29/11/2024

Đức Thánh Cha khuyến khích các tù nhân đổi mới cái nhìn

ROMA. ĐTC khuyến khích các tù nhân hãy lợi dụng hoàn cảnh hiện nay của họ để đổi mới cái nhìn, để thanh tẩy và canh tân tâm hồn. Ngài đưa ra lời khích lệ trên đây trong lời nhắn nhủ trước khi rời nhà tù Regina Coeli ở Roma, nơi ngài đến thăm và cử hành thánh lễ rửa chân chiều Thứ Năm Tuần Thánh, 29-3-2018.

 Đức Thánh Cha khuyến khích các tù nhân đổi mới cái nhìn

 

 

 

ROMA. ĐTC khuyến khích các tù nhân hãy lợi dụng hoàn cảnh hiện nay của họ để đổi mới cái nhìn, để thanh tẩy và canh tân tâm hồn.

Ngài đưa ra lời khích lệ trên đây trong lời nhắn nhủ trước khi rời nhà tù Regina Coeli ở Roma, nơi ngài đến thăm và cử hành thánh lễ rửa chân chiều Thứ Năm Tuần Thánh, 29-3-2018.

Đáp lời lời chào của bà giám đốc và một đại diện tù nhân, ĐTC nói: “Anh vừa nhắc đến việc canh tân cái nhìn… đó là điều tốt, vì ở tuổi của tôi chẳng hạn, thường bị bệnh đục tinh thể (cateratte) làm cho người ta không thấy rõ thực tại: năm tới tôi sẽ phải mổ mắt. Nhưng đó cũng là điều xảy ra với tâm hồn: công việc trong cuộc sống, mệt mỏi, sai lầm, thất vọng che lấp cái nhìn của tâm hồn. Và vì thế, điều mà anh nói thật là đúng: cần lợi dụng hoàn cảnh để đổi mới cái nhìn. Như tôi đã nói trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư vừa qua (28-3), tại nhiều làng, kể cả tại quê hương tôi, khi người ta nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngày Lễ Phục Sinh, các bà mẹ, các bà nội ngoại mang hài nhi đi rửa mắt để chúng được cái nhìn hy vọng của Chúa Kitô Phục Sinh. Các bạn đừng bao giờ mệt mỏi trong việc đổi mới cái nhìn. Hãy giải phẫu hằng ngày cho cái bệnh đục thuỷ tinh thể của con mắt linh hồn.”


Rửa chân

Trước đó trong Thánh lễ lúc 4 giờ với nghi thức rửa chân cho 12 tù nhân, ĐTC đã nhắc nhở họ về ý nghĩa cử chỉ rửa chân mà Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ. Rửa chân là việc phục vụ của các đầy tớ. Chúa đã làm như vậy để nêu gương cho chúng ta về việc phục vụ nhau. Chúa Giêsu đã đảo lộn tập quán lịch sử và văn hoá của thời ấy và cả thời nay nữa.

“Giả sử các vua và các vị quốc trưởng nghĩ đến điều này thì người ta tránh được bao nhiêu chiến tranh, bao nhiêu cuộc chém giết. Và vì có những người kiêu ngạo, nên bao nhiêu người phải chịu đau khổ, những người bị xã hội gạt bỏ. Nhưng Chúa nói với họ: Con là người quan trọng đối với cha.”

ĐTC nói với các tù nhân: “Hôm nay, tôi là người tội lỗi như anh em, nhưng tôi đại diện Chúa Giêsu, tôi là sứ giả của Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, khi tôi cúi mình trước mỗi người trong anh em, anh em hãy nghĩ: “Chúa Giêsu đã dùng người này, một người tội lỗi, để đến gặp tôi và nói với tôi rằng Ngài yêu thương tôi.” Đây là một việc phục vụ, việc này là của Chúa Giêsu: Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta, Ngài không bao giờ ngừng tha thứ cho chúng ta và rất yêu thương chúng ta.”

Nhà tù Regina Coeli

Nhà tù này được thành lập hồi thế kỷ 17 như một Đan viện với danh hiệu là Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Quốc, rồi bị nhà nước trất hữu hồi thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, khu nhà được biến thành trường cảnh sát khoa học, cho đến thập niên 1920 thì trở thành nhà tù như hiện nay. Nhà này dự kiến dành cho tối đa 750 tù nhân, nhưng ngày nay con số này lên tới hơn 1.000 người.

Khi đến nhà tù lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC đã thăm các tù nhân bị bệnh tại bệnh xá, rồi cử hành Thánh lễ trong đó ngài rửa chân cho 12 nam tù nhân từ 7 nước, gồm 4 người Ý, 2 người Philippines, 2 người Maroc, 1 người Moldavo, 1 Colombia, 1 Nigeria và 1 từ Sierra Leone. 8 người trong số họ là tín hữu Công giáo, 2 người Hồi giáo, 1 Chính thống giáo và 1 người là Phật tử.

Sau Thánh lễ, ĐTC đã gặp chúng gặp một số tù nhân trước khi trở về Vatican.

Đây là lần thứ tư trong 5 năm làm giáo hoàng, ĐTC Phanxicô chọn một nhà tù để cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. (Rei 29-3-2018)

 

 

G. Trần Đức Anh OP