28/11/2024

Còn điện than, còn ô nhiễm

Quy hoạch của ngành điện vẫn giữ tỉ lệ nhiệt điện than ở mức cao là không phù hợp trong bối cảnh đầu tư vào năng lượng tái tạo đang là xu hướng trên thế giới.

 

Còn điện than, còn ô nhiễm

 

Quy hoạch của ngành điện vẫn giữ tỉ lệ nhiệt điện than ở mức cao là không phù hợp trong bối cảnh đầu tư vào năng lượng tái tạo đang là xu hướng trên thế giới.  

 

 

 

Còn điện than, còn ô nhiễm
Tỉ lệ nguồn cấp điện từ nhiệt điện than và năng lượng tái tạo (giai đoạn đến năm 2020) ● Cột ống khói cao 210m của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) thải khói trắng một góc trời – Đồ hoạ: NHƯ KHANH – Ảnh: ĐỨC TRONG
“Hiện Chính phủ đưa ra giá mua điện mặt trời là 9,35 cent/kWh, điện gió ở mức 7,8 cent/kWh, với chi phí giá thành ngày càng giảm thì nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội thu hồi vốn hơn, đặc biệt là dự án có công suất lớn
PGS.TS NGUYỄN MINH DUỆ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng Việt Nam, cho biết như vậy.

Đó là chưa kể những tác động gây ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than gây ra như phát thải khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, bụi, khói và các chất thải khác làm ảnh hưởng sức khoẻ con người và xã hội…

Thách thức về an ninh năng lượng

* Thưa ông, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ lớn với hơn 40%, trong khi điện gió và mặt trời chỉ chiếm 1-2%. Ông nhìn nhận thế nào về tỉ lệ này ?

– Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tỉ lệ phát triển năng lượng tái tạo hiện ở mức rất thấp. Với lý do đưa ra là phát triển năng lượng tái tạo dù bảo vệ môi trường nhưng giá quá đắt nên đưa ra tỉ lệ rất hạn chế. 

Trong khi đó, các ý kiến cho rằng nhiệt điện than có mức giá rẻ, chỉ đứng sau thủy điện, nên tỉ lệ nhiệt điện than theo quy hoạch ở mức cao. Tuy nhiên, nếu đánh giá một dự án nhiệt điện than tồn tại hơn 30 năm từ khi đưa vào vận hành đến khi kết thúc đời dự án thì giá thành không phải thấp. Bởi nguồn than khai thác trong nước ngày càng hạn chế, để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy thì phải tính đến việc nhập khẩu than.

Sau 20-30 năm nữa khả năng nhập than sẽ thế nào, trong khi giá than sẽ ngày càng tăng cao hơn. Như vậy chi phí về nhiên liệu trong giá thành mỗi kWh sẽ tăng lên, không thể dưới 10 cent/kWh cho nhiệt điện than được. 

Đây sẽ là một thách thức lớn, có thể gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, chứ không phải phát triển nhiệt điện than là có thể đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong khi đó, phát triển điện năng lượng tái tạo là xu thế chung của thế giới. Hiện nay hầu hết nước nào cũng có xu hướng đẩy mạnh nguồn năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch.

Còn điện than, còn ô nhiễm
PGS.TS Nguyễn Minh Duệ – Ảnh: N.AN

* Nhưng hiện nay chi phí đầu tư của năng lượng sạch còn ở mức cao trong khi giá điện vẫn chưa phù hợp với giá thành thì liệu việc đầu tư có khả quan?

– Lựa chọn phát triển nguồn năng lượng nào cũng đều phải căn cứ vào tiêu chí hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Thông thường hiệu quả kinh tế thường xét tiêu chí cuối cùng là giá thành trên mỗi kWh điện. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng giá thành ấy phải được xét trên cả đời dự án, chứ không phải chỉ tính ở giai đoạn đầu.

Hiện nay việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển năng lượng gió, mặt trời và sinh khối… ngày càng mạnh. Do đó, suất vốn đầu tư cho mỗi kWh ngày càng rẻ đi, khoảng 1.500-1.600 USD/kWh.

Trong khi nhiệt điện than thì suất đầu tư ngày càng tăng lên, như hai dự án mà Chính phủ mới phê duyệt là nhiệt điện Nghi Sơn và Nam Định, suất đầu tư không dưới 2.000 USD.

Giá thành cho mỗi kWh nhiệt điện than không chỉ phụ thuộc vào suất đầu tư mà còn phụ thuộc vào giá than. 

Trước đây giá than bao cấp nên rẻ, giúp giá thành điện rẻ, nhưng bây giờ không bao cấp nữa, giá theo thị trường nhập khẩu ở mức 60 USD/tấn, thậm chí sau này tăng lên 70-80 USD, dẫn tới chi phí giá thành nhiên liệu trên mỗi kWh điện cũng sẽ ngày càng tăng cao, hiện đã chiếm 60% giá thành.

Chưa kể, nếu tính đầy đủ chi phí nhiệt điện than thì không chỉ là chi phí sản xuất mà còn chi phí tác động môi trường hiện chưa được tính đến.

Đó là chi phí ngoại biên, những tác động gây ô nhiễm môi trường của nhiệt điện than như phát thải khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, gây bụi, khói và các chất thải khác làm ảnh hưởng sức khỏe con người và xã hội… 

Đây là chi phí cần phải được đưa vào, tính sòng phẳng trong giá thành nhiệt điện than, chắc chắn giá nhiệt điện than sẽ không thấp như hiện nay. Thậm chí, ngay cả khi chưa đưa chi phí này vào thì giá thành cũng đang có xu hướng cao hơn điện gió và mặt trời được đầu tư ở vùng tốt…

Trong khi đó, với năng lượng gió và mặt trời, vốn đầu tư càng giảm và có ưu điểm nổi trội nhất là không có chi phí nhiên liệu trong suốt thời gian vận hành. Vì mặt trời và gió là vô tận, do đó giá thành cho mỗi kWh của gió và mặt trời sẽ ngày càng giảm.

Phải kiểm soát chặt các dự án

* Việt Nam hiện đang có 20 nhà máy nhiệt điện than hầu hết đều có công nghệ chưa tới hạn (truyền thống). Ông có lo ngại nếu tới đây nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ lớn thì các dự án lạc hậu sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam?

– Hiện nay với hầu hết các dự án nhiệt điện than, công nghệ đều được nhập ở nước ngoài vì mình chưa sản xuất được gì, từ lò hơi, tuôcbin… Do đó, nếu tiếp tục phát triển nhiệt điện than nghĩa là vẫn phải nhập thiết bị, công nghệ, nhưng công nghệ thấp và rẻ thì tiêu hao nhiên liệu, gây ô nhiễm nhiều.

Tuy nhiên, tôi phải khẳng định dù có công nghệ cao cũng không làm thay đổi sử dụng nhiên liệu than. Tức là chỉ làm tăng hiệu suất, hạn chế suất tiêu hao nhiên liệu lên thôi, còn đặc điểm sử dụng nhiên liệu than là vẫn phát thải khí CO2, các chất độc hại ra môi trường. Tất nhiên mức độ tác động môi trường sẽ giảm hơn.

Còn điện than, còn ô nhiễm
Tỉ lệ nguồn cấp điện từ nhiệt điện than và năng lượng tái tạo theo quy hoạch (đến năm 2020 và tầm nhìn 2030) – Đồ hoạ: N.KH.

* Vậy theo ông, cần kiểm soát như thế nào khi hiện nay những quy định về nhiệt điện than vẫn còn bất cập?

– Bộ Công thương đã đưa ra những quy định để quản lý nhiệt điện than, nhưng có vấn đề quan trọng là phải thẩm định các dự án, bao gồm thẩm định khi lập dự án đầu tư và thẩm định về đấu thầu, tránh tình trạng thẩm định không kỹ nên các nhà đầu tư nhập thiết bị không đúng, giá rẻ vào thì sẽ ảnh hưởng.

Dù đã có quy định nhưng vẫn cần phải hoàn thiện và bổ sung chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt trong việc cấp phép xây dựng, vận hành các nhà máy nhiệt điện than. Cần đưa ra yêu cầu bắt buộc các dự án phải có công nghệ hiện đại, các chỉ tiêu về phát thải môi trường phải được tuân thủ.

Gắn với đó cũng cần phải xây dựng giá điện hợp lý, tức là cho nhà đầu tư có lợi nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận được. 

Hiện tỉ trọng nhiệt điện than là quá lớn, vẫn còn cao. Điện tái tạo phải nâng lên thay thế dần nhiệt điện than, cần có nghiên cứu ở tỉ lệ phù hợp để có chủ trương phát triển.

Song song đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết phát triển năng lượng tái tạo. Cần có các đơn vị nghiên cứu khoa học, tạo ra những thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả, giá thành thấp.

Đồng thời phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Lo ngại nhập công nghệ lạc hậu

Nhiều nước đang giảm xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là Trung Quốc. Những nước này có nhiều thiết bị và các nhà máy nhiệt điện than lạc hậu, không đầu tư nữa thì có thể chuyển các dự án này sang các nước đang phát triển, có nhu cầu nhiệt điện than. Do đó nếu mình không kiểm soát chặt, ham rẻ thì có nguy cơ nhập những thiết bị rẻ nhưng tiêu hao nhiên liệu lớn, hiệu suất kém, nhiều khí thải là hoàn toàn có thể xảy ra.

Một số sự cố môi trường tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân

● Trong các ngày 14 và 15-4-2015: do quá bức xúc trước tình trạng khói đen từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thổi vào khu dân cư và quá trình vận chuyển tro xỉ gây rơi vãi, người dân đã phản ứng bằng việc chặn xe trên quốc lộ 1, gây tắc nghẽn giao thông.

● Từ ngày 2 đến 9-7-2015: đường ống dẫn tro tại tổ máy số 2 của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bị tắc nghẽn.

● Ngày 7-3-2017: cháy thiết bị khử lưu huỳnh bằng nước biển tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 khiến hai công nhân phỏng nặng.

TS Đỗ Thanh Bái (Hội Hoá học Việt Nam):

Còn điện than, còn ô nhiễm
TS Đỗ Thanh Bái (Hội Hoá học Việt Nam) – Ảnh: N.AN
 

Cân nhắc đặt nhiệt điện than ở gần biển

Hiện quy hoạch ngành điện có bước chưa đúng, ví dụ như tại sao lại phải tập trung các nhà máy nhiệt điện than ở những vùng biển quan trọng như miền Trung, Đông và Tây Nam Bộ là những vùng biển thuận lợi cho vận tải nhưng bất lợi cho du lịch và thủy sản, nên cần phải nhìn nhận lại tổng thể quy hoạch.

Chưa kể các nhà máy này đặt gần cửa biển, phải khơi sâu luồng lạch, phải nạo vét làm ảnh hưởng trầm tích biển và cửa sông. Trong quy hoạch đã không tính đầy đủ các yếu tố này.


NGỌC AN thực hiện