02/11/2024

Cảnh báo việc lấp hố sâu Vàm Nao: Sạt lở do mất cân bằng phù sa, cát

Về việc tỉnh An Giang cho lấp hố sâu Vàm Nao trên sông Hậu, các chuyên gia cho rằng chi phí chỉnh trị sông như lấp hố, làm kè là rất cao nhưng hiệu quả không đáng kể, vì chữa chỗ này sẽ phát chỗ khác.

 

 

Cảnh báo việc lấp hố sâu Vàm Nao: Sạt lở do mất cân bằng phù sa, cát

 

Về việc tỉnh An Giang cho lấp hố sâu Vàm Nao trên sông Hậu, các chuyên gia cho rằng chi phí chỉnh trị sông như lấp hố, làm kè là rất cao nhưng hiệu quả không đáng kể, vì chữa chỗ này sẽ phát chỗ khác.




Tỉnh An Giang đang lấp hố sâu Vàm Nao trên sông Hậu ở H.Chợ MớiẢNH: NGÔ XUÂN

Về việc tỉnh An Giang cho lấp hố sâu Vàm Nao trên sông Hậu ở H.Chợ Mới, các chuyên gia cho rằng chi phí chỉnh trị sông như lấp hố, làm kè là rất cao nhưng hiệu quả không đáng kể, vì chữa chỗ này sẽ phát chỗ khác.
Không nên can thiệp lung tung
TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhận xét: Các hố sâu hay bãi cạn là sự phát triển tự nhiên của dòng sông trong quá trình vận động nên có cơ chế và diễn biến theo thời gian và không gian. Việc lấp hố xói Vàm Nao, chống sạt lở để giải quyết mục tiêu ngắn hạn là nguy cơ sạt lở tiếp tục ở kề bên hố xói. Điều quan tâm hơn hiện nay là nơi nào có thể sẽ bùng phát vấn đề tương tự để có thể đề phòng hay ứng phó?
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích: Nguyên nhân chính của việc sạt lở trong những năm gần đây là do mất cân bằng hệ thống. Cụ thể là do giảm phù sa mịn và cát bị các đập thuỷ điện chặn lại, cộng với tình trạng khai thác cát quá mức trên sông Mê Kông ở các nước và ngay tại ĐBSCL. Trước đó, các chuyên gia đã từng cảnh báo về sự tan rã dần của ĐBSCL do sạt lở khi thiếu phù sa và cát. Tình trạng hiện nay chính là chứng thực cho những cảnh báo đó. Về lâu dài, khuynh hướng sạt lở do mất cân bằng phù sa và cát sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn và khó có biện pháp nào ngăn chặn được cho đến khi dòng sông tìm được điểm cân bằng mới.
 

“Phải hiểu thật rõ mới ra được quyết định, bởi dòng sông cũng như một cơ thể sống, ta can thiệp ngày hôm nay và thấy tạm ổn, nhưng vài năm sau, hay hàng chục năm sau mới thấy hết di chứng. Vậy nếu chưa biết thì đừng làm, đừng can thiệp lung tung mà nên cảnh báo mọi người sớm tránh xa”, TS Thuyên khuyến cáo.
Cảnh báo việc lấp hố sâu Vàm Nao: Sạt lở do mất cân bằng phù sa, cát - ảnh 1

Hệ thống các hố sâu tự nhiên ở ĐBSCLNGUỒN: BÁO CÁO KỸ THUẬT SỐ 31 CỦA Uỷ HỘI SÔNG MÊ KÔNG – MRC

Lập bản đồ cảnh báo nguy cơ
Theo ông Thiện, ĐBSCL là một đồng bằng châu thổ do quá trình bồi đắp trong 6.000 năm của sông Mê Kông. Với một đồng bằng châu thổ, sạt lở và bồi đắp là một quá trình diễn biến tự nhiên. Trong quá khứ, tổng lượng bồi đắp của ĐBSCL lớn hơn tổng lượng sạt lở, nên mới sinh ra đồng bằng ngày nay. Nhưng trong 15 – 20 năm qua, sạt lở có khuynh hướng trội hơn bồi đắp. Thực tế hơn 50% chiều dài bờ biển ĐBSCL đang sạt lở dữ dội, có nơi trong một năm thụt lùi đến 50 m. Tính cả bờ sông, bờ biển thì chiều dài sạt lở gần 1.000 km. Theo dự báo khi có thêm 11 đập thuỷ điện dòng chính ở hạ lưu vực thì phù sa mịn sẽ giảm tiếp 50% nữa và 100% lượng cát sẽ bị chặn. Nghĩa là trong tương lai không có một hạt cát, viên sỏi nào về dưới đáy sông ĐBSCL, khi đó sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ nghiêm trọng hơn.
Đồng quan điểm trên, TS Thuyên nói: Ở nhiều vùng như cửa sông Cửa Lớn (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu) mức độ thay đổi của dòng chảy lớn hơn nhiều so với các vấn đề đang xảy ra ở An Giang. Nhưng ở An Giang được quan tâm hơn vì thiệt hại ảnh hưởng đến người dân, những người sống “bám” vào bờ sông. Vì vậy, nên hạn chế việc người dân sinh sống ngay bên bờ sông rạch. “Chi phí chỉnh trị, làm kè, lấp hố… rất cao và về hiệu quả thì cũng giống cúng cho “Hà Bá”. Muốn đừng phải cúng thì nên cách xa nó ra. Người Mỹ chỉnh trị dòng sông Mississippi từ mấy chục năm trước thì nay đã nhận ra trái đắng và lại phải sửa tiếp trong dài hạn”, TS Thuyên đề xuất.
Theo ông Thiện, trước mắt có 2 việc có thể làm là cần khảo sát toàn diện trong tỉnh, lập ngay bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở để chủ động di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm và quản lý khai thác cát. “Cách làm của chúng ta hiện nay không ổn, từng tỉnh cấp phép khai thác cát ở đoạn sông chảy qua tỉnh mình mà không quan tâm tác động đến các tỉnh bên dưới và cả bờ biển. Tương lai không còn cát sỏi về đồng bằng này nữa thì khai thác như thế nào để ổn định được bờ sông và giữ được bờ biển là việc quan trọng”, ông Thiện nói.
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết: Đây là công trình xử lý cấp bách lấp hố xoáy sạt lở nghiêm trọng nhằm ổn định lâu dài bờ sông, hạn chế xảy ra rủi ro khi lũ lớn, an toàn chống lũ. Đồng thời đảm bảo sản xuất, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực Vàm Nao, thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông. (Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang)

 

Chí Nhân