Nên chăng công bố dịch sốt xuất huyết?
Tính đến nay, cả nước có gần 81.000 ca mắc sốt xuất huyết, 24 ca tử vong, và con số này vẫn chưa dừng mà tiếp tục gia tăng đáng lo ngại, đặc biệt ở Hà Nội với hàng trăm ca mắc mỗi ngày, bất chấp tiền bạc đổ ra chống dịch.
Nên chăng công bố dịch sốt xuất huyết?
Tính đến nay, cả nước có gần 81.000 ca mắc sốt xuất huyết, 24 ca tử vong, và con số này vẫn chưa dừng mà tiếp tục gia tăng đáng lo ngại, đặc biệt ở Hà Nội với hàng trăm ca mắc mỗi ngày, bất chấp tiền bạc đổ ra chống dịch.
Tính đến ngày 12.8, số mắc sốt xuất huyết (SXH) tích lũy tại Hà Nội ghi nhận là gần 15.400 ca, trong khi 2 ngày trước đó là hơn 13.900 ca, 7 ca tử vong. Thông tin từ các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội như: BV E, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, Đống Đa, Hà Đông… số người đến khám và nhập viện do SXH tăng vọt. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số người mắc SXH năm nay sẽ vượt xa số người mắc trong đợt dịch SXH tại Hà Nội vào thời điểm gần 10 năm trước (16.000 ca).
TIN LIÊN QUAN
Hơn 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Chiều 10.8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì họp khẩn về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH).
Phải nhìn từ sức khoẻ cộng đồng
Là thành viên tham gia giám sát các công việc đang triển khai chống dịch SXH, PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết: “Thực tế một số quận chúng tôi có mặt, các tuần gần đây số mắc và số ổ dịch SXH vẫn tăng dù địa bàn đó đã có các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, vận động người dân diệt bọ gậy”.
Theo ông Hải, hiện nay SXH chưa có vắc xin nên chống dịch rất khó khăn. “Ngành y tế Hà Nội cần đề xuất cách truyền thông để người dân hiểu rõ: chống muỗi đốt, không bị muỗi đốt thì sẽ không bị nhiễm vi rút gây SXH. Cùng với đó, phải chỉ cho họ cách phòng chống thật cụ thể, dễ hiểu: chống muỗi đốt bằng cách nào? Những sản phẩm nào có thể sử dụng; được cấp miễn phí hay tự mua? Nếu mua thì ở đâu là tin cậy…?”, ông Hải khuyến nghị.
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, với tốc độ gia tăng như hiện nay, lãnh đạo TP.Hà Nội cần xem xét việc công bố dịch, bởi nó cũng là cách để người dân thấy rõ sự nghiêm trọng của dịch bệnh, tích cực tham gia chống hơn. Thậm chí có thể công bố dịch trên quy mô quận, huyện.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Y tế thị sát phòng chống bệnh sốt xuất huyết
* 4 trường hợp sốt xuất huyết tử vong tại TP.HCM
Vì theo Quyết định 02/2016 của Thủ tướng, với bệnh truyền nhiễm nhóm B (trong đó có SXH) một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất; một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; một tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên. Trong khi đó, số mắc SXH tại nhiều quận, huyện Hà Nội đã ghi nhận cao hơn nhiều so với số mắc cùng kỳ của 3 năm gần nhất.
“Theo tiêu chuẩn công bố dịch thì Hà Nội và một số quận, huyện đủ điều kiện công bố dịch, nhưng không hiểu vì sao còn chưa công bố chính thức”, một chuyên gia y tế dự phòng đặt câu hỏi và phân tích: thực tế, nếu công bố dịch đồng nghĩa sẽ có tác động tích cực hơn. Đó là, cán bộ y tế dự phòng sẽ tăng cường hơn công tác phòng chống, dập dịch, khống chế dịch, giám sát ca bệnh trong cộng đồng; khâu điều trị sẽ giám sát, sàng lọc kỹ ca bệnh khi tiếp nhận để thông báo cho y tế dự phòng nắm khoanh vùng dập dịch; người dân cũng ý thức hơn trong phòng bệnh.
Ngoài ra khi công bố một loại dịch bệnh nào đó thì người mắc bệnh đó sẽ được điều trị miễn phí… “Việc một địa phương đủ yếu tố mà không công bố dịch có thể có những lý do “tế nhị”, như lo ngại phải điều trị miễn phí với số lượng bệnh quá lớn và còn liên quan đến việc thi đua khen thưởng cuối năm (?!). Tuy nhiên, điều quan trọng hàng đầu là sức khỏe cộng đồng và tính mạng người dân”, chuyên gia này cảnh báo.
TIN LIÊN QUAN
Tránh hiểu sai về sốt xuất huyết
Triệu chứng ban đầu có thể gây nhầm lẫn với sốt vi rút thông thường, khiến bệnh nhân chủ quan, không điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ tử vong.
Tiền đổ ra, số mắc vẫn tăng
Liên tục theo sát công tác phòng chống dịch của Hà Nội, đặc biệt với dịch SXH năm nay, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá dù chưa công bố dịch nhưng nguồn lực cho chống dịch đã được lãnh đạo TP đầu tư mạnh mẽ. Mới đây nhất, chính quyền TP.Hà Nội đã bổ sung thêm hơn 8 tỉ đồng cho chống dịch SXH, trước đó đã dành 15 tỉ đồng. Kế hoạch chống dịch cũng khá chi tiết với việc thành lập các đội phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh; các đội xung kích diệt bọ gậy; hàng trăm đợt phun hóa chất tại các ổ dịch trên địa bàn.
TIN LIÊN QUAN
‘Đột nhập’ vào nơi cả làng ám ảnh vì mắc sốt xuất huyết
Hiện tại dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, 61/63 tỉnh thành phố trên cả nước đều có dịch. Ngay tại Hà Nội dịch sốt xuất huyết cũng đang là nỗi ‘ám ảnh’ người dân khi có nơi cả làng đều mắc sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, một chuyên gia cùng là thành viên tham gia giám sát công tác chống dịch SXH tại Hà Nội cho rằng cách phòng chống dịch như hiện nay chưa hiệu quả. “Thay vì phê phán người dân chưa hợp tác do họ ngại cho các nhân viên y tế vào nhà phun hoá chất, chính quyền các cấp cần tổ chức cho nhân viên y tế, cộng tác hướng dẫn các gia đình tự phun, sử dụng chế phẩm an toàn, cấp hoá chất cho họ. Việc cấp hóa chất là khả thi bởi vì nó không tốn kém. Chỉ với 5 ml hóa chất pha được 1 lít dung dịch và đủ phủ cho khoảng 20 m2 tường. Việc này vừa hiệu quả, đồng thời phát huy được tổng lực sức dân tham gia chống dịch. Cả triệu người trong vùng dịch, nếu chỉ nhân viên y tế làm, sao đủ nhân lực phun để phủ hết”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Xung quanh việc Hà Nội chưa công bố dịch SXH, trả lời Thanh Niên, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nói: “Việc công bố dịch với mục đích để công khai tình hình dịch bệnh cho nhân dân được biết. Mục đích thứ hai là thu nhận nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Hiện tại, Hà Nội luôn chủ động và sẵn sàng trong việc phòng chống, điều trị bệnh SXH. Hà Nội đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng với số lượng ca mắc bệnh và ca tử vong. Đến thời điểm này, Hà Nội đã chi gần 20 tỉ đồng dành phục vụ cho công tác phòng chống SXH, có huyện chi đến gần 2 tỉ đồng phòng bệnh SXH. Những việc trên đều được công bố công khai, Hà Nội đang làm hết sức mình, quyết liệt. Chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ tình hình dịch SXH, trong trường hợp cần thiết theo quy định và cân nhắc về tình hình kinh tế xã hội để có đề xuất việc làm các thủ tục công bố dịch cho phù hợp”.
TIN LIÊN QUAN
Sốt xuất huyết ở Nam Định đang ở mức báo động
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện Nam Định là một trong những tỉnh có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao và đang ở mức báo động.
Phun hoá chất chưa hiệu quả
Trả lời PV Thanh Niên về cách phun hóa chất diệt muỗi, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng để phun hóa chất hiệu quả, trước hết phải tính được thời gian hoạt động tối đa của con muỗi; thứ hai là nơi trú ẩn của muỗi; thứ ba là tập tục của từng địa phương. Ở phía nam, muỗi hoạt động tốt nhất từ 25 – 28 độ C.
Do vậy, buổi chiều khi trời tắt nắng thì phun hóa chất diệt muỗi là tốt nhất. Có nơi tắt nắng nhưng vẫn còn nóng thì xem xét chuyển sang phun sáng sớm. Theo PGS-TS Lân, cơ chế của hóa chất khi phun ra sẽ bám vào con muỗi và tiêu diệt chúng, nếu phun ở thời điểm nhiệt độ thời tiết nóng như 14 giờ chiều thì hóa chất sẽ bốc hơi hết và hiệu quả không cao.
Cũng theo PGS-TS Lân, hiện nay việc diệt muỗi chưa hiệu quả, chủ yếu do lỗi phun hóa chất. Thứ nhất, một số nơi phun không đúng giờ, tức giờ muỗi ngủ thì đi phun, hôm sau đến giờ hoạt động thì muỗi bay nhiều quá thì nói do kháng hóa chất. Thứ hai là kỹ thuật phun, có trường hợp phun lên trời cho xong việc, sợ bắn vào người gây ngộ độc. Thứ ba là chọn lúc nhiệt độ không phù hợp. Thứ tư là pha hoá chất không đúng. Cuối cùng, quan trọng nhất là trước lúc phun phải làm thế nào giảm mật độ lăng quăng xuống tối đa thì phun mới hiệu quả.
Ông Lân cũng cho rằng tỉnh, thành nào có điều kiện thì phải công bố dịch để cho người dân biết địa điểm dịch, thời gian, quy mô của dịch; cho người dân biết nguyên nhân, đường lây truyền và tính nguy hiểm của dịch; quan trọng nhất là đưa ra biện pháp phòng chống dịch… chứ không phải chưa công bố thì không có dịch! (Duy Tính)
|
Liên Châu – Duy Tính