28/11/2024

Người dân phản đối khai thác cát

Ngày 22.6, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cùng đại diện các sở, ngành đã đối thoại với người dân các xã Canh Vinh, Canh Hiển (H.Vân Canh) về tình hình khai thác cát tại địa phương.

 

Người dân phản đối khai thác cát

Ngày 22.6, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cùng đại diện các sở, ngành đã đối thoại với người dân các xã Canh Vinh, Canh Hiển (H.Vân Canh) về tình hình khai thác cát tại địa phương.



Ghe khai thác cát hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng /// Ảnh: Giang Phương

 

Ghe khai thác cát hoạt động trong lòng hồ Dầu TiếngẢNH: GIANG PHƯƠNG

Theo Sở TN-MT Bình Định, trên sông Hà Thanh đoạn qua địa bàn xã Canh Vinh (H.Vân Canh) có 5 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát với tổng diện tích gần 22 ha. Tại xã Canh Hiển có 1 đơn vị được cấp phép khai thác cát trên sông Hà Thanh. Hầu hết doanh nghiệp (DN) đều được cấp phép vào năm 2015 hoặc 2016, thời hạn khai thác 2 năm. Từ khi được cấp phép đến nay, khi các DN thực hiện khai thác cát thì bị người dân tập trung phản đối, ngăn chặn.
 

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân cho rằng khai thác cát đã làm sạt lở bờ sông Hà Thanh, làm đất sản xuất bị lũ cuốn trôi, nhà cửa bị nứt, cạn kiệt nguồn nước… “Chưa đầy 4 km mà đã có đến 7 – 8 điểm khai thác cát mấy năm nay, hiện vẫn còn 3 điểm khai thác. Tôi đề nghị đình chỉ hoạt động khai thác cát tại xã Canh Vinh”, cụ Nguyễn Duy Đĩnh (90 tuổi, ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh) nói.

Ông Nguyễn Thành (75 tuổi, thôn Tân Vinh) cho rằng nếu để các DN tiếp tục khai thác cát thì sông Hà Thanh sẽ sạt lở nghiêm trọng hơn vào mùa mưa lũ.
Ông Trần Châu cho biết các địa điểm được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát trên sông Hà Thanh đều là những bãi bồi, nếu không hút cát thì dòng chảy sẽ bị cản trở vào mùa mưa lũ gây sạt lở. Từ hơn 10 năm nay, sông Hà Thanh đã không có nước vào mùa nắng do nước từ các suối chảy về hạ lưu rất ít, chứ không phải do khai thác cát gây ra. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng, mở rộng hệ thống cấp nước đến với người dân xã Canh Vinh, Canh Hiển… “Nếu việc khai thác cát ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây sạt lở bờ sông thì UBND tỉnh sẽ đình chỉ khai thác ngay”, ông Châu nói.
Kết thúc buổi đối thoại, nhiều người dân vẫn chưa đồng tình, khẳng định sẽ tiếp tục ngăn cản các DN khai thác cát. Còn ông Trần Châu cũng cho biết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động để người dân có sự đồng thuận.
Công bố kết luận về khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng
Ngày 22.6, UBND tỉnh Tây Ninh có kết luận chính thức về việc chấp hành pháp luật đối với 11 DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Theo kết luận, hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng của một số DN qua kiểm tra có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, các DN khai thác cát chưa kê khai đầy đủ bằng hóa đơn VAT trong mua bán cát; lượng cát kê khai xuất bán trên hoá đơn chỉ bằng khoảng 30% công suất thực tế, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Tại thời điểm kiểm tra, 3 DN gồm Công ty TNHH Hiệp Thuận, DNTN Thành Phúc và Công ty CP xây dựng Thành Đạt có hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản. Riêng DN Thành Phúc và Thành Đạt không đăng ký ngành nghề kinh doanh đóng mới phương tiện tàu hút cát, hoạt động đóng mới tàu không có giấy phép theo quy định.


Theo UBND tỉnh Tây Ninh, sai phạm trên có trách nhiệm thuộc về các sở TN-MT, Xây dựng, GTVT, NN-PTNT, Công thương, Cục Thuế, Công an tỉnh, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị này kiểm điểm rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất cuối tháng 7.2017.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho phép 8 DN khai thác cát được hoạt động trở lại, đình chỉ hoạt động 3 DN còn lại trong thời hạn 3 tháng để khắc phục các sai phạm.
Tạm dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai
Ngày 22.6, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo tạm dừng việc khai thác cát của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép trên sông Đồng Nai (đoạn giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng – Đồng Nai – Bình Phước) trong thời gian 2 tháng đối với khu vực H.Đạ Tẻh và 3 tháng đối với khu vực H.Cát Tiên. UBND tỉnh giao Sở TN-MT phối hợp với Sở TN-MT Đồng Nai và UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan làm việc để thống nhất đánh giá, xác định trữ lượng cát còn lại, độ sâu, hiện trạng khu vực, cách thức triển khai và kinh phí thực hiện. Khi có kết quả đánh giá này, làm việc với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác có thời hạn sau năm 2018 để thống nhất, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, hạn chế thời hạn khai thác, hoặc vẫn tiếp tục thực hiện hoặc không cho phép thực hiện.
Gia Bình
Bắt 3 ghe hút cát trên biển Cần Giờ
Ngày 22.6, Phòng Cảnh sát đường thuỷ (PC68) – Công an TP.HCM cho biết đang củng cố hồ sơ bàn giao 3 ghe hút cát (loại 1.000 tấn), 2.300 m3 cát cùng với 25 người cho Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) tiếp tục điều tra, xử lý. Theo PC68, khoảng 4 giờ 30 ngày 20.6, PC68 đã theo dõi, bắt 3 ghe hút cát cùng 25 người đang vận chuyển cát trên sông Soài Rạp (H.Cần Giờ, TP.HCM). Tại thời điểm bắt giữ, trên 3 ghe có tổng cộng 2.300 m3 cát đều không có hoá đơn chứng từ, 3 thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến 3 phương tiện nói trên. Theo lời khai, cát trên ghe được hút ở khu vực Cồn Ngựa thuộc biển Cần Giờ, trên đường về Đồng Nai, Long An tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Công Nguyên

 

Hoàng Trọng – Giang Phương