Chúa Nhật V MC B: Đức Giêsu Kitô – hiện thân của tình Chúa cho con người
Bằng hình ảnh của đời sống nông nghiệp quen thuộc, Chúa Giêsu đã ví đời mình như hạt lúa vùi mình trong lòng đất, và chỉ khi chết đi, mới nẩy sinh nhiều bông hạt. Sự sánh ví này có vẻ bi kịch và vô lý, thế nhưng nó cho thấy cách thế duy nhất để đạt đến một cuộc sống viên mãn chỉ có thể thực hiện được khi được tiêu hao trọn vẹn trong tình yêu.
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY B
(Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33)
ĐỨC GIÊSU KITÔ – HIỆN THÂN CỦA TÌNH CHÚA CHO CON NGƯỜI
“Ta sẽ tha thứ tội cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31,34)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gr 31,31-34)
Đây là đoạn trích sách ngôn sứ Giêrêmia loan báo về cuộc trở về của dân Israel khi bị quân Assyria lưu đày sang Ninivê năm 722 tCGS. Ở đoạn đầu (31-32), vị ngôn sứ đã lên án lỗi phạm mà dân mắc phải và chính điều này đã gây nên cuộc lưu đày. Tuy vậy, phản ứng của Thiên Chúa trước tội lỗi của dân làm chúng ta kinh ngạc.
Tại Sinai, Israel đã ký kết với Thiên Chúa một giao ước, sau khi đã “cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập” (c. 32). Với giao ước này, Người cam kết sẽ bảo vệ họ và hằng luôn bảo đảm cho họ một cuộc sống ân lộc dư tràn, với điều kiện là họ phải sống theo đường lối thánh chỉ Người.
Israel chỉ lo cố gắng gìn giữ trung thành giao ước này, nhưng tiếc thay, lịch sử của họ lại đầy những lỗi phạm và bất trung, và hậu quả là họ phải gánh chịu những tai ương và thảm hoạ. Trước tình cảnh này, liệu Thiên Chúa có mãi tín trung trước sự bội tín của dân Người?
Với câu hỏi này, chính Thiên Chúa đã trả lời cho chúng ta: “Làm sao Ta có thể bỏ ngươi hỡi Israel. Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm” (Hs 11,8-9). Vì thế, Người sẽ ký kết với Israel một giao ước mới; giao ước này sẽ khác với giao ước năm xưa mà con cái Israel đã không thể trung thành tuân giữ.
Với giao ước cũ, mặc dù dựa trên nền tảng lề luật đúng đắng, nhưng đã tỏ ra thất bại, vì con người không đủ sức để trung thành. Chính ngôn sứ Giêrêmia cũng nói lên điều này: “Lạy Đức Chúa, con biết rằng: Con đường mình đi, người ta không làm chủ, bước chân mình tiến, lữ khách không thể định đoạt” (Gr 10,23).
Vì thế, Thiên Chúa đã nghĩ đến một giao ước mới khác với giao ước tại Sinai, không phải là một danh sách các mệnh lệnh, nhưng là một nguồn sinh lực bên trong; giao ước này không còn được khắc ghi trên bia đá hay trái tim bằng đá, nhưng là trong trái tim bằng thịt (x. Ed 36,26): “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (c.33).
Vì thế từ đây, tương quan giữa Thiên Chúa với dân Người không còn là tương quan của những phiến đá, nhưng là tương quan máu thịt, tương quan trong tình yêu, tương quan trong sâu thẳm tâm hồn con người, và chính trong tương quan này, Thiên Chúa kỳ vọng về sự vững bền của giao ước, kỳ vọng sẽ biến cải và cứu được con người.
Câu kết đoạn hôm nay có thể được xem là quả ngọt đầu tiên của giao ước mới mà Thiên Chúa tự nguyện ký kết với dân Người: “Ta sẽ tha thứ tội cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (c.34).
2. Bài đọc II (Dt 5,7-9)
Sẽ là rất cam go nếu chúng ta bước theo hành trình mà Đức Kitô đề ra nếu Người chỉ giới hạn ở việc chỉ dẫn và khuyến dụ. Thư Do Thái đã trả lời cho những khắc khoải âu lo của chúng ta, khi khẳng định lại điều quan trọng thường bị quên lãng, đó là: chúng ta không cô độc trong hành trình này, nhưng có Đức Giêsu luôn đồng hành với chúng ta. Người đã sống những kinh nghiệm như của chính chúng ta với những thử thách và gian truân (x. Dt 2,17; 4,15).
Đoạn trích hôm nay nhấn mạnh thái độ của Người trước đau khổ và nhất là cái chết. Người hướng lòng về Chúa Cha để nài xin sự trợ giúp và đỡ nâng, và nếu có thể được, có thể cứu Người thoát khỏi chết (c.7). Người đã cầu nguyện cùng Chúa Cha để Chúa Cha có thể mạc khải thánh Ý và ý nghĩa của những điều sắp xảy đến cho Người.
Bản văn mô tả Đức Giêsu :“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (c.8). Trước đó, Người còn được xem như là một vị thượng tế luôn biết cảm thương :“Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối” (c.2).
Đây là những tâm tình thật cảm động về Đức Giêsu. Người không xử với chúng ta như người chủ sai khiến đầy tớ mình, hay từ trời cao quan sát và tìm kiếm những lỗi lầm của con người; trái lại, Người trở thành bạn đồng hành với chúng ta, tiên phong những bước đi gian khó đầu tiên trong hành trình khổ nạn và thập giá. Bởi đó, chính Người là Đấng đáng tin tưởng và cậy trông khi Người mời gọi chúng ta bước đi cùng.
3. Bài Tin Mừng (Ga 12,20-33)
Khởi đầu bài Tin Mừng hôm nay có chi tiết rất lạ, đó là sự xuất hiện của nhóm người Hy Lạp lên Giêrusalem thờ phượng Chúa. Họ là ai? Thuật ngữ này chỉ những người dân ngoại có cảm tình với Do Thái giáo hoặc là đã cải đạo sang Do Thái giáo. Dù không được xem là những con cái của Abraham, họ cũng được dân Israel quý mến, và theo như lời sấm ngôn của Isaia, họ như là hoa quả đầu mùa của những dân nước sẽ quy tụ về Giêrusalem để được Thiên Chúa dạy cho biết lối của Người (x. Is 2,3).
Chỉ mới trước đây, Chúa Giêsu đã nhắc đến họ trong giáo huấn của Người: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,17).
Trước khi có cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu, chắc chắn họ đã trải qua một hành trình thiêng liêng của mình. Từ thời cha ông, họ đã tôn thờ các thần khác; thế mà nay, khi đã biết về vị Thiên Chúa của Israel, họ đã hân hoan đón nhận, thân hành lên Giêrusalem, với ước muốn sẽ được thông phần vào phần phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Abraham.
Hôm nay, họ lên Giêrusalem để thể hiện niềm tin của mình, và có lẽ tận trong sâu thẳm, họ cảm nhận được hành trình của họ vẫn chưa trọn vẹn và đạt đến cùng đích mà Thiên Chúa muốn nơi họ. Chính vì thế, hôm nay, họ muốn thấy Đức Giêsu.
Thấy trong Tin Mừng Gioan có nghĩa là hiểu được trong tâm can sâu thẳm của một con người. Ở đây, chắc chắn không phải là một sự tò mò, muốn xem Đức Giêsu ăn mặc như thế nào, nhưng là một ước muốn gặp gỡ Đấng mà mọi người đang tìm đến sau khi đã cho Lazzarô sống lại (12,9), ước muốn biết rõ căn tính của Người, để xem Người có thể mang lại một điều gì đó mới mẻ cho đời họ.
Điều lạ là họ không trực tiếp đến với Chúa Giêsu, nhưng nhờ qua các trung gian, đó là hai tông đồ mang cái tên Hy Lạp đồng hương với họ: Philipphê và Anrê. Điều này diễn tả một điều thú vị: qua cộng đoàn, con người có thể thấy được Chúa; qua tha nhân, con người thấy được tình anh em.
Trình thuật tiếp theo không cho chúng ta biết là những người Hy Lạp này có được Đức Giêsu tiếp nhận hay không. Thánh Gioan đã cho họ tan trong bối cảnh giống như trường hợp của Nicôđêmô. Vì thế, sự hiện diện của họ được xem như là để chuẩn bị khoảng trống cho đề tài mà thánh nhân muốn khai triển. Mục tiêu ở đây không gì khác hơn, đó là, để cho độc giả được thấy Đức Giêsu trong dung mạo thật của Người ở các câu 23-32 tiếp theo.
Bằng hình ảnh của đời sống nông nghiệp quen thuộc, Chúa Giêsu đã ví đời mình như hạt lúa vùi mình trong lòng đất, và chỉ khi chết đi, mới nẩy sinh nhiều bông hạt. Sự sánh ví này có vẻ bi kịch và vô lý, thế nhưng nó cho thấy cách thế duy nhất để đạt đến một cuộc sống viên mãn chỉ có thể thực hiện được khi được tiêu hao trọn vẹn trong tình yêu. Trên hết tất cả, chính Chúa Giêsu đã dâng hiến đời mình trước tiên, và đây chính là vinh quang của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta.
Không dừng lại ở đời mình, Đức Giêsu còn kêu gọi chúng ta bước theo con đường ‘vinh quang’ như Người đã đi: “Hãy theo thầy”. Trước lời mời gọi đó, điều dở nhất của chúng ta hôm nay, không phải là thái độ từ chối, nhưng là hạ thấp và biến hành trình theo Chúa trong đức tin thành những lối thực hành lễ nghi tôn giáo thuần tuý. Thật ra, dung mạo mà Chúa Giêsu tỏ ra cho những người ‘Hy Lạp’ đòi hỏi một sự thông dự hoàn toàn, một sự đáp trả dứt khoát và tận căn của mỗi người chúng ta.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Ta sẽ tha thứ tội cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Qua lời sấm của ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa muốn thiết lập một tương quan mới với Dân Người; đó không chỉ là tương quan giao ước, lề luật, nhưng còn là tương quan trong tình yêu, để khi có lỗi phạm, con người sẽ vẫn tiếp tục được Thiên Chúa tha thứ và yêu thương. Cảm nghiệm được điều này, vậy đâu là thái độ sống và tâm tình đáp trả cụ thể mà tôi cần có đối với Chúa và đối với anh chị em tôi?
2. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Khẳng định của Thư Do Thái về Đức Giêsu làm chúng ta hiểu hơn về Đức Giêsu, và an tâm trong hành trình đức tin của mình, nhất là trong những giây phút thử thách và gian truân, đó là luôn có Chúa đồng hành. Giờ đây, trước mọi biến cố, đâu sẽ là điểm tựa của tôi?
3.“Chúng tôi muốn thấy Đức Giêsu”. Gặp gỡ và thấy Đức Giêsu như là một kinh nghiệm thiêng liêng quý báu trong hành trình đức tin theo Tin Mừng thánh Gioan. Vậy trong đời mình, điều gì làm tôi ao ước được thấy nhất? Là Đức Giêsu, là tình thương của Thiên Chúa, hay là điều gì khác chăng?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu vào thế gian như là “hạt lúa” được gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi để sinh nhiều bông hạt, đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Trong tâm tình cảm tạ và tin tưởng, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin chân thành:
1. “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho hàng Giám mục và mọi thành phần trong Hội Thánh luôn trung thành và hăng say với sứ mạng loan báo và làm chứng cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
2. “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”. Chúng ta cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm và ưu tiên chọn lựa những chính sách hữu hiệu về xã hội, giáo dục, và y tế, nhằm đem lại cuộc sống ổn định và hạnh phúc cho mọi người.
3. Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất”. Chúng ta cùng cầu xin cho những người trẻ đang phải đối diện với các vấn đề của một xã hội đề cao cá nhân, tôn thờ vật chất; biết khao khát tìm kiếm những gía trị đích thực đem lại cho họ sự sống đời đời.
4. “Xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến”. Xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết noi gương vâng phục của Chúa Giêsu: nhận ra và thi hành thánh ý Chúa qua mọi biến cố trong cuộc sống và các bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết sống vâng phục và không ngừng làm vinh danh Chúa theo gương Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.