiệm đang được triển khai.
Một câu hỏi lớn khác hy vọng sẽ được giải quyết trong năm nay: liệu kỹ thuật in 3D có thể dẫn đến khả năng tạo ra các cơ quan nội tạng người hay không? Đây là kỹ thuật đã mở đường cho cuộc cách mạng hóa trong lĩnh vực y học với những phát kiến như thay thế xương chậu cho bệnh nhân mắc ung thư xương, chế tay giả và lỗ tai 3D cho trẻ con bị dị tật bẩm sinh. Phần tân tiến nhất trong mảng in 3D chính là in sinh học, theo đó các tế bào người được chiết xuất từ sinh thiết của bệnh nhân và được dùng để tạo ra những dạng mô cụ thể như tế bào gan, mạch máu. Cho đến nay, kỹ thuật này đã được ứng dụng trong công cuộc nghiên cứu y khoa, nhưng trong tương lai in 3D có thể được sử dụng để tạo ra các tế bào cấy ghép cho người. Giới nghiên cứu đang hướng đến tương lai có thể in được các cơ quan nội tạng hoàn chỉnh, và nếu được các chính phủ chấp nhận, viễn cảnh này có thể trở thành hiện thực trong vòng một thập niên nữa.
Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu đang chuyển sang nuôi các bộ phận nhỏ của cơ thể trong phòng thí nghiệm, nhằm đột phá những giới hạn lâu nay do sử dụng mẫu vật là chuột bạch. Các tiêu bản được đặt tên organoid là mô hình đơn giản hoá của các cơ quan nội tạng người như thận, tuyến vú và não, có thể được nuôi từ những tế bào gốc của từng cá nhân. Trong năm 2015, Giám đốc Arnold Kriegstein của Trung tâm mở rộng y học tái tạo và nghiên cứu tế bào gốc Eli và Edythe (Mỹ) và những người khác đã tận dụng các organoid để tìm ra nguồn gốc của những đột biến nghiêm trọng và bất thường về mặt di truyền ở não, đồng thời hiểu được cách thức hệ miễn dịch hỗ trợ xây dựng tuyến vú ở người. Các organoid của từng bệnh nhân được sử dụng để thử nghiệm nhanh chóng những loại thuốc mới điều trị ung thư. Dự kiến nghiên cứu trên organoid sẽ cung cấp những bước tiến vượt bậc trong nỗ lực hiểu rõ tình trạng bệnh tật ở người trong những năm tới.
Cuối cùng, 2016 cũng sẽ là năm xuất hiện ca sinh 3 bậc cha mẹ đầu tiên tại Anh. Đây là kết quả theo sau cuộc bỏ phiếu lịch sử tại lưỡng viện quốc hội vào tháng 2 năm ngoái, cho phép áp dụng kỹ thuật mới tạo ra những đứa trẻ có ADN kết hợp từ 2 phụ nữ và 1 đàn ông. Kỹ thuật do Đại học Newcastle phát minh nhằm mục đích ngăn chặn trẻ con thừa hưởng một tổ hợp bất thường gọi là bệnh liên quan đến ti thể từ mẹ chúng.

Tụ Yên