13,6 triệu tấn tro xỉ của 9 nhà máy nhiệt điện than ĐBSCL sẽ ‘đi’ đâu?
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam bày tỏ “hết sức lo lắng” tại hội thảo “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long” sáng 3-10.
13,6 triệu tấn tro xỉ của 9 nhà máy nhiệt điện than ĐBSCL sẽ ‘đi’ đâu?
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam bày tỏ “hết sức lo lắng” tại hội thảo “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long” sáng 3-10.
Hội thảo do Bộ Xây dựng và Bộ Công thương tổ chức tại TP Cần Thơ.
Ông Nam nói do tính chất quan trọng của hội thảo, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã yêu cầu ông huỷ một cuộc họp khác để đến dự và ông đến dự hội thảo này mang đến nỗi niềm rất lo lắng của người dân sống bên dòng sông Hậu để chia sẻ với lãnh đạo cơ quan thuộc Quốc hội, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương.
Theo Quy hoạch điện VII, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 9 nhà máy nhiệt diện than, tôi hết sức lo lắng những vấn đề liên quan tới môi trường, xử lý tro, xỉ.
Ông TRƯƠNG QUANG HOÀI NAM
Hơn 13,6 triệu tấn tro, xỉ sẽ “đi” đâu?
Theo ông Nam, ĐBSCL mới vận hành một nhà máy từ năm 2016 và 2017, mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn tro, xỉ. Tới năm 2020 lượng tro xỉ vào khoảng 4,13 triệu tấn và đến năm 2030, khi tất cả 9 nhà máy hoạt động, thải ra khoảng 13,6 triệu tấn.
Lúc đó câu chuyện đặt ra liên quan tới môi trường rất lớn.
“Làm sao xử lý lượng chất thải này, làm sao cho dòng sông Hậu hiền hoà không có những quả đồi, quả núi tro, xỉ? Công nghệ sử dụng trong thời gian tới như thế nào? Làm sao sử dụng, quản lý tro xỉ không làm ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân ven sông Hậu?” – ông Nam nói và cho rằng cần giải đáp rõ ràng, minh bạch liên quan tới môi trường.
Ông Phạm Văn Bắc – vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) – cho biết hiện toàn quốc có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 sẽ có 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn và đến năm 2030 là 422 triệu tấn.
Riêng tại ĐBSCL, từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.
Lượng tro, xỉ sẽ tạo ra những thách thức cho đất nước khi phải sử dụng một diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế.
Nếu không có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy xử lý, sử dụng thì tổng lượng tích lũy tro, xỉ, thạch cao trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh rất lớn. Vì vậy, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết.
Có thể dùng tro xỉ cho san lấp, xây dựng?
Ông Lê Hồng Tịnh – phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội – cho rằng trong bối cảnh điện hạt nhân tạm dừng, thuỷ điện không còn khai thác được, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch không phải nơi nào cũng làm được, việc lựa chọn nhiệt điện than (đến năm 2030 công suất phát điện chiếm 53% tổng công suất phát điện của cả nước) là “không còn con đường nào khác”, nên việc tổ chức hội thảo bàn về sử dụng tro, xỉ, thạch cao là rất quan trọng.
Theo ông Tịnh, ở miền Bắc, người dân đã quen dùng xỉ than để làm vật liệu xây dựng, còn ĐBSCL, ngoài nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), chưa có nhà máy nào vận hành, nên thời gian tới khi các nhà máy nhiệt điện khác như Long Phú 1 (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang)… hoạt động thải ra hơn 4 triệu tấn tro, xỉ thì “không biết xử lý thế nào”.
Ông Tịnh nói vấn đề san lấp hiện nay đang thiếu cát và Bộ Xây dựng đang xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan san lấp.
“Tôi đi Trà Vinh thấy san lấp thì thiếu cát, nhưng sử dụng cái này (tro, xỉ) thì tiêu chuẩn, quy chuẩn thế nào, Bộ GTVT không cho phép. Trước đây có hội thảo liên quan, có một báo cáo riêng ở Nhật người ta đã sử dụng 95% tro xỉ nhà máy nhiệt điện cho san lấp, làm vật liệu xây dựng, gạch không nung. VN thì như thế nào?” – ông đặt câu hỏi.
“Nếu như có sự rõ ràng, đưa vào san lấp, làm vật liệu xây dựng, gạch không nung thì không có vấn đề gì. Ở ĐBSCL hiện nhu cầu san lấp cho khu vực nông thôn cần rất nhiều” – ông Tịnh gợi ý.