28/11/2024

Giáo hội Nam Phi kỷ niệm 200 năm hiện diện

Ngày 25 tháng 6 vừa qua, Giáo hội Công giáo Nam Phi sẽ bắt đầu cử hành kỷ niệm 200 năm hiện diện trên vùng đất này với Thánh lễ Tạ ơn trong thể cử hành tại Nhà thờ Đức Bà trốn sang Ai Cập ở thành phố Cape Town.

 Giáo hội Nam Phi kỷ niệm 200 năm hiện diện

 

 
Ngày 25 tháng 6 vừa qua, Giáo hội Công giáo Nam Phi sẽ bắt đầu cử hành kỷ niệm 200 năm hiện diện trên vùng đất này với Thánh lễ Tạ ơn trong thể cử hành tại Nhà thờ Đức Bà trốn sang Ai Cập ở thành phố Cape Town. Trong một thông cáo công bố những ngày vừa qua, Đức ông Clifford Stokes, Cha chính Tổng Giáo phận Cape Town, cho biết trong Thánh lễ này, Giáo Hội Nam Phi đặc biệt vinh danh phần đóng góp của những vị đi tiên phong, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đến từ các vùng đất xa xôi để đem hạt giống Tin Mừng gieo vào lòng đất Cape Town của Nam Phi với sự tận tuỵ và các hy sinh cố gắng không biết mỏi mệt. Người ta còn nhớ ngày mồng 7 tháng 6 năm 1818 ĐGH Pio VII đã nâng Cape Town và các vùng phụ cận lên hàng Giám quản Tông toà, qua đó chính thức khai mào sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại Nam Phi. Các hạt giống gieo vào lòng đất Cape Town đó, giờ đây sau 200 năm, đã sinh bông hạt và biến thành 28 giáo phận, với 1 Giám quản Tông toà hợp thành HĐGM Nam Phi bao gồm Nam Phi, Boswana và Swaziland.

Thông cáo có đoạn viết: “Chúng tôi có một món nợ khổng lồ về lòng biết ơn không bao giờ có thể diễn tả được một cách thích đáng đối với các dòng tu vì các trường học, do các tu sĩ thành lập trong tổng giáo phận của chúng tôi cũng như trong toàn Nam Phi, về phần đóng góp quý báu của các vị trong lãnh vực giáo dục suốt hai thế kỷ qua. Chúng tôi cũng vô cùng nhớ ơn các thành viên của các dòng tu nam nữ vì các vị đã thành lập các nhà thương và trạm xá cho các bệnh nhân và người hấp hối, cũng như các công tác phục vụ dân nghèo và người già. Trong phần dâng lễ vật của thánh lễ tạ ơn này các biểu tượng phần đóng góp của các vị cho Giáo Hội Nam Phi sẽ được dâng lên bàn thờ Chúa. Để tưởng nhớ phần đóng góp anh hùng của những người đã đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa đến vùng đất này mặc dù đã có biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, trong thánh lễ mỗi một Giám Mục Nam Phi sẽ nhận một cây nến được trang hoàng cách đặc biệt, để đem về đốt trong nhà thờ chính toà của mình trong năm kỷ niệm hai thế kỷ truyền giáo này. Và một bản  chụp sắc lệnh thành lập Giám Quản tông toà Cape Town sẽ được trao cho từng cha xứ.

Trong các tháng tới đây sẽ có nhiều sáng kiến đuợc đề ra giúp cử hành 200 năm Giáo Hội công giáo hiện diện tại Nam Phi. Có nhiều sáng kiến khác sẽ được thực hiện trên bình diện tổng giáo phận cũng như trên bình diện giáo xứ. Các học sinh và giới trẻ cũng sẽ tham gia các cử hành này. Lễ nghi kết thúc năm kỷ niệm sẽ được cử hành vào ngày mùng 10 tháng 6 năm 2018 trong mọi nhà thờ chính toà, nhà thờ giáo xứ và các cứ điểm truyền giáo trên toàn nước.

** Trong bối cảnh của các cử hành này, Giáo hội Nam Phi đang phải đối phó với nhiều thách đố trên bình diện chính trị, kinh tế cũng như xã hội và luân lý. Trong lĩnh vực chính trị hiện đang có thêm nhiều áp lực yêu cầu tổng thống Jacob Zuma từ chức, trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2019. Hồi cuối tháng 3 năm nay đã có hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình yêu cầu ông Zuma từ chức, vì bị dính líu tới một loạt các vụ xì căng đan gian tham hối lộ, và vì bị tố cáo đã sa thải một vài bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Tài chính, ông Pravin Gordhan, là một người rất liêm chính và là chuyên viên tài chính giỏi có nhiều khả năng. Đáng lý ra ngày 12 tháng 4 năm nay Quốc hội Nam Phi phải bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Tổng thống Zuma, nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị rời lại không biết cho đến bao giờ để cho phép Toà thượng thẩm lên tiếng liên quan tới yêu cầu của phe đối lập xin bỏ phiếu kín. Qua đó phe đối lập hy vọng có thêm số phiếu của phe chống đối trong chính nội bộ Đảng Quốc đại của Tổng thống Zuma, không muốn cho ông Zuma tiếp tục tại vị.

Trong một thông cáo công bố một ngày trước ngày bỏ phiếu, nhưng bị rời lại sau đó, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của HĐGM Nam Phi khẳng định: Chúng tôi cần có một Quốc hội chứng minh cho thấy một hàng lãnh đạo mạnh mẽ, có luân lý đạo đức và thực thi việc kiểm soát không thiên vị đối với ban hành pháp. Chúng tôi yêu cầu mọi đại biểu bỏ phiếu theo lương tâm của mình, chú ý tới công ích, chứ không chú ý tới các lợi nhuận phe phái và sự sống còn chính trị của mình, khi bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ngoài ra Uỷ ban Công lý và Hoà bình của HĐGM Nam Phi còn xin hàng lãnh đạo Đảng Quốc đại lắng nghe tiếng nói của dân chúng xuống đường biểu tình yêu cầu Tổng thống Zuma từ chức.

Thông cáo viết: “Xin quý vị đừng vội vã khước từ các lời kêu gọi tinh tuyền đối với trách nhiệm của uỷ ban hành pháp, bằng cách coi chúng là kỳ thị chủng tộc và như là một tấn công chống lại các biến đổi kinh tế triệt để.” Trong khi đó giữa lòng Đảng Quốc đại đã bắt đầu việc tranh đấu kế vị Tổng thống Zuma sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2019. Tổng thống Zuma đã đề nghị bà Nkosazana Dlamini Zuma, vợ ông, như ứng cử viên lãnh tụ Đảng Quốc đại và ứng cử viên tổng thống, sắp từ bỏ chức Chủ tịch Uỷ ban Liên hiệp Phi châu. Chống lại đề nghị này ông Cyril Ramaphosa, phó tổng thống, sẽ ra tranh cử.

** Trong bầu khí căng thẳng này ngày mồng 4 tháng 4, các Giám mục Nam Phi đã công bố một thông cáo yêu cầu Quốc hội giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thế nào để duy trì nền dân chủ và hoà bình xã hội. Thông cáo mang chữ ký của ĐC Stephen Brislin, TGM Cape Town, kiêm Chủ tịch HĐGM Nam Phi. Trong thông cáo các Giám mục ghi nhận rằng việc Tổng thống Zuma thay thế Bộ trưỏng Kinh tế Brian Gordhan và chỉ định ông Malusi Gigaba vào chức vụ này đang gây ra các phản ứng rất mạnh mẽ trong nước. Trong tình trạng âu lo và bất ổn này thật vô cùng quan trọng cần họp khẩn Quốc hội để giải quyết vấn đề. Các Giám mục cũng nhắc nhớ rằng Quốc hội có bổn phận kiểm soát việc làm của chính phủ, và các vị hy vọng rằng các dân biểu được hướng dẫn bởi công ích quốc gia và dân chúng, chứ không bởi các thực tại hạn hẹp và lợi nhuận phe phái. Thông cáo cũng khẳng định: Trong khi chúng tôi ghi nhận và tôn trọng các lời kêu gọi tổng thống từ chức, một động thái kiểu này không thôi không diễn tả giải pháp hoàn toàn, bởi vì cần nhổ tận gốc rễ nạn gian tham hối lộ trên mọi bình diện và cố gắng chấm dứt tham ô hối lộ và các gửi gắm trong mọi tầng lớp của chính quyền. HĐGM Nam Phi cũng kêu gọi Tổng thống Zuma nghiêm chỉnh duyệt xét lại lập trường của mình, và không sợ hãi hành động với lòng can đảm và khiêm tốn vì lợi ích tốt hơn của quốc gia.

Ngày mồng 7 tháng 4 đã có một cuộc tuần hành phản đối được tổ chức trên toàn Nam Phi. Để trả lời các tin đồn các bạo động có thể xảy ra, các Giám mục Nam Phi nhấn mạnh rằng biều tình phản đối ôn hoà là một quyền và điều chính yếu là dân chúng có thể nói lên tiếng nói của mình.

Lý do của các cuộc xuống đường biểu tình phản đối là vì đã có 100.000 điện thư và các tài liệu mật được công bố, chứng minh cho thấy các liên hệ của Tổng thống Zuma với gia đình Gupta gốc Ấn Độ gồm các doanh nhân được Tổng thống Zuma ưu đãi dành cho nhiều giao kèo kinh doanh lên tới hàng trăm triệu Mỹ kim, nhờ các ảnh hưởng bất hợp pháp. Trước các áp lực gia tăng Hội đồng Bộ trưởng Nam Phi đã yêu cầu Hiệp hội Năng lương Quốc gia Eskom sa thải ông Brian Molefe, giám đốc điều hành, đã được tái nhận cách đây 2 tuần sau khi đã bị bó buộc phải từ chức hồi tháng 11 năm ngoái, vì bị tố cáo tội gian tham hối lộ và có các tương quan với gia đình Gupta. 

ĐC Abel Gabuza, GM Kimberly, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình của HĐGM Nam Phi, đã yêu cầu Ban Giám đốc Hãng Eskom giải quyết vấn đề một cách đúng đắn và nên từ chức. Trong một thông cáo, ĐC Gabuza viết: “Các lời tố cáo khác nhau chống lại Hãng Eskom và câu chuyện tái chỉ định ông Brian Molefe cho thấy Ban Giám đốc hãng này không theo các nguyên tắc điều hành lành mạnh. Vì thế, Hội đồng Cố vấn Hãng Eskom không thể tiếp tục như thể không có chuyện gì xảy ra. Các doanh nghiệp quốc gia là một yếu tố chìa khoá quan trọng đối với việc thực hiện phát triển đất nước chúng ta, vì thế phải chấm dứt việc điều hành không tốt và cướp bóc nhằm thủ lợi cho một số ít người.

** Trên bình diện xã hội, HĐGM Nam Phi bày tỏ âu lo đối với nạn thất nghiệp của giới trẻ trong nước. Nhân ngày lễ Lao động Quốc tế mồng 1 tháng 5 vừa qua, ĐC Abel Gabuza, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình của HĐGM Nam Phi, đã công bố thông cáo khẳng định: Có ít lý do để cử hành ngày lao động quốc tế, khi có hàng triệu người trẻ thất nghiệp. Nạn người trẻ thất nghiệp tại Nam Phi đã đạt mức nguy hiểm vì giới trẻ không có công ăn việc làm có nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ đoan nghiện ma tuý, buôn người và của các băng đảng tội phạm, và việc lèo lái của các đảng phái chính trị bất chính trả tiền thuê họ gây ra các vụ phản đối bạo động để khuynh đảo tình hình quốc gia. ĐC Gabuza yêu cầu chính quyền duyệt xét lại đường lối chính trị trợ giúp lương cho giới trẻ, bởi vì đây là một sáng kiến táo bạo, đắt đỏ và không thể thực hiện được chỉ hỗ trợ các hãng xưởng tư và gia tăng lợi nhuận của chúng, mà không tạo ra một bổn phận phải đào tạo người trẻ và cống hiến cho một số bạn trẻ một công việc thường xuyên. Như vậy chỉ một biến đổi kinh tế triệt để mới có thể giải quyết nạn thất nghiệp của người trẻ. Nhưng rất tiếc nền văn hoá hiện tại của giới lãnh đạo chính trị đâm rễ sâu trong gian tham hối lộ và các chính sách kiếm khách hàng, không có khả năng thực hiện một biến đổi kinh tế triệt để và bao gồm có lợi cho giới trẻ.

Còn trên bình diện luân lý đạo đức, Nam Phi có nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em. HĐGM cũng đã công bố thông cáo tố giác tệ nạn này. ĐC Stephen Brislin, TGM Cape Town kiêm Chủ tịch HĐGM Nam Phi, cho biết theo một nghiên cứu mới đây tại Nam Phi 1 phần 5 trẻ em bị bạo hành tình dục và 75% trẻ em là nạn nhân của các đối xử tàn tệ của bạn bè tại trường học. Nạn bạo hành phụ nữ cũng trầm trọng. Một số thủ phạm bị bắt và bị xử án, nhưng các nạn nhân phải chịu nhiều khốn khổ sau đó trong các vụ xử. Làn sóng bạo hành phụ nữ và trẻ em mới đây đã khiến cho cả nước phải kinh hoàng. Điều kinh hoàng nhất là đa số các nạn nhân quen biết các kẻ hãm hại họ. Các bạo hành này có phải là hậu quả của nạn nghiện rượu và ma tuý đang lan tràn hay không? Nhiều người trẻ trở thành nạn nhân của các băng đảng và phải chịu sự bạo hành và hãm hiếp tập thể. Dùng cảnh sát để đàn áp và bỏ tù không phải là giải pháp hữu hiệu. Chúng ta phải xét lại kiểu con cái của chúng ta làm quen với bạo lực ra sao. Thay vì đầu tư các ngân khoản khổng lồ cho hệ thống tư pháp và các cơ cấu trừng phạt, cần phải gia tăng ngân khoản cho các chương trình trợ giúp phụ huynh. Chúng ta phải can thiệp để chống lại việc tầm thường hoá bạo lực trong gia đình, trong nhà thờ tại trường học và trong các cộng đoàn của chúng ta.

Cộng hoà Nam Phi  rộng hơn 1,2 triệu cây số vuông có 55 triệu dân, 35% theo Tin Lành cải cách, 10% theo Công giáo, 10% theo Anh giáo, 30% theo các Giáo hội Tin Lành Methodist, Luther và các nhóm Tin Lành khác. Cũng có 1,5% theo Hồi giáo, 1.5% theo Ấn giáo và 0,5% theo Do Thái giáo. Người dân Nam Phi thuộc nhiều chủng tộc khác nhau 75% là người da đen Bantu chia làm 9 nhóm chính: Zulu 23%, Xhosa 18%, Sotho 16%, Tswana 7%, Tsonga 4%, Swazi 2,5%, Venda 2%, Ndebele 1,5%, Pedi 1%.  Người da Trắng chiếm 13% và chia làm 3 nhóm: Boeri tức Afrikaner 6,5%, người gốc Anh 5,5% và các nhóm khác 1% gồm Bồ Đào Nha, Đức và Italia.  Người gốc Á châu chiếm 3% chia thành hai nhóm: Ấn Độ 2,5%, Tầu 0,5%. Người lai giống chiếm 9%. Người Boscimani và Ottentotti chiếm 0,1%. Ngoài tiếng Afrikaans và tiếng Anh người dân Nam Phi nói hàng chục thứ tiếng khác nhau tuỳ theo chủng tộc.

 
 

Linh Tiến Khải