Chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây dí dỏm, uyên bác do học giả An Chi (bút danh khác là Huệ Thiên) phụ trách trên Kiến thức Ngày nay trong hơn 15 năm từng bao phen dậy sóng khi dám đụng chạm tới các tượng đài: Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Lê Ngọc Trụ, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn…
Chuyện Đông, chuyện Tây với học giả An Chi.
Chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây dí dỏm, uyên bác do học giả An Chi (bút danh khác là Huệ Thiên) phụ trách trên Kiến thức Ngày nay trong hơn 15 năm từng bao phen dậy sóng khi dám đụng chạm tới các tượng đài: Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Lê Ngọc Trụ, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn…
Ông từng là một học sinh giỏi toán, cuộc sống lúc đó thời chiến nhưng tại sao ông vẫn mê sách và gắn bó với sách đến vậy? GS Mai Quốc Liên trêu chọc An Chi là “ông Tây An Nam chưa biết nước Pháp” hẳn là có lý do?
Ông nội tôi có kết thân với nhà sư trụ trì một ngôi chùa ở An Nhơn (Gò Vấp, TP.HCM) nên khi tôi chào đời thì ông nội mới nhờ vị này… coi sách đặt cho cái tên văn vẻ là Võ Thiện Hoa. Cha tôi có một ông bạn người Pháp tên là Nicolas Lucatos. Khi tôi gần tròn tuổi lên hai, ông ngoại bảo cha tôi gợi ý với ông Nicolas nhận tôi là con, rồi ông ngoại sẽ lo toàn bộ giấy tờ làm dân Tây cho tôi vì ông ngoại làm việc ở tòa bố – cơ quan hành chánh cấp tỉnh hồi đó – nên mọi việc sẽ dễ dàng.
Thế là tôi có giấy khai sanh Tây với cái tên “Emile Pierre” và họ “Lucatos”, “né le 16 Juillet 1937” (sanh ngày 16.7.1937). Đầu năm 1945, khi cha ruột tôi qua đời, gia đình cũng mất liên lạc với ông Nicolas luôn. Còn chuyện ông Mai Quốc Liên trêu tôi là “ông Tây An Nam chưa biết nước Pháp”, vì tuy là dân Tây mà tôi chưa đi Tây bao giờ. Không biết, nếu đi Tây, tôi sẽ trở thành cái gì. Còn ở đây, tại VN thì Emile Pierre Lucatos đã trở thành An Chi. Tôi vẫn thường nói đùa với bạn bè rằng mẹ tôi còn biết tháp Eiffel (bà đã đi du lịch từ Mỹ sang Pháp) chứ tôi thì chỉ biết có cái tháp Rùa ở Hà Nội mà thôi.
Thuở nhỏ, tôi học tại một trường tư là Trường Nhựt Thăng mà hiệu trưởng là người bạn của cha tôi. Đến năm lớp ba, tôi vào học tại Trường Marc Ferrando của tỉnh Gia Định, thường gọi là Trường Bà Chiểu. Rồi sau ngày Nam bộ kháng chiến, gia đình cho tôi ra tiệm (cửa hiệu) ngoài Chợ Lớn để học tiếng Tàu tại Tam Dân học. Tôi vẫn nói đùa với một vài người bạn thân rằng mình là một “công dân quốc tế” (vì có tên ta, tên Tây, lại có cả tên Tàu). Hai năm sau, gia đình lại nhờ một người quen trong giới thương mại xin cho tôi vào học nội trú ở Lycée Franco-Chinois; trường này vừa dạy tiếng Tàu vừa dạy tiếng Tây mà lại có nhiều học sinh nội trú là người Minh Hương nên nhiều người rành tiếng Việt và đem cả sách tiếng Việt vào xem. Tôi biết đến cuốn tiểu thuyết đầu tiên là vào năm 13 tuổi. Rồi nhờ thời cuộc đưa đẩy, tôi lại có điều kiện tiếp xúc với những quyển sách tiến bộ, thân kháng chiến mà quyển đầu tiên là Cái chết của anh tiểu đội trưởng của Bùi Nam Tử.
Hè 1950, gia đình chuẩn bị làm hồ sơ cho tôi thi vào Trường Petrus Ký với giấy khai sanh tên Võ Thiện Hoa và Trường Chasseloup-Laubat với giấy khai sanh tên Emile Pierre Lucatos vì tôi có hai giấy khai sanh. Rồi tôi vào học ở Chasseloup-Laubat. Tại đây, người gây cho tôi niềm say mê sách là ông Albernhe, giáo sư chủ nhiệm của năm đầu trung học. Ngay đầu năm, ông đã kêu gọi mỗi học sinh phải góp một cuốn cho tủ sách của lớp và học sinh phải ưu tiên đọc sách của lớp trước khi đọc sách “ngoài luồng”. Tôi thực sự gắn bó với sách từ đó.
“Anh hai” Sài Gòn vượt tuyến ra bắc
Nghe nói thời trẻ ông tự mình ra Bắc mang theo lá thư giới thiệu của một cán bộ cấp cao “gởi gắm” ông cho một cán bộ cấp cao khác; nhưng vì lòng tự trọng ông đã không đưa lá thư ấy mà chấp nhận những ngày tháng khổ nhọc để khẳng định mình: đi làm công nhân, dạy học rồi khi có thời gian lại mày mò nghiên cứu chữ nghĩa. Và nguyên do nào đã đưa ông đến với ngôn ngữ?
Tôi ra Bắc không phải theo tiêu chuẩn tập kết mà thuộc dạng vượt tuyến. Gia đình tôi là cơ sở của kháng chiến và giữa thập niên 1950 là cơ sở của ông Năm Thành (Phan Kiệm). Khi biết gia đình định cho tôi ra Bắc, ông Năm Thành đã bàn với ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) rồi viết một bức thư bí mật trong một quyển vở học sinh, gởi gắm tôi cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Ra đến Hà Nội, còn đang lấn cấn không muốn đem thư đến ông Thạch thì tôi đã ghi tên đi Thanh niên xung phong (TNXP) theo lời kêu gọi của Phòng Miền Nam (Bộ Giáo dục) nên cũng không liên lạc với ông ấy. Tôi làm đường sắt Hà Nội – Lào Cai, cùng đơn vị với nhiếp ảnh gia Minh Lộc. Thực ra, tôi chỉ chính thức được gặp Bác Hồ có một lần, là sau khi đi TNXP về, cùng với số học sinh Sài Gòn vượt tuyến cũng đi TNXP như tôi. Đó là lần được vào Phủ Chủ tịch. Còn nhìn thấy Bác trong những lần đón rước khách quốc tế hay những cuộc mít tinh thì nhiều, không thể nhớ hết được.
Khi vào Trường Sư phạm trung cấp T.Ư, tôi theo học ban khoa học xã hội. Ra trường (1959), tôi được phân công về dạy ở Quỳnh Côi (Thái Bình). Trong quá trình giảng dạy, tôi bắt đầu nghiên cứu về ngữ pháp. Nhưng khi đụng phải khái niệm “từ lấp láy” (bây giờ gọi là từ láy) thì tôi thấy phải nhờ đến từ nguyên mới có thể giải quyết được. Vì tiếng Việt có những từ bắt nguồn ở tiếng nước ngoài, mà đại đa số là gốc Hán nên tôi lại tìm tới từ điển tiếng Hán để nghiên cứu rồi từ đó thì theo đuổi “nghiệp từ nguyên” cho đến tận bây giờ.
Được biết, ông có gia đình là người gốc Sài Gòn chính hiệu nên có tính cách hào sảng và… chịu chơi như anh hai Nam bộ. Chính sự thẳng thắn, cương trực ấy từng làm ông “lên bờ xuống ruộng” và đó cũng là lý do ông bị cho thôi việc giữa chừng?
Tôi thích sự ngay thẳng. Lúc học Trường Sư phạm trung cấp T.Ư, lớp tôi có anh Lợi, giáo sinh hay mặc áo thun nhiều sọc ngang, bị vẽ tranh đả kích trên báo tường. Anh này tự ái lột tờ báo vứt đi thì bị đưa ra hội đồng kỷ luật đuổi thẳng. Tôi đứng ra làm kiến nghị thu thập được chữ ký của 40/42 giáo sinh, yêu cầu xét lại kỷ luật anh Lợi rồi trực tiếp lên gặp GS Hoàng Như Mai để đưa kiến nghị. Đây là một “điểm son” trong lý lịch của tôi. Tới khi về trường cấp 2 Quỳnh Côi (Thái Bình), gặp chuyện huyện uỷ chủ trương cho học sinh nghỉ học để đi cổ động sản xuất, tôi phản đối. Khi hiệu phó trường tôi dạy sử dụng lúa thu hoạch của trường cho HTX của địa phương ông ấy vay, tôi cũng lên tiếng phản đối. Thêm vào đó là một số chuyện khác về lập trường, tư tưởng và sinh hoạt (như nhận quà của gia đình gởi ra qua đường Campuchia và đường Pháp). Cuối cùng thì tôi bị thải hồi.
Rồi tình yêu của anh hai Sài Gòn ra sao? Có thi vị và ướt át?
Tôi lập gia đình muộn. Hồi ở ngoài Bắc tôi cũng có để ý một vài cô nhưng chuyện như nước chảy qua cầu. Về Nam hồi tháng 8.1975, đến năm 1980 tôi mới lập gia đình nhưng trước đó đã có một lần yêu. Hiện nay chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc. Vợ tôi được cả gia đình bên nội và bên ngoại của tôi thương yêu, quý mến.
“Bầm dập” vì chữ nghĩa
Ông có thể bật mí thêm về những tai nạn nghề nghiệp khi phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây, có lúc căng thẳng phải dừng lại nhiều tháng trời để kiểm điểm? Việc ông dám đụng chạm tới các “tượng đài” ngôn ngữ thời đó gây dậy sóng dư luận là có thật và chuyện cố GS Nguyễn Lân đã từng mắng ông rất nặng lời 3 lần cụ thể ra sao?
Tai nạn nghề nghiệp quan trọng nhất mà tôi đã gặp phải là vụ câu đối liên quan đến một địa danh ở TP.HCM, khiến tác giả Huệ Thiên (bút hiệu đầu tiên của tôi) phải ngưng phụ trách Chuyện Đông chuyện Tây một thời gian. Rồi cũng từ chuyện này mà bút danh “An Chi” đã ra đời với cái hàm ý là “vẫn y chang Huệ Thiên đó thôi”. Chuyện cụ Nguyễn Lân mắng mỏ tôi là “vô văn hóa”, tôi cho là không có gì phải bận tâm.
Tác giả Cao Tự Thanh từng viết: “Hơn mười năm trước, y (chỉ An Chi) đã hứng thú với chuyện mồ mả thì hiện nay nhiều tuổi hơn có hứng thú hơn cũng không phải lạ, chỉ là vụ xe thổ mộ = xe giống như cái mả đất của y quả là thuộc trường phái từ nguyên học dân gian bá láp, đúng là có tác dụng phi thường trong chuyện làm cho em cháu ngu đi”. Còn tác giả Tầm Dương, giống như Cao Tự Thanh, thì chửi và chê An Chi: “Mịa những gã học chữ Hán ba mớ, tiếng Tàu ba mớ rồi giải thích xe thổ mộ là xe như cái mả đất thì nói xin lỗi, có mà đến mùa quýt mới hiểu vụ này. Thế nhưng đọc cái này xong có khi y cũng tìm mọi cách bới móc hay xào xáo gì đó mới hả dạ đấy. Cho nên phải nói lại, bản nhân là dân chuyên nghiệp, không có hạ mình mà cãi nhau hay thảo luận với bọn nghiệp dư, nhé”. Vuốt đuôi theo, một cựu học sinh miền Nam có tên là Phạm Quốc Tâm đã nói gần nói xa rằng tôi mắc chứng megalomania (chứng vĩ cuồng).
Trong tương lai ông sẽ làm gì cho ngữ nghĩa, điển tích khi quỹ thời gian đang ngày một cạn dần?
Tương lai thì không còn dài. Tôi đang tranh thủ thời gian làm bản thảo cho Rong chơi miền chữ nghĩa tập 4. Còn sở nguyện của tôi về quyển Từ điển từ nguyên các từ Việt gốc Hán thì chắc không thực hiện được. Tư liệu thì còn nằm rải rác ở nhiều nơi, tôi không có điều kiện tập hợp lại để tổng hợp thành một công trình hoàn chỉnh.
– Sinh ngày 27.11.1935 tại Sài Gòn.
– Tháng 5.1955, vượt tuyến ra Bắc, sau đó đi TNXP.
– 1956 – 1959: học Trường Sư phạm trung cấp T.Ư.
– 1959 – 1965: dạy cấp hai ở Thái Bình.
– 1966 – 1968: làm tạp vụ ở nhà ăn Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo viên tỉnh Thái Bình.
– 1969 – 1972: học nghề thợ nguội, nghề tiện, phụ trách bổ túc văn hoá ở Nhà máy xe đạp Thống Nhất (Hà Nội).
– 1972 – 1975: phụ trách thư viện ở Trường Học sinh miền Nam số 8 (Tam Đảo).
– Tháng 8.1975 – 1984: công tác ở ngành giáo dục Q.1, TP.HCM, về hưu non để đọc sách và nuôi chim kiểng.
– 1990: cộng tác với tạp chí Kiến thức ngày nay, phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây từ 1992 – 2008.
– Các tác phẩm đã in: Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Rong chơi miền chữ nghĩa (3 tập), Chuyện Đông chuyện Tây (6 tập)…
– Ông có thể tra cứu ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, chữ Hán và Sanskrit (ngôn ngữ cổ ở Ấn Độ).
Thú chơi chim kiểng
Nghề nuôi chim kiểng phải chăng cũng là thú rong chơi thứ hai của ông sau miền chữ nghĩa đình đám?
Tôi xin về hưu non để đọc sách, nghiên cứu và nuôi chim kiểng chơi. Tôi chỉ thích nuôi yến hót chứ yến phụng thì tôi không ưa. Mẹ tôi không thích việc nhốt chim trong lồng (người ta thì phóng sanh). Lại thấy tôi vất vả pha chế thức ăn tẩm bổ cho giống chim khó tính này (thức ăn chính của chúng chỉ là hạt kê) nên mẹ tôi càng sốt ruột. Nhưng tôi làm là vì sở thích. Con chim tạo cho mình niềm vui thì mình phải cầu kỳ và chịu khó như vậy để đền đáp cho nó chứ. Nhưng vì mẹ tôi không thích nên khi cụ rời gia đình để sang Mỹ với em gái tôi thì tôi hứa là sẽ từ bỏ việc nuôi chim. Bây giờ tôi chỉ còn giữ lại mấy cuốn sách về nghệ thuật và kỹ thuật nuôi yến hót làm kỷ niệm để chỉ tập trung vào việc Rong chơi miền chữ nghĩa là tôi thấy mãn nguyện rồi.
Lê Công Sơn
Tấm gương tự học đáng nể
Với tôi, nhà nghiên cứu khả kính An Chi là một tấm gương tự học đáng nể. Ông đã tự trang bị, tích lũy cho mình một vốn kiến thức đồ sộ về ngôn ngữ học, mà lợi thế biết nhiều ngoại ngữ khiến cho những bài viết của ông luôn phong phú về tư liệu, uyên bác về tri thức. Mảng viết về từ nguyên học, với những phát hiện độc đáo, lý thú, cũng luôn đem đến sức hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Những lý luận cơ bản trong nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung và từ nguyên học nói riêng, nằm rải rác trong các bài nghiên cứu, trao đổi, tranh luận của nhà nghiên cứu An Chi, cũng mang ý nghĩa rất lớn, có giá trị lâu dài đối với bạn đọc và giới nghiên cứu ngôn ngữ học.
Ông Hoàng Tuấn Công, tác giả Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu
Đạt đến trình độ chuyên gia
Tôi có hai người thân là thầy Cao Xuân Hạo với anh An Chi. Cả hai có điểm giống nhau là đều tự học và đạt đến trình độ chuyên gia mà giới học hành đầy đủ ở các trường vẫn phải kính phục. Nhưng ông Cao Xuân Hạo nặng về lý luận thì An Chi lại không muốn làm lý luận kiểu đó mà theo từng việc cụ thể. Ví dụ: anh bàn đến từng câu thành ngữ cụ thể, từ nguyên của một từ cụ thể. Nếu đọc các tập Chuyện Đông chuyện Tây và Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm sẽ thấy được công lao anh ấy như thế nào. Dù làm ngôn ngữ nhưng có nhiều chuyện tôi cũng không biết, phải hỏi anh An Chi.
Ông Hoàng Dũng, PGS-TS ngôn ngữ học
Có một số công trình đáng chú ý
Về lịch sử, dù không mở rộng nghiên cứu, nhưng An Chi cũng có những công trình đáng chú ý khi kiến giải Hùng Vương hay Lạc Vương?, Vấn đề “thành” của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?… Đặc biệt, về vấn đề Mạc Đăng Dung, sau khi đưa ra những sử liệu để phản biện một cách minh bạch, An Chi đi đến kết luận: “Vậy thì làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dâng cho nhà Minh; chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi”. Đặt lại vấn đề này, An Chi còn mong muốn nhấn mạnh đến lương tâm và trách nhiệm của các sử gia, nhà nghiên cứu lịch sử trong việc ghi chép và việc bình phẩm về hành động của các nhân vật lịch sử.