29/11/2024

Cấm hay giám sát học sinh dùng điện thoại di động?

Việc học sinh có được dùng điện thoại di động trong nhà trường hay không, sử dụng ở mức độ nào… là đề tài không mới nhưng vẫn luôn khiến người lớn lúng túng.

 

Cấm hay giám sát học sinh dùng điện thoại di động?

Việc học sinh có được dùng điện thoại di động trong nhà trường hay không, sử dụng ở mức độ nào… là đề tài không mới nhưng vẫn luôn khiến người lớn lúng túng.




 

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) sử dụng ĐTDĐ như một phương tiện học tậpẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Mới đây, vụ việc một học sinh (HS) lớp 9 ở Ninh Bình bị cô giáo tịch thu điện thoại di động (ĐTDĐ) khi sử dụng trong giờ học đã sợ hãi đến mức nhảy lầu, một lần nữa lại đặt ra nhiều băn khoăn xung quanh vấn đề trên.
Phụ huynh: người muốn cấm, người nói vẫn cần
Phụ huynh của Thư Hiên (lớp 7H, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội) cho biết quan điểm của chị là không cho con sử dụng ĐTDĐ ít nhất là đến hết cấp THCS. Theo chị, nhà trường cấm HS sử dụng trong giờ học thì việc phụ huynh không cho con mang điện thoại đến trường cũng là để con chấp hành nội quy. Đồng quan điểm, một phụ huynh có con học lớp 8 Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng nhà trường cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học thì việc cho HS mang điện thoại theo lại khiến thầy cô phải mất thời gian kiểm soát. Hơn nữa, nhà trường đã có hệ thống xe đưa đón, nên việc sử dụng điện thoại khi đi học với HS ở lứa tuổi này là không cần thiết.
Lý lẽ của một số phụ huynh muốn cấm con mang điện thoại đến trường còn là sợ học sinh xao nhãng việc học, lén lúc chơi game dẫn đến nghiện, thậm chí là truy cập những trang web đen. “Con gái tôi kể là vào giờ ngủ trưa, một nhóm bạn nam thường lén tụm lại chơi game, xem phim đen rồi có những hành vi rất kỳ cục”, phụ huynh lớp 7 một trường ở TP.HCM lo lắng.
 

Cấm hay giám sát học sinh dùng điện thoại di động? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Mệt mỏi các kiểu ‘đồng phục’ đầu năm học

Cứ vào năm học mới, chuyện đồng phục, sách, vở, bút, mực… cho học sinh lại khiến phụ huynh mệt mỏi vì những quy định không đáng của các trường, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn cho rằng việc cho con sử dụng ĐTDĐ là nhu cầu tất yếu. Nhiều người lý giải, lên đến cấp THCS, thời gian học đã không còn cố định, bố mẹ phải nhờ đến dịch vụ đưa đón, nếu con không có ĐTDĐ thì làm sao liên lạc để con em biết chính xác người được nhờ đưa đón. Một phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thì cho hay con tự đi xe buýt về mỗi buổi chiều, nên chỉ cho con mang theo chiếc điện thoại “cục gạch” nhắn tin cho mẹ biết “con đã lên xe” rồi báo tin khi đã về đến nhà.
Kiểm soát chặt
Thực tế, không ít trường ra quy định cấm HS mang ĐTDĐ đến lớp nhưng sau đó cũng đành thỏa hiệp với phụ huynh để chỉ khoanh vùng cấm trong giờ học.
Một giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 8 Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) cho biết việc HS mang điện thoại đến trường quả thực khiến GV rất vất vả. Nếu cấm thì phụ huynh sẽ nói rằng cần phải liên lạc với con để đưa đón… Do vậy, GV phải đồng ý cho HS mang điện thoại đến lớp nhưng đầu giờ học thì thu hết và cho vào tủ GV khóa lại, cuối buổi học mới trả lại. Điều này khiến GV chủ nhiệm buộc phải ở lại đến cuối buổi học của HS để trả điện thoại cho HS. Bên cạnh đó, nhiều GV cũng phản ánh việc “tịch thu” điện thoại không phải giải pháp tối ưu, bởi có HS mang 2 điện thoại và chỉ nộp cho cô một chiếc điện thoại hỏng hoặc “cục gạch”, rồi giấu chiếc ĐTDĐ thông minh còn lại để lén dùng.
Cấm hay giám sát học sinh dùng điện thoại di động? - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Phát âm tiếng Anh theo ‘chuẩn’ nào?

Mới đây, giáo viên nước ngoài ở một trung tâm Anh ngữ đưa đoạn phim về việc phát âm tiếng Anh của người VN không chuẩn, khó nghe. Điều này đã gây tranh luận dữ dội.
Với HS ở cấp học lớn hơn thì quan điểm về việc sử dụng ĐTDĐ cũng có thay đổi. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà (Hà Nội), cho rằng cấm sử dụng điện thoại trong giờ học cũng nên hiểu theo nghĩa rộng vì chỉ cấm vào những giờ học không cần thiết nhưng lại có giờ bắt buộc HS phải dùng cho việc học. Vì vậy, theo bà Nhiếp, đầu giờ HS sẽ phải mang điện thoại để vào một nơi quy định trong lớp, đến giờ học nào GV cho phép thì chiếc điện thoại đó sẽ là một công cụ để hỗ trợ việc học tập. Trường hợp nào vi phạm thì tùy mức độ, hành vi, có trường hợp bị tịch thu điện thoại đến vài tháng và bố mẹ phải đến ký cam kết khi lấy điện thoại về cho con.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng dùng ĐTDĐ không phải là điều xấu, vấn đề là có HS đang sử dụng nó với nhiều mục đích khiến người lớn phải giật mình.
Cho dùng có định hướng
Thay vì cấm, nhiều trường THPT tại TP.HCM cho phép HS sử dụng điện thoại nhưng có định hướng rõ ràng. Thậm chí, một số trường còn kết nối mạng toàn trường để học sinh (HS) có thể dễ dàng truy cập khi cần tìm hiểu thông tin phục vụ cho việc học.
Là một trong số những trường có nhiều chương trình học bằng ĐTDĐ, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) mở mạng liên tục để HS có thể truy cập vào internet ngay trong các tiết học. Đồng thời, HS có thể lên mạng tìm chương trình giải trí vào giờ nghỉ, giải lao hay trong lúc đợi ba mẹ đến đón khi tan học. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Vì sợ không kiểm soát được nên nhiều trường cấm HS sử dụng ĐTDĐ. Đây không phải là cách quản lý hay và lâu dài. Đó là chưa kể khi bị cấm đoán thì HS sẽ tìm cách để chống lại việc cấm và tạo cho các em tính tò mò, để rồi lén lút sử dụng như vậy rất có thể lợi bất cập hại”.
Theo ông Thạch, thay vì cấm, điều các trường nên làm là hướng dẫn cho HS sử dụng có hiệu quả dưới sự giám sát của GV. Trước tiên để tránh được các tác động xấu, GV nên hướng dẫn HS cách sử dụng các trang mạng xã hội như thế nào cho hiệu quả. GV cũng cần hướng dẫn HS tìm kiếm và chia sẻ các thông tin bổ ích. Đồng thời nhà trường phải giao ước với HS về thời gian, địa điểm được phép sử dụng đúng mục đích.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cũng nêu ý kiến: “Việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ khi cả xã hội đang bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay là điều rất khó”. Bà Dung cho hay hiện nhà trường không cấm HS mang ĐTDĐ tới trường nhưng có kiểm soát thời gian sử dụng. Cụ thể, HS được phép sử dụng tự do trong các giờ giải lao nhưng tuyệt đối không được dùng trong giờ học. Nếu GV phát hiện thì có thể bị thu điện thoại một tuần, tái phạm sẽ bị thu giữ một tháng…
Cấm nhưng để HS không cảm thấy bị ép buộc

Ở nhà các con đã tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, máy tính nên khi tới trường tốt nhất là không nên sử dụng ĐTDĐ. Tuy nhiên, không cho sử dụng thì các cháu vẫn sẽ lén sử dụng. Chính vì vậy nhà trường cần có biện pháp phù hợp để hạn chế nhưng cũng cần hướng dẫn để HS hiểu và không cảm thấy bị ép buộc.
Nguyễn Minh Dũng (Phụ huynh tại TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)
Ràng buộc bằng thỏa thuận
Con tôi năm nay vào lớp 11. Ở độ tuổi này các cháu không thích bị cấm đoán. Với việc sử dụng ĐTDĐ, tôi không mong nhà trường cấm mà nên hướng dẫn để con sử dụng có hiệu quả phương tiện này đồng thời có ràng buộc các cháu bằng các quy định, thoả thuận. Tôi tin với cách làm như vậy các con sẽ hiểu và không sử dụng điện thoại vào các mục đích không tốt.    
Bùi Thị Tuyến (Phụ huynh tại H.Bình Chánh, TP.HCM)
Tìm sự đồng thuận trước khi cấm – phạt
Cấm hay giám sát học sinh dùng điện thoại di động? - ảnh 4

       

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (ảnh), Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về việc nên ứng xử ra sao với việc học sinh (HS) sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ).

Xin ông cho biết, ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ông quy định về việc HS sử dụng ĐTDĐ ra sao?

Trường tôi có quy định rất rõ là trong giờ học thì tuyệt đối HS không được sử dụng ĐTDĐ. Tuy nhiên, HS ở lứa tuổi này thì không thể cấm các em mang điện thoại đến lớp được nên giáo viên (GV) chủ nhiệm có trách nhiệm phải thu của HS, hết giờ trả lại.

GV có phải đối phó với nhiều tình huống “lách luật” của HS không, thưa ông?
Nếu GV thực sự quan tâm, bao quát lớp tốt thì HS làm việc riêng trong giờ học sẽ bị phát hiện ngay. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có một bộ phận giám thị của trường ở vòng ngoài, chịu trách nhiệm giám sát cả HS và GV.
Chúng tôi xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của toàn trường và của từng lớp. Ví dụ vi phạm lần 1 thì xử lý ra sao, lần 2 thì thế nào… nếu tái phạm nhiều lần thì buộc phải mời gia đình đến để cùng phối hợp, thậm chí giao điện thoại đó cho gia đình quản lý và cùng thống nhất không cho HS đó sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định…

Việc HS sử dụng ĐTDĐ dẫn tới… nghiện, nhu cầu chia sẻ, kết nối trên các mạng xã hội của các em quá lớn khiến cho việc cấm đoán không hiệu quả. Theo ông cần làm gì để cân bằng giữa nhu cầu có thực của HS và mong muốn của người lớn?
Giáo dục HS bây giờ không chỉ đơn thuần là ban ra một lệnh cấm và bắt tất cả phải làm theo. HS cũng có rất nhiều lý lẽ mà các em cho rằng lý lẽ đó là đúng do vậy quan trọng nhất vẫn là nhận thức của các em chứ không phải là những hình thức cấm đoán. Trách nhiệm này cần có sự phối hợp đồng bộ của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Người lớn phải gương mẫu. Ở trường thì GV không dùng điện thoại vào việc riêng khi lên lớp, về nhà thì gia đình cũng cần dành thời gian để trò chuyện, tổ chức các hoạt động gia đình chứ nếu ai cũng ôm một cái điện thoại “cắm mặt” vào màn hình, không để ý gì đến xung quanh thì không thể cấm hoặc hạn chế con em mình lạm dụng điện thoại được.

Với lứa tuổi mới lớn như HS trung học, để tránh những phản ứng tiêu cực xảy ra khi bị cấm đoán thì cần có biện pháp gì để HS cảm thấy được chia sẻ và nhìn nhận tích cực hơn về những việc mình được làm và không nên làm?
Mỗi đầu năm học hoặc một học kỳ, chúng tôi dành một thời gian để HS và GV chủ nhiệm thảo luận, đề ra một bộ quy tắc ứng xử cho lớp mình trong đó có những việc được làm, không được làm; nên làm, không nên làm… Nguyên tắc đặt ra phải rất cứng rắn nhưng xử lý thực ra lại phải mềm dẻo theo từng đối tượng HS.
Với ĐTDĐ thì không thể thuyết phục HS là dùng điện thoại chỉ toàn tác hại, nói một chiều thế thì HS sẽ không nghe. Phải phân tích cả cái lợi, cái hại và hướng các em sử dụng như thế nào.
Chúng ta phải đặt mình vào địa vị, tâm lý lứa tuổi của các em thì các em sẽ không thấy mình bị áp đặt, cấm đoán.
Cuộc tranh luận ở nhiều nước
Theo Ngân hàng Thế giới, quy định cấm HS dùng điện thoại ở trường học rộ lên trong giai đoạn 2008 – 2012 tại nhiều khu vực trên thế giới. Ở châu Âu, Pháp giới thiệu luật cấm vào năm 2009, trong khi 98% trường học ở Anh không cho HS dùng điện thoại từ năm 2012. Không lâu sau, Bỉ quy định việc bán và quảng cáo điện thoại cho trẻ em dưới 7 tuổi là phạm luật.
Ở châu Á, Malaysia ban hành lệnh cấm vào năm 2014. Thái Lan có chính sách trừng phạt cứng rắn đối với các trường hợp vi phạm quy định dùng điện thoại tại trường. Ở Singapore, hầu hết trường học có quy định cấm HS dùng ĐTDĐ này, ai vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại. Trong khi đó, Indonesia quyết liệt hơn khi xem xét cấm cả việc HS dùng điện thoại bên ngoài trường học. Nhật Bản không ra luật nhưng Bộ Giáo dục chỉ đạo các trường tiểu học và trung học không cho HS dùng điện thoại khi đến lớp. Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản không được phép dùng điện thoại sau 21 giờ.
Trong khi đó, các bang của nước Mỹ vừa qua đã gỡ bỏ lệnh cấm cho HS dùng điện thoại ở trường và có những quy định riêng nhằm đảm bảo phù hợp với quan điểm của phụ huynh.    
Ngọc Mai


Tuệ Nguyễn (thực hiện)


 

Tuệ Nguyễn – Lam Ngọc