Bà Rịa – Vũng Tàu muốn tiếp tục VNEN
Ngày 31-7, ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết năm học 2017-2018 sở sẽ tham mưu cho tỉnh vẫn tiếp tục triển khai mô hình trường học mới (VNEN).
Bà Rịa – Vũng Tàu muốn tiếp tục VNEN
Ngày 31-7, ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết năm học 2017-2018 sở sẽ tham mưu cho tỉnh vẫn tiếp tục triển khai mô hình trường học mới (VNEN).
Một giờ học môn văn theo mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường THCS Vũng Tàu – Ảnh: ĐÔNG HÀ |
“Định hướng tới, ngành vẫn tiếp tục vận dụng mô hình VNEN. Trường nào, lớp nào có đủ điều kiện thì sử dụng ngay sách của mô hình. Nơi nào không đủ điều kiện thì vẫn sử dụng sách cũ nhưng phương pháp dạy, cách thức tổ chức theo mô hình mới” |
Tuy nhiên, việc này chỉ triển khai ở những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Nóng vội vì đưa ra lộ trình quá nhanh
Nói về những đúc kết, bài học và kinh nghiệm khi triển khai VNEN, ông Giang khẳng định VNEN là mô hình có nhiều đổi mới về phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học. Đó là chuyển từ dạy kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đồng thời, giáo viên được tiếp cận dần với việc dạy cho học sinh kỹ năng phản biện, giao tiếp, tư duy sáng tạo và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Giang nhìn nhận do thấy có nhiều cái hay mà đang mong muốn thay đổi nên hơi nóng vội ra lộ trình nhanh quá (năm 2017-2018, tất cả HS tiểu học và THCS của Bà Rịa – Vũng Tàu đều học theo VNEN – PV). Do đó, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoá VI vừa qua, ông đã xin lỗi các đại biểu HĐND vì lý do không thực hiện đúng “tiến độ” theo nghị quyết từ năm 2015.
Theo ông Giang, để thực hiện tốt mô hình VNEN phải có phòng học rộng, số lượng học sinh vừa phải để học sinh tương tác với thầy, tương tác với nhau. Thứ hai là đội ngũ giáo viên lớn tuổi ngại đổi mới, nên chính trong giáo viên nhiều người không đồng thuận. Thứ ba là tuyên truyền trong phụ huynh học sinh.
Vẫn tiếp tục vận dụng
“Định hướng tới, ngành vẫn tiếp tục vận dụng mô hình VNEN. Trường nào, lớp nào có đủ điều kiện thì sử dụng ngay sách của mô hình. Nơi nào không đủ điều kiện thì vẫn sử dụng sách cũ nhưng phương pháp dạy, cách thức tổ chức theo mô hình mới” – ông Giang cho hay.
Theo ông Giang, qua triển khai, tổng kết cho thấy mô hình VNEN thích hợp, thầy cô đánh giá cao hơn với cấp tiểu học, do đó ngành sẽ tiếp tục mở rộng ở cấp này. Còn cấp THCS cân nhắc kỹ hơn vì yêu cầu cao hơn không phải giáo viên nào cũng áp dụng được.
“Bài học rút ra là công tác thông tin truyền thông cho người dân hiểu chủ trương đổi mới, cách thức đổi mới. Đội ngũ giáo viên phải được tập huấn chu đáo. Và thực hiện phải có lộ trình, phải có những bước vững chắc, không nên nóng vội. Thực sự Bà Rịa – Vũng Tàu hơi nóng vội khi đặt ra chỉ tiêu như trên”, ông Giang nói.
Bắt đầu từ năm học 2012-2013 tại một số trường tiểu học ở huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai VNEN, sau đó mở rộng ra các địa bàn khác.
Đến năm 2015, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua nghị quyết đến năm học 2017-2018, 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn sẽ học, dạy theo mô hình này.
Và năm học 2015-2016, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có hơn 170 trường tiểu học, THCS áp dụng VNEN.
Sang năm học 2016-2017, số trường học áp dụng VNEN này giảm xuống còn gần 150 trường.
Theo ông Giang, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục triển khai mô hình này ở những nơi có đủ điều kiện.
Phụ huynh được lựa chọn tham gia hoặc không Trong quá trình triển khai VNEN, một số phụ huynh học sinh tiểu học ở Bà Rịa và huyện Long Điền có phản ứng, cho rằng con họ học không tốt hơn với mô hình VNEN. Về việc này, ông Giang giải thích nguyên nhân xuất phát từ chính giáo viên không được tập huấn kỹ, không chịu đổi mới cách dạy. Việc áp dụng mô hình VNEN không hiệu quả, không đúng ý tưởng mô hình. Từ đó, phụ huynh cảm thấy con học không tiến bộ nên phản ứng. Sở sẽ tuyên truyền cho phụ huynh lợi ích của VNEN và phụ huynh có quyền lựa chọn tham gia hoặc không. |