29/11/2024

Đất tái định canh bôxit Tân Rai chưa tới tay dân đã ‘bốc hơi’

Toàn bộ diện tích đất tái định canh cho người dân bị thu hồi đất để xây dựng tổ hợp bôxit – nhôm Tân Rai (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã bị lấn chiếm trước khi được giao cho người dân.

 

Đất tái định canh bôxit Tân Rai chưa tới tay dân đã ‘bốc hơi’

 Toàn bộ diện tích đất tái định canh cho người dân bị thu hồi đất để xây dựng tổ hợp bôxit – nhôm Tân Rai (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã bị lấn chiếm trước khi được giao cho người dân.

 

 

 

Đất tái định canh bôxit Tân Rai chưa tới tay dân đã 'bốc hơi'
Cây chè trồng trên đất tái định canh bị lấn chiếm đã cho thu hoạch nhiều năm – Ảnh: M.VINH

Để xây dựng nhà máy sản xuất alumin và các công trình khác, khoảng 2.000 người dân tại thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) đã bị thu hồi đất ở và đất sản xuất.

Năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi 182ha đất rừng tại tiểu khu 438B (thuộc tổ 23, thị trấn Lộc Thắng) thành đất nông nghiệp để hỗ trợ tái định canh cho những hộ dân có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp.

Đồng thời, giao cho Ban quản lý dự án (BQLDA) bôxit – nhôm Lâm Đồng quản lý và tái định canh cho người dân.

Sau đó, BQLDA bôxit – nhôm Lâm Đồng xây dựng đường sá và phân lô khu đất này với tổng số tiền đầu tư hơn 5 tỉ đồng. Việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng khu đất hoàn thành vào năm 2008.

Theo kế hoạch, sau khi cắt 30ha cấp cho 28 hộ dân tộc thiểu số đang sản xuất trên khu đất rừng trước khi tiến hành quy hoạch, chuyển đổi thì BQLDA bôxit – nhôm Lâm Đồng phải bàn giao toàn bộ diện tích đất này để tái định canh cho người dân.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm tổ chức tái định canh, toàn bộ đất đã “bốc hơi”. Đến nay chưa hộ dân nào thuộc diện được hỗ trợ tái định canh nhận được khoảnh đất này.

Chúng tôi đến khu đất này vào đầu tháng 8-2017, người dân dẫn đường cho chúng tôi nói đó là khu đất nông nghiệp dạng đẹp nhất ở huyện Bảo Lâm vì bằng phẳng, màu mỡ.

Toàn bộ khu đất đã trồng cà phê, chè đang cho thu hoạch và một số loại cây ngắn ngày khác. Người dân vẫn tiếp tục xuống giống trên khu đất này.

Một người dân đang xuống giống cà phê trên khu đất tái định canh, đề nghị được giấu tên, cho biết khu đất ông đang trồng cà phê là mua lại của một người khác.

“Họ nói đất này được huyện cấp, chờ làm sổ đỏ, muốn mua lại rẻ thì mua luôn bây giờ, ít bữa nữa có sổ đỏ thì mang giấy sang nhượng viết tay lên huyện để làm thủ tục. Giờ nghe thu hồi thì tôi gọi cho người bán không được nữa” – ông nói.

Chúng tôi tiếp tục thăm dò thêm năm người dân khác tự nhận là chủ đất tại khu tái định canh này và đang trồng cà phê, chè ở nhiều vị trí khác nhau và đều nhận được câu trả lời là họ mua đất sang tay từ người khác với giá từ 30 – 50 triệu đồng/sào (1.000m2).

Ông Nguyễn Trung Thành, phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết có tình trạng mua bán sang tay với nhau trên khu đất tái định canh thuộc dự án bôxit. Tất cả các giao dịch đều không hợp pháp, không được công nhận.

Theo ông Thành, UBND huyện Bảo Lâm đang tổ chức thu hồi, kiểm kê đất bị lấn chiếm. Trong cuộc họp mới đây với UBND huyện Bảo Lâm để tiến hành thu hồi đất bị lấn chiếm, ông Nguyễn Đình Trí, chánh văn phòng BQLDA bôxit – nhôm Lâm Đồng, thừa nhận không quản lý kỹ nên toàn bộ đất đã bị lấn chiếm trước khi bàn giao, ông cũng xác nhận có việc người dân sang nhượng trái phép đất tái định canh.

Kêu gọi người lấn chiếm… trả đất

Theo thống kê của UBND thị trấn Lộc Thắng, đến thời điểm cuối tháng 7-2017 đã có 162 hộ dân từng bị thu hồi đất đăng ký mua đất tái định canh.

Con số này chưa tính những đơn đăng ký mua trước đó nhiều năm nhưng rút đơn sau đó vì nhiều lý do.

Các hộ dân đăng ký đều nêu lý do thiếu đất sản xuất sau khi giao đất cho dự án bôxit.

Ông Nguyễn Trung Thành, phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho hay đã yêu cầu BQLDA bôxit – nhôm Lâm Đồng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm, trước khi thu hồi phải kiểm tra hiện trạng khu đất và lập biên bản để tránh phát sinh tranh chấp.

Sau đó, yêu cầu người dân dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trên khu đất lấn chiếm. BQLDA bôxit – nhôm Lâm Đồng đã kêu gọi người dân lấn chiếm đất tái định canh giao trả đất.

MAI VINH