29/11/2024

Khai thác cát thu vài tỉ, mất tiền chống sạt lở hàng trăm tỉ

Thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn: 42 thủy điện đắp đập ngăn nước; dưới sông: khai thác cát tràn lan; bờ sông, cửa biển bị sạt lở khủng khiếp.

 

Khai thác cát thu vài tỉ, mất tiền chống sạt lở hàng trăm tỉ

Thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn: 42 thủy điện đắp đập ngăn nước; dưới sông: khai thác cát tràn lan; bờ sông, cửa biển bị sạt lở khủng khiếp.

 

 

 

 

Khai thác cát thu vài tỉ, mất tiền chống sạt lở hàng trăm tỉ
Những chiếc sà lan chở đầy cát dưới chân cầu Kỳ Lam (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Việc suy giảm bột cát do xây dựng các hồ chứa ở thượng lưu và việc khai thác cát trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn là nguyên nhân chính gây xói lở bờ biển Hội An”

GS Hitoshi Tanaka (ĐH Tohoku, Nhật Bản)

Đó là thực trạng đang diễn ra trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) – một trong những hệ thống sông lớn nhất miền Trung.

Vừa khai thác 
vừa… làm kè

Tại những điểm khai thác và tập kết cát lớn trên dòng sông này đều có thể nhìn thấy hàng chục sà lan “ăn cát” hàng giờ. Lòng sông ầm ào như những đại công trường không ngưng nghỉ.

Ngay dưới chân cầu Hà Nha (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) có ba bãi khai thác lớn với hàng chục thiết bị máy móc được tập kết.

Ông Hồ Bình, người dân địa phương, cho biết các bãi này đã đưa vào khai thác hơn 5 năm nay với quy mô mỗi bãi hơn ba sà lan hút cát.

“Ban đầu các vòi hút được đưa ra lòng sông cách xa bờ, nhưng mỗi đợt nước lụt qua dòng sông thay đổi thì điểm hút cát cũng vào dần trong bờ. Bây giờ điểm hút cát chỉ nằm cách khu vực canh tác của bà con ngót nghét 50m, nên đợt lũ cuối năm vừa qua cả một vệt bãi bồi đã bị “hà bá” táp xuống sông. Dân kéo ra đây phản ứng thì chính quyền mới yêu cầu dừng khai thác” – ông Bình nói.

Trong khi đó, chỉ cách khu vực hút cát 20m, một bờ kè dã chiến được làm chắn ngang dòng sông để “nắn” con nước đi ra xa bờ.

Phía sau bờ kè này, một cảnh tượng trái ngược đau lòng đang diễn ra là người dân địa phương đang đổ cát vào bao tải, đóng cọc tre để chống xói lở.

“Tôi thấy rất nực cười khi cùng một vị trí thì một bên cấp phép cho ra sức hút, còn một bên bỏ tiền để giữ cát lại với bờ. Kiểu này khi thuỷ điện xả nước, lũ về thì bãi bờ còn sạt lở nữa” – một người làm kè ở đây nói.

Cách đó chừng 15km đường chim bay, ngay đoạn giữa cầu Quảng Huế và cầu Giao Thuỷ (huyện Đại Lộc), một điểm khai thác cát khác cũng “xình xịch” ngày đêm.

Chúng tôi ghi nhận có 20 sà lan lớn đang chực chờ nhận cát từ sáu ghe hút cát. Các ghe này chở cát đến một bãi tập kết dưới chân cầu Giao Thủy để giao hàng.

Ông Lê Bình, người dân xã Đại An, than phiền: “Không biết cát ở đâu mà họ lấy nhiều như vậy. Từ khi cầu Giao Thuỷ đưa vào sử dụng nối huyện Duy Xuyên với Đại Lộc thì ngày nào cũng có hàng trăm chuyến xe ben tải trọng lớn chở cát về hướng Đà Nẵng. Xe chạy liên tục khiến cả vùng khiếp sợ vì bụi tung mù mịt, xe lớn choán hết cả lối đi lại”.

Hạ lưu lãnh “trái đắng”

Không chỉ gây sạt lở bờ sông, uy hiếp cuộc sống người dân, hậu quả xói lở khủng khiếp mà bãi biển Cửa Đại, Hội An từ năm 2014 đến nay đang phải gánh một phần nguyên nhân cũng từ việc khai thác cát trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.

Ông Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch UBND TP Hội An – cho biết đến nay tổng số tiền “đắp” vào sạt lở ở Hội An đã lên đến 140 tỉ đồng.

Trong hàng chục kilômet sạt lở dọc sông Vu Gia – Thu Bồn, số tiền bỏ ra xây đê kè không phải ít. Tại cầu Hà Nha, huyện Đại Lộc, mỗi 1km kè tốn gần 25 tỉ đồng, trong khi tổng nguồn thu ngân sách từ 18 mỏ cát trên toàn huyện chỉ khoảng 6 tỉ đồng.

Và để tìm lời giải cho “bài toán” chống sạt lở Cửa Đại, rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, mà ở đó các nhà khoa học đều có chung nhận định rằng tác nhân chính gây ra hệ lụy mà Cửa Đại phải gánh chịu chính là việc đập thủy điện và khai thác cát trên thượng nguồn.

PGS.TS Vũ Thanh Ca – Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam) – cho rằng nguyên nhân của tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại không phải do biến đổi khí hậu, mà chủ yếu do thay đổi cán cân bùn cát tại khu vực.

Nguồn chính cung cấp cát cho bờ biển là hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây có sự gia tăng đột biến các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn, nên lượng bùn cát bồi lắng trong lòng hồ cũng tăng. Đây là nguyên nhân chính gây gia tăng xói lở ở Hội An.

Khai thác cát thu vài tỉ, mất tiền chống sạt lở hàng trăm tỉ
Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng – Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Quy hoạch lại các mỏ cát

Ông Bùi Văn Ba – trưởng phòng khoáng sản Sở TN-MT Quảng Nam – cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 35 đơn vị được cấp phép khai thác cát sông, chủ yếu trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.

Nhìn chung, những mỏ được cấp phép thì các đơn vị khai thác đúng theo quy định trong giấy phép.

Tuy nhiên, ông Ba thừa nhận có tình trạng đơn vị khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, không cắm mốc ranh giới rõ ràng, không đúng như giấy phép.

Qua các đợt kiểm tra của công an, thanh tra sở thì những trường hợp này đã bị lập biên bản xử phạt.

Ông Ba cũng cho hay hiện nay, trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn tỉnh đã tạm dừng cấp mới và không gia hạn giấy phép khai thác cát. Những nơi bị xói lở bờ sông, ảnh hưởng dòng chảy là do hoạt động khai thác cát trái phép gây ra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Thu – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết: “Tỉnh sẽ tính toán kỹ sản lượng cát để đưa vào quy hoạch và nhu cầu của thị trường cần cát bao nhiêu.

Từ đó sẽ quy hoạch cụ thể số bến bãi được phép khai thác và chọn bao nhiêu nhà đầu tư để khai thác nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác cát. Giao Sở TN-MT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các mỏ đã được cấp phép.

Và giao cho ngành công an và các địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét khai thác cát trái phép, xử phạt thật nghiêm để đưa hoạt động khai thác cát trở lại nề nếp”.

 Hệ luỵ ghê gớm

Theo thống kê của UBND huyện Đại Lộc, mỗi năm nguồn thu ngân sách của địa phương từ 18 mỏ cát lớn nhỏ là hơn 6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu làm kè bêtông chống sạt lở ở đoạn đang “kè mềm” dưới chân cầu Hà Nha thì kinh phí đã vượt nguồn Nhà nước thu từ khai thác tài nguyên cát.

Theo ông Trần Ngọc Mẫn – phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nếu tính riêng tại huyện thì nguồn thu thuế từ khai thác cát là không bao nhiêu.

Nhưng quá trình khai thác cát để lại hệ lụy ghê gớm, nhất là số tiền khắc phục sạt lở, làm bờ kè và các chi phí không đo đếm được như ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường sá do xe chở cát gây ra.

ĐOÀN CƯỜNG – 
TRƯỜNG TRUNG – LÊ TRUNG