29/11/2024

Đóng cửa rừng, gỗ vẫn về xuôi

Một năm trước, ngày 20-6-2016 tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: Chính phủ cho đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên! Một năm qua, rừng đã ra sao?

 RỪNG CHƯA BÌNH YÊN SAU CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG ​

Đóng cửa rừng, gỗ vẫn về xuôi

Một năm trước, ngày 20-6-2016 tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: Chính phủ cho đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên! Một năm qua, rừng đã ra sao? 

 

 

 

 

Đóng cửa rừng, gỗ vẫn về xuôi
Nhiều cây cổ thụ ở rừng phòng hộ Bắc Trà My (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị lâm tặc đốn hạ, rọc thành phách vào tháng 3-2017 – Ảnh: LÊ TRUNG

Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại những cánh rừng đầu nguồn.

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh đóng cửa rừng, Quảng Nam là tỉnh đã đi trước trong vấn đề này hơn chục năm. Trớ trêu thay, đây lại là nơi thời gian qua bị nhiều tai tiếng khi liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng.

Rừng vẫn “rỉ máu”

Vụ việc phá rừng có quy mô lớn bị phát hiện mới đây nhất tại Quảng Nam diễn ra giữa tháng 3-2017 ở khu rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My.

Chúng tôi theo chân người dân men theo con đường độc đạo rộng chừng 1m từ thôn 3, xã Trà Tân lên đỉnh núi Chóp Nón (giáp với xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My). Sau nhiều giờ đi bộ trên con đường hào sâu chi chít vết trâu kéo mới đến được khu rừng bị chặt phá. Một khu vực rộng lớn những cây cổ thụ có đường kính lên tới 1m trơ gốc vừa bị triệt hạ.

Tại một khu vực rừng phòng hộ khác thuộc thôn Tân Hiệp (xã Trà Sơn), chúng tôi ghi nhận có nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, xẻ thành từng phách khúc có đường kính 40 – 60cm, dài 1,5 – 2m tập kết hai bên đường dẫn vào rừng.

Trước đó tại khu vực này, đoàn kiểm tra của huyện Bắc Trà My đã đến kiểm tra nhưng ghi nhận chỉ có 4 cây bị chặt hạ gồm 2 cây xoan bưu, 1 cây sơn huyết, 1 cây trám trắng (!).

Trên khu vực đường Hồ Chí Minh từ huyện Đông Giang sang Nam Giang vẫn còn những khu vực rừng bị đốt phá. Từng mảng rừng cháy đen loang lổ. Hầu hết cánh rừng này là rừng kiệt, không có những cây cổ thụ lớn nhưng đều là cây rừng tự nhiên nhiều năm tuổi.

Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại tuyến đường qua xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn). Từ trên đường, dễ dàng nhìn thấy nhiều vạt rừng đổi màu vì bị mồi lửa nung chín.

Kiểm lâm viên Nguyễn Đình Khiêm (cán bộ phòng thanh tra – pháp chế) cho biết việc rừng bị “rỉ máu” vẫn thường xuyên xảy ra: “Rừng chảy máu như những năm trước đây thì không còn, tuy nhiên phải nói rằng việc bà con lén lút đốt rừng làm rẫy rồi cố ý để cháy lan sang khu vực rừng cây tự nhiên thi thoảng vẫn diễn ra”.

Đóng cửa rừng, gỗ vẫn về xuôi
Một cây rừng tại xã Trà Tân (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị đốn hạ trong năm 2017 -Ảnh: LÊ TRUNG
Đóng cửa rừng, gỗ vẫn về xuôi

“Hàng loạt công trình thủy điện lớn, nhỏ trải dài theo những khe suối, con sông. Việc xả lũ đúng quy trình (kiểu gì) mà cho con trâu, con bò trèo lên ngọn cây, mái nhà? Tôi đề nghị chấm dứt không cho xây dựng các công trình thuỷ điện nữa”

Đại biểu Quốc hội Ksor Phước Hà (Gia Lai)

Bài học rừng Nam Giang

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, năm 2016 có hơn 1.035 vụ việc vi phạm liên quan đến rừng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số vụ phá rừng trái phép và vận chuyển lâm sản trái phép giảm 25% so với năm 2015. Thống kê ba tháng đầu năm 2017 ghi nhận 205 vụ việc vi phạm liên quan đến rừng…

Những con số thống kê cho thấy sau chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, đã có những chuyển biến trong công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, lại xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng tại Quảng Nam như vụ liên quan gần 1.000 phách gỗ pơmu quý hiếm.

Đáng nói, khu vực rừng bị tàn phá và gỗ rừng tập kết lại gần trạm biên phòng và Chi cục hải quan cửa khẩu huyện Nam Giang. Hơn 60 cây pơmu hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ ngay tại khu vực của những người gác rừng khiến dư luận bức xúc.

Bà Phạm Thị Như, phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang, nói: “Đây là bài học đau đớn của địa phương”. Vụ việc này đã làm suy giảm niềm tin của người dân vào lực lượng chức năng, khi gỗ bị chặt hạ và tập kết ngay cạnh đồn biên phòng, trạm hải quan cửa khẩu.

Sau lệnh đóng cửa rừng là thách thức

Đóng cửa rừng, gỗ vẫn về xuôi

“Điều chúng tôi hướng đến là quản lý rừng bằng công nghệ, giảm nhân sự nhưng tăng cường hiệu quả. Một đề án đang được chính quyền tỉnh xem xét là sẽ đầu tư phần mềm để quản lý rừng bằng vệ tinh” 

Ông Phan Tuấn (chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam)

Ông Phan Tuấn – chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam – cho biết một năm sau khi có lệnh đóng cửa rừng, lực lượng kiểm lâm có được sự quyết tâm, quyết liệt nhưng cũng đối diện với nhiều thử thách. Đó là việc phải giữ rừng chặt hơn nhưng biên chế kiểm lâm giảm đi.

Nếu trước đây một kiểm lâm địa bàn phụ trách một xã thì nay phụ trách đến hai xã.

Trước thách thức đó, kiểm lâm tỉnh đã thay đổi cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý để phù hợp với tình hình thực tế.

Từ 11 hạt kiểm lâm trên toàn tỉnh Quảng Nam nay sáp nhập còn 3 liên hạt. Giảm kiểm lâm vùng đồng bằng và tăng cường lực lượng lên miền núi. Từ đó kết quả là việc phá rừng đã giảm rõ rệt qua các năm gần đây, diện tích rừng phủ xanh tăng lên.

Ông Từ Văn Khánh – phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam – cho rằng hướng đi sắp tới để siết quản lý rừng là phải tăng cường thiết chế như đề nghị thành lập một số khu vực rừng thành khu bảo tồn, phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng như huy động sự chung tay của hơn 10.000 hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả bảo vệ rừng.

Đóng cửa rừng, gỗ vẫn về xuôi
Số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ, phát triển rừng được phát hiện và diện tích rừng bị thiệt hại Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

TẤN VŨ – TRƯỜNG TRUNG – 
LÊ TRUNG