Biến rác thải y tế như màng ối thành màng sinh học điều trị bệnh lý tổn thương mất da và tổn thương biểu mô giác mạc; chế tạo san hô thành vật liệu thay xương… là những công trình của bộ môn mô – phôi – di truyền học (gọi tắt bộ môn), Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM.
Biến màng ối thành màng sinh học
|
|
Bác sĩ Ngô Văn Hồng, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, khoa chỉ sử dụng duy nhất màng sinh học của bộ môn dùng cho bệnh nhân loét giác mạc, dọa thủng giác mạc hoặc bỏng… để giữ mắt, hiệu quả rất tốt.
Bác sĩ Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết bệnh viện chủ yếu sử dụng màng sinh học, nhãn cầu từ san hô của bộ môn trên, hiệu quả rất tốt.
|
|
|
PGS-TS Trần Công Toại, Trưởng bộ môn, cho biết năm 1989, bộ môn (khi đó thuộc Trung tâm đào tạo – bồi dưỡng cán bộ y tế TP, tiền thân Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nghiên cứu vật liệu ghép, khởi điểm là màng ối đông khô để ghép da cho người bị bỏng nặng và các tổn thương mất da rộng. Từ đó, bộ môn dùng màng ối từ những sản phụ sinh khỏe mạnh, đạt các tiêu chuẩn ghép của Hiệp hội Ngân hàng mô Hoa Kỳ (AATB), để tạo thành màng sinh học, kích thích mô phát triển khi được đắp lên da cho những người bị bỏng, tổn thương mất da. Việc này tương đồng với việc ghép da.
Từ năm 2002, bộ môn thực hiện đề tài “cấy tế bào lên màng ối hướng đến ứng dụng điều trị”. Đến năm 2006 thì nuôi cấy tế bào sừng của da, tạo “tấm tế bào sừng”. Theo đó, lấy miếng da nhỏ của người bị bỏng, mang về tách tế bào gốc, nuôi cấy 3 tuần, tế bào sẽ tăng lên gấp 25 lần, sau đó đổ tế bào gốc lên màng ối và ghép da lại cho người bỏng. “Thập niên 1990, mỗi năm chúng tôi chế tạo khoảng 10.000 miếng màng ối (10 x 20 cm)”, PGS-TS Toại nói.
Theo PGS-TS Toại, chi phí để nuôi cấy tế bào trên màng ối với diện tích 10 x 10 cm2 là 1,5 triệu đồng nên bộ môn cũng không triển khai nhiều vì không có kinh phí để làm. Nếu người bị bỏng có nhu cầu bức thiết và bộ môn tìm được kinh phí để nuôi cấy tế bào thì sẽ thực hiện và tặng lại cho họ.
San hô thay thế xương, nhãn cầu…
|
Bộ môn còn nuôi cấy tế bào gốc rìa giác mạc (hoặc niêm mạc má) để ghép cho bệnh nhân tổn thương biểu mô giác mạc. Bộ môn làm cung cấp cho bệnh viện có chuyên khoa mắt.
Năm 1994, khi một đồng nghiệp người Pháp sang VN giới thiệu dùng san hô để ghép thay xương cho bệnh nhân thì bộ môn bắt đầu tìm hiểu nguyên lý tạo ra mảnh ghép thay xương từ san hô. Viện Hải dương học Nha Trang cung cấp nhiều loại san hô để nghiên cứu. Năm 1996 bộ môn thực hiện nghiên cứu đề tài này. Loài san hô phù hợp được chọn và lấy ở những vùng biển sạch Bình Thuận, Phú Quốc…
“San hô được xử lý sạch và tạo hình thành vật liệu sinh học, cấy tế bào gốc, chiết tách từ tủy xương hoặc mỡ để nuôi cấy biệt hóa thành tế bào xương lên san hô. Thời gian nuôi cấy khoảng một tháng. Sau một thời gian, san hô sẽ bị thay thế thành xương. Nếu ghép nơi thiếu xương thì sau 3 – 6 tháng san hô sẽ thay thế được. San hô được dùng ghép trong nhiều lĩnh vực: ghép vào xương gốc răng, cột sống, thay thế nhãn cầu bị hư…, hiệu quả không thua sản phẩm ngoại nhập tương tự”, PGS-TS Toại nói và cho biết bộ môn đã cung cấp cho hàng ngàn ca ghép xương từ san hô.
Vì sao bộ môn không sản xuất hàng loạt da, giác mạc từ màng ối; làm xương từ san hô để thương mại hoá? “Trường là cơ sở nghiên cứu, giảng dạy. Việc triển khai hàng loạt không thể được vì không có chức năng. Chúng tôi có đề xuất với trường nên triển khai xây dựng một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ với nhiệm vụ đăng ký những sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng lâm sàng theo quy định. Đây cũng là điểm yếu chung của các trường – viện trong nước”, PGS-TS Toại tâm sự.
Bảo quản hàng chục ngàn sọ não
Bộ môn còn ứng dụng công nghệ bảo quản sọ não theo tiêu chuẩn Ngân hàng Mô Hoa Kỳ, ở nhiệt độ âm (-85 độ C), vô trùng và thời gian bảo quản đến 5 năm. Từ năm 1999 đến nay, bộ môn bảo quản khoảng 43.000 sọ não và số sọ não được ghép lại cho bệnh nhân là khoảng 20.000, còn lại do bệnh nhân tử vong nên không ghép được. Hiện bộ môn đang bảo quản trên 6.000 chiếc sọ.
DUY TÍNH