29/11/2024

Cấm đánh bắt cá non để bảo vệ​ nguồn lợi thuỷ sản

Năm nay, tỉnh An Giang có chỉ thị bằng văn bản cấm đóng đáy đánh bắt cá từ ngày 1-6 đến 31-8, đặc biệt, cấm đánh bắt cá linh non dưới 50mm

 

Cấm đánh bắt cá non để bảo vệ​ nguồn lợi thuỷ sản

Năm nay, tỉnh An Giang có chỉ thị bằng văn bản cấm đóng đáy đánh bắt cá từ ngày 1-6 đến 31-8, đặc biệt, cấm đánh bắt cá linh non dưới 50mm 

 

 

 

 

Cấm đánh bắt cá non để bảo vệ​ nguồn lợi thủy sản
Theo quy định của UBND tỉnh An Giang, việc đánh bắt cá linh non chỉ được phép từ 1-9 hằng năm và cấm đánh bắt cá linh dưới 50mm. Trong ảnh: người dân huyện An Phú (An Giang) đánh bắt cá mùa lũ (ảnh chụp chiều 4-8) – Ảnh: Chí Quốc

Năm nay, lũ về sớm trên ĐBSCL. Đầu tháng 8, các cánh đồng phía thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp nước đã tràn bờ. Ngoài chợ, các bà các mẹ đã bày bán cá linh non. Cá linh non kho lạt chấm bông điên điển vàng, bông so đũa trắng… Nhiêu đó là biết mùa lũ đã về.

Nhưng cũng năm nay, tỉnh An Giang có chỉ thị bằng văn bản cấm đóng đáy đánh bắt cá từ ngày 1-6 đến 31-8. Đặc biệt, cấm đánh bắt cá linh non dưới 50mm (tính từ đầu cá đến chẻ đuôi phải trên 50mm, cỡ như ngón tay trẻ nhỏ).

Việc cấm đánh bắt cá trong khoảng thời gian này (đầu mùa lũ) làm người dân đồng bằng lo lắng, vì đánh bắt cá mùa lũ là sinh kế. Tuy nhiên, năm nay lệnh cấm được tỉnh thực hiện rất quyết liệt.

Từ đầu mùa lũ đến 4-8, chính quyền xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) đã lập biên bản tạm giữ 3 miệng đáy do người dân đặt trái phép, đang tiến hành xử phạt hành chính.

Người dân lo lắng nhưng tuân thủ

Ngồi trầm ngâm bên một nhánh sông Châu Đốc thuộc ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Hữu Hải (57 tuổi) tư lự: “Độ này những năm trước cũng kiếm được kha khá tiền nhờ cá linh non. Còn năm nay thì…”. Bỏ lửng câu nói, ông ngó qua dàn đáy bám đầy mạng nhện.

Theo nghề đóng đáy bảy năm nay, ông Hải nói chưa bao giờ việc đóng đáy lại bị hạn chế gắt như vậy. Những năm trước, khoảng tháng 7 là ông bắt đầu đóng đáy.

Còn năm nay phải qua tháng 9 huyện mới mở thầu. Trúng thầu và đóng đáy xong mất cả chục ngày. Lúc này cá linh non đã già, mất giá.

Mọi năm qua tháng 9, khi cá đã lớn và về nhiều, giá giảm còn chừng 6.000 đồng/kg so với cá đầu mùa có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg.

Tương tự, dàn đáy khoảng 100 triệu đồng của ông Mai Phước Hùng ở ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú cũng đang bỏ kho.

Và gần như tất cả những người làm nghề đóng đáy ở An Giang thời điểm này ai cũng tuân thủ lệnh cấm dù rất nóng ruột.

Vậy cá linh non ở đâu vẫn bán ngoài chợ? Những người làm đáy cho biết: là từ những người đặt dớn (một kiểu đánh bắt bằng lưới giăng trên sông, quy mô nhỏ hơn đóng đáy). Đánh bắt ở quy mô nhỏ như thế này dễ được các cơ quan chức năng bỏ qua vì thông cảm.

Ông Hải nói ông tuân thủ lệnh cấm, nhưng cấm đánh bắt cá đến ngày 31-8 là ngặt quá. Theo ông, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ cá non, “chính quyền nên quy định kích cỡ mắt lưới chớ đừng hạn chế thời gian”.

Cấm đánh bắt cá non để bảo vệ​ nguồn lợi thủy sản
Người dân xã Phú Hội (huyện An Phú, An Giang) đánh bắt cá mùa lũ. Họ chỉ được dùng ngư cụ đánh bắt cá linh non từ tháng 9 trở đi – Ảnh: Chí Quốc

Bảo vệ nguồn lợi 
thủy sản

Ông Lâm Quang Thi – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết năm nào An Giang cũng cấm đánh bắt cá linh non, nhưng chỉ có năm nay ra văn bản rõ ràng, quy định cả kích cỡ và thời gian đánh bắt.

Ông Thi nói: “An Giang ra văn bản này để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, không để đánh bắt kiểu tàn sát nguồn lợi nữa. Việc này cũng chỉ nhằm bảo vệ cuộc sống người dân, cộng đồng”.

Từ chỉ đạo trên, tất cả xã, thị trấn trong toàn tỉnh tăng cường giám sát việc thực thi, không để người dân vi phạm lệnh cấm. Các cấp lãnh đạo địa phương và những người lớn tuổi ủng hộ lệnh cấm này.

Nói về việc cấm các đáy nhưng để những người chài lưới hoặc giăng dớn bắt cá non, ông Trần Anh Thư – giám đốc Sở NN&PTNT An Giang – giải thích: “Siết chặt quản lý người dân đặt đáy lớn bởi những phương tiện này có quy mô lớn, đánh bắt cá linh với số lượng lớn.

Còn đối với người dân đánh bắt bằng các phương tiện khác như dớn, lú… thì chỉ số lượng ít.

Mặt khác, họ chỉ làm ăn nhỏ, là sinh kế hằng ngày”. Ông cũng cho biết các năm đều có lệnh cấm nhưng chỉ nói vậy thôi, nên người dân tự do mở đáy bắt cá. “Còn bây giờ thì không!” – ông Thư nói.

Tuy nhiên, ông Thư cho biết: nếu nước lên nhanh hơn thì có thể rút ngắn thời gian cấm đánh bắt cá linh.

Ông chia sẻ: “Nói cho ngay: nếu lúc này cho phép dân đánh bắt thì họ bán cá linh có giá hơn. Còn đợi đúng vụ cá lớn đạt quy cách đánh bắt thì giá hơi xuống. Nhưng phải chấp nhận điều đó để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nếu không, ai cũng thấy có tiền mà ồ ạt đặt đáy thì không được”.

Cấm đánh bắt cá non để bảo vệ​ nguồn lợi thủy sản
Nguồn: Bộ NN&PTNT – Đồ hoạ: Tấn Đạt

Vẫn có sinh kế cho người dân mùa lũ

Theo ông Thuận, toàn huyện An Phú hiện có 25 gian đáy với tổng số 48 miệng đáy. Huyện sẽ tổ chức đấu giá quyền được đặt đáy trước ngày 31-8 và bắt đầu từ ngày 1-9 cho bà con xuống đáy.

Về việc nông dân làm đáy đang lo lắng đấu thầu trễ sẽ làm khó cho họ trong khai thác cá, ông Thuận cho rằng: “Không phải người dân toàn huyện sống bằng nghề đặt đáy cá linh, chỉ có vài chục hộ thôi. Còn lại đa số mùa lũ mưu sinh bằng những nghề khác như đặt dớn, câu lưới và đặt lợp”.

Tại tỉnh Đồng Tháp, đã có 6 trường hợp bị phạt do dùng ngư cụ không phù hợp để đánh bắt các loài cá quá nhỏ.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng (vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản):

Nguồn lợi thuỷ sản đang suy giảm  

Hiện có nhiều biện pháp để bảo vệ loài, bãi đẻ, nơi sinh trưởng, hệ sinh thái nơi cá sống, đường di cư…

Thông tư 02 ban hành năm 2006 hướng dẫn thực hiện nghị định 59 về điều kiện kinh doanh thủy sản quy định có 21 loài thuộc nhóm nghiêm cấm đánh bắt như vích và trứng, cá hô, rùa da và trứng, cá tra dầu…

Ngoài ra có 27 loài bị cấm khai thác có thời hạn trong năm như cá măng biển, cá mòi dầu, cá mòi cờ hoa, cá nhụ…

Đã có nhiều văn bản ban hành để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Nhưng nhìn chung, ý thức bảo vệ nguồn lợi của ngư dân chưa cao. Và ngay cả nhiều người có trách nhiệm trong cơ quan quản lý ý thức này cũng chưa cao.

Tôi ví dụ như nếu người dân bắt một loài động vật quý hiếm mà bị phát hiện thì nguy cơ bị bắt, bị xử phạt hiện hữu.

Nhưng bắt được con cá quý hiếm, nguy cấp, thuộc danh mục cấm đánh bắt thì chưa xử phạt được như vậy.

Trong đánh bắt thuỷ sản thì chưa kiểm soát, hạn chế được việc dùng xung điện, lưới kéo mắt lưới nhỏ hơn quy định để bắt cá. Một phần của tình trạng này chính là do việc tổ chức thực hiện chưa tốt.

Quy định cấm sử dụng các phương pháp đánh bắt huỷ diệt thuỷ hải sản nhưng lại chưa có nhiều hỗ trợ cho ngư dân đang làm nghề đánh bắt theo hình thức tận diệt ấy (như nghề giã cào) chuyển đổi sang nghề khác.

Theo kết quả điều tra đánh giá nguồn lợi thuỷ sản ven bờ và vùng lộng, đã và đang có tình trạng suy giảm nguồn lợi, một số loài có nguy cơ biến mất. Thực tế không loài nào có thể tự biến mất nếu không có tác động từ bên ngoài, từ con người.

Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đang là trách nhiệm quan trọng của mỗi chúng ta, là sự sống còn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực nếu chúng ta không muốn xảy ra tình trạng “thuỷ mạc” – tức biển chỉ có nước mà không có cá, giống như sa mạc chỉ có cát và không còn gì.

LAN ANH ghi

Campuchia: có thể bị phạt tù

Lệnh cấm bắt cá với quy mô lớn ở Campuchia bắt đầu từ tháng 6 đến cuối tháng 9 hằng năm, được thực thi hàng chục năm nay.

Vào thời điểm này, những ai vi phạm sẽ bị coi là phạm tội, bị xử lý rất nặng. Người vi phạm lệnh cấm bắt cá ở Campuchia tùy theo mức độ sẽ bị phạt tiền, buộc đi học luật bảo vệ môi trường và nặng hơn thì bị phạt tù giam.

Lực lượng chấp pháp Campuchia không ít lần nổ súng để trấn áp những người vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá. Chính vì vậy, lệnh cấm được tuân thủ rất cao.

Ngoài ra, người dân Campuchia được quyền đánh bắt cá với quy mô nhỏ, bằng ngư cụ được luật cho phép, ở khu vực nhất định để làm bữa ăn gia đình.

Ngay cả Thủ tướng Hun Sen cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn nguồn cá cho đất nước. Ông thường xuyên nhắc nhở việc thực hiện nghiêm lệnh cấm đánh bắt trong mùa sinh sản của cá.

Gần đây, phát biểu tại tỉnh Kampong Speu, ông Hun Sen thuyết phục người dân không bắt cá trong mùa đẻ trứng: “Nếu ăn một con cá có trứng, chúng ta có thể giết hàng chục ngàn cá con. Chúng ta hãy để cá mẹ có cơ hội sinh sản. Đến mùa đánh bắt, chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều cá hơn”.

Ông Nguyễn Viết Đạt – phó chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt ở tỉnh Puesat, tỉnh có đông người gốc Việt đánh bắt cá trên Biển Hồ – cho biết lệnh cấm tác động đến đời sống người dân rất nhiều.

“Dù vậy, luật Campuchia phạt nặng người vi phạm lệnh cấm bắt cá nên dù khó khăn, chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm. Vào mùa cấm, chúng tôi sẽ tìm việc làm khác” – ông Đạt nói.

* Chính quyền bang Queensland (Úc) quy định: Một ngư dân chỉ được đánh bắt cá chẽm dao động 58-120cm, mỗi lần 5 con; cá đối từ 30cm trở lên, mỗi lần 20 con; phải trả tôm hùm đất đang mang trứng về môi trường tự nhiên nếu lỡ bắt phải… Vi phạm bị phạt tiền rất nặng.

* Thái Lan phạt nặng: Tàu cá không được mang thiết bị nổ, bom mìn hay kích dẫn điện; nếu hoạt động phi pháp hay đi vào khu vực bảo tồn, chủ tàu sẽ chịu hình phạt từ 200.000 đến 30 triệu baht (136 triệu – 20 tỉ VND) tuỳ theo tải trọng tàu hoặc gấp 5 lần giá trị mẻ lưới đã đánh bắt.

TIẾN TRÌNH – B.T.D.

MẬU TRƯỜNG – BỬU ĐẤU – NGỌC TÀI – SƠN LÂM