Chúa Nhật XXXIV TN A – 2017: Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Tôn vinh Đức Vua Vũ trụ hôm nay là chúng ta đang được mời gọi hoà mình vào vạn vật để học lại bài học yêu thương quảng đại của cỏ cây hoa lá và vạn vật quanh ta, để trải lòng vươn xa như núi cao biển rộng, sông dài.
Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Vào tuần cuối cùng của Năm Phụng vụ, toàn thể Giáo Hội mừng trọng thể Đức Kitô là Vua Vũ trụ như gợi ý cho chúng ta về việc hoàn thành chung cuộc kế hoạch của Thiên Chúa. Qua Bài đọc II ”(1Cr 15,20-26.28) , Thánh Phaolô đã nói cho chúng ta về kế hoạch yêu thương này rằng: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết. Lúc muôn loài quy phục Đức Kitô, thì chính Người vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài”.“Đức Kitô sẽ đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Eph 1,9-10; x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 1043). Vi thế, chúng ta dành ít phút nói về quyền thủ lãnh của Đức Giêsu đối với vũ trụ vạn vật và thái độ của chúng ta đối với thế giới.
1. Thái độ của con người
Nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, con người nhận ra vũ trụ vô cùng to lớn và trải rộng hầu như tới vô biên. Sau vụ nổ Big Bang đầu tiên, cách đây khoảng 14 tỉ năm, những đám mây bụi vũ trụ tạo thành hàng trăm ngàn thiên hà, mỗi thiên hà có vài trăm triệu ngôi sao. Một trong những ngôi sao ấy là mặt trời xuất hiện cách đây khoảng 12 tỉ năm. Một mảnh vỡ của mặt trời, tách ra cách đây 8 tỉ năm, nguội dần tạo nên hành tinh của chúng ta, gọi là trái đất. Hành tinh nóng hổi ấy nguội đi nhờ nước bao quanh. Các chất vô cơ kết hợp với nhau thành những chất phức tạp hơn, rồi tới các chất hữu cơ. Cách đây 1 tỉ năm, tế bào đầu tiên có sự sống xuất hiện. Tiếp đến là các loài thực vật, động vật, những loài linh trưởng xuất hiện với những biến đổi tiến hoá để thích nghi với môi trường sống. Cuối cùng con người tiền sử xuất hiện cách đây 3 triệu năm, con người biết suy tư “homo sapiens” xuất hiện cách đây 40 ngàn năm.
Một số nhà khoa học và nhiều người theo ý thức hệ vô thần duy vật giải thích giả thuyết vũ trụ tiến hoá của Darwin (1809-1882) rằng: vũ trụ xuất hiện hoàn toàn ngẫu nhiên do sự kết hợp vô tình của vật chất. Lời giải thích độc đoán này dẫn đến những thái độ tiêu cực của con người đối với vạn vật nhất là họ không thể nào nhận ra uy quyền tối thượng của Đức Giêsu Kitô trong vũ trụ này.
Chúng ta biết rằng vũ trụ vạn vật đều do những nguyên tố hoá học trong thiên nhiên tổng hợp hình thành nên. Ví dụ như nước hình thành nên từ hai yếu tố là Oxy và Hydro. Nhưng chúng phải kết hợp theo những điều kiện và định luật rõ ràng mà khoa học đã khám phá ra chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Người ta đã thử làm 1 lít nước bằng cách cho Oxy và Hydro phối hợp với nhau trong một bồn chứa khí tổng hợp thì thấy rằng cần phải có luồng điện khoảng 240.000 Volt mới có thể kết hợp được hai nguyên tử này thành nước. Vậy mà chúng ta thấy nước tràn đầy trong các sông ngòi, ao hồ, biển cả quanh ta.
2. Vũ trụ trong ánh sáng của Mạc Khải
Vì thế, vũ trụ hay bất cứ vật chất gì hiện hữu đều đòi phải có một người thợ làm ra, dù ta không thấy người đó. Chúng ta gọi người ấy là Tạo hoá, là Hoá công, là Thiên Chúa hay một Đấng cao cả linh thiêng nào đó. “Đấng ấy được công nhận là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, căn cứ vào sự vận hành, chuyển biến của vũ trụ , vào tính bất tất, vào trật tự và vẻ đẹp của vũ trụ” (GLHTCG, số 32). Thiên Chúa ấy đã dựng nên tất cả mọi loài thụ tạo tinh thần và vũ trụ được hình thành bằng những nguyên tố vật chất mà Kinh Thánh gọi là bùn đất (x. St 1-3). Ngài dựng nên con người với thể xác là bùn đất và tình thần là làn khí thiêng của chính Ngài để con người giống như Ngài (x. St 2,7; 1,26). Con người và vũ trụ có mối liên hệ mật thiết với nhau, vì hằng ngày qua khí thở, ánh sáng, đồ ăn thức uống…, con người và vũ trụ vạn vật hình thành nên xương thịt của nhau. “Nhân loại và vũ trụ vật chất có chung một vận mệnh sâu xa” (GLHTCG, số 1046; x. Rm 8,19-23), chung một nguồn gốc là Cha Trên Trời. Cha Trên Trời đã dựng nên toàn thể vũ trụ nhờ Lời của Ngài và giao phó sứ mạng “quản trị”, chứ không phải “thống trị”, trái đất thay cho Ngài (x. St,1,28).
Thánh Gioan, trong lời mở đầu của bài Tin Mừng, đã xác định rằng “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3), tất cả vũ trụ được dựng nên nhờ Người và cho Người. Ngôi Lời ấy đã trở thành người, thành Đức Giêsu Kitô (Ga 1,14-18 ) vì Thiên Chúa yêu thương thế gian, đã muốn cứu độ toàn thể thế giới vạn vật nên đã sai Con của Ngài đến để đem vào vũ trụ vật chất tầm thường, hữu hạn này sức sống thần linh, siêu việt, vô hạn của chính Thiên Chúa và nâng chúng ta cùng vũ trụ thành con cái Thiên Chúa như Người.
Qua Sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu gắn bó với vũ trụ vật chất một cách mật thiết: Người nhận ra tình yêu của Cha Trên Trời trong từng bông hoa, từng con chim sẻ, từng ngọn cỏ, từng làn gió. Người yêu thương, hiểu biết chúng, ra lệnh cho chúng nên vạn vật đã vâng phục Chúa Giêsu. Người nói một lời thì gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều. Người không phải chỉ chết cho con người để cứu độ con người, mà còn cứu độ cả vũ trụ. Vì thế, khi Đức Giêsu hấp hối trên thập giá, trời đất tối sầm lại để chia sẻ nỗi đau đớn của Chúa, rồi khi Chúa gục đầu tắt thở thì vũ trụ đã rúng động, mồ mả mở toang, nhiều kẻ chết sống lại… để nói lên sự vui mừng vì được cứu độ nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (x. Mt27,45-54).
3. Yêu thương và làm chủ vạn vật cùng với Chúa Giêsu
Hôm nay chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ để thay cho vũ trụ và cùng với vũ trụ, dâng lên Người lòng kính tôn, thần phục, biết ơn và tình yêu. Chúng ta cần phải vượt qua những thái độ lãnh đạm, vô tình vì vũ trụ và con người có mối liên kết mật thiết nhờ được Cha Trên Trời tạo thành, được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần kết hợp trong tình yêu hiệp thông.
Chúng ta phải vượt qua thái độ ích kỷ chỉ biết “khai thác trái đất cách mù quáng về kinh tế” (x. Docat, số 261 ) và bắt vạn vật làm nô lệ cho con người thay vì sống đúng với tư cách là người anh lớn, chị lớn trong đại gia đình vũ trụ. Chúng ta càng phải tránh xa và loại bỏ những hành vi xúc phạm đến vũ trụ và làm hại môi trường sống khi đổ những chất thải độc hại ra môi trường sống, khi phá rừng, lấn sông, lấp biển cách mù quáng, khi làm hỏng bầu khí quyển khiến cho trái đất nóng dần lên gây ra lụt lội, bão tố. Chúng ta phải học thái độ yêu thương, hiểu biết vạn vật như Chúa Giêsu thì chúng ta mới có thể nói với muôn loài để gió im, biển lặng, bánh cá hoá nhiều ra. Chúng ta phải hành động để phát triển một “nền sinh thái toàn diện” (x. Docat, số 260) và “bền vững” (x. Docat, số 263), nếu không, chính loài người sẽ tự huỷ diệt.
Chúng ta được mời gọi để nhận ra tình yêu của vũ trụ trong mỗi bữa ăn hằng ngày: những con tôm con cá, ngọn rau cây giá hy sinh sự sống cho ta vì yêu thương ta, vì chúng học được bài học yêu thương cho đến cùng của Chúa Giêsu, khi Cha Trên Trời đặt tình yêu vào trong bản chất của chúng. Ta hãy đối xử với chúng là anh chị em của mình như thánh Phanxicô Assisi để cùng với chúng làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, phong phú hơn, nhờ đó ta mới giàu có để chia sẻ của cải vật chất cho những người đói khát, rách rưới, nghèo khổ như Vua Giêsu đòi hỏi qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 25,31-46).
Lời kết
Tôn vinh Đức Vua Vũ trụ hôm nay là chúng ta đang được mời gọi hoà mình vào vạn vật để học lại bài học yêu thương quảng đại của cỏ cây hoa lá và vạn vật quanh ta, để trải lòng vươn xa như núi cao biển rộng, sông dài. Nhờ thế chúng ta sẽ sống an bình và thanh thoát giữa một thế giới đầy những nhu cầu tiêu thụ và hưởng thụ như hiện nay.