28/11/2024

Cưu mang 4 đứa trẻ mất mẹ

Căn nhà lá nằm hun hút trên con đường đất (ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) giữa những ruộng lúa và con sông, nước ăm ắp ngập hai bờ. Nơi đó là mái ấm thứ 2 của 4 đứa trẻ mồ côi mẹ bảy năm nay…

 

Cưu mang 4 đứa trẻ mất mẹ

Căn nhà lá nằm hun hút trên con đường đất (ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) giữa những ruộng lúa và con sông, nước ăm ắp ngập hai bờ. Nơi đó là mái ấm thứ 2 của 4 đứa trẻ mồ côi mẹ bảy năm nay…

 

 

 

Cưu mang 4 đứa trẻ mất mẹ
Mấy chị em Dung phụ bà Oanh may đồ nhấc nồi – Ảnh: M.TÂM

Bà Oanh (45 tuổi) đang cắt vải may đồ nhấc nồi. Ba đứa trẻ ngồi xung quanh, đứa cắt viền, đứa xâu vải. Vợ chồng bà có hai con gái ruột, một đang học dược, một học uốn tóc. “Ổng làm thợ hồ, nửa tháng mới về nhà một lần. Còn tôi ở nhà may từ sáng đến tối, kiếm cũng được trên trăm ngàn đồng/ngày. Vợ chồng đang cố kiếm tiền đóng học phí cho mấy đứa nhỏ trong niên học tới”, bà kể về những ngày chuẩn bị cho năm học mới liền kề.

Thôi thì mình nhín ăn, nhín mặc một chút, làm nhiều thêm một chút, để ngày nào cũng dư chút tiền bỏ ống heo lo cho lũ nhóc. Ngán nhất là tiền đóng học phí. Thường tui để dành trước, đầu niên học là có tiền đưa cho tụi nó đóng liền

Bà LÝ THÙY OANH

Thương những đứa trẻ thiếu tình mẫu tử

Bà kêu Dung nấu cơm đãi khách. Cô bé 17 tuổi, nhanh nhẹn bắt cá lăng, cá chốt rộng trong thùng, ra vườn hái thêm rau dại. Bên mâm cơm nghi ngút khói, bà Oanh và bọn trẻ ngồi quây quần bên nhau. Bà cười tươi: “Bọn nhóc này vậy mà sướng lắm, ăn toàn cá sông, gà, vịt thả vườn không à…”. Không khí mùi đồng đất, sau cơn mưa lành lạnh hơi nước sông khiến bữa cơm nóng càng thêm ấm cúng.

Bảy năm trước, xót tình cảnh bốn đứa trẻ hàng xóm không may gặp cảnh bất hạnh khi sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khổ, lại sớm mồ côi mẹ, công việc thợ hồ của cha bữa đực bữa cái, đã vậy lại nghiện rượu, ít quan tâm đàn con nên hai vợ chồng bà thường mang thức ăn, quần áo đến cho. Rồi khi thấy cha của bọn trẻ thường xuyên say xỉn, hai vợ chồng bà xin đem bé gái Lý Thị Thanh Dung về nhà nuôi. Ba cậu con trai còn lại, hai đứa sinh đôi 6 tuổi, đứa út chỉ mới hơn 2 tuổi, thấy chị Dung được vợ chồng bà Oanh chăm sóc nên kéo hết đến nhà bà ở.

 

Hai vợ chồng thấy vậy không nỡ từ chối, đành ráng nuôi luôn, dù cuộc sống của họ cũng khá chật vật, chỉ đủ lo cho hai con gái đang học cấp II. Lúc đó có nhiều tiếng thị phi, có người nhẹ nhàng khuyên, có người thì nặng lời, nghèo mà còn làm chuyện tào lao. Ai nói gì thì nói, vợ chồng vẫn giữ ý định với quan niệm: “Người với người lấy lòng thương nhau là chuyện tất nhiên, huống hồ những đứa trẻ kia chịu quá nhiều thua thiệt khi thiếu vắng tình mẫu tử”.

Cha của bọn trẻ đồng ý việc vợ chồng bà Oanh nuôi mấy đứa con mình. Do bọn trẻ nằm trong diện nghèo nên được miễn giảm phần nào học phí và được hưởng những chế độ ưu tiên khác.

Dạy lễ nghĩa, tính tự lập

Những ngày đầu khi bọn trẻ đến ở, mấy chị em cứ xưng hô mày tao ngang rạt, tuyệt không một tiếng chị, anh hoặc em gì cả. Nói chuyện với người lớn không bao giờ dạ thưa, toàn nói trỏng. Vì vậy điều đầu tiên mà bà uốn nắn, đưa vô kỷ luật là dạy tụi nhỏ lễ nghĩa.

Bà quy định: “Chị em phải biết thương yêu nhau, ai sai phải xin lỗi, chị nhường nhịn em, còn em kính trọng chị. Khi nói chuyện với người lớn phải khoanh tay, dạ thưa. Tuyệt đối không được phá phách, trộm cắp, chửi thề, đánh lộn. Ai không tuân thủ nội quy sẽ bị phạt, nhẹ thì bắt quay mặt vô vách nhà, nặng thì bắt nằm sấp trên giường, dùng roi mây đánh đòn”. Vừa phạt vừa dạy dỗ phân tích lẽ thiệt hơn nên một thời gian bọn trẻ dần vào nếp.

Bé Dung và út Thông vốn thông minh lại siêng học nên bà dạy rất dễ. Riêng hai anh em sinh đôi Sơn và Sang, bà phải kiên nhẫn bởi dạy được chữ này lại quên chữ kia. Hai đứa con ruột của bà cũng tiếp mẹ dạy các em. Cứ vậy ngày vất vả mưu sinh, đêm rèn chữ cho bọn trẻ, nhiều lúc rất đuối nhưng khi thấy bọn trẻ tiến bộ là bà vui.

Không chỉ dạy lễ nghĩa, phép tắc, vợ chồng bà còn dạy bọn trẻ tính tự lập, biết quý trọng giá trị lao động. Những ngày hè, khi Dung xin đi chạy bàn kiếm thêm tiền, bà ủng hộ bởi sẽ giúp con bé rèn được tính tự lập, quý trọng đồng tiền. Hoặc với hai anh em sinh đôi Sơn và Sang, bà sắm cho cái chày nhỏ (dụng cụ bắt cá), chỉ cần ra sông trước nhà nhủi chày là có cá ăn…

Bảy năm qua dưới sự cưu mang, dạy bảo của vợ chồng bà, bốn đứa trẻ dần khôn lớn, được học hành đàng hoàng. Bà đang tính toán dài cho tương lai bọn trẻ: “Mỗi đứa mỗi nết. Út Thông ba năm liền đạt loại giỏi, riêng hai thằng sinh đôi sức học chỉ trung bình nhưng được cái rất khéo tay, chày hay giăng lưới đều giỏi. Chắc sau này cho hai đứa đi học nghề. Còn bé Dung hi vọng có thể đậu đại học. Chỉ sợ kinh tế mình lo cho nó không nổi…”.

Không phải ai cũng làm được

Nói về gia đình thứ hai của mình, em Lý Thị Thanh Dung chia sẻ: “Ông bà Út (bà Oanh – PV) đã khổ cực nuôi dạy tụi em bảy năm dài. Tuy ông bà vất vả lo cho tụi em nhưng ông bà thường nói không mong tụi em trả ơn mà chỉ mong tụi em ăn học thành tài để sau này giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh khác”.

Bà Hồ Hồng Lan – chi hội trưởng Chữ thập đỏ ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng – cũng bày tỏ: “Con mình nuôi một đứa cũng đã mệt, đằng này bà Oanh gánh nuôi thêm bốn đứa trẻ khác và lo cho chúng ăn học đàng hoàng, dạy dỗ lễ nghĩa. Cái hay của bà Oanh nữa là hai đứa con bà Oanh cũng yêu thương bốn đứa như em ruột của mình. Những việc làm của gia đình bà không phải ai cũng làm được…”.

MINH TÂM