Chương 12 (hoàn chỉnh) Sự Dấn Thân Của Cá Nhân Và Xã Hội: TÌNH YÊU TRONG HÀNH ĐỘNG
Vì sao các Kitô hữu phải tham gia và cần tham gia vào lĩnh vực nào: trong Giáo Hội, trong xã hội, trong các nhu cầu và các mâu thuẫn xã hội, trong các đảng phái và hội đoàn. Vì sao các Kitô hữu có thể trao tặng cho người đương thời thứ quà tặng mà không ai khác có thể mang đến cho họ.
Chương 12
Sự Dấn Thân Của Cá Nhân Và Xã Hội
TÌNH YÊU TRONG HÀNH ĐỘNG
Câu 305-328
Với sự cộng tác của Elmar Nass, Bertram Meier và Anno Zilkens
Vì sao các Kitô hữu phải tham gia và cần tham gia vào lĩnh vực nào: trong Giáo Hội, trong xã hội, trong các nhu cầu và các mâu thuẫn xã hội, trong các đảng phái và hội đoàn. Vì sao các Kitô hữu có thể trao tặng cho người đương thời thứ quà tặng mà không ai khác có thể mang đến cho họ.
Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. Mt 25,35-36 |
|
Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô …, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người. 2Cr 3,3
Bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần: ơn hiểu biết, ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn sức mạnh, ơn biết lo liệu, ơn kính sợ Chúa, ơn đạo đức. Thu thập từ các đoạn văn khác nhau trong Cựu và Tân Ước
Thánh thiện: là để Thiên Chúa sống đời sống của Ngài trong ta. Thánh Têrêsa Calcutta |
305 Làm Kitô hữu có phải là một vấn đề riêng tư?
|
Con không thể nghĩ đến tình yêu mà không cảm thấy một nhu cầu thôi thúc muốn được đồng nhất, được nên giống và, trên hết, được chia sẻ tất cả những đau đớn và khó khăn, tất cả những lao nhọc trong đời sống. Muốn giàu sang, thoải mái, sống tiện nghi trên đống của cải khi Chúa nghèo khó, đau khổ và sống đời lao động vất vả – không, con không thể, lạy Chúa; con không thể yêu như thế. Charles De Foucauld (1858-1916)
Chương trình Hành động (Agenda) phát xuất từ tiếng Latin nghĩa là “những việc cần làm”.
|
306 Tại sao người Kitô hữu phải tham gia vào lĩnh vực xã hội?
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), và “Bác ái là trung tâm học thuyết xã hội của Giáo Hội” (Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 2). Tuy nhiên, làm Kitô hữu không phải chỉ là chấp nhận một số các giá trị và xác tín. Điều quan trọng nhất, làm Kitô hữu chính là một cuộc gặp gỡ với con người Đức Kitô. Gặp gỡ bằng cách tìm kiếm Người nơi những người “bé nhỏ nhất” trong các anh em chúng ta (Mt 25,40), bằng cách theo Người, hay đúng ra là, noi gương Người (Thomas à Kempis), đó là cách trực tiếp nhất để trở thành một Kitô hữu. Đức Giêsu đã tôn trọng tự do và phẩm giá của các tội nhân và các người bên lề xã hội. Chính Chúa Giêsu là → Chương trình Hành động xã hội của Giáo Hội. Giáo huấn xã hội Công giáo chỉ là sự phát triển có hệ thống của những gì đã hiện diện đầy đủ trong Đức Giêsu Kitô: con người được tái khám phá trong phẩm giá nguyên thuỷ của Người (nhân vị), được giải thoát khỏi tham lam và tội lỗi và tìm cách để phục vụ tha nhân (liên đới), là người giữ “thịnh vượng cho thành” (Gr 29,7) trong tâm trí (công ích), cũng như cho cả một xã hội trong đó các nhóm và cộng đồng có thể phát triển một cách tự do trong hoà bình và công lý (bổ trợ) – đó là tầm nhìn lớn về Kitô hữu.
TL 555 GL 91 Y 11 |
Các cuộc cách mạng trong lịch sử đã thay đổi các hệ thống chính trị và kinh tế, nhưng không có cuộc cách mạng nào thật sự đã thay đổi tâm hồn con người. Cách mạng thật sự, cuộc cách mạng triệt để làm thay đổi đời sống, do Đức Giêsu Kitô đem đến qua sự Phục Sinh của Người. Hơn nữa, ĐGH Bênêđictô XVI đã nói về cuộc cách mạng này rằng “đó là cuộc chuyển biến vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”. Ta hãy suy nghĩ về điều này: đó là cuộc chuyển biến lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại, đó là một cuộc cách mạng thật sự, chúng ta là những nhà cách mạng và hơn nữa, là những nhà cách mạng của cuộc cách mạng này. Vì chúng ta đã tiếp nhận đường lối của cuộc biến hình siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày nay và trong thời đại này, các Kitô hữu là các nhà cách mạng, nếu không, họ không phải là Kitô hữu. Giáo hoàng Phanxicô, 17 tháng 6, 2013 |
307 Chúa Giêsu sẽ hành động thế nào hôm nay? Làm sao chúng ta biết được việc mình phải làm?
Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội không trao vào tay chúng ta một quyển sách thuộc loại dạy những công thức nấu ăn nhanh và dễ, trong đó quy định mọi chi tiết làm thế nào để có thể thực hiện ý Chúa trong các xung đột hiện thời và biến động xã hội. Nhưng bằng cách học hỏi các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo Hội, đào sâu đời sống bí tích của chúng ta, và tìm kiếm ý Chúa cho các hoàn cảnh cụ thể bằng việc cầu nguyện, ta có thể tự tin rằng mình được Chúa hướng dẫn và nâng đỡ.
TL 81-86 GL 1776-1779, 1783 tt Y 291, 295, 297, 397-398
|
Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Mc 10,42-45
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Tv 139,1-3
|
308 Đường lối sống hoà hợp theo Kitô giáo là gì?
Nếu người ta tập trung tìm kiếm “quyền lực” thì các xã hội được cấu tạo theo nguyên lý “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Dĩ nhiên Kitô giáo không phải như vậy, vì khi đó, đời sống chung trong xã hội trở thành trận chiến để bảo toàn bản thân. Còn nếu “công việc” được tôn lên như đỉnh điểm của ý nghĩa sinh tồn giữa xã hội, thì chẳng mấy chốc con người sẽ cảm thấy như mình bị trói buộc vào cỗ máy vô nghĩa và sống như nô lệ. Chúa cũng không muốn chúng ta chọn “may mắn” hay “tiện nghi” như thứ của cải nhất hạng, vì khi đó, đời sống sẽ hoá ra như trò xổ số trúng thưởng mà trò này thường ưu đãi cho những kẻ lừa bịp; và chúng ta chỉ còn biết chạy theo những bản năng và khát vọng của mình, để rồi áp đặt đủ thứ giới hạn cho mình nhằm ngăn cản điều tồi tệ xảy đến. Giáo huấn xã hội Công giáo nói rằng: kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa cho đời sống chung của con người là bác ái xã hội. Khi chúng ta sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa – Đấng mong muốn từng người chúng ta và dành sẵn cho mỗi người một số mục đích, thì chúng ta trở thành con cái của người cha chung và thành anh chị em với nhau. Như thế, lòng biết ơn, ý nghĩa đời sống, tinh thần trách nhiệm sẽ quyết định đời sống cá nhân và xã hội của ta. Một nền văn hoá tôn trọng lẫn nhau sẽ xuất hiện. Rồi lòng tin tưởng, sự an ủi, và niềm vui trong đời sống mới có ý nghĩa. Bác ái xã hội thắng được tính vô cảm, tạo ra sự gắn kết có cảm xúc trong xã hội, và có thể hình thành một ý thức xã hội vượt lên cả những ranh giới của việc phân loại tầng lớp xã hội. TL 582-583 GL 1889, 2212 Y 321, 324
|
Ngay cả chuyến hành trình dài nhất cũng được khởi sự bằng bước đi đầu tiên Ngạn ngữ Trung Hoa |
|
Tình yêu là sức mạnh lớn nhất biến đổi thực tại bởi vì nó phá bỏ các bức tường ích kỷ và lấp đầy các hố ngăn cách chúng ta. Giáo hoàng Phanxicô, 17 tháng 6, 2013
Các con có biết dụng cụ tốt nhất cho việc Phúc Âm hoá người trẻ không? Dụng cụ đó là một người trẻ khác. Vì thế, đừng ngại ra đi đem Chúa Kitô vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, đến bên lề xã hội, thậm chí đến với những người có vẻ xa cách nhất, dửng dưng nhất. Giáo hoàng Phanxicô với những người trẻ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới, Rio 2013
|
309 Bước đầu tiên để tiến đến việc tham gia xã hội dựa trên đức tin là gì?
Không có gì thúc đẩy sâu sắc hơn tình yêu. Một người đang yêu có thể thực hiện được những công trình lớn lao và đi được những con đường dài. Vì vậy, bước đi đầu tiên luôn luôn là để xây dựng một mối quan hệ cá nhân sâu xa với Đức Giêsu (“Những gì Trái tim Chúa Giêsu muốn, tôi sẽ làm”, Charles de Foucauld), để phát triển một tình yêu sâu đậm hơn dành cho Giáo Hội và để sống dấn thân trong xã hội. Điều này thúc đẩy người Kitô hữu không bỏ sót ai, ngay cả “những người nhỏ bé nhất” mà Đức Kitô quan tâm đặc biệt. Điều này thúc đẩy người Kitô hữu làm chứng cho đức tin của mình ngay cả trong một môi trường rõ ràng là thù nghịch với đức tin. Điều này còn thúc đẩy người Kitô hữu chọn một lối sống khác: hiếu khách, hoà giải và bình an. Điều này cũng thúc đẩy người Kitô hữu, nếu cần, thậm chí hiến dâng mạng sống mình, khi sự thật và công lý đòi hỏi.
TL 326-327 G 1691-1698 Y 348, 454
|
Một điều Chúa Giêsu đòi nơi tôi: là tôi dựa vào Người và chỉ đặt niềm tin tưởng hoàn toàn nơi Người; để Người khuất phục tôi trọn vẹn. Ngay cả khi mọi thứ đều sai lệch và tôi cảm thấy mình mất phương hướng như con tàu không la bàn, tôi vẫn phải hoàn toàn dâng hiến bản thân mình cho Người. Tôi không được tìm cách kiểm soát hành động của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)
|
310 Tại sao tôi nên tham gia với phong cách rõ ràng là “Kitô hữu”?
Nhiều người nói rằng: Điều chính yếu là trở thành một người tốt! Cần gì phải thêm đặc tính “Kitô hữu” vào đó? Tuy nhiên, lịch sử cho thấy đó chỉ là chủ nghĩa nhân văn thuộc loại vô thần thường bỏ mặc con người trong trạng thái chao đảo, hoang mang. Chỉ ở nơi Thiên Chúa thì “những gì là con người” mới được thăng tiến tốt hơn. Chỉ ở trong ánh sáng của Chúa Kitô chúng ta mới có thể hiểu đúng những gì là con người (x. GS 22). Những ai làm theo ý Thiên Chúa đều thể hiện mối quan tâm thật sự về con người, một cách chính xác trong những lĩnh vực mà con người yếu đuối, phụ thuộc vào sự giúp đỡ, và dường như “vô dụng”. Mặc dù một vài lãnh đạo Giáo Hội đôi khi làm sai lệch và phản bội thánh ý Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn làm cho Giáo Hội thành một nơi mà |
Hãy làm như Thiên Chúa đã làm: trở thành người! Giám mục Franz Kamphaus (sinh 1932), Giám mục Giáo phận Limburg của Đức |
|
Người nào cứ hỏi đi hỏi lại có phải mình chẳng thể sống một cuộc đời ngay chính nếu vắng bóng Đức Kitô thì họ không hiểu đời sống cao cả như thế nào. C.S. Lewis (1868-1963)
|
con người có thể đạt tới sự thành toàn đích thực với sự trợ giúp của Ngài. Đức Kitô đã không sống cho chính mình, nhưng “cho chúng ta”; Người thậm chí còn chịu chết một cách thảm thương cho từng con người. Và Người đã làm điều đó với động lực mang tính xã hội cao nhất: vì tình yêu. Đó là lý do tại sao, xét cho cùng, một người theo Đức Kitô mà hành động một cách “phi xã hội” thì chỉ là một Kitô hữu hữu danh vô thực mà thôi.
TL 6-7, 327 GL 1816, 2044-2046 Y 307
|
Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Rm 8,32
Thiên sứ của Đức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người Elia và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa”. Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khorep, là núi của Thiên Chúa. 1V 19,7-8
|
311 Tôi sẽ được hỗ trợ gì nếu tham gia?
Các Kitô hữu có chỗ trú ngụ trong Giáo Hội, có anh chị em nhiệt tâm bởi được thúc đẩy cùng một niềm hy vọng. Tuy sức mạnh của họ hạn chế, nhưng họ lại kín múc từ nguồn mạch Thiên Chúa. Các bí tích làm cho họ mạnh mẽ và kiên quyết. Lời Chúa làm cho họ hiểu biết thấu đáo và cho họ đôi cánh để bay cao. Chúng ta có thể dựa vào Lời Chúa và được bảo đảm về điều này vì những chứng từ của các Kitô hữu đầu tiên, nhiều người trong họ đã chết để tuyên xưng niềm tin của mình. Nếu các tác giả sách Tin Mừng bịa đặt ra sự phục sinh của Đức Giêsu, họ chắc chắn sẽ không sẵn sàng chịu sỉ nhục hoặc chịu chết vì điều bịa đặt ấy. Các trình thuật trong các sách Tin Mừng đôi khi khác nhau cho thấy đó là những chứng từ đáng tin cậy. Vì nếu các Thánh Sử thật sự muốn mang một hệ tư tưởng bịa đặt vào thế giới, họ đã có thể xoá bỏ các điểm khác biệt đó.
TL 1, 18-19, 60 GL 168, 748-750 Y 24, 121-126
|
Tôi muốn một thế giới Kitô giáo dù bất toàn hơn là một thế giới ngoại giáo hoàn hảo, vì trong thế giới Kitô giáo còn có chỗ cho những đối tượng mà thế giới ngoại giáo khó có thể chấp nhận: những kẻ tàn phế và những người bệnh tật, người già cả và kẻ yếu đuối, và không chỉ có chỗ trú ẩn mà còn có tình yêu dành cho những kẻ dường như vô dụng đối với thế giới vô thần. Tôi tin vào Đức Kitô, và tôi tin rằng 800 triệu tín hữu Kitô trên trái đất này có thể thay đổi diện mạo của trái đất. Và tôi để cho những người đương thời suy nghĩ và hình dung ra một thế giới trong đó không có Đức Kitô. Heinrich Böll (1917-1985), người đoạt giải Nobel Văn chương
|
312 Các nước tiên tiến đã tổ chức những chương trình phúc lợi toàn diện. Nhu cầu nào cần Giáo Hội tham gia?
Tiền bạc không đủ để tạo ra một xã hội nhân bản theo ý hướng của Tin Mừng. Thăm viếng bệnh nhân, tiếp đón người lạ, chăm sóc người bị cầm tù – những điều này không thể chỉ phó mặc cho các thể chế nhà nước và những người chuyên môn. Các chương trình hỗ trợ do nhà nước tổ chức là quan trọng, nhưng chúng cũng thường trở thành cái cớ để người ta không làm điều gì nữa cho những người thiếu thốn. Các chương trình của Giáo Hội, như các tổ chức từ thiện, các dịch vụ xã hội, nồi cháo từ thiện, quyên góp quần áo…, là đáng kể hơn hết bởi vì qua các chương trình này những người nghèo và những người giúp đỡ đích thân gặp gỡ nhau và khi làm như thế họ có một nhận thức đáng quý rằng tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương. Chính tinh thần này làm nên sự khác biệt!
TL 571-572 GL 1889, 1892-1896 Y 446-447
|
Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Mt 5,13 |
313 Tại sao tôi nên tham gia một cách cụ thể trong Giáo Hội?
Bên ngoài Giáo Hội có nhiều tổ chức tuyệt vời rất đáng cho các Kitô hữu tham gia. Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc bách Giáo Hội đừng ở lại nơi chính mình, mà hãy đi “đến những vùng ngoại vi… đến những giới hạn cuộc sống con người” và đến với chính sự nghèo khó. Nhưng điều đó không được làm cho Giáo Hội để mình đi quá xa về mặt xã hội và mất đi sức mạnh làm thay đổi xã hội của mình, chỉ vì có nhiều Kitô hữu thích dấn thân bên ngoài Giáo Hội thay vì cùng làm điều đó với các anh chị em của mình. Chúng ta không nên để cho những tội lỗi trong quá khứ của các tín hữu Công giáo và những trải nghiệm tồi tệ mà cá nhân mình đã gặp phải khiến bản thân chỉ muốn rút lui khỏi các công tác xã hội và bác ái của Giáo Hội. Nói đúng ra, không có cơ chế nào được gọi là “Giáo Hội”, nếu hiểu như một tổ chức gồm các viên chức (chủ động) và những kẻ thụ hưởng (bị động). Giáo Hội là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa thế giới, là một thân thể gồm tất cả những ai đã được Rửa Tội, là một dân bao gồm cả thánh nhân lẫn tội nhân. Tất cả chúng ta là “Giáo Hội”. Và thêm nữa, Giáo Hội trở nên như thế nào là do chính chúng ta xây dựng nên, vì là những thành viên của Giáo Hội. Đó là lý do vì sao mỗi Kitô hữu nên tham gia trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, và tìm ra con đường riêng của mình trong việc làm cho xã hội thành hình cùng với Giáo Hội trong tinh thần của Phúc Âm. Một Kitô hữu đơn lẻ thì không phải là Kitô hữu! Chúng ta phải cùng nhau trở thành muối cho trần gian và ánh sáng cho thế giới.
575-576 è 770-773, 781-782, 787-790, 823-829 à 121-128
|
Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Mc 2,17
|
|
Bạn và tôi! Thánh Têrêsa Calcutta (1910–1997), trả lời câu hỏi những gì trong Giáo Hội cần phải thay đổi nhất
|
|
Linh mục không phải chỉ là người giữ một chức vụ, như những người mà mọi xã hội cần để thực hiện các chức năng nhất định. Thay vào đó, linh mục làm một điều không ai có thể làm được bằng sức riêng của mình: nhân danh Chúa Kitô, linh mục nói những lời xá giải tội lỗi cho ta và bằng cách này linh mục thay đổi toàn bộ cuộc sống của ta khi ta bắt đầu với Thiên Chúa. Khi dâng bánh và rượu, linh mục nói những lời tạ ơn của Đức Kitô, những lời làm biến đổi bản thể – những lời làm cho chính Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, hiện diện cùng với Mình và Máu Người – những lời biến đổi các yếu tố của thế giới, mở thế giới ra cho Thiên Chúa và kết hợp thế giới với Ngài. Vậy thì, chức linh mục không phải chỉ là “chức vụ” mà là bí tích: Thiên Chúa sử dụng chúng ta là những người tầm thường để, qua chúng ta, Ngài hiện diện với mọi người nam nữ, và hành động cho họ. Sự liều lĩnh này của Thiên Chúa, Đấng trao phó chính mình cho con người – dù biết rõ những yếu kém của chúng ta, vẫn xem con người có khả năng hành động và hiện diện thay mặt Ngài – sự liều lĩnh này của Thiên Chúa là sự vĩ đại đích thực ẩn giấu trong từ “chức linh mục”. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Bài giảng kết thúc Năm Linh Mục, 2010 |
314 Tại sao các Kitô hữu dấn thân vào xã hội lại cần đến các thừa tác viên mục vụ?
Điều tốt đẹp là ngay trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nghĩ đến “những mục tử” yêu thương chăm sóc những người được giao phó cho họ, và nếu cần, phải đi tìm khi họ lang thang và lạc lối (Mt 18,12-13). Các tín hữu dấn thân vào xã hội cần lắng nghe những vị hướng dẫn tinh thần, nhận sự khích lệ, dẫn dắt, an ủi của họ, nhưng trên hết, cần phải đón nhận Bí tích Thánh Thể đều đặn, hằng ngày nếu có thể. Ngoài việc mang đến cho giáo dân ân huệ của các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải, một trong những nghĩa vụ khẩn cấp nhất của một vị cố vấn tinh thần đúng nghĩa, là: tận tâm giúp đỡ tín hữu trong những tình huống khủng hoảng, hoặc trong những quyết định có thể ảnh hưởng đến cả đời người đó. Một việc tông đồ khác để phục vụ Dân Chúa là thiết lập và củng cố mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau của các nhóm tín hữu nòng cốt, thông qua việc truyền dạy thần học và tu đức. Ngoài ra, một sứ mệnh đích thực dành cho các giám mục, linh mục, và các thừa tác viên mục vụ khác, là: mang đến cho người trẻ, và những ai muốn gia nhập Giáo hội Công giáo, nền tảng giáo lý vững chắc để họ có thể học hỏi về đức tin của mình. TL 3, 577, 580 GL 874, 896 Y 248-259
|
Năm 1973, chúng tôi quyết định chầu Thánh Thể một giờ mỗi ngày. Chúng tôi có nhiều việc phải làm. Các nhà của chúng tôi dành cho người bệnh và những người khốn cùng đang hấp hối ở khắp nơi đều đầy người. Và từ lúc chúng tôi bắt đầu chầu Thánh Thể mỗi ngày, tình yêu của chúng tôi dành cho Chúa Giêsu trở nên sâu đậm hơn, tình yêu của chúng tôi dành cho nhau thân thiết hơn, tình yêu của chúng tôi dành cho người nghèo nhiệt tâm hơn, và chúng tôi có gấp đôi số ơn gọi. Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)
Nhờ [Đức Kitô, Chúa chúng con], mà hôm nay đã bừng sáng lên cuộc trao đổi làm cho chúng con được đổi mới. Vì khi Ngôi Lời của Chúa mặc lấy thân phận mỏng giòn của chúng con, thì loài người phải chết không những được hưởng vinh dự vĩnh cửu mà nhờ việc tham dự kỳ diệu ấy, Chúa còn cho chúng con được sống muôn đời. Kinh Tiền tụng III lễ Chúa Giáng Sinh
Nếu tôn giáo của chúng ta đúng là chân lý, nếu Tin Mừng thật sự là lời của Chúa, thì chúng ta phải tin vào điều đó và sống theo đó, ngay cả khi chúng ta phải làm như thế một thân một mình. Charles de Foucauld (1858-1916) |
315 Các Kitô hữu cần cống hiến cho đồng loại những điều đặc biệt nào?
Không phải những điều đặc biệt, mà là Một người đặc biệt: Đức Giêsu Kitô. Các Kitô hữu là người đấu tranh cho một thế giới nhân bản hơn ở giữa cảnh đói nghèo và đau khổ không nhất thiết phải có các chương trình xã hội tốt hơn hoặc chính sách tài chính dồi dào hơn; thậm chí họ không có chủ nghĩa lý tưởng nào cao cả hơn để tựa vào. Suy cho cùng họ chỉ có một điều để truyền thông: một Thiên Chúa đã làm người. Không có nền triết học và cũng không có tôn giáo nào khác biết nhiều như thế về Đấng Toàn Năng. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô biết ta và hiểu ta trong nhân tính của ta. Nhiều người ngày nay cảm thấy cô đơn và cảm thấy bị hắt hủi bỏ rơi trong một xã hội vô danh. Ngay cả Internet với đủ loại mạng xã hội cũng không thể thay thế được sự gặp gỡ cá nhân. Chúng ta vẫn khao khát được người khác chấp nhận đúng với thực chất của mình, với những điểm mạnh và yếu của ta. Người Kitô hữu chúng ta phải công bố rằng: Mỗi người đều được chính Thiên Chúa yêu thương, mỗi người có thể gặp được tình yêu này qua tương quan với Đức Giêsu Kitô. Đó là một sứ điệp tuyệt vời, nhất là đối với những ai đang trải qua khủng hoảng và tự hỏi về ý nghĩa của đời sống và tương lai.
TL 577 GL 871-873, 898-913 Y 138-139, 440 |
Chỉ có cá sống mới có thể bơi ngược dòng. Khuyết danh |
|
Có nhiều khổ đau trong thế giới – rất nhiều. Những người đau khổ về vật chất đang chịu cảnh đói nghèo, vô gia cư, chịu đủ loại bệnh tật, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đau khổ lớn nhất là cô đơn, cảm thấy mình không được yêu thương, chẳng có ai bên mình. Tôi càng ngày càng nhận ra rằng chẳng được ai đoái hoài là căn bệnh tồi tệ nhất mà con người từng trải nghiệm. Thánh Têrêsa Calcutta (1915-2005)
Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. Mt 18,20
Chắc bạn sẽ cười tôi: Đó là cuốn Kinh Thánh! Bertolt Brecht, một nhà viết kịch không theo Kitô giáo, khi được hỏi quyển sách yêu thích của ông là gì
Đừng lo lắng vì những đoạn Kinh Thánh bạn chưa hiểu, cũng đừng vênh vang về những gì bạn đã hiểu; nhưng hãy chờ đợi với lòng quy phục cho những gì bạn không hiểu, và hãy giữ lòng kiên vững cùng với đức bác ái đối với những gì bạn đã hiểu ra. Thánh Augustinô (354-430)
Hãy kiên trì học hỏi quyển Giáo lý này với niềm đam mê. Hãy hy sinh thời giờ của bạn cho nó! Nghiên cứu nó trong sự tĩnh lặng nơi căn phòng của bạn; hãy đọc với một người bạn; hãy hình thành các nhóm và mạng học tập; hãy chia sẻ với nhau trên Internet. Bằng mọi cách hãy nói với nhau về đức tin của bạn. Bạn cần biết điều bạn tin. Bạn cần biết đức tin của bạn cách chính xác y như một chuyên viên công nghệ thông tin biết rõ cách vận hành bên trong của một chiếc máy vi tính. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Lời nói đầu YouCat |
316 Tôi có thể làm gì để không lẻ loi khi dấn thân vào xã hội?
Tại nhiều nước, người quyết định sống với Đức Giêsu và trong Giáo Hội có nguy cơ phải đi con đường cô độc, bị hiểu lầm. Những lời dối trá của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa khoái lạc mê hoặc thế giới và dẫn dắt nhiều người đi lạc vào đời sống ảo tưởng và những niềm vui hời hợt. Đây là lý do tại sao ta cần “Giáo Hội trong mô hình thu nhỏ”, đó là các nhóm nòng cốt, các hội thánh tại gia, các buổi họp mặt cầu nguyện, “các tế bào nhỏ”, các nhóm thảo luận Kinh Thánh, các cộng đồng đạo đức, các nhóm học hỏi, v.v. Trong một cộng đồng nhỏ, thân thiện, những người Kitô hữu trẻ có thể giúp nhau củng cố đức tin. Họ có thể cùng nhau cầu nguyện, tìm kiếm ý Thiên Chúa, tạo các nhóm quan tâm học hỏi thêm về đức tin, làm quen với giáo huấn của Giáo Hội, và thậm chí dành nhiều giờ rảnh bên nhau. Nơi nào chưa có các nhóm như thế thì phải thành lập, ngay cả khi chỉ có hai, ba thành viên ban đầu. Điều quan trọng là các nhóm này cần phải gắn kết vào cộng đồng giáo xứ cụ thể tại địa phương, bằng cách cùng nhau thường xuyên cử hành Thánh Thể.
TL 576 Gl 1877-1882 Y 122, 211, 321
|
Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thật sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Để chu toàn phận vụ ấy, Giáo Hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng. Như vậy Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Công đồng Vaticanô II, GS Phần Nhập đề |
317 Tôi có thể tìm thấy ở đâu cẩm nang cho việc tham gia xã hội của tôi?
“Không có quyển sách nào quan trọng hơn quyển Kinh Thánh đối với người Kitô hữu. Theo lời thánh Phanxicô Assisi: ‘Đọc Kinh Thánh là để nhận được lời khuyên từ Đức Kitô’. Bên cạnh Kinh Thánh, Giáo hội Công giáo còn sống bằng Thánh Truyền, là đức tin sống động của Giáo Hội được ngọn lửa của Chúa Thánh Thần khơi lên. Trong sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, đức tin này đã phát triển và trở nên sâu sắc hơn trong quá trình hai ngàn năm, đã tìm thấy cách thể hiện cho thời hiện đại. Tất cả mọi điều mà người Kitô hữu nên biết về nội dung và hình thức cần thiết của đức tin được thu thập trong bộ sách này. Một người dấn thân và tham gia hoạt động trong lĩnh vực xã hội tìm được các giáo huấn chính yếu của Giáo Hội trong các thông điệp xã hội từ Đức Giáo hoàng Lêô XIII trở đi. Các giáo huấn này được tổng hợp trong quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội. Rồi sách YouCat giúp cho những người trẻ dễ tiếp cận Giáo lý hơn. Sách DoCat được soạn thảo để lưu hành rộng rãi giáo huấn xã hội của Giáo Hội trong giới trẻ.
TL 580-583 Gl 2419-2425 Y 438-440
|
Sứ mệnh của Giáo Hội không thể thực hiện được mà không có giáo dân. Họ là những người kín múc sức mạnh từ Lời Chúa, từ các bí tích, và từ lời cầu nguyện. Họ phải sống đức tin giữa lòng gia đình, trường học, nơi làm việc, phong trào quần chúng, các đoàn thể, các đảng chính trị và chính phủ, bằng cách làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng. Giáo hoàng Phanxicô, 19 tháng 5, 2014
|
318 Giáo Hội có thể thay đổi học thuyết của mình và thích ứng với tinh thần của thời đại không?
Các chân lý của đức tin không phải có sẵn. Các chân lý đó không phụ thuộc vào số đông, mà tồn tại độc lập dù phần trăm dân số ủng hộ hiện thời có là bao nhiêu đi nữa. Giáo Hội sẽ không bao giờ soạn lại Kinh Tin Kính, cũng không thay đổi số lượng hay nội dung của các bí tích, hay quyết định sẽ có nhiều hơn hay ít hơn Mười Điều Răn. Giáo Hội cũng sẽ không điều chỉnh hình thức gốc của Phụng vụ và Kinh nguyện của mình. Tuy nhiên, nếu Giáo Hội không chịu cố gắng thăm dò những cảm thức của mình về “các dấu chỉ của thời đại” mà qua đó Thiên Chúa cũng đang nói với con người ngày nay, thì Giáo Hội sẽ phạm tội chống lại Chúa Thánh Thần. Những hiểu biết sâu sắc rút ra từ quá trình trên có thể dẫn đến việc đào sâu và soạn thảo giáo huấn của Giáo Hội. Tuy vậy, những hiểu biết trên sẽ không bao giờ có thể thay thế kiến thức vững chắc của Giáo Hội (Tín điều) mà qua bao gian nan Giáo Hội mới xây dựng được. Nói một cách chính xác, trong giáo huấn xã hội của mình, Giáo Hội hy vọng áp dụng bộ công cụ tuyệt hảo này một cách hữu hiệu hơn để đối phó với những thách thức của sự thay đổi về xã hội, chính trị, và kinh tế.
TL 72-75 GL 185-197, 1084-1098, 2052-2074 Y 13, 25-28, 143, 344-349 |
Chỉ những ai bừng cháy mới có thể khơi lên ngọn lửa nơi những người khác. Thánh Augustinô (354-430) |
|
Tôi kiên quyết phê phán “chế độ đại nghị đảng phái”. Tôi ủng hộ các cuộc bầu cử phi đảng phái để cho ra những người đại diện đích thực cho nhân dân, những người chịu trách nhiệm với khu vực bầu cử của họ, mà chúng ta có thể bãi miễn họ trong trường hợp công việc không đạt yêu cầu. Tôi hiểu và tôn trọng việc thành lập các nhóm dựa trên các yếu tố kinh tế, hợp tác, lãnh thổ, giáo dục, nghề nghiệp, nhưng tôi lại không thấy gì hợp lý trong các đảng phái chính trị. Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008), người đoạt giải Nobel Hoà bình
Chúng ta giúp đỡ, chúng ta dẫn dắt người khác đến với Đức Giêsu bằng lời nói, đời sống và chứng từ của chúng ta. Tôi muốn nhắc đến lời của Thánh Phanxicô Assisi thường nói với các anh em của mình: “Hãy rao giảng Phúc Âm mọi lúc; và nếu cần, mới dùng đến lời lẽ”. Rao giảng bằng lời… thế nhưng chứng từ phải đến trước tiên: người ta cần xem thấy Phúc Âm, đọc được Phúc Âm, trong chính đời sống của ta. Giáo hoàng Phanxicô, 27 tháng 9, 2013 |
319 Tôi có thể tích cực hoạt động trong một đảng phái chính trị không, nếu những quan điểm của đảng đó không luôn phù hợp với lập trường của học thuyết Kitô giáo?
Vâng, có thể. Là người Công giáo, chúng ta có sứ mệnh biến đổi xã hội thành một “nền văn minh tình yêu”. Khi chúng ta hoạt động trong các đảng phái chính trị, chúng ta có trong tay phương tiện để chứng tỏ tình liên đới của mình với những người yếu thế. Chúng ta phục vụ công ích bằng cách nhấn mạnh địa vị ưu việt của con người trong công tác của đảng, và lưu tâm đến các cơ cấu xã hội bổ trợ. Các đảng phái chính trị hoạch định cương lĩnh riêng cho mình, và họ cần số đông để có thể đưa vào áp dụng thực tế. Vì nền tảng của Kitô giáo có những điểm không phù hợp với quan điểm của đảng phái, nên hiếm có đảng phái nào thể hiện 100 phần trăm học thuyết Kitô giáo. Điều này càng cho thấy sự cộng tác có trách nhiệm của các tín hữu Công giáo thêm quan trọng, để làm vững mạnh những quan điểm hợp lẽ phải và giúp những quan điểm đúng đắn đó giành được sự ủng hộ của số đông quần chúng. Điều kiện tiên quyết cho việc tham gia có trách nhiệm là: đảng phái phải công nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, nhân quyền, nhân vị, bảo vệ sự sống người vô tội ở mọi giai đoạn phát triển và trong mọi điều kiện lệ thuộc, bảo vệ hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và bảo vệ vị thế hợp pháp của Giáo Hội trong xã hội, các điều kiện này đã được soạn thành điều luật trong các bản hiến pháp của nhiều quốc gia. Các tín hữu Công giáo không được tham gia những đảng phái chính trị nào tán thành và tôn vinh bạo lực chống lại sự sống hay phẩm giá của con người, hoặc đưa ra một cương lĩnh bao hàm tính thù hằn xã hội, chính sách mị dân, phân biệt chủng tộc, hay đấu tranh giai cấp.
TL 573-574 GL 2442 Y 440
|
|
320 Tôi có nên hoạt động trong các công đoàn, hiệp hội và tổ chức không Kitô giáo không?
Có. Người Kitô hữu không được rút vào một khu biệt lập (ghetto) gồm những người cùng chí hướng. Một cầu thủ bóng đá tử tế, đáng tin cậy bảo với đội bóng của mình rằng anh ta là người Công giáo thì cũng là một chứng từ sáng chói như một thành viên của liên đoàn lao động biết đấu tranh cho công lý vì những động cơ Kitô giáo. Tất nhiên có ba điều kiện tiên quyết cho sự tham gia như thế: tôi không được cộng tác trong bất cứ điều gì trái ngược với phẩm giá ơn gọi Kitô hữu của tôi (uống rượu quá mức, những hành động làm tổn thương người khác, lối sống phóng túng về tình dục, v.v.). Sự tham gia của tôi không được cản trở tôi thể hiện đức tin của mình. Và sự tham gia của tôi không bị lợi dụng về mặt ý thức hệ. Các Kitô hữu cần cảnh giác với các mục tiêu xã hội nghe có vẻ tốt đẹp mà chỉ nhắm đến việc bành trướng những lợi ích về mặt ý thức hệ nhưng hoàn toàn im lặng về những giá trị Kitô giáo. Từ đó, các Kitô hữu có thiện ý nhanh chóng trở thành con mồi cho các thế lực không Kitô giáo khai thác.
TL 71-72, 83-84, 327, 571-574 GL 2442 Y 440 |
Những ai theo con đường tội ác này trong đời, chẳng hạn như các thành viên mafia, thì không hiệp thông với Thiên Chúa: họ bị vạ tuyệt thông. Khi tôn thờ tiền bạc thay vì tôn thờ Chúa, con đường này dẫn đưa con người đến chỗ phạm tội, kiếm tìm tư lợi và bóc lột người khác. Giáo hoàng Phanxicô, Calabria, 21 tháng 6, 2014
Hãy can đảm, tiến lên, và khuấy động. Nơi nào có những người trẻ nơi đó có náo động. Hãy tiến lên! Trong cuộc sống sẽ luôn có những người đề nghị các con đi chậm lại, bằng cách cản đường các con. Không! Hãy đi ngược trào lưu của nền văn minh đang gây bao tổn hại này. Các con có hiểu điều đó không? Hãy đi ngược dòng; điều này có nghĩa là làm náo động. Hãy tiến về phía trước, nhưng với những giá trị của chân, thiện, mỹ. Đó là điều cha muốn nói với các con. Hãy vui lên, hỡi những người trẻ! Giáo hoàng Phanxicô, 28 tháng 8, 2013 |
321 Có các nghề hoặc các loại tham gia xã hội đặc biệt nào không phù hợp với đức tin của ta không?
Có, quả thật có những lĩnh vực hoạt động và nghề nghiệp rõ ràng nghịch lại đường lối của Kitô giáo về con người (nhân học) cũng như các tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu của Giáo Hội. Trong việc theo Đức Kitô, các Kitô hữu cần sẵn sàng chấp nhận những bất lợi về nghề nghiệp như cái giá phải trả, dù đang chịu áp lực lớn về kinh tế đi nữa. Một người không thể vừa là Kitô hữu vừa làm việc trong một cơ sở phá thai hay an tử. Hành nghề ma cô, mãi dâm, sản xuất và phân phối phim ảnh khiêu dâm đều bị cấm tuyệt đối, cũng như tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc buôn người, buôn bán ma tuý, và những hành vi gây hại, áp bức, đê hèn khác. Trong lĩnh vực tài chính và tại các ngân hàng, các Kitô hữu ngày càng chịu áp lực phải chào bán những sản phẩm, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho khách hàng. Các nhà báo phải quyết định theo lương tâm xem mình có thể hợp tác với một số những hoạt động cụ thể nào trong ngành truyền thông đại chúng mà không đánh mất căn tính của người Kitô hữu. Thuộc về Đức Kitô nghĩa là: không cộng tác về nghề nghiệp, tài chính, kinh tế, hay chính trị với các tổ chức tội phạm (Mafia, ‘Ndrangheta, v.v..), các hệ thống chính quyền đi ngược lại công lý, hay các doanh nghiệp tàn phá môi trường, vi phạm nhân quyền (lương thấp không đủ sống, điều kiện làm việc gây hại cho sức khoẻ, sử dụng lao động trẻ em), quấy phá và bách hại Giáo Hội, sản xuất vũ khí có tính sát thương cao, hay theo đuổi lợi nhuận một cách tàn nhẫn bất chấp các hậu quả xã hội.
TL 193, 332 GL 1939-1942 Y 440
|
Không có gì khó hơn và không có gì đòi hỏi nhiều nhân cách hơn là việc công khai phản kháng thời đại để nói được tiếng “Không” cách mạnh mẽ và rõ ràng. Kurt Tucholsky (1880-1935), tác giả Đức
Cha biết rằng các con muốn là đất tốt, là Kitô hữu đích thực, là Kitô hữu đúng nghĩa, chứ không phải là Kitô hữu nửa vời: “cứng nhắc”, cao ngạo, và “chỉ hời hợt bên ngoài”. Cha biết rằng các con không muốn bị tự do giả hiệu lừa bịp, không luôn chạy theo thời trang chóng qua và sở thích nhất thời. Cha biết rằng các con đang khao khát điều cao quý, hướng tới các quyết định lâu dài có ý nghĩa. Có đúng không, hay là cha nói sai? Cha nói đúng không? Giáo hoàng Phanxicô, tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Rio, 2013 |
322 Kitô hữu có nên tham gia biểu tình công khai không?
Phải nói rằng các Kitô hữu nên ra đường phố thường hơn trước, và không phải chỉ những gì liên quan đến họ bị đe doạ. Bất cứ khi nào những kẻ có thế lực đàn áp công lý, các Kitô hữu phải đứng hàng đầu trong số những người phản đối. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thanh niên biểu tình trên các ngã đường… Xin đừng đẩy việc đó cho những người khác, mà thanh niên cần trở thành những người chủ lực tạo ra sự thay đổi. Các bạn là những người nắm giữ tương lai!” (Giáo hoàng Phanxicô phát biểu vào ngày 27 tháng 7, 2013, Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro). Các Kitô hữu cần biểu tình (cùng với những người khác) để chống lại thái độ thù nghịch và bạo lực, những điều kiện làm việc xuống cấp, nạn bớt xén tiền lương chính đáng, huỷ hoại môi trường sống, áp bức nhóm thiểu số. Thông thường, các Kitô hữu muốn trở thành những công dân tốt trong xã hội, do đó, họ ít có kỹ năng trong các phương pháp phản đối ở nơi công cộng so với, ví dụ như, các nhóm chính trị cánh tả. Các Kitô hữu cần học hỏi điều đó để có thể tạo nên ý thức chính trị; họ cũng phải ra đường phố để tranh đấu cho sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Vì Kitô giáo trên toàn thế giới là tôn giáo chịu bách hại nhiều nhất, nên các Kitô hữu cũng phải đấu tranh cho quyền lợi của những Kitô hữu gặp bất lợi và bị áp bức, biểu tình đòi giữ ngày Chủ Nhật như là ngày nghỉ, và chống lại nạn phỉ báng Hội Thánh.
TL 71-72, 284-286 GL 1932, 2185-2188 Y 332, 365-366
|
Bởi vì phép Rửa Tội là cửa ngõ chân thật dẫn vào sự thánh thiện của Thiên Chúa qua sự sáp nhập vào Chúa Kitô và sự ở lại trong Thần Khí của Người, nên việc sống một đời tầm thường với mức độ đạo đức tối thiểu và lòng mộ đạo nông cạn là một sự trái ngược với những điều trên đây. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 31
Giáo Hội là một bà già với những vết hằn nhăn nhúm. Nhưng bà lại là mẹ tôi. Nên đừng ai đánh mẹ tôi. Karl Rahner (1904-1984), nhà thần học Đức
Tôi mơ đến một sự “chọn lựa truyền giáo”, có khả năng chuyển đổi tất cả mọi sự, để những thói quen, những phong cách, những thời biểu, ngôn ngữ và mọi cơ cấu Giáo Hội trở thành một kênh truyền thông thích ứng cho việc Phúc Âm hoá thế giới hiện tại, hơn là tự bảo tồn mình. Giáo hoàng Phanxicô, EG 27
Các Giám mục, do sự thiết lập của Thiên Chúa, kế vị các Tông đồ nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng đã được ban cho các ngài; các ngài được đặt làm chủ chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy học thuyết, tư tế phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo. Giáo Luật, Điều 375
|
323 Các cuộc gặp mặt quốc gia và quốc tế của những người trẻ Kitô hữu có ý nghĩa gì?
Các cuộc hành hương, trại thanh thiếu niên, lễ hội cầu nguyện, và những Ngày Giới trẻ Thế giới, đều đặn mang các tín hữu Công giáo trẻ tuổi đến với nhau. Ở nhiều nước, các sự kiện trên là những lời tuyên xưng mạnh mẽ của nền văn hoá giới trẻ Kitô giáo. Tại các nước khác, các sự kiện đó truyền cảm hứng và niềm an ủi cho những người Công giáo trẻ cảm thấy cô đơn và bị cô lập trong đời sống hằng ngày vì đức tin của mình. Cụ thể, những Ngày Giới trẻ Thế giới đã dẫn đến sự tăng trưởng trong “cảm thức Công giáo”, niềm tự hào được thuộc về dân tộc mới của Thiên Chúa – một dân tộc đã phát triển giữa muôn dân trên thế giới kể từ thời các Thánh Tông đồ. Không hiếm những tín hữu Công giáo trẻ tuổi kể lại rằng Ngày Giới trẻ Thế giới hay lễ hội cầu nguyện nào đó đã là tia lửa ban đầu cho những quyết định triệt để, đổi đời: Từ giờ trở đi, cuộc đời tôi thuộc về Thiên Chúa! Dĩ nhiên, không phải mọi người có mặt trong Ngày Giới trẻ Thế giới đều trở thành những tín hữu Công giáo giàu lòng tin ngay được! Cũng không phải mỗi người trong số những tín hữu Công giáo tiềm năng đều được Phúc Âm hoá vào dịp đó. Thế nhưng cảm xúc của cộng đồng Thánh Thể được gia tăng mãnh liệt gấp nhiều lần với sự tham gia của một số lượng lớn lao gồm các tín hữu và những người đang tìm hiểu đạo, có thể là khởi đầu của một chuyện đời tươi đẹp với Thiên Chúa.
TL 97-99, 285, 423, 520 GL 2178-2179
|
Vấn đề đáng lo ngại của phần lớn chúng ta là chúng ta thích bị huỷ hoại bởi lời khen ngợi hơn là được cứu thoát bởi lời chỉ trích. Norman Vincent Peale (1898-1993), Mục sư Methodist, người truyền cảm hứng
Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa. 1Ga 4,1-2
|
324 Người Công giáo có được công khai phê bình Giáo Hội không?
Một lời phê bình xuất phát từ thái độ yêu thương và tìm cách giúp đỡ Giáo Hội trong quá trình hoán cải của Giáo Hội, là điều chính đáng. Thánh Catherine thành Siena, Phanxicô Assisi, Bernard ở Clairvaux, các Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô đã làm như vậy. Càng đồng hoá sâu hơn với Giáo Hội, càng theo Đức Giêsu cách vô điều kiện, ta càng có thể nhắc nhở Giáo Hội và những viên chức của Giáo Hội một cách sắc bén hơn về Tin Mừng. Những ai phê bình các linh mục và giám mục phải luôn luôn ghi nhớ rằng đó là những người thừa kế lời hứa đặc biệt của Chúa Giêsu: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16). Đồng thời, một câu Kinh Thánh khác áp dụng cho các vị đó: “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác!” (Gr 23,1). Người Công giáo không được tự ý bác bỏ giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội. Tuy nhiên, người tín hữu Công giáo chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của Giáo Hội và các thầy dạy có thẩm quyền trong Giáo Hội vẫn có thể tranh luận về một số quan điểm thuộc về cá nhân theo hướng phê bình. Các lập luận mang tính xây dựng đều được chào đón khi chúng có cơ sở khách quan và phù hợp với các giá trị cơ bản cũng như các nguyên tắc nền tảng của giáo huấn Công giáo.
TL 117 GL 790-796 Y 127
|
Đây là câu chuyện ly kỳ của Chính Thống giáo. Người ta quen nói về ‘chính thống’ như một thứ gì đó nặng nề, buồn chán, và an toàn. Thế nhưng xưa nay chưa bao giờ có điều gì đầy nguy hiểm và hào hứng như ‘chính thống’. ‘Chính thống’ là sự minh mẫn; và để được minh mẫn thì có vẻ ly kỳ hơn là điên dại. ‘Chính thống’ là trạng thái quân bình của một người ở đàng sau mấy con ngựa đang lao đi điên cuồng…, người đó phải đổi hướng chính xác sang phải, sang trái, để tránh bao chướng ngại vật. Giáo hội Chính Thống không bao giờ chọn chiều hướng dễ dãi, hay chấp nhận những thói tục khuôn mẫu. Giáo hội Chính Thống không bao giờ tỏ ra nể nang. Lẽ ra Giáo hội đã dễ dàng hơn nếu chấp nhận quyền lực trần thế của tà thuyết Arius. Trong thế kỷ 17, thời lạc giáo Calvin, Giáo hội lẽ ra cũng đã dễ rơi vào cái hố không đáy của thuyết tiền định. Trở thành kẻ điên thì dễ; trở thành kẻ lạc giáo cũng dễ… Rơi vào bất cứ thứ gì đang thịnh hành, từ thuyết Ngộ đạo cho tới giáo phái Khoa học Kitô, đáng lẽ là chuyện đương nhiên và tẻ nhạt. Thế nhưng, để tránh được tất cả những thứ đó phải là một cuộc phiêu lưu vô cùng gay go. Trong thị kiến của mình, tôi thấy một cỗ xe ngựa bay qua các thời đại trong tiếng rền như sấm, bên dưới là những lạc thuyết buồn tẻ đang nằm ngổn ngang và hàng phục, rồi chân lý liều lĩnh đang lảo đảo nhưng lại đứng thẳng dậy, hiên ngang… G.K. Chesterton (1874-1936) nhà văn Anh
|
325. Khi nào sự tham gia trong Giáo Hội lại phản bội những nền tảng của Giáo Hội?
Nhiều lần các nhóm, các cộng đồng và các tổ chức Giáo Hội từ bỏ sự hợp nhất với Giáo hội Toàn cầu vì nghĩ rằng họ phải hành động hoặc quyết định cách khác về một vấn đề cụ thể. Lý do thường đưa ra để biện minh cho sự phân ly là sự cần thiết phải có một hành động tiên tri được dự báo trước – dù đó là việc sử dụng vũ khí chống lại chế độ dân sự bất công, chống lại mệnh lệnh của Giáo Hội, hoặc cử hành Thánh Thể không hợp lệ với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác. Thật ra, Giáo Hội cần đến các tiên tri giúp mang lại sự đổi mới cho tốt hơn giữa lòng Giáo Hội. Nếu không có họ, Giáo Hội không bao giờ thức tỉnh trước những vấn đề của công nhân hoặc có thể bỏ lỡ hoàn toàn bước tiến triển quan trọng về tự do báo chí. Vì vậy, điều luôn luôn quan trọng là cần kiểm tra kỹ xem sự “can đảm mang tính tiên tri” có thật sự phục vụ Giáo Hội không hay bắt nguồn từ sự ngoan cố và tự mãn để rồi đem lại hậu quả là sự bất tuân và chia rẽ.
TL 460 GL 166, 168, 176-184
|
|
326 Việc tham gia các vấn đề xã hội có thể tăng cường về mặt đại kết như thế nào?
Đời sống xã hội chính là lĩnh vực đem lại nhiều cơ hội cho sự cộng tác đại kết. Việc cùng tranh đấu cho nền dân chủ, bảo vệ thai nhi, bảo vệ hôn nhân, hoà bình và công bằng xã hội có thể giúp đặt nền móng cho sự tin tưởng và làm tăng cường sự tin tưởng ấy giữa các Kitô hữu, vì đó là điều cần thiết để vượt qua những chia rẽ giữa các Kitô hữu trong các lĩnh vực khác và tìm lại con đường hợp nhất trong sự thật của Tin Mừng.
TL 135, 159 GL 820-822 Y 131
|
Có nhiều điều ta có thể làm để đem lại lợi ích cho người nghèo, người túng thiếu và những ai đau khổ cũng như để ủng hộ công lý, thúc đẩy hoà giải và xây dựng hoà bình. Nhưng, trước hết mọi sự, ta cần phải duy trì trong thế giới của chúng ta niềm khao khát cái tuyệt đối và chống lại sự thống trị của tầm nhìn chỉ có một chiều về con người, một tầm nhìn thu hẹp con người thành những gì họ sản xuất và tiêu thụ. Đấy là một trong những cơn cám dỗ nguy hiểm nhất của thời đại chúng ta. Giáo hoàng Phanxicô, 20 tháng 3, 2013
|
327 Sự hợp tác liên tôn có thể tăng cường việc tham gia vào các vấn đề xã hội như thế nào?
Rõ ràng là tín đồ của các tôn giáo khác nhau nên hợp lực vì lợi ích của nhân loại và nên đứng lên tranh đấu cho công lý và hoà bình cũng như để bảo vệ môi trường. Giáo hoàng Phanxicô mô tả tinh thần hợp tác liên tôn đúng nghĩa như sau: “Chúng ta không áp đặt bất cứ điều gì, chúng ta không sử dụng bất cứ chiến lược tinh tế nào để thu hút tín đồ; đúng hơn, chúng ta làm chứng cho những gì chúng ta tin và làm chứng chúng ta là ai với niềm vui và đơn sơ. Trong thực tế, một cuộc gặp gỡ trong đó mỗi bên bỏ ra ngoài những điều mình tin, giả vờ chối từ những gì mình xem là thiết thân nhất, chắc chắn không phải là một mối quan hệ đích thực” (28 tháng 11 năm 2013). Hợp tác liên tôn do đó có thể thực hiện được. Kitô hữu phải tiếp cận những người thuộc các tín ngưỡng khác với tình yêu và sự tin tưởng, nhưng họ cũng phải bảo đảm rằng cách tuyên xưng đức tin của họ vẫn rõ ràng, vì có những trường hợp người ta có thể dùng cùng một từ ngữ mà lại diễn tả những ý niệm hoàn toàn khác nhau về Thiên Chúa. Thật sự có một nguy cơ pha trộn các tôn giáo (thuyết hỗn hợp). Việc liên kết với các nhóm cực đoan theo đuổi mục tiêu chung để chống lại Giáo Hội và thiết lập một chế độ thần quyền với luật Hồi giáo Sharia là điều không thể nghĩ đến.
TL 12 GL 817-822, 841-848 Y 130, 136
|
Hợp nhất trong những gì thiết yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự. Thánh Augustinô (354-430)
Hôm nay là ngày đầu tiên trong phần đời còn lại của bạn. Khuyết danh
|
328 Làm thế nào để các Kitô hữu và người Hồi giáo có thể chung sống hoà bình?
Ngày nay tại nhiều nước, các Kitô hữu đang bị những người Hồi giáo cực đoan bách hại. Một số Kitô hữu có nguy cơ gớm ghét toàn bộ cộng đồng Hồi giáo, tẩy chay, và rút mọi hoạt động hợp tác với họ. Những người tín hữu đó quên rằng nhiều người Hồi giáo lên án bạo lực, và họ cũng quên cả một trong những yêu cầu nền tảng của Đức Giêsu là phải yêu thương người lân cận. Ở đâu các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo biết sống chung với nhau, họ sẽ làm tất cả để thúc đẩy bầu khí láng giềng tốt đẹp và những mối liên hệ cá nhân thân tình. Các Kitô hữu cũng nên chứng tỏ đặc tính của mình bằng cách dám đi bước trước và thể hiện những dấu hiệu bất ngờ về lòng hiếu khách và tin cậy.
TL 515-517, 537 GL 841 Y 136
|
Trích dẫn các văn kiện quan trọng của Giáo Hội
12
TÌNH YÊU TRONG HÀNH ĐỘNG
Centesimus Annus Nguy cơ loại trừ
Những ai không theo kịp thời đại dễ bị đẩy ra ngoài lề, như những người lớn tuổi, những người trẻ không có khả năng tìm được chỗ đứng của mình trong đời sống xã hội, và nói chung, những người yếu kém nhất hoặc những người được gọi là Thế giới thứ Tư. Trong những điều kiện này, tình trạng của những người phụ nữ còn thảm hại hơn.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 33
Centesimus Annus Ngôn ngữ lao động
Ngày nay hơn bao giờ hết, Giáo Hội nhận thức rằng thông điệp xã hội của mình sẽ được tín nhiệm tức thời qua việc làm chứng bằng hành động hơn là bằng lý lẽ tư duy và tính nhất quán trong lập luận. Nhận thức đó cũng là nguồn gốc của việc ưu tiên lựa chọn người nghèo, sự lựa chọn này không bao giờ mang tính cách loại trừ và phân biệt đối xử với những nhóm người khác. Việc lựa chọn này không chỉ giới hạn vào sự nghèo đói về vật chất, vì ta biết rõ có nhiều hình thức nghèo đói khác, nhất là trong xã hội ngày nay – không những về kinh tế mà còn về văn hoá và tinh thần nữa. Tình yêu của Giáo Hội dành cho người nghèo là điểm chính yếu và tạo nên một phần trong truyền thống bền vững của Giáo Hội, đã thôi thúc Giáo Hội quan tâm đến thế giới trong đó sự nghèo khổ vẫn đang đe doạ một phần lớn dân chúng mặc dù có những tiến bộ về mặt kỹ thuật và kinh tế.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 57
Evangelium Vitae Dành chỗ cho sự sống mới
Vẫn còn có nhiều đôi vợ chồng biết quảng đại lãnh nhận trách nhiệm đón nhận con cái như “quà tặng cao cả nhất của hôn nhân”. Cũng không thiếu những gia đình, ngoài công việc mưu sinh hằng ngày, sẵn lòng chấp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi, những thanh thiếu niên nam nữ đang gặp khó khăn, những người tàn tật, những người già cả neo đơn. Nhiều trung tâm hỗ trợ sự sống hay những tổ chức tương tự, được tài trợ từ những cá nhân và tổ chức, với lòng tận tuỵ và hy sinh đáng khâm phục, đã cố gắng giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần cho những bà mẹ đang gặp khó khăn và bị cám dỗ phá thai. Ngày càng có thêm nhiều nhóm tình nguyện viên khắp nơi chuẩn bị đón tiếp những ai không có gia đình, những người gặp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay những kẻ cần một môi trường nâng đỡ để vượt qua những thói quen gây hại và khám phá lại ý nghĩa của cuộc sống.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 26
Caritas in Veritate Tình yêu và Chân lý
Trong bối cảnh xã hội và văn hoá ngày nay, nơi mà khuynh hướng tương đối hoá chân lý đang lan rộng, việc thực thi bác ái trong chân lý giúp người ta hiểu rằng: tuân theo các giá trị của Kitô giáo không chỉ hữu ích mà còn thiết yếu cho việc xây dựng một xã hội tốt đẹp và sự phát triển con người toàn diện đích thực. Một Kitô giáo chủ trương bác ái mà không có chân lý sẽ ít nhiều tương tự như một vũng ao tù chứa những tình cảm tốt đẹp, tuy hữu ích cho sự gắn kết xã hội, nhưng hầu như không có tính liên thông. Nói cách khác, sẽ không còn nơi đích thực nào cho Thiên Chúa trên thế giới. Không có chân lý, bác ái bị giới hạn trong không gian chật hẹp và nghèo nàn các mối tương quan. Trong cuộc đối thoại giữa kiến thức và thực hành, bác ái bị loại trừ khỏi các kế hoạch và quá trình thúc đẩy sự phát triển của con người mang tầm vóc hoàn cầu.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 4
Caritas in Veritate Bác ái là gì
Bác ái là tình yêu được đón nhận và trao ban. … Là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, những người nam và nữ trở thành các chủ thể của bác ái, họ được kêu gọi làm cho mình trở thành công cụ của ân sủng, để tuôn trào bác ái của Thiên Chúa và để dệt thành những mạng lưới bác ái. Tính năng động này của bác ái được đón nhận và trao ban đã làm phát sinh giáo huấn xã hội của Giáo Hội, là caritas in veritate in re sociali: lời công bố chân lý tình yêu của Đức Kitô trong xã hội. Học thuyết này là một sự phục vụ cho bác ái, nhưng trọng tâm của nó là chân lý. Chân lý giữ gìn và diễn tả quyền lực giải phóng của bác ái trong những biến cố không ngừng đổi mới của lịch sử. Đồng thời chân lý vừa là chân lý của đức tin vừa là chân lý của lý trí, cả hai phương thế nhận thức này vừa phân biệt vừa hội tụ cả hai lĩnh vực của tri thức. Sự phát triển, phúc lợi xã hội, việc tìm kiếm một giải pháp thoả đáng cho các vấn đề kinh tế-xã hội trầm trọng đang đè nặng lên nhân loại, tất cả đều cần chân lý này. Điều cần hơn, là chân lý này phải được yêu mến và thể hiện. Không có chân lý, không có sự tin tưởng và tình yêu đối với những gì là đích thực thì không có lương tâm và trách nhiệm xã hội, và các hành động xã hội chẳng qua rồi cũng kết thúc ở việc phục vụ lợi ích cá nhân và lý lẽ của quyền lực, chỉ đem lại sự phân hoá xã hội, nhất là trong một xã hội toàn cầu hoá vào thời điểm khó khăn như lúc này.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 5
Caritas in Veritate Tình yêu hình thành nên cộng đồng
Vì là một quà tặng được mọi người lãnh nhận, bác ái trong chân lý là một sức mạnh xây dựng cộng đồng, và đem tất cả mọi người đến với nhau mà không áp đặt các ngăn trở hay giới hạn. Cộng đồng nhân loại mà chúng ta xây dựng đây không bao giờ có thể, hoàn toàn tự sức mình, là một cộng đồng huynh đệ trọn vẹn, cũng không bao giờ có thể thắng vượt được mọi chia rẽ và trở thành một cộng đồng hoàn vũ thật sự. Sự hợp nhất của nhân loại, mối hiệp thông huynh đệ vượt trên mọi rào cản, chỉ có thể thành hình nhờ lời Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Khi đề cập đến vấn đề then chốt này, ta cần phải làm rõ, một mặt, lý lẽ của quà tặng không loại trừ công lý, cũng không phải chỉ là một yếu tố phụ thuộc được thêm vào từ bên ngoài; mặt khác, phát triển kinh tế, xã hội và chính trị, nếu thật sự là nhân bản, cần phải dành chỗ cho nguyên tắc cho không như là một biểu hiện của tình huynh đệ.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 34
Evangelii Gaudium Tất cả được đòi hỏi
Do phép Rửa Tội, mọi thành viên của Dân Chúa trở thành những môn đệ truyền giáo (x. Mt 28,19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi số tín hữu còn lại đơn giản chỉ là những người đón nhận cách thụ động. Tân Phúc Âm hoá đòi hỏi sự tham gia thật sự của từng người được rửa tội. Mọi Kitô hữu được thách thức, ở đây và lúc này, được kêu gọi dấn thân tích cực vào công cuộc Phúc Âm hoá; thật vậy, bất cứ ai thật sự cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu dài để ra đi công bố tình yêu này. Mọi Kitô hữu đều là nhà truyền giáo theo mức độ họ gặp được tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là “người môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo”.
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 120.
Evangelii Gaudium Chia sẻ những gì bạn đã lãnh nhận
Đương nhiên tất cả chúng ta được kêu gọi trưởng thành trong công việc của người loan báo Tin Mừng. Chúng ta muốn được đào tạo tốt hơn, có một tình yêu sâu đậm hơn và một chứng tá Tin Mừng rõ ràng hơn. Theo nghĩa này, chúng ta phải để cho người khác không ngừng Phúc Âm hoá bản thân chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên trì hoãn sứ mạng Phúc Âm hoá của mình; đúng hơn, mỗi người chúng ta phải tìm cách thông truyền Đức Giêsu ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện. Tất cả chúng ta được kêu gọi để làm chứng một cách minh nhiên cho người khác về tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng bất chấp những khiếm khuyết của chúng ta, vẫn cho chúng ta gần gũi với Người, cho chúng ta lời và sức mạnh của Người, và đem đến ý nghĩa cho đời sống chúng ta. Tự thâm tâm, bạn biết rằng không có Người thì bạn không sống được như thế; những gì bạn đã nhận ra, những gì đã giúp bạn sống và cho bạn niềm hy vọng, thì bạn cần phải thông truyền những điều ấy cho người khác.
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 121.
Evangelii Gaudium Là môn đệ
Là môn đệ có nghĩa là luôn sẵn sàng để mang tình yêu của Đức Giêsu đến với người khác, và điều này có thể xảy ra một cách bất ngờ và ở bất cứ đâu: trên đường phố, trong công viên thành phố, khi làm việc, lúc đi đường.
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 127.
Evangelii Gaudium Ngày càng trở nên có tinh thần thừa sai hơn
Một cộng đồng Phúc Âm hoá dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; cộng đồng ấy vượt qua những ngăn cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ. Một cộng đồng Phúc Âm hoá cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu. Cộng đồng này cũng quen với việc kiên nhẫn chờ đợi và chịu đựng mang tính tông đồ. Việc Tin Mừng hoá phần lớn hệ tại ở sự kiên nhẫn và không quan tâm tới áp lực của thời gian. Trung thành với ơn Chúa, cộng đồng thế nào cũng mang lại kết quả. Một cộng đồng Phúc Âm hoá luôn quan tâm tới kết quả, vì Chúa Giêsu muốn cộng đồng mang lại kết quả. Cộng đồng chăm sóc hạt giống và không mất kiên nhẫn với cỏ dại. Người gieo giống khi thấy cỏ dại mọc lên giữa đám hạt giống thì không càu nhàu hay phản ứng thái quá. Người ấy tìm cách để cho Lời được nhập thể trong một hoàn cảnh nhất định và phát sinh những hoa quả của đời sống mới, dù những kết quả này có vẻ chưa hoàn hảo hay chưa đầy đủ. Người môn đệ sẵn sàng mạo hiểm đời mình, thậm chí chấp nhận tử đạo, để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, nhưng mục tiêu không phải là muốn có kẻ thù, mà là để thấy Lời của Thiên Chúa được chấp nhận và sức mạnh giải thoát và đổi mới của Lời được tỏ lộ. Sau cùng, một cộng đồng Phúc Âm hoá thì chan chứa niềm vui; biết cách để luôn luôn vui mừng, ăn mừng trước mỗi chiến thắng nho nhỏ, mỗi bước tiến trong công cuộc Phúc Âm hoá… Tôi mơ đến một sự “chọn lựa truyền giáo”, có khả năng chuyển đổi tất cả mọi sự, để những thói quen, những phong cách, những thời biểu, ngôn ngữ và mọi cơ cấu Giáo Hội trở thành một kênh truyền thông thích ứng cho việc Phúc Âm hoá thế giới hiện tại, hơn là tự bảo tồn mình. Việc đổi mới các cơ cấu này theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như là một phần của cố gắng làm cho các cơ cấu đó có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp gần gũi và cởi mở hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một lòng khao khát mạnh mẽ muốn tiến lên, và nhờ đó mà khơi dậy sự phản hồi tích cực từ tất cả những ai mà Đức Giêsu muốn kêu gọi bước vào tình bạn với Người.
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 24 và 27.