28/11/2024

Chúa Nhật I MV – B: Chờ ngày Chúa đến

Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hãy tỉnh thức. Vì không ai biết ngày Chúa đến “ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không” (Mc 13,32), nên cách thích hợp nhất để chờ ngày Chúa đến là luôn tỉnh thức, nghĩa là, ý thức ngày đó có thể xảy ra bất cứ khi nào và cố gắng để không bị bất ngờ.

 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B

(Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

CHỜ NGÀY CHÚA ĐẾN

Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (Mc 13,37)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Ngôn sứ Isaia đệ tam, trong bối cảnh khôi phục đất nước và tôn giáo sau lưu đày, đã tha thiết nài xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống” (63,19b), vì tình thương mà mau trở lại với dân Ngài (63,17b).

Một đàng, ngôn sứ nhìn nhận Thiên Chúa mới thật là Cha, là Đấng cứu độ (63,16b), Đấng dựng nên dân Người như người thợ gốm dùng tay mà nặn nên họ từ đất sét (64,7). Là Đấng thưởng phạt công minh, Thiên Chúa cứu thoát những ai đi theo đường lối của Người (64,4b), Đấng “lấy làm vui” khi “gặp kẻ sống đời công chính”, nhưng lại tỏ ra “phẫn nộ vì tội lỗi chúng con” (64,4a). Khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu chuộc, Đấng thưởng phạt công minh, ngôn sứ mở ra viễn cảnh về sự trở lại của Thiên Chúa trong đời sống của dân Chúa.

Đàng khác, ngôn sứ cũng thay mặt dân Chúa mà thừa nhận rằng họ vẫn không thể hiểu tại sao Thiên Chúa lại để họ “lạc xa đường lối Ngài”, lại để họ “lòng ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài” (63,17a). Một khi xa rời Thiên Chúa, dân Chúa “như người nhiễm uế”, “mọi việc lành khác nào chiếc áo dơ”; họ trở nên “héo tàn như lá úa”, và tội ác đã phạm tựa cơn gió cuốn họ đi (64,5). Trong hoàn cảnh bi đát đó, “không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài”. Một khi Thiên Chúa ngoảnh mặt không nhìn đến, tội ác của dân Chúa mặc sức hành hạ họ (64,6).

Như vậy, một đàng ngôn sứ Isaia đệ tam đại diện cho dân Chúa nhìn nhận những lỗi lầm của họ, những lầm lỗi đã đẩy họ xa rời Thiên Chúa và phải chịu cảnh héo tàn, đau khổ; đàng khác, ngôn sứ cũng mở ra niềm hy vọng lớn lao khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu độ, và xin Ngài vì tình thương “xé trời mà ngự xuống” để cứu độ họ.

 

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Côrintô về ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho họ, đồng thời mời gọi họ hãy nhận ra và nắm chắc ân huệ ấy cho đến ngày Đức Kitô trở lại.

Trước hết, thánh Phaolô thay lời cho các tín hữu Côrintô cảm tạ Thiên Chúa vì ân huệ Người đã ban nơi Đức Kitô Giêsu (1Cr 1,4). Ân huệ đó là: nhờ Đức Kitô mà họ “được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”, và được “trở nên phong phú về mọi phương diện” (1Cr 1,5). Như thế, nhờ nghe và hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, các Kitô hữu được nên phong phú vì được hiệp thông với Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô và chia sẻ sự sống thần linh của Người (1Cr 1,9).

Sau nữa, nhờ được liên kết chặt chẽ với Đức Kitô, các Kitô hữu được kiên vững “trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô mạc khải vinh quang của Người” (1Cr 1,6-7). Chỉ khi được kết hợp với Đức Kitô, các Kitô hữu mới được Thiên Chúa làm cho “nên vững chắc đến cùng” đến nỗi không ai có thể trách móc được điều gì trong ngày Đức Kitô quang lâm (1Cr 1,8). Như vậy, trong khi chờ “ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”, các tín hữu được Thiên Chúa mời gọi đến hiệp thông với Đức Kitô, Con của Ngài, và nhờ đó mà được kiên vững cho đến cùng.

 

3. Bài Tin Mừng:

Cuối bài giảng về cánh chung (chương 13), tác giả Máccô dùng ngôn ngữ của ngôn sứ Đanien (Đn 7,13-14) mà trình bày về ngày quang lâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tỉnh thức.

Trước hết, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hãy tỉnh thức. Vì không ai biết ngày Chúa đến “ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không” (Mc 13,32), nên cách thích hợp nhất để chờ ngày Chúa đến là luôn tỉnh thức, nghĩa là, ý thức ngày đó có thể xảy ra bất cứ khi nào và cố gắng để không bị bất ngờ.

Hơn nữa, sự tỉnh thức không chỉ là sự chờ đợi mang tính thụ động. Dụ ngôn ông chủ đi xa, để lại nhà và trao quyền cho các đầy tớ của mình mỗi người một việc cho thấy ý nghĩa tích cực của sự tỉnh thức. Tỉnh thức cách chủ động là sự ý thức về bổn phận được giao phó và dù ông chủ đi xa thì người đầy tớ vẫn phải chu toàn phận vụ của mình; nhờ vậy bất cứ khi nào ông chủ về, dù lúc chập tối hay nửa đêm, gà gáy hay tảng sáng, người đầy tớ đều phải sẵn sàng để tính sổ với ông chủ.

Sau cùng, trái với thái độ tỉnh thức là sự mê ngủ. Người đầy tớ không canh thức mà khi chủ đến bất thần và bắt gặp đang ngủ thì quả là điều không may. Các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu cũng từng bị Người trách khi không thể “canh thức với Thầy” (x. Mc 14,37-41). Sự mê ngủ của người môn đệ không chỉ đơn giản là quên ra đón Chúa khi Người đến, mà là nguy cơ “sa chước cám dỗ” (x. Mc 14,38).

 

II. GI Ý ÁP DNG:

1/ Ngôn sứ Isaia đệ tam đại diện cho dân Chúa nhìn nhận những lỗi lầm của họ, những lầm lỗi đã đẩy họ xa rời Thiên Chúa và phải chịu cảnh héo tàn, đau khổ. Hơn nữa, ngôn sứ cũng mở ra niềm hy vọng lớn lao khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Đấng sáng tạo và cứu chuộc của dân, đồng thời xin Ngài vì tình thương “xé trời mà ngự xuống” để cứu độ họ. Nhìn nhận thân phận con người bất toàn, tội lỗi trước tình thương của Thiên Chúa là khởi đầu của một sự đổi mới dẫn đến ơn cứu độ. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước vào hành trình cứu độ đó nhờ Đức Kitô.

2/ Thánh Phaolô nhắc nhớ các tín hữu Côrintô về ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho họ trong Đức Kitô; nhờ Người mà họ được nên phong phú về mọi phương diện. Đồng thời, thánh nhân mời gọi họ hãy khám phá và nắm chắc ân huệ ấy cho đến ngày Đức Kitô trở lại. Đây cũng là lời mời gọi cho mọi Kitô hữu: giữ sự hiệp thông với Đức Kitô và kiên vững trong đức tin cho đến khi Người quang lâm.

3/ Cuối bài giảng về cánh chung, tác giả Máccô dùng ngôn ngữ của ngôn sứ Đanien (7,13-14) để khẳng định về ngày quang lâm của Đức Giêsu và cho thấy cần có thái độ tỉnh thức trong khi chờ đợi ngày đó. Tỉnh thức không đơn giản chỉ là thụ động chờ đợi mà là chủ động và tích cực làm tròn trách nhiệm mà chủ giao phó. Mùa Vọng nhắc nhớ các Kitô hữu về ngày Chúa Kitô trở lại và mời gọi sống tỉnh thức: vừa nỗ lực xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp, vừa chu toàn trách nhiệm của người Kitô hữu.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giáo Hội cử hành Mùa Vọng hằng năm nhằm nhắc nhở người kitô hữu chúng ta phải luôn có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng chào đón Chúa. Trong tâm tình hân hoan chờ mong Chúa đến, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. “Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn nêu cao tinh thần tỉnh thức sẵn sàng, hầu chu toàn trách vụ chăm sóc đàn chiên đã được Thiên Chúa uỷ thác.

2. Ngôn sứ Isaia cầu khẩn: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhiều người trong thế giới hôm nay đang ngủ quên trong lối sống bon chen hưởng thụ biết nhận ra các nhu cầu tâm linh và khát khao tìm kiếm chân lý.

3. “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, luôn ý thức chu toàn bổn phận làm con cái Chúa qua các cử hành phụng vụ, tuân giữ lề luật Chúa và thực thi công bình bác ái.

4. “Trong Đức Giêsu Kitô, anh em được tràn đầy mọi ơn”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm Mục vụ Gia đình này, biết không ngừng canh tân đời sống trong Đức Giêsu Kitô, và luôn quan tâm đồng hành với các gia đình trẻ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sống tư cách là con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.