28/11/2024

Nhà máy xử lý rác thành ‘kho’ chứa rác

Nhiều cuộc kiểm tra, họp bàn giải quyết tình trạng ô nhiễm từ Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (Long An) nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, do công suất xử lý rác của nhà máy không đáp ứng được lượng rác tiếp nhận về.

 

Nhà máy xử lý rác thành ‘kho’ chứa rác.

Nhiều cuộc kiểm tra, họp bàn giải quyết tình trạng ô nhiễm từ Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (Long An) nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, do công suất xử lý rác của nhà máy không đáp ứng được lượng rác tiếp nhận về.




Kho chứa rác cao như núi tại NMXLR Tâm Sinh NghĩaẢNH: KHÔI NGUYÊN

Rác quá tải, chất cao như núi
Nhà máy xử lý rác (NMXLR) Tâm Sinh Nghĩa được xây dựng năm 2011, tại ấp 3, xã Tân Đông, H.Thạnh Hoá (Long An), công suất xử lý dự kiến 300 tấn rác/ngày. Tháng 1.2012, nhà máy chính thức tiếp nhận rác xử lý theo quy trình.
Tuy nhiên, giai đoạn năm 2012 – 2016, nhà máy chỉ có 1 lò đốt rác công suất trên 100 tấn/ngày, phải hoạt động liên tục. Trong khi đó, các huyện Tân Thạnh, Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An thu gom, giao cho nhà máy khoảng 200 tấn rác/ngày. Cứ thế, lượng rác tồn đọng liên tục tăng. Rác xử lý chậm chất cao như núi, mùi hôi thối lan rộng một số khu vực xã Tân Đông và vùng giáp ranh.
Nhiều lần UBND tỉnh và Sở TN-MT Long An đến làm việc với NMXLR Tâm Sinh Nghĩa. Đại diện nhà máy than phiền việc các địa phương nợ tiền xử lý rác khá nhiều, mức phí xử lý rác trả cho nhà máy quá thấp không đáp ứng được yêu cầu. Sau đó, UBND tỉnh Long An quyết định nâng mức phí xử lý rác lên 400.000 đồng/tấn cùng với đề nghị đơn vị đổ rác nhanh chóng giải quyết tiền cho nhà máy.
Đến quý 1/2017, NMXLR Tâm Sinh Nghĩa đưa vào vận hành lò đốt rác thứ 2, công suất trên 120 tấn/ngày, nâng công suất xử lý lên 220 tấn/ngày. Tuy nhiên, bình quân mỗi ngày nhà máy tiếp nhận khoảng 300 tấn rác, vượt công suất xử lý của 2 lò đốt khiến rác tồn đọng nhiều thêm.
Họp liên tục, 20.000 tấn rác vẫn tồn đọng
Cử tri xã Tân Đông và một số xã của H.Thạnh Hóa cũng kiến nghị chính quyền cần có biện pháp giải quyết nạn ô nhiễm môi trường tại NMXLR Tâm Sinh Nghĩa. Ngày 12.7, ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó giám đốc Sở TN-MT Long An, ký Văn bản số 1957 yêu cầu NMXLR Tâm Sinh Nghĩa nhanh chóng hoàn thiện các kho chứa rác; che phủ bạt lượng rác lộ thiên tập kết bên ngoài để tránh bốc mùi hôi, thu gom toàn bộ nước rỉ rác để không chảy tràn vào đường thoát nước mưa chảy ra kênh, rạch và khu dân cư.
Ngày 29.8, Sở TN-MT Long An tiếp tục ban hành Văn bản số 2474 yêu cầu nhà máy chấp hành tốt các quy định để đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, mọi việc đều nằm trên giấy. “Qua khảo sát, đến đầu tháng 10.2017, lượng rác tồn đọng trong nhà máy ước tính còn trên 20.000 tấn, nếu kéo dài cuối năm, lượng rác tồn còn tăng thêm nữa”, ông Thuấn cho biết.
Tháng 8.2017, Chủ tịch tỉnh UBND Long An Trần Văn Cần đã tổ chức cuộc họp với nhiều sở, ngành để bàn cách xử lý rác, ô nhiễm môi trường của NMXLR Tâm Sinh Nghĩa và kết luận: giao trách nhiệm cho lãnh đạo NMXLR Tâm Sinh Nghĩa đến tháng 12.2017 phải xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, tồn đọng rác.
Trên địa bàn tỉnh còn có dự án xây dựng NMXLR ở H.Thủ Thừa do Công ty TNHH xử lý chất thải VN đầu tư, nhưng chưa biết đến bao giờ mới đưa vào vận hành.
Về việc xử lý rác từ H.Đức Hoà, mỗi ngày NMXLR Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận gần 84 tấn. Tuy nhiên từ 15.9, nhà máy đã ngừng tiếp nhận rác của huyện này do nợ tiền nhà máy quá nhiều. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An có văn bản đề nghị và được UBND TP.HCM đồng ý hỗ trợ, tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của H.Đức Hoà (địa phương giáp ranh) đưa về nhà máy rác của Công ty CP Vietstar ở H.Củ Chi. Thời gian tiếp nhận đến cuối năm 2017.

 

Khôi Nguyên