Đức Tổng giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc: Con người của yêu thương
Ông là một con người giàu lòng yêu thương. Ai từng gặp ông, dù là con chiên hay người không có đạo, cũng ấn tượng về sự vui tính, sự đơn sơ luôn toát ra từ khuôn mặt, ánh mắt, cử chỉ và lời nói.
Đức Tổng giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc: Con người của yêu thương
Ông là một con người giàu lòng yêu thương. Ai từng gặp ông, dù là con chiên hay người không có đạo, cũng ấn tượng về sự vui tính, sự đơn sơ luôn toát ra từ khuôn mặt, ánh mắt, cử chỉ và lời nói.Linh cữu Đức Tổng giám mục Bùi Văn Đọc về đến Toàn tổng giám mục, Q3, TP.HCM tối 15-3 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đức Tổng giám mục (TGM) Tổng giáo phận TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc ra đi đột ngột khi đang hành hương về Roma (Ad Limina). Sự ra đi của ông để lại nhiều thương tiếc cho Giáo hội Công giáo, đặc biệt là giáo dân TP.HCM.
74 năm sống cùng niềm vui
Khi còn sống, cố TGM Phaolô luôn chọn làm sứ giả của niềm vui. Niềm vui từ trong trái tim lan tỏa cho mọi người xung quanh, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, dù gánh vác bao nhiêu trách nhiệm, ông vẫn mang niềm vui đến cho tất cả mọi người. Đó cũng chính là tâm nguyện của Đức TGM Phaolô khi luôn nêu cao khẩu hiệu “Chúa là niềm vui của con”.
Trong suốt 74 năm sống đời dương thế, ông chọn cho mình một cách sống, một tâm nguyện: sống cùng niềm vui. Ông sống vui và đem niềm vui đến cho tất cả mọi người không phân biệt lương giáo.
Là TGM Tổng giáo phận TP.HCM, ông chăm lo cho hết mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt những người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Trong đêm giao thừa năm 2018, thay vì dâng lễ tại Vương cung Thánh đường (Nhà thờ chính tòa Đức Bà TP.HCM) thì TGM Phaolô Bùi Văn Đọc chọn dâng lễ cùng với bà con ở nơi nhà nguyện nhỏ – Giáo điểm Tin Mừng tại huyện Nhà Bè.
“Khi ấy, tôi nhìn thấy có nhiều người tham dự thánh lễ chia tay năm cũ, bước sang năm mới nhưng vẫn mặc những bộ quần áo cũ thường ngày. Thậm chí có những người còn mặc nguyên bộ quần áo thun như mới đi làm về” – anh Tuấn, một giáo dân tại Giáo điểm Tin Mừng, kể lại.
Anh Tuấn nói tiếp: “Thật xúc động khi Đức TGM bước lên gian cung thánh, cả nhà thờ cùng chung tiếng gọi rất to: “Ông nội!”. Đức TGM cũng xưng ông nội với mọi người. Một tình cảm rất thân thương, gần gũi của TGM đối với con chiên của mình. Những ai tham dự thánh lễ giao thừa cuối cùng của ngài ở đó chắc chắn sẽ không bao giờ quên được khuôn mặt, nụ cười và lời nhắn nhủ dạy dỗ thân tình của ngài”.
Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc là thế, ông luôn thao thức không chỉ vấn đề thời sự của đất nước mà cả những chuyện bình thường như tổ chức nấu cơm, phát quà cho người nghèo.
Trong bữa cơm cuối năm mới đây được tổ chức vào trưa chủ nhật 19-11-2017 tại Tòa TGM TP.HCM để phục vụ cho 600 người nghèo không phân biệt lương giáo, Đức TGM bày tỏ: “Xin cảm ơn mọi người lương cũng như giáo, những người nghèo của Chúa đã đến dự đông đủ hôm nay. Chúa thương người nghèo, giáo hội cũng thương người nghèo, chăm lo cho người nghèo”.
Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Bùi Văn Đọc sẽ được mai táng tại Nhà nguyện của Tiểu chủng viện cũ, bên mộ Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình – Ảnh: XUÂN ĐÀO
Tận tụy cho tới khi nằm xuống
Chia sẻ về những giây phút cuối đời của TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ – chánh văn phòng Hội đồng giám mục Việt Nam, người có mặt trong chuyến hành hương Ad Limina – cho biết chiều 2-3 khi đoàn đến Paris (Pháp), TGM Phaolô có biểu hiện mệt mỏi.
“Tuy nhiên những ngày sau ngài vẫn sốt sắng tham gia tất cả các hoạt động của đoàn. Thế nhưng bản thân tôi và các đức cha, thành viên trong đoàn đều thấy ngài yếu đi rất rõ. Con đường ngài đi được ngắn hơn. Đi chậm, được một chút rồi lại nghỉ. Cho đến ngày cuối cùng, sau khi ngài chủ sự thánh lễ tại thánh đường Thánh Phaolô và lúc đi ra xe thì ngài đột quỵ. Ngài được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi”.
Tôi thật sự khâm phục, dù thân xác trĩu nặng nhưng ngài không than vãn, không muốn ai giúp đỡ, lạc quan cho đến khi nằm xuống rất thanh thản.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Linh mục Giuse kể tiếp: “Trong chuyến đi, ngài được Đức Giáo hoàng tặng một gói quà nhỏ. Trên đường đi cùng với tôi, ngài mệt và chúng tôi cùng ngồi nghỉ trên băng ghế. Ngài nhờ tôi giở gói quà. Quà là một chuỗi tràng hạt, ngài thấy vậy, cầm lấy thốt lên: “Đẹp quá! Chắc tôi dùng cho đến lúc chết”. Nói rồi ngài ngồi im và lần tràng hạt”.
Không những là một vị chủ chăn đầy lòng yêu thương và lạc quan, cố TGM Phaolô còn là chuyên viên thần học, giáo sư thần học tín lý. Ông nghiên cứu, khám phá và giảng dạy một trong những đề tài hóc búa nhất đó là thần học về Chúa Ba Ngôi. Ông lấy chính cuộc sống đời mình để chuyển tải tình yêu thương, niềm vui đến cho mọi người.
Cố TGM sống một cuộc đời khiêm tốn, không ngần ngại xin lỗi về những thiếu sót lỗi lầm. Trong ngày nhận sứ vụ TGM Tổng giáo phận TP.HCM (24-4-2014), ông từng tâm tình: “Anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho chúng tôi, các mục tử của anh chị em và tha thứ các thiếu sót lỗi lầm của chúng tôi trong khi phục vụ anh chị em…
Xin Người chúc phúc cho tất cả anh chị em và ban cho anh chị em tràn đầy ơn lành, để anh chị em biết sống yêu thương và phục vụ những người thân cận, nhất là những con người khốn khổ, những ai cần đến anh chị em…”.
Chia sẻ trước sự ra đi của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, đức cha GB. Bùi Tuần (nguyên giám mục Giáo phận Long Xuyên) viết trên trang web của Giáo phận Long Xuyên:
“Cái chết của ngài đánh động các tâm hồn một cách mạnh mẽ, hơn bất cứ thông điệp nào, hơn bất cứ nghi lễ nào. Lý do gây xúc động cho tôi chính là sự ra đi của một nhân vật nổi tiếng về yêu thương.
Ngài yêu thương một cách khiêm nhường, một cách chân thành, một cách hồn nhiên. Ngài yêu thương với nhiều bao dung, với nhiều quảng đại, với nhiều gần gũi. Ngài yêu thương mọi người, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt dân thường hay chính quyền, không phân biệt giai cấp giàu nghèo.
Hôm nay ngài lặng lẽ trở về tổng giáo phận của ngài, để như hạt lúa chôn vùi trong lòng đất mẹ Việt Nam. Đám tang của ngài sẽ là một biển yêu thương. Từ đó, chúng ta sẽ nhìn về phía trước. Phía trước cũng phải là yêu thương tỏa sáng.
Đức cố TGM ra đi với yêu thương lặng lẽ. Nhưng ngài trở về với yêu thương tràn đầy tha thiết nhắn gửi”.
BÌNH PHƯƠNG – ĐỨC TUYÊN