29/11/2024

Người gieo hạt giống hi vọng cho trẻ Harlem

Sáu năm trước, sau khi nghe một bé gái mẫu giáo quả quyết rằng cà chua được trồng trong siêu thị, ông Tony Hillery đã nghĩ tới việc tạo một khu vườn để kéo trẻ về với thiên nhiên.

 

Người gieo hạt giống hi vọng cho trẻ Harlem

Sáu năm trước, sau khi nghe một bé gái mẫu giáo quả quyết rằng cà chua được trồng trong siêu thị, ông Tony Hillery đã nghĩ tới việc tạo một khu vườn để kéo trẻ về với thiên nhiên.

 

 

 

Người gieo hạt giống hi vọng cho trẻ Harlem
Ông Tony Hillery cùng các bạn học sinh tìm hiểu về rau trồng – Ảnh: Twitter của Tổ chức Harlem Grown

Theo Đài CNN (Mỹ), câu chuyện đó xảy ra khi ông đang làm tình nguyện viên ở một trường công lập của khu Harlem, thành phố New York.

Trong giờ ăn trưa, ông Hillery trò chuyện với một bé gái và cô bé đã kiên quyết bảo vệ quan điểm cho rằng “cà chua được trồng trong siêu thị”.

“Đó là một cuộc thảo luận thực sự và cô bé đã rất quả quyết – ông nhớ lại – Thế rồi tôi làm một khảo sát nhỏ với các em khác, và tất cả chúng đều đồng ý như vậy. Chúng không biết thức ăn bổ dưỡng là gì và đến từ đâu”.

Dù biết nhiều em nhỏ hoàn cảnh gia đình khó khăn, không phải lúc nào cũng được dùng thực phẩm tươi, bổ dưỡng, nhưng ông Hillery rất kinh ngạc khi thấy nhiều em thậm chí không phân biệt được chính xác các loại rau quả.

Nằm đối diện với ngôi trường phía bên kia đường là một khu đất trống bỏ hoang và ông Hillery nảy ra ý tưởng. Sau vài cuộc điện thoại đăng ký với thành phố, ông đã được phép biến nơi đây thành một nông trại ngay giữa khu đô thị.

 

Với lũ trẻ, khu vườn bỏ hoang đó là một khu vườn ma ám. Có quá nhiều thứ không hay xảy ra tại đó. Hàng rào cỏ mọc cao lút đầu, chẳng thể thấy gì bên trong. Và ông Hillery bắt tay dọn dẹp.

Sau giờ học, lũ trẻ tới giúp ông. Ông mua 400 cây giống vì ngôi trường có 400 học sinh. Ông cùng mọi người tổ chức một lễ trồng cây.

Mỗi đứa trẻ được giao trồng một cây và đó là sự khởi đầu của tổ chức phi lợi nhuận Harlem Grown.

Nhớ lại những ngày ấy, ông Hillery bật cười: “Tôi chưa từng trồng cây gì trước đó, và ở đây ai cũng biết là tôi từng làm chết nhiều cây hơn là trồng cho chúng sống được.

Nhưng rồi việc mang một hạt giống bé nhỏ gieo xuống đất, chăm sóc trở thành một cái cây phát triển hoàn toàn, đơm hoa kết trái và cho bạn rau, củ quả có thể ăn được thật tuyệt vời.

Đó là sự tưởng thưởng cho bạn về việc bạn có thể làm”.

Người đàn ông này chia sẻ ở thuở khởi đầu của Harlem Grown khi nhìn thấy vẻ sung sướng tự hào trên gương mặt những đứa trẻ lúc chăm cây, ông hiểu mình đã làm được một điều thật giá trị.

Giờ đây sau sáu năm, tổ chức phi lợi nhuận Harlem Grown của ông đã có tất cả 10 khu nông trại đô thị trên toàn vùng.

Ông Hillery và các nhân viên đã dạy trẻ cách trồng rau từ lúc gieo hạt cho tới khi thu hoạch và nấu những bữa ăn ngon từ chính các sản vật do các em tự tay trồng.

Công thức của Harlem Grown rất đơn giản: đứa trẻ trồng cây nào sẽ được ăn thành quả từ chính cây đó.

Vậy nên không chỉ giúp các em hiểu được việc trồng cây, về thức ăn, tổ chức của ông Hillery còn giúp các em hiểu đó là gì, mùi vị ra sao và cách nấu như thế nào.

Ông bảo: “Chúng tôi muốn những đứa trẻ sống khỏe mạnh, sung sức. Nhưng đó không chỉ là chuyện dinh dưỡng lành mạnh, đó còn là cuộc sống lành mạnh, cộng đồng lành mạnh và hành tinh lành mạnh”.

Không chỉ giúp các em thêm yêu việc trồng trọt, nhóm của ông cũng tư vấn và hỗ trợ các em tiếp xúc với các chương trình giáo dục cao hơn, tiếp cận những con đường nghề nghiệp khác nhau trong tương lai.

Mỗi năm hơn 4.000 học trò đã tới nông trại của ông Hillery. Ông rất tự hào về nó: “Cả thế giới có thể đi qua nông trại nhỏ bé này”.

Hiện ở Harlem có sáu trường tiểu học. Trong năm học, Harlem Grown đều có mặt tại các phòng ăn trưa ở các trường vào bữa sáng và bữa trưa.

Tại mỗi ngôi trường, tổ chức này cũng xây dựng một khu vườn nhỏ để các em thực hành tất cả mọi khâu từ trồng, chăm sóc, lặt cỏ, thu hoạch và chế biến rau củ quả do mình trồng.

Không chỉ thế, Harlem Grown còn dạy các em giảm xả rác, tái sử dụng và tái chế rác. Với sự hỗ trợ của các em, họ cùng nhau tận dùng đồ ăn thừa và rác thải hữu cơ để trộn phân bón cho rau trong chính khu vườn của mình.

Ông Hillery yêu mến những khu vườn và yêu những đứa trẻ đang được kéo gần lại với thiên nhiên, ông tự hào vì sự thay đổi của chúng:

“Khi tôi bắt đầu chương trình này sáu năm trước, mọi bé trai đều muốn là ngôi sao bóng rổ Lebron James và mọi bé gái đều muốn trở thành ca sĩ Beyoncé.

Nhưng giờ đây, vẫn những đứa trẻ ấy lại muốn là kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, lập trình viên. Vì sao ư? Đơn giản là vì chúng được tiếp cận với những điều đó”.

Nội dung hoạt động của Harlem Grown do chính các em nhỏ xây dựng. Ông Hillery và các cộng sự sẽ hỏi về mối quan tâm của các em và tạo cơ hội để các em tiếp cận với những điều đó.

Ở đây đúng như ông Hillery nói: “Không chỉ là việc trồng rau mà còn là trồng người. Chúng tôi đang gieo những hạt giống hi vọng”.

D.KIM THOA