28/11/2024

Chuyện sen Hồ Tây

Đầu thế kỷ 20, Hà Nội còn rất nhiều đầm sen mênh mông như Vọng, khu vực cuối phố Trần Quốc Toản, Liên Trì. Tuy nhiên nói đến sen thì không đâu hơn được sen Hồ Tây.

  

Chuyện sen Hồ Tây

Đầu thế kỷ 20, Hà Nội còn rất nhiều đầm sen mênh mông như Vọng, khu vực cuối phố Trần Quốc Toản, Liên Trì. Tuy nhiên nói đến sen thì không đâu hơn được sen Hồ Tây.

 

 
 

Chuyện sen Hồ Tây

Trò chơi “tiên nữ hái sen”
Không sách nào ghi sen ở Hồ Tây có từ bao giờ nhưng Đại Việt sử ký đã nói đến ly cung, biệt điện, tư thất bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở các làng ven Hồ Tây của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý xây vào đầu thế kỷ 11. Sở dĩ ly cung biệt điện xây dựng bên vạt sen vì nhà Lý được coi là triều đại quân chủ Phật giáo và sen, hoa sen có giá trị biểu tượng nhiều mặt trong đạo Phật. Trong kinh Tương Ưng Bộ, Tương Ưng Uẩn, Phẩm Hoa, Đức Phật Thích Ca dạy: “Này các tỳ kheo, ví như bông sen xanh, bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt. Cũng vậy, này các tỳ kheo, Như Lai sinh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm”.
Đến nhà Trần, Hồ Tây cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho các đại quan trong triều. Tuy nhiên đến thời Lê thì nhiều ly cung biệt điện đã đổ nát. Vua Lê Tương Dực (trị vì 1509 – 1516), một ông vua nổi tiếng ăn chơi trong lịch sử phong kiến VN, đã cho sửa sang hành cung ở Dâm Đàm (tên cũ của Hồ Tây) làm chỗ nghỉ ngơi. Đại Việt sử ký chép: ông “vua lợn” này bày ra trò chơi “tiên nữ hái sen”, bắt cung nữ trút bỏ váy áo giả làm tiên nữ chèo thuyền hái sen nở trong hồ để vua xem.
Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết: “Phường Thuỵ Chương nấu rượu ngon có tiếng”. Thụy Chương là một trong 6 phường của Tổng Trung thuộc H.Vĩnh Thuận, sang đời Nguyễn phải đổi thành Thuỵ Khuê, vì kiêng húy của Nguyễn Hiến Tổ (Chương hoàng đế là miếu hiệu của Thiệu Trị). Ca dao tục ngữ Hà Nội có câu:
 

Làng Võng (Võng Thị ngày nay) bán lợn bán gà
Thụy Chương (nay là Thuỵ Khuê) nấu rượu là đà cả đêm.
Nằm cạnh Hồ Tây với hoa sen bát ngát, tháng 5 sen nở tỏa hương khắp vùng phía tây kinh thành nên Thụy Chương cũng nổi tiếng khắp kinh thành về rượu nhụy sen. Cách đây chừng 30 năm, các sư ở chùa Kim Liên tìm tòi phục hồi lại cách làm rượu nhụy sen đã thất truyền và kết quả ra được thứ rượu có mùi thơm nhẹ, uống rất dễ chịu. Tuy nhiên để có được thứ rượu quý này thì cần rất nhiều nhuỵ sen.
Trong Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ và Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cũng viết về thú chơi của chúa Trịnh Sâm trong trung thu năm 1774: “Ngày hôm đó chúa ngự trên ly cung Thuỵ Liên (có nghĩa là sen ngủ). Dưới là sen trên bờ là cây phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hoặc ẩn mình dưới bóng cây, bến đá tấu nhạc”. Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng (mất năm 1808), một áng văn cẩm tú có câu: Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò, câu thơ cho thấy sen trong bài phú là sen sau mùa đông mới nhú lá lên khỏi mặt nước. Còn trong Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác (1720 – 1791) kể chuyện ông chữa bệnh cho chúa Trịnh ở biệt điện bên Hồ Tây và sen đã cho ông cảm xúc khó tả.
Chuyện sen Hồ Tây

Ảnh chụp Hồ Tây năm 1990ẢNH: T.L

Làm gì cho thấy ngày xưa ?
Do thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước Hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở đây. Sen quý vì bông lớn, khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh (còn được gọi là Bách Diệp), xếp lớp bao bọc lấy nhuỵ, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm.
Đầu thế kỷ 20, vào tháng 6, 7, dân các làng Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá mua hoa sen của các chủ thầu, gánh vào chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh bán từng gánh lớn cho các bà hàng phố mua hoa lấy nhụy ướp chè. Chuyện cũ bên dòng sông Tô của Viên mai Nguyễn Công Chí chính là gia phả dòng họ Nguyễn Đình (làng Duyên Thái, H.Thường Tín, Hà Nội) lập nghiệp ở phố Hàng Ngang từ thế kỷ 17. Dòng họ này không chỉ giàu có, rất hiếu học ở đất Thăng Long mà còn nổi tiếng về sự khéo léo trong nghệ thuật ướp chè sen. Các làng Nghi Tàm, Tây Hồ, Yên Phụ, Nhật Tân từ xưa đã có nghề ướp chè sen. Đầu thế kỷ 20, khi thú chơi hoa Tây cắm bình xuất hiện ở Hà Nội, nhiều nhà Nho đã cắm sen trong bình gốm chơi đến khi tàn lại mua hoa chơi tiếp cho đến hết mùa, thú chơi đó được duy trì cho đến hôm nay.
Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, về sen Hồ Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trước đây ven hồ nhiều sen, về mùa hạ sen mọc kín, lá xanh rờn, hoa đỏ bát ngát gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng”. Tuy nhiên sen mọc nhiều nhất là ven bờ giáp các làng Nghi Tàm, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá, nhất là làng Tây Hồ vì đáy hồ không sâu, thoai thoải và còn có nhiều đầm, ao. Ngoài sen mọc tự nhiên, dân các làng này còn trồng thêm để làm vành đai ngăn sóng hạn chế lở đất. Khi người Pháp chiếm Hà Nội và khu vực Hồ Tây trở thành ngoại ô, năm 1889 chính quyền đấu thầu quyền khai thác sản vật ở Hồ Tây gồm: cá, sen. Trúng thầu là một người Pháp, ông này cho người Việt thầu lại. Sợ sen phát triển khiến môi trường sống của cá bị thu hẹp nên chủ thầu giữ nguyên diện tích, không cho dân các làng trồng thêm.
Sau năm 1954, nhà nước bãi bỏ thầu khai thác cá và sen Hồ Tây. Năm 1958, Hà Nội thành lập Xí nghiệp nuôi và khai thác thủy sản Hồ Tây. Để có nhiều cá cung cấp cho cán bộ công nhân viên, xí nghiệp đã nhập giống cá mè hoa của Trung Quốc nuôi đại trà. Sợ cá mè hoa bị chết do vướng gai ở thân sen nên những vạt sen đã bị phá bỏ, cả quanh chùa Trấn Quốc. Từ đó diện tích sen ở hồ bị thu hẹp.
Chính vì mất sen nên thời bao cấp, vào mùa hè, sóng hồ đánh quá mạnh khiến các nhà ở mép nước các làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ… bị sạt lở. Khu vườn chùa Thiên Niên bị sạt lớn còn trơ ngọn tháp. Những ngôi mộ ký táng xây gạch cũng trơ ra. Dự án quy hoạch và xây bờ kè quanh hồ được thực hiện từ cuối những năm 1990. Hiện sen chỉ còn ở vài đầm như đầm Trị hay gần công viên nước Hồ Tây. Trong bài Sen Hồ Tây, nhà thơ Bằng Việt viết năm 1995 có câu:
Anh đi mười năm trở lại/Làng hoa biến mất như đùa!/Ví thử hồ sen cạn nốt/Làm gì cho thấy ngày xưa?…

Nguyễn Ngọc Tiến