Khai thác titan đe doạ nguồn nước ngọt
Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn tại buổi toạ đàm về quy hoạch, khai thác khoáng sản titan ở Bình Thuận vào hôm qua 8.7, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ cân nhắc để đảm bảo vấn đề môi trường.
Khai thác titan đe doạ nguồn nước ngọt
Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn tại buổi toạ đàm về quy hoạch, khai thác khoáng sản titan ở Bình Thuận vào hôm qua 8.7, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ cân nhắc để đảm bảo vấn đề môi trường.
Tọa đàm do UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm con người và thiên nhiên VN tổ chức.
Theo GS-TSKH Đặng Trung Thuận (ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Địa hóa VN), Bình Thuận có dải đất ven biển dài 192 km, có tiềm năng về titan rất lớn. Tuy nhiên, dù Bình Thuận được đánh giá là nơi có trữ lượng khoáng sản titan lớn nhất cả nước, song “nó không phải là vô tận”. Nguồn tài nguyên titan rất lớn nhưng phân bổ rải rác. Việc Bình Thuận quy hoạch khai thác vùng titan hiện nay chưa phù hợp với phát triển kinh tế và mâu thuẫn với các ngành kinh tế khác. Mặt khác, khai thác titan chủ yếu ở các vùng động cát đỏ ven biển nên tốn rất nhiều nguồn nước tự nhiên trong lòng đất. “Nếu cứ khai thác titan tràn lan sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngọt tự nhiên”, GS Thuận cảnh báo.
Tương tự, PGS-TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn VN, đề nghị Bình Thuận không nên cho khai thác tầng nước ngầm phục vụ khai thác mỏ titan, càng không được cho dùng nước biển bơm vào moong để lọc titan.
TS Nguyễn Thành Sơn (nguyên Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn than và khoáng sản VN) cho rằng trữ lượng titan khai thác đi sẽ mất vĩnh viễn, không tái sinh. Đặc biệt, việc khai thác titan xâm hại môi trường nghiêm trọng, nhất là các vùng ven biển.
TS Sơn đưa ra các con số được trích dẫn từ Bộ TN-MT cho thấy Bình Thuận có trữ lượng khoảng 557 triệu tấn titan. Nguồn tài nguyên này có giá trị hơn 138 tỉ USD. TS Sơn cho rằng Bộ TN-MT đang “tính cua trong lỗ” bởi con số này thiếu thực tế.
Cũng lo ngại về môi trường, ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn và phát triển, nói việc khai thác titan ở miền Trung và Bình Thuận đang làm thay đổi địa hình đồi cát tự nhiên tồn tại hàng nghìn năm nay. Nó làm xáo trộn các tầng cát và phá vỡ liên kết tự nhiên trong tầng cát, làm giảm khả năng giữ nước ngầm. Mặt khác, việc khai thác phá hủy thảm thực vật, mất đa dạng sinh học hệ sinh thái đặc trưng của vùng cồn cát.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến titan của Bình Thuận đã được Bộ TN-MT phê duyệt. Hiện nay tỉnh cũng đã quy hoạch khu chế biến sâu titan ở H.Bắc Bình. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn và sẽ cân nhắc”, ông Nam khẳng định.
Theo quy hoạch phân vùng titan được Chính phủ phê duyệt thì Bình Thuận có 25 khu vực khai thác titan với 19.339 ha. Trong đó có tới 33 dự án (chủ yếu là dự án du lịch) bị chồng lấn quy hoạch lên quy hoạch titan với diện tích tới 4.576 ha.
(Nguồn: Sở KH-ĐT Bình Thuận)
|
Quế Hà