Người cha của những đồng nhi bị chối bỏ
Hằng ngày, chú Phụng “đồng nhi” vẫn lặn lội khắp nơi để đón những đứa trẻ chưa một lần thấy ánh sáng mặt trời đã bị đoạn tuyệt sự sống về nghĩa trang Đồng Nhi (TP.Pleiku, Gia Lai), mái nhà của những linh hồn bị chối bỏ.
Người cha của những đồng nhi bị chối bỏ.
Hằng ngày, chú Phụng “đồng nhi” vẫn lặn lội khắp nơi để đón những đứa trẻ chưa một lần thấy ánh sáng mặt trời đã bị đoạn tuyệt sự sống về nghĩa trang Đồng Nhi (TP.Pleiku, Gia Lai), mái nhà của những linh hồn bị chối bỏ.
Chú Phụng “đồng nhi”
Chiều muộn một ngày đầu tháng 11, chúng tôi ghé thăm nghĩa trang Đồng Nhi, nơi yên nghỉ của hàng vạn sinh linh bị tước đi quyền sống ngay từ trong bụng mẹ. Giữa tầng tầng lớp lớp những ngôi mộ tí hon, có một người đàn ông đang miệt mài quét sơn, dọn dẹp. Mọi người hay gọi ông với cái tên trìu mến, chú Phụng “đồng nhi”.
Ông Phụng tên thật là Nguyễn Phương Phụng (49 tuổi), người đã hơn 17 năm gắn bó với hàng vạn sinh linh mà chính ông không hề quen biết, không máu mủ.
TIN LIÊN QUAN
Người phụ nữ nặng lòng với các hài nhi xấu số
Chị Nguyễn Thị Thuỷ (40 tuổi, ngụ tại xóm 7, xã Thạch Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) hơn 10 năm qua đã âm thầm chôn cất các hài nhi xấu số, cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Dẫn chúng tôi rảo bước một vòng quanh nghĩa trang, đi qua những nấm mồ lạnh lẽo, ông kể, năm 1992, linh mục Nguyễn Vân Đông (nhà thờ Đức An, TP.Pleiku) lập nên nghĩa trang này để các sinh linh nhỏ bé kém may mắn có chốn yên nghỉ.
Hơn 17 năm trước, từ một cơ duyên, ông Phụng đến phụ giúp linh mục Đông chăm sóc những sinh linh xấu số. Mấy năm gần đây, do tuổi cao, linh mục Đông đã bàn giao công việc thiêng liêng này lại cho ông Phụng và cụ bà Lê Thị Tâm (81 tuổi) trông nom.
Bên chén trà đậm, ông Phụng đưa ánh mắt đượm buồn về phía những nấm mồ tí hon rồi thả mình vào khoảng ký ức đã đưa ông đến với công việc này.
Một ngày mưa gió của 17 năm về trước, trên đường đi làm về ông thấy một túi ni lông được gói ghém vội vã đặt trên một phần mộ ở nghĩa trang. Mở chiếc túi ra, ông bàng hoàng nhận ra đó là một thai nhi đã rõ hình hài. Nhìn quanh không thấy bóng người, đứa bé tím ngắt lạnh lẽo cũng đã không còn sự sống, ông bỗng thấy lòng mình chùng xuống. Tại sao một sinh linh, một sự sống lại bị bỏ rơi một cách đơn giản mà bạc bẽo đến vậy? Rồi sẽ có bao nhiêu đứa bé bị những người ruột thịt của mình bỏ rơi? Những suy nghĩ hỗn độn cứ quẩn quanh trong đầu ông một cách xót xa. Chôn cất đứa bé xong, ông quyết định bắt đầu những ngày tìm và chôn cất cho những đồng nhi bé bỏng, tội nghiệp.
Thấm thoắt đã 17 năm trôi qua kể từ ngày định mệnh ấy. Và mỗi ngày, ông Phụng vẫn cần mẫn cặm cụi dọn dẹp mái nhà chung của các con, đi đến những nơi các con bị bỏ rơi để mang về khâm liệm.
Mái nhà của hơn hai vạn nấm mồ vô danh
Gọi là nghĩa trang Đồng Nhi nhưng thực chất không có ranh giới cố định mà chỉ là những phần mộ nhỏ bé, không tên tuổi nằm xem kẽ những ngôi mộ bề thế khác trong nghĩa trang thành phố Pleiku. Hàng vạn nấm mồ bé xíu chỉ nhỉnh hơn gang tay người lớn được gắn vỏn vẹn dòng chữ “Vô Danh” và ngày được chôn cất.
Hơn 25 năm, hiện nơi đây đã có hơn 21.500 sinh linh yên nghỉ, một con số bàng hoàng. Trước kia quỹ đất hạn hẹp, nhiều lúc ông Phụng phải để 5, 6 em cùng nằm chung một phần mộ. Đến bây giờ, khi quỹ đất được mở rộng, mỗi em mới có một “ngôi nhà” của riêng mình.
Để tiếp nhận các con nhanh nhất, ông Phụng đã để lại số điện ở khắp các trung tâm, bệnh viện. Mỗi khi có ca vừa phá thai xong, các nhân viên ở trung tâm hay bệnh viện sẽ gọi vào “đường dây nóng” của ông Phụng.
“Cách đây 4 năm, mỗi ngày tui chỉ khâm liệm cho khoảng 3 cháu, mấy năm trở lại đây đã tăng lên 5 – 6 cháu, ngày nhiều có đến 30 cháu. Riêng từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.500 cháu bị chối bỏ khi còn đỏ hỏn. Ngày hôm nay thôi tui đã tự tay chôn cất mười cháu rồi”, ông Phụng kể.
“Lần đầu tiên tiếp xúc với thai nhi đã chết, tay tui cứ run lên, không phải vì sợ mà vì thương đứa bé. Dần dà rồi tui theo cái nghiệp này khi nào không hay nữa. Những ngày ốm nặng không ra ngoài được, tui lại bảo mấy đứa con đi thay, chứ để các cháu nằm ngoài trời giá lạnh tội nghiệp lắm. Giờ mấy đứa con đi học đại học hết rồi chẳng có ai phụ giúp nên dù có ốm mấy tui cũng phải gắng gượng đi đưa các cháu về”, ông Phụng tâm sự.
Đang dở câu chuyện, chiếc điện thoại của ông Phụng bất chợt đổ chuông. Một người nào đó gọi thông báo có vài ca vừa phá thai xong. Chưa kịp cúp máy, ông Phụng đã vụt chạy đi. “Cái nghiệp này là vậy đó, tui bận từ trưa đến 8 giờ tối, không có giờ hành chính, không có ngày chủ nhật. Ngày lễ thì càng nhiều ca phá thai”, vừa nói dứt câu, ông Phụng đã ngồi lên xe máy rồi lao đi.
Niềm vui của những người ‘vác tù và hàng tổng’
Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, ông Phụng quay về nghĩa trang, trên tay cầm theo 4 bịch ni lông màu đen đã được buộc nút kỹ lưỡng. Ông tỉ mỉ tháo từng bịch rồi đặt những sinh linh bé nhỏ vào từng om gỗ. Đôi tay thô ráp của người đàn ông dành gần nửa đời mình khâm liệm hàng ngàn thai nhi bỗng run lên từng chặp. Xong xuôi đâu đấy, ông Phụng nhặt từng om một, nhẹ nhàng đem ra một góc nghĩa trang bắt đầu đào hố rồi chôn xuống. Khuôn mặt ông bỗng chùng lại khi lớp đất cuối cùng được phủ lên.
Giống như ông Phụng, dù đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ngày ngày, cụ Tâm đều đến nghĩa trang Đồng Nhi gom nhặt những bào thai tội nghiệp đem về chôn cất. Nghe ở đâu có thai nhi bị bỏ rơi là cụ lại xăm xăm chạy đi tìm đón các cháu về. Hơn 11 năm gắn bó với nghĩa trang này, cụ Tâm đã đón về gần 500 thai nhi bị chối bỏ.
“Ngoại dọn dẹp ở đây đã 11 năm, cứ sáng đến dọn dẹp, nhổ cỏ, gom thai nhi lại cho chú Phụng tụi bây chôn cất, đến tối mịt mới về. Bao nhiêu năm vậy mà ngoại chưa thấy người mẹ, người cha nào đến đây thắp nén nhang cho tụi nhỏ cả. Nghĩ mà cay đắng, tụi nhỏ chưa được sinh ra đã phải về với đất”, nói rồi cụ Tâm đưa tay gạt vội giọt nước trên khoé mắt nhăn nheo.
“Ở đây có rất ít cháu được đặt tên. Ngay cả cái tên Nguyễn Trung Thu cũng là do linh mục Đông đặt cho”, cụ Tâm kể. Đó là buổi chiều trung thu năm 2004. Linh mục Đông đến nghĩa trang “thăm” các cháu thì phát hiện chiếc túi được đặt trên bàn thờ nhà thăm viếng. Linh mục tiến lại mở túi ra thì phát hiện một bé trai hơi thở đã không còn. Thế nhưng, khi đặt con vào om, bàn tay cậu bé vẫn nắm chặt lấy bàn tay cha không rời. Thai nhi xấu số được linh mục Đông đặt cho cái Nguyễn Trung Thu để nhớ ngày con về với đất.
“Sau này có một người phụ nữ đến thắp hương lên mộ và để lại dòng chữ “Trung Thu, mong con tha tội cho cha mẹ!”. Người phụ nữ trẻ tuổi viếng xong thì đi biệt chẳng bao giờ quay lại nữa”, cụ Tâm buông một tiếng thở dài.
Như thiên thần vắn mệnh Trung Thu, những ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang Đồng Nhi có những cái tên rất đặc biệt: bé Giáng Sinh, bé Noel… đều là những ngày lễ đầm ấm sum vầy nhưng lại là các em lại phải vĩnh biệt sự sống.
Hơn 17 năm qua, không chỉ đi đón thai nhi về chôn cất, mỗi khi gặp trường hợp nào có ý định phá thai, ông Phụng đều thuyết phục người mẹ giữ lại con. Khi những người mẹ trẻ lầm lỡ quyết định không phá thai, ông lại đưa họ về nuôi cho đến ngày sinh nở.
“Điều mà tui cảm thấy vui nhất là trong mười mấy năm qua đã cứu sống hơn 20 cháu từ trong bụng mẹ. Sau khi sinh, nếu mẹ không nhận nuôi, tui sẽ đưa các con gửi ở chùa hoặc giao cho những gia đình muốn nhận con nuôi. Bé lớn nhất năm nay đã học lớp 7, nhìn nụ cười trên môi các con mà lòng vui đến lạ”, ông Phụng chia sẻ.
Chúng tôi chia tay chú Phụng, cụ Tâm ra về. Ánh trăng đã phủ xuống nghĩa trang Đồng Nhi một màu bàng bạc, lạnh lẽo. Không biết đêm nay chú Phụng còn phải tự tay chôn cất thêm bao nhiêu sinh linh vô tội nữa?
Ông Lê Minh Hùng, chủ tịch UBND P.Ia Kring (TP.Pleiku, Gia Lai), cho biết nghĩa trang Đồng Nhi nằm trong khu vực nghĩa trang TP.Pleiku và thuộc địa phận của phường quản lý. Tuy nhiên số lượng các thai nhi được chôn cất tại đây thì phía UBND phường không nắm được. Hằng năm UBND phường vẫn thường tổ chức những buổi dọn rác, làm vệ sinh trong khu vực nghĩa trang này.
|
Thiên Ân