02/11/2024

Khu rừng độc đáo của ông Thế

Ông trồng rừng chẳng giống ai: thuê chuyên gia Singapore, đào đất lên liếp thẳng tắp trồng từng cây như rau củ.

 

Khu rừng độc đáo của ông Thế

Ông trồng rừng chẳng giống ai: thuê chuyên gia Singapore, đào đất lên liếp thẳng tắp trồng từng cây như rau củ. 

 

 

Khu rừng độc đáo của ông Thế
Máy đốn cây tại rừng ông Thế – Ảnh: V.TR.

“Biomass không bao giờ cạn kiệt nếu có kế hoạch trồng và khai thác rừng bền vững. Chúng ta hoàn toàn làm chủ nguồn cung cấp biomass cho nhà máy điện sinh khối. Nhiều nước đã nói không với nhà máy điện chạy bằng than đá, dầu hỏa, gas… vì chi phí cao và không bền vững

Ông Lê Hoàng Thế

Hơn 1.000ha keo lá tràm của ông đạt chứng chỉ rừng quốc tế, nên đối tác Nhật Bản và châu Âu tranh nhau ký hợp đồng mua gỗ, củi.

Khu rừng độc đáo của ông Lê Hoàng Thế ở tận U Minh, Cà Mau. Vậy mà cứ dăm ba bữa lại có một đoàn khách nước ngoài tìm đến tham quan, thương lượng hợp đồng mua các sản phẩm từ gỗ. Những nông dân giữ rừng ở đây quen gọi đó là “rừng ông Thế”.

Người đàn ông mê rừng

Mất hơn một giờ ngồi ôtô như… cưỡi ngựa từ trung tâm TP Cà Mau đến trước trạm y tế xã Khánh Thuận, huyện U Minh thì hết đường. Trời mưa lất phất.

“Từ đây vào rừng của tôi mất gần một tiếng nữa, nhưng chỉ có cách duy nhất là đi bằng vỏ lãi (loại ghe nhỏ làm bằng composite, gắn động cơ)” – ông Thế quấn chiếc khăn rằn vào cổ, tự tay đưa cho mỗi người một chiếc áo mưa dã chiến, ổ bánh mì mềm nhũn, nói.

Chuyến đi này còn có George Yeo – người Singapore mang quốc tịch Mỹ, chuyên gia về kỹ thuật tự động hóa.

Yeo đến Cà Mau làm thuê cho ông Thế được gần hai năm. Công việc của anh là nghiên cứu, thiết kế các loại máy trồng, thu hoạch, sơ chế gỗ. Tất cả làm tự động 
để thay cho lao động thủ công.

“Ông Thế muốn trồng rừng đạt đẳng cấp quốc tế. Đó là lý do tôi đến đây cộng tác với ông ấy” – 
Yeo cười.

Rừng của ông Thế nằm trong khu vực rừng U Minh. Rất dễ nhận ra rừng ông Thế là đám keo lá tràm được trồng trên những liếp có bề rộng khoảng 10m và dài tới 1.000m, thẳng tắp. Giữa các liếp là con kênh nhỏ cho ghe tàu ra vào chở cây giống, máy móc và gỗ khi thu hoạch.

Ông Thế có thời gian dài học tập, định cư và làm việc ở Nhật Bản. Nhưng quê hương cứ thôi thúc ông về. Năm 2009, trong lúc đang kinh doanh bất động sản ở TP.HCM, ông… đột ngột biến mất. Khá lâu sau đó, bạn bè mới phát hiện ông đang cặm cụi trồng rừng ở Cà Mau.

“Vì sao ông bỏ phố về rừng?” – chúng tôi thắc mắc. Ông cười: “Cả thế giới đang chạy đua ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. VN cũng đã ký cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Trong khi khắp nơi người ta phá rừng làm thuỷ điện, làm dự án này kia khiến dư luận lên án, tôi nghĩ mình trồng rừng thì không ai rầy. Vả lại đây cũng là một ngành nghề sản xuất kinh doanh mà!”.

Năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau có chủ trương giao ông Thế 1.200ha đất rừng nghèo. Ông đổ tiền nghiên cứu đất, gieo trồng nhiều giống keo lai trên diện tích 10ha để xem giống nào phù hợp và lập hẳn phòng thí nghiệm để sản xuất giống cấy mô.

Một năm sau, tỉnh quyết định chỉ giao 700ha. Ông thuê nhân công đốn bỏ rừng nghèo, thuê máy đào lên liếp để trồng như rau màu. Tất cả liếp đều có kích thước giống nhau, diện tích 1ha/liếp.

Mấy năm qua, ông bỏ tiền chuyển nhượng thêm được hơn 300ha đất của người dân địa phương. Đến nay, khu rừng ông Thế đã rộng tới 1.047ha và sẽ còn tiếp tục mở rộng.

Khu rừng độc đáo của ông Thế
Ông Lê Hoàng Thế (bìa trái) trao đổi kỹ thuật trồng rừng đạt chứng chỉ FSC-FM với khách – Ảnh: V.TR.

Trồng cây, đốn cây 
đều bằng máy

Rừng ông Thế được thu hoạch bằng máy. Những chiếc máy kẹp cứng phần gốc cây, sau đó cắt bằng loại dao rất bén. Cắt xong, máy ôm cây còn đứng thẳng đưa ra chỗ trống, bỏ nằm xuống cho nhân công cắt từng đoạn ngắn khoảng 1,5m đều nhau.

Chiếc máy đốn cây nhỏ gọn này do anh Yeo thiết kế theo địa hình rừng của ông Thế rồi đặt hàng cho đối tác nước ngoài chế tạo riêng.

Anh Lưu Cường Thịnh (công nhân vận hành máy) nói nếu đốn cây bằng sức người phải mất 20-25 ngày mới xong 1ha. Còn dùng máy này chỉ mất 10 ngày, vừa tiết kiệm thời gian mà còn giảm chi phí nhân công.

Yeo cho biết đây là vụ đầu tiên thu hoạch bằng máy, rất hiệu quả. “Công việc của tôi lúc này là nghiên cứu, chế tạo ra máy trồng cây tự động, máy bóc vỏ cây sau thu hoạch, máy cắt khúc cây sau khi đốn, máy gom nhánh và lá cây rồi băm, nghiền để chuyển xuống ghe chở về nhà máy.

Mục tiêu mà ông Thế đưa ra là thu gom hết thân, vỏ, lá cây để chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu” – Yeo cho biết.

Hiện nay, lá và nhánh nhỏ sau thu hoạch đều bỏ lại rừng. Cứ thu hoạch, làm đất xong thì trồng lại rừng thật nhanh, cũng bằng máy.

Ông Thế nói rừng của ông đã được cấp chứng chỉ FSC-FM. Đây là một chứng chỉ rất quan trọng, có nó thì được xuất khẩu các sản phẩm gỗ đi khắp thế giới. Muốn được cấp chứng chỉ này, rừng phải đạt 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí chuẩn mực quốc tế.

Sau khi rừng ông Thế có chứng chỉ FSC-FM, khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu tìm tới tham quan, ký hợp đồng mua các sản phẩm gỗ.

Đặc biệt là đối tác Nhật Bản đã ký hợp đồng dài hạn mua viên gỗ năng lượng (biomass) cung cấp cho các nhà máy điện sinh khối tại nước này.

Gỗ keo lá tràm đã được thế giới đưa vào danh mục gỗ thương mại từ năm 2015. Gỗ có kích thước lớn thì dùng làm tủ, bàn, ghế; còn nhánh, lá nghiền làm biomass, dăm gỗ…

Hiện nay, nhiều nước nhập khẩu gỗ bắt buộc nơi bán phải có chứng chỉ FSC-FM để xác định nguồn gốc hợp pháp và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Mong VN có nhiều nhà máy điện sinh khối

Không chỉ lo cho rừng của mình, ông Thế còn tham gia các đoàn thẩm định cấp chứng chỉ FSC-FM ở VN.

Theo ông, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm từ rừng trồng của các nước phát triển rất lớn.

Hằng năm, khách hàng của ông cần tới 1 triệu m3 gỗ xẻ và 1,5 triệu tấn biomass, nhưng rừng của ông chỉ đáp ứng một phần nhỏ.

Nhật đã tính đến chuyện luyện than cốc từ biomass tại VN rồi chuyển về nước sử dụng, bởi than cốc nhẹ mà nhiệt lượng cao hơn biomass.

Mong ước lớn nhất của ông là VN hạn chế và chấm dứt xây dựng nhà máy nhiệt điện than, chuyển sang đầu tư nhiệt điện sinh khối như Nhật Bản và các nước phát triển để giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Khu rừng độc đáo của ông Thế
Sau khi máy đốn cây xong, nhân công sẽ đo, cắt thành từng khúc ngắn để chở về – Ảnh: V.TR.

FSC (Forest Stewardship Council) là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận. Nhiệm vụ của FSC là khuyến khích việc quản lý rừng trên thế giới phù hợp với môi trường, có lợi ích xã hội và đạt hiệu quả kinh tế. Logo FSC dán trên sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng trên toàn thế giới nhận biết được các tổ chức hay sản phẩm ủng hộ chương trình quản lý rừng có trách nhiệm.

FSC-FM (FSC Forest Management): Chứng chỉ dành cho các đơn vị 
trồng và khai thác rừng. Chứng nhận khu rừng/đơn vị quản lý rừng xác định đã tuân thủ theo 10 nguyên tắc FSC phù hợp các nguyên tắc về môi trường, kinh tế, xã hội.

Mới đây, Đan Mạch đã đồng ý tài trợ cho Công ty Thúy Sơn của ông Thế xây dựng một nhà máy ở Cần Thơ chuyên sản xuất biomass cho nhà máy điện sinh khối ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra còn chế biến dăm gỗ, gỗ xẻ xuất khẩu có nguồn gốc từ rừng ở U Minh. Hiện nay, nhà máy đang lắp đặt thiết bị, dự kiến cuối năm vận hành chính thức.

Ông Thế cho biết: “Khách hàng đã đặt tôi 200.000m3 gỗ xẻ và 200.000 tấn biomass/năm.

Rừng 
trồng 5 năm sẽ thu hoạch. Thu hoạch xong chỗ nào thì trồng lại ngay, nên lúc nào cũng có nguyên liệu đưa về nhà máy và lúc nào cũng đảm bảo độ bao phủ rừng theo quy định của FSC”.

VÂN TRƯỜNG