Nga xác nhận ô nhiễm phóng xạ ‘cực cao’
Cơ quan khí tượng học Nga (Rosgidromet) đã ghi nhận hàm lượng đồng vị phóng xạ Ruthenium-106 “cực cao” tại một số khu vực vào cuối tháng 9, xác nhận thông tin trước đó của các nước châu Âu.
“Các cuộc điều tra phóng xạ trong không khí tại các trạm quan sát Argayash và Novogorny đã phát hiện hàm lượng đồng vị Ru-106 từ ngày 25.9 đến 1.10”, theo Rosgidromet.
Mật độ phóng xạ cao nhất được ghi nhận ở Argayash, một ngôi làng thuộc vùng Chelyabinsk ở phía nam Urals, với Ru-106 ở hàm lượng “ô nhiễm cao nghiêm trọng”, vượt gấp 986 lần so với mức ô nhiễm diễn ra trong tự nhiên, theo AFP ngày 21.11 dẫn lại báo cáo.
Tổ chức Greenpeace Nga kêu gọi tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom mở cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc và chia sẻ kết quả công khai.
Trong khi đó, Rosatom vào giữa tháng 10 tuyên bố “không phát hiện dư lượng Ru-106 trong các mẫu thử thu thập từ ngày 25.9-7.10, bao gồm miền nam Urals, trừ Saint Petersburg”.
Ngược lại, Rosgidromet ngày 20.11 cho biết đồng vị trên đã được tìm thấy ở Tatarstan và miền nam nước Nga, dần dần lan toả “đến mọi quốc gia châu Âu, bắt đầu từ Mỹ và tiến đến phía bắc châu Âu” từ ngày 29.9.
TIN LIÊN QUAN
Châu Âu phát hiện bụi phóng xạ, nghi ngờ sự cố ở Nga, Kazakhstan
Cơ quan Nga không công khai cụ thể nguồn gây ô nhiễm, nhưng trạm Argayash cách nhà máy điện hạt nhân Mayak khoảng 30 km. Đây cũng là nơi xảy ra một trong những thảm hoạ hạt nhân nghiêm trọng nhất lịch sử vào năm 1957. Ngày nay, Mayak tiếp tục là nơi tái xử lý các nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Vào ngày 9.11, Viện Bảo vệ Phóng xạ và An toàn Hạt nhân của Pháp (IRSN) thông báo đã phát hiện Ru-106 tại nước này từ ngày 27.9 – 13.10, và cho rằng nguồn phóng xạ có thể xuất phát từ điểm nằm giữa sông Volga và rặng Urals.
Ru-106 là sản phẩm của hoạt động tác nguyên tử trong lò phản ứng, không xuất hiện trong tự nhiên.
Thuỵ Miên