Chúa Nhật XIX TN A – 2017: Bước đi trên mặt nước với Chúa Giêsu
Việc Đức Giêsu cho thánh Phêrô đi trên mặt biển đầy sóng gió gợi ý cho việc con người làm chủ những sức mạnh thiên nhiên và bảo tồn vạn vật để chúng phục vụ con người cũng như làm vinh danh Thiên Chúa.
Bước đi trên mặt nước với Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Kinh Thánh tuần này mời gọi chúng ta đổi mới cái nhìn của chúng ta về vạn vật vì chúng không phải là những sức mạnh mù quáng mà Thiên Chúa tạo ra để huỷ diệt con người. Việc Đức Giêsu cho thánh Phêrô đi trên mặt biển đầy sóng gió gợi ý cho việc con người làm chủ những sức mạnh thiên nhiên và bảo tồn vạn vật để chúng phục vụ con người cũng như làm vinh danh Thiên Chúa (x. Mt 14,22-33).
1. Cuộc khủng hoảng sinh thái
Bản Báo cáo khí hậu toàn cầu 2016 do hơn 500 nhà khoa học trên thế giới tham gia nghiên cứu, được tổ chức NOAA (Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ) và AMS (Hiệp hội Khí tượng Mỹ) công bố ngày 10/8/2017 vừa qua (x. Tuổi Trẻ, ngày 12/8/2017, tr.19) đã gợi ý cho ta về một cuộc khủng hoảng sinh thái trên trái đất. Ba điểm chính đáng lưu ý: năm 2016 là năm nóng nhất trong suốt 137 năm qua, mực nước biển cao nhất và lượng khí thải ô nhiễm nhất. Đợt nắng nóng vào cuối tháng 4 năm 2016 khiến nhiệt độ ngoài trời lên tới 44 độ C làm cho 300 người thiệt mạng ở Ấn Độ. Có 93 cơn bão nhiệt đới so với 82 cơn trung bình trong 30 năm vừa qua. Hiện nay nhiều nước ở châu Âu đang đối mặt với nhiệt độ cao gây ra nạn cháy rừng.
Nói riêng ở Việt Nam, lũ quét ở các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La trong ngày 3 và 4/8/2017 vừa qua đã làm hàng chục người chết, mất tích và hàng trăm căn nhà hư hại. Dịch sốt xuất huyết đang bùng nổ ở một số tỉnh thành với hơn 80.000 ca sốt xuất huyết. Việc sạt lở ở các vùng ven sông Cửu Long và các con sông ở miền Trung do việc khai thác cát ồ ạt để bán rẻ ra nước ngoài, thu được vài tỉ nhưng thiệt hại hàng trăm tỉ (x. Tuổi Trẻ, ngày 10/8/2017). Tất cả đều nói lên những nét chấm phá trong cuộc khủng hoảng sinh thái tại Việt Nam và trên thế giới.
2. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ đâu?
Rất nhiều người nghĩ một cách đơn giản rằng: đó là do thiên nhiên nổi loạn chống lại con người nên con người phải chống lại thiên nhiên. Thiên nhiên, theo họ, là những sức mạnh mù quáng, giống như những hiện tượng gió bão, động đất, lửa cháy được Thánh Kinh mô tả (x. 1V 19,9-13) mà người thời bán khai cho đó là những thần linh phải tôn thờ, cúng tế để mình được an lành. Con người hiện đại chúng ta lại nghĩ rằng cần phải dùng khoa học, kỹ thuật để thuần phục những sức mạnh mù quáng đó.
Các nhà khoa học trong báo cáo khí hậu toàn cầu đã chỉ rõ cho ta hiểu rằng: nguyên nhân cuộc khủng hoảng sinh thái chính là con người. “Con người chỉ muốn thống trị, chiếm hữu, điều khiển và khai thác vạn vật theo tính ích kỷ và lòng tham của mình, chứ không biết bảo tồn trái đất”.
ĐGH Phanxicô đã phân tích cho ta hiểu rằng: “Chúng ta đang phải đối mặt, không phải với hai cuộc khủng hoảng tách rời nhau: cuộc khủng hoảng về môi trường và cuộc khủng hoảng về xã hội; nhưng đúng ra là một cuộc khủng hoảng phức tạp cả về xã hội lẫn môi trường” (x. Laudato Sì, số 139; Docat, tr. 241-242). Đức Giáo Hoàng còn nói: “Môi trường con người và môi trường thiên nhiên cùng xuống cấp. Chúng ta không thể chiến đấu thoả đáng chống lại sự suy thoái môi trường nếu chúng ta không chú ý đến các nguyên nhân có liên hệ đến sự suy thoái con người và xã hội” (x. Laudato Sì, số 48). Thí dụ cụ thể để hiểu vấn đề này là vụ xả thải của công ty Formosa ở Hà Tĩnh đã làm cho môi trường sinh thái của bốn tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề bắt nguồn từ lòng tham lợi của một số cá nhân và sự tham nhũng của tập thể xã hội, sự bất lực về chính trị của chính quyền trước công nghệ và tài chính.
3. Muốn bảo tồn vạn vật một cách bền vững, chúng ta phải làm gì?
Bài Tin Mừng cũng như các bài Kinh Thánh hôm nay như đang gợi ý rằng : chúng ta phải thay đổi cái nhìn của mình về vạn vật.
Hạn hán, lửa thiêu, động đất không phải là những sức mạnh tự nhiên Chúa dựng nên để làm hại con người vì “Chúa không ở trong những thứ đó”. Chúa ở trong tiếng gió hiu hiu đem lại mát mẻ và an bình (x. 1V 19,9-13). Vạn vật chỉ làm hại khi con người cắt đứt mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa sau khi phạm tội. Chúng phản kháng con người vì tội của con người đã làm chúng phải “lệ thuộc vào cảnh hư nát” (x. Rm 8,21-22).
Từ khởi nguyên, tất cả đều sống hoà thuận vì con người và vạn vật là anh chị em ruột thịt của nhau. Tất cả được cấu tạo bởi vật chất là bùn đất. Tất cả đều là xương thịt của nhau. Từng giây phút ta thở dưỡng khí do cây cối toả ra, qua từng bữa ăn chúng ta đưa vào thể xác mình con tôm con cá, ngọn rau cây giá. Khí carbonic và chất thải của con người lại tạo thành xương thịt cho những loài thực vật, động vật quanh ta. Vạn vật yêu quý sự sống của chúng không thua con người, nhưng lại sẵn sàng hy sinh sự sống ấy cho con người trong mỗi bữa ăn bởi vì chúng noi gương tình yêu quảng đại của Thiên Chúa. Vì thế con người không được quyền xem thiên nhiên như một kẻ thù cần khống chế và đánh bại, nhưng cần phải học cách hợp tác với thiên nhiên, yêu thương và tôn trọng thiên nhiên thì mới có thể bảo vệ bền vững, ổn định lâu dài hệ sinh thái trái đất. (x. Docat, câu số 263) .
Việc Đức Giêsu đi trên mặt biển trong đêm tối cho ta thấy rằng con người mới là Đức Giêsu và khi kết hợp với Người, nhân loại có thể bảo tồn được vạn vật, điều khiển lại chúng. Đức Giêsu chính là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, là “Con thiên Chúa” như các môn đệ tuyên xưng hôm nay: vì vạn vật được dựng nên nhờ Người và cho Người (x. Ga 1,1-3). Bài đọc II (x. Rm 9,1-5) cho ta hiểu rằng: Người đã đón nhận thân xác và cả nền văn hoá y như bất cứ con người nào, Người là anh em của muôn loài chứ không phải chỉ là anh em của muôn người. Người đã hoà giải con người và vạn vật với Chúa Cha qua việc nhập thể làm người, qua việc chết một cách nhục nhã trên thập giá và sống lại vinh quang để chứng minh rằng con người chúng ta khi gắn bó với Chúa Giêsu thì đã trở thành một con người mới; con người này có thể điều khiển vạn vật như Người: Người chỉ cần nói một lời là bánh cá hoá nhiều, gió yên, biển lặng, trời đất cảm thông trong cuộc thương khó của Người.
Giống như thánh Phêrô, chúng ta có thể đi trên mặt nước để chứng tỏ sức mạnh của con người vượt thắng thiên nhiên, trở về tình trạng “được cùng với Chúa Giêsu làm chủ muôn loài”. Rồi chính con người chúng ta, qua thức ăn, nước uống hằng ngày, qua những sự cố gắng học hành nghiên cứu khoa học, qua những hành động trồng trọt, xây dựng trái đất này, chúng ta hiểu rõ vạn vật hơn và cộng tác với muôn loài để làm vinh danh Chúa cũng như đem lại ơn cứu độ cho muôn loài.
ĐGH Phanxicô đang mời gọi mỗi tín hữu trong thời đại hôm hay phải trở thành một nhà cách mạng, phải thay đổi cái nhìn về vạn vật, thay đổi lối sống lãng phí, huỷ hoại, muốn thống trị, chiếm hữu vạn vật, bằng lối sống có trách nhiệm, biết hy sinh, liên đới và tôn trọng vạn vật (x. GH Phanxicô, Diễn văn buổi triều yết ngày 5/6/2013). Chúng ta hãy nhìn lại thùng rác ở nhà mình xem có đậy nắp đàng hoàng không? Rất nhiều thành phố trên thế giới đang khuyến khích đi xe đạp để tránh hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ tăng lên mỗi năm và bão tố, lũ lụt bắt nguồn từ đó. Chúng ta có thể đi bộ, đi xe đạp những đoạn đường gần để vừa vận động con người vừa làm sạch môi trường sinh thái. Chúng ta có thể bớt dùng máy lạnh để cơ thể tập thích nghi với thời tiết bốn mùa như thế ta sẽ khoẻ hơn và gần gũi với thiên nhiên hơn. Chúng ta thay đổi cách sống hằng ngày để tránh lãng phí điện nước và các thực phẩm vừa để bảo tồn vạn vật vừa có điều kiện để chia sẻ cho những người thiếu thốn.
Lời kết
Như thế là chúng ta đang được mời gọi gắn bó với Chúa Giêsu trong tinh thần nghèo khó, lao động, học hành, gặp gỡ, cảm thông của Người để phát huy tình yêu, quyền năng, sức mạnh của Thiên Chúa rồi chia sẻ cho con người và vạn vật, nhờ đó chúng ta có thể bước đi trên mặt nước với Chúa Giêsu.