‘Mang rác đi chôn’: Vẫn loanh quanh mùn lẫn rác thải
Lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM và đơn vị liên quan đã trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ xung quanh bài báo “Nhận tiền đút túi, mang rác đi chôn”.
‘Mang rác đi chôn’: Vẫn loanh quanh mùn lẫn rác thải
Lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM và đơn vị liên quan đã trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ xung quanh bài báo “Nhận tiền đút túi, mang rác đi chôn”.
Trong đêm, xe chở rác tới công trình san lấp mặt bằng trồng cây xanh của Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải TP – Ảnh: cắt từ clip ĐỨC PHÚ – QUANG KHẢI |
Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP, cho biết sẽ tiếp thu những phản ánh của Tuổi Trẻ và chỉ đạo Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải TP (MBS) tăng cường công tác giám sát việc đưa chất thải san lấp mặt bằng.
Giải thích mập mờ
Theo ông Trần Kim Phát – giám đốc MBS, khu vực chôn chất thải nằm trong khu quy hoạch cây xanh cách ly. Khu này chưa được ngân sách TP chi trồng cây xanh, cây xanh hiện hữu là cây tự nhiên.
Khu vực này nhiễm phèn, bốc mùi hôi nên để cải tạo cảnh quan và môi trường, MBS đồng ý cho cải tạo mặt bằng trồng cây ăn trái.
Chất thải dùng để san lấp mặt bằng ở đây chỉ là phân bón, mùn của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Công ty Tâm Sinh Nghĩa) và Công ty cổ phần Vietstar. MBS không phải trả tiền cho hai đơn vị trên.
Theo ông Ngô Thành Đức – phó giám đốc MBS, mùn là sản phẩm hữu cơ đã được phân loại từ rác, sau đó đem ủ. Quá trình ủ có thể kéo dài nhiều ngày rồi sàng lọc để lấy sản phẩm có kích thước nhỏ. Mùn này nếu tiếp tục rây sàng để ra sản phẩm nhỏ hơn được gọi là phân.
Trong khi đó, một chuyên gia về môi trường cho rằng ngay cả việc dùng phân, mùn này để trồng cây cũng khó có thể làm cây xanh phát triển được.
Và có một điều lạ là trong kế hoạch thực hiện công trình thanh niên vào đầu tháng 2-2017 mà MBS cung cấp không hề đề cập việc sử dụng phân, mùn hữu cơ của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, chỉ đề cập việc sử dụng mùn của Công ty Vietstar.
Cũng theo văn bản này, việc san lấp để trồng cây ăn trái thử nghiệm ban đầu dự kiến lên đến 4ha, nếu thuận lợi có thể mở rộng diện tích tới 10ha.
Rác lẫn trong mùn, phân?
MBS cho phép sử dụng phân, mùn để san lấp nhưng thực tế chúng tôi ghi nhận rất nhiều xe chở rác thải đến đây?
Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, ông Ngô Thành Đức chỉ nói chung chung quá trình sàng lọc có thể dính tạp chất hoặc những xe rác khác làm rơi vãi rác khiến khu vực san lấp có thể lẫn một số loại rác (!).
Ông Đức còn cho biết: “Chất thải chở ra khỏi Công ty Tâm Sinh Nghĩa nghe anh em báo cáo là mùn ủ”.
Chúng tôi đặt vấn đề với Sở Tài nguyên – môi trường TP rằng những hình ảnh, clip mà chúng tôi ghi nhận cho thấy xe chở rác có cả bao tải rác, bao nilông, hộp xốp, chai thủy tinh, vải vụn…, nếu MBS vẫn khẳng định là mùn có thể mời một đơn vị độc lập đến khu vực san lấp bốc lên để giám định.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng vấn đề này để lãnh đạo MBS trả lời.
Nhận “quả bóng” từ lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP, ông Ngô Thành Đức nói “có mời cơ quan chức năng đào khu vực đã san lấp lên để kiểm tra hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của các bên liên quan”.
Tuy nhiên, ông Đức hứa: “Câu chuyện mùn có lẫn rác hay không, hay có việc lợi dụng công tác kiểm tra giám sát thiếu chặt chẽ… thì chúng tôi sẽ rà soát để làm rõ thêm”.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP): Nên đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc
Xem những hình ảnh chôn lấp chất thải tại công trình cây xanh của MBS do PV Tuổi Trẻ ghi được, tôi khẳng định chất thải trên các đoàn xe chở đi chôn lấp thực chất là rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Chỉ có một số xe chở rác đã được xử lý thô. Xét về khoa học môi trường thì việc làm này quá nguy hại về lâu dài vì rác thải có tính chất ô nhiễm cao lại chôn lấp không lót đáy kỹ thuật. Việc làm này là sai phạm nghiêm trọng. Còn việc MBS tuyên bố phân bón từ rác được chôn lấp để trồng cây ăn trái, tôi nghĩ chỉ là nguỵ biện thôi. Về hiện trạng và quy mô hố chôn lấp đang đào ở khu vực cây xanh, lượng xe vận chuyển liên tục suốt đêm, số lượng cả trăm xe như thế thì làm sao lại nói xe chở phân bón vi sinh cho cây trồng? Vì vậy tôi đề nghị cơ quan điều tra nên vào cuộc để làm rõ vụ này. Ngoài ra, Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ đốt 100%, nhưng lại để tồn cả trăm ngàn tấn rác thì vai trò quản lý nhà nước của MBS ở đâu? |