28/11/2024

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi TN A 2017: Tình yêu trao ban và hiệp thông

Chúa Ba Ngôi chính là sự thật về tình yêu trao ban và hiệp thông giữa các ngôi vị Thiên Chúa nên cũng là gương mẫu tuyệt vời cho tình yêu giữa những con người. Đây chính là điều con người thời nay cần tới.

  Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi TN A 2017

Tình yêu trao ban và hiệp thông

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Giáo Hội luôn cử hành lễ Chúa Ba Ngôi để nhắc nhở chúng ta về sự thật cao cả nhất nhưng đồng thời cũng là mầu nhiệm cao siêu nhất của Kitô giáo. Chúa Ba Ngôi chính là sự thật về tình yêu trao ban và hiệp thông giữa các ngôi vị Thiên Chúa nên cũng là gương mẫu tuyệt vời cho tình yêu giữa những con người. Đây chính là điều con người thời nay cần tới.

1. Sự thật  kỳ diệu, phi thường và độc đáo của Kitô giáo

Sự thật về Chúa Ba Ngôi giới thiệu cho chúng ta một Thiên Chúa có ba ngôi vị yêu thương và hiệp thông với nhau. Đây là một sự thật kỳ diệu, phi thường và độc đáo của Kitô giáo. Tự bản chất, Thiên Chúa là một sự thật khách quan và tuyệt đối vì sự thật này không phải có được do suy luận, cảm nghiệm của con người. Con người thì bất toàn, nhất thời, hạn hẹp trong khi Thiên Chúa lại hoàn hảo, vĩnh hằng và vô biên. Sự thật này cũng không phải bắt nguồn từ sự cầu nguyện hay suy tư của các nhà thần học, dù tôn giáo đã có mặt trong đời sống của nhân loại từ nhiều ngàn năm trước.

Do Thái giáo đã xuất hiện cách chúng ta khoảng 4.000 năm. Thiên Chúa đã mạc khải cho dân tộc Do Thái biết chỉ có một Thiên Chúa độc nhất là Đức Giavê, dù họ có một nền phụng tự rất phong phú, suy tư thần học khá cao siêu, nhưng cho đến nay những người Do Thái vẫn không tin nhận một Chúa Ba Ngôi. Hồi giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ 7 cũng chỉ tin vào Đấng Allah là Thượng Đế duy nhất. Ngoài những tôn giáo độc thần tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, những tôn giáo khác được xếp vào loại đa thần vì tôn thờ nhiều thần linh, nhiều thiên chúa khác nhau và mỗi thần linh có một nhiệm vụ khác nhau. Đó là các tôn giáo như Bàlamôn giáo của Ấn Độ, Lão giáo của Trung Quốc, Thần giáo của Nhật Bản… Hầu hết các dân tộc thiểu số cũng đều tôn thờ nhiều thần.

Kitô giáo tin nhận có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa ấy lại có Ba Ngôi, mỗi ngôi có những hoạt động riêng. Chân lý một Chúa Ba Ngôi là một tổng hợp độc đáo giữa độc thần với đa thần.

Sự thật này trở thành chân lý tuyệt đối và khách quan đối với lý trí con người không phải là do người Kitô hữu cầu nguyện, suy niệm, cử hành phụng tự  hay do bất cứ cố gắng nào. Chỉ có Đức Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa, mới có thể mạc khải cho chúng ta sự thật về Thiên Chúa. “Thiên Chúa là ai, tư tưởng và kế hoạch của Ngài ra sao, lại là điều vượt quá trí hiểu của chúng ta. Vì thế, chính Thiên Chúa phải thông truyền cho con người biết Ngài như thế nào. Ngài không làm việc này bằng cách gửi cho chúng ta ý tưởng, sách vở, hay hệ thống chính trị, mà bằng cách trở thành một con người. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mạc khải chính mình một cách toàn vẹn và chính xác: Thiên Chúa đã làm người để con người có thể hiểu Thiên Chúa là ai. Đức Giêsu là ngôn ngữ diễn đạt của Thiên Chúa” (x. Docat, câu số 9).

 2. Sự thật về tình yêu trao ban và hiệp thông

Trong bài Tin Mừng (x. Ga 3,16-18) hôm nay, chúng ta  không thấy nói gì về Chúa Thánh Thần, như trong năm B và năm C, bởi vì Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta tập trung vào mầu nhiệm tình yêu trao ban và hiệp thông. Chúa Thánh Thần chính là tình yêu nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau và giúp cho chúng ta hiểu được tình yêu như thế nào. “Yêu và được yêu là điều phù hợp với ước muốn sâu xa trong bản tính con người. Về điều này, chính Thiên Chúa là lý tưởng cho chúng ta. Đức Giêsu cho thấy bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Dòng chảy yêu thương luôn luân chuyển giữa Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Một con người biết yêu thương cũng tham dự vào sự hiệp thông yêu thương ấy. Cuộc đời chúng ta chỉ thành công khi chúng ta không khép kín trái tim, mà mở lòng đón nhận dòng chảy yêu thương đó” (Docat, số 15).

Thiên Chúa là tình yêu (x. Ga 4,16). Tình yêu luôn đòi một đối tượng để yêu thương, để chia sẻ tất cả những gì mình có. Khởi đầu Thiên Chúa chỉ có một mình, không có gì ngoài Ngài, nên Thiên Chúa yêu chính mình. Đây không phải là một tình yêu ích kỷ như nơi nhiều con người, mà là một tình yêu mở rộng vô biên để trao ban tất cả những gì mình có cho đối tượng mình yêu, trao ban thiên tính hằng hữu của mình và tức khắc Thiên Chúa đã có Ngôi Con (x. Ga 3,35; 5,20). Ngôi Con là Thiên Chúa được yêu và Ngôi Cha là Thiên Chúa yêu. Cả hai có cùng một bản tính Thiên Chúa. Đó là tình yêu trao ban giữa 2 Ngôi.

Khi Ngôi Con như một chủ thể độc lập, yêu lại Ngôi Cha như đối tượng tình yêu của mình và muốn dâng hiến tất cả những gì mình có là thiên tính đã nhận được từ Ngôi Cha cho Ngôi Cha, tức khắc có một ngôi mới xuất hiện là Thánh Thần nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau. Thánh Thần là tình yêu hiệp thông. Như thế chúng ta thấy chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà bây giờ lại có Ba Ngôi riêng biệt và mỗi Ngôi có một sứ mạng đặc biệt: Ngôi Cha sinh thành ra Ngôi Con và tất cả chúng ta, Ngôi Con là ân sủng của Cha sẽ mang tình yêu của Cha trao ban lại cho người khác, Thánh Thần là tình yêu nối kết Ngôi Cha, Ngôi Con lại với nhau và nối kết tất cả mọi loài trong tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta chỉ hiểu được chân lý và cũng là mầu nhiệm vô cùng cao cả này nhờ Chúa Giêsu. Người nói với chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Thánh Thần là tình yêu hiệp thông nối kết tất cả chúng ta lại với Thiên Chúa, cho chúng ta cảm nghiệm được thật sự Thiên Chúa là Cha của mình và chúng ta là những con cái thật sự của Ngài, được chia sẻ tình yêu, quyền năng và những ân sủng cao quý nhất của Ngài để chúng ta trở thành Thiên Chúa như Ngài. Đó là mầu nhiệm phi thường nhất của Kitô giáo. Nhưng câu hỏi đặt ra cho chúng ta là làm thế nào có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa?

3. Thực hành và tập sống yêu thương

Thánh Bênađô đã gợi ý cho chúng ta một phương thế để cảm nghiệm và hiểu được sự hiện diện độc đáo này. Ngài gọi Chúa Thánh Thần là nụ hôn của Chúa Cha và Chúa Con, đó là nụ hôn tình yêu. Khi yêu nhau thật sự thì ta mới cảm nghiệm được Thiên Chúa là tình yêu. Trong bài đọc II hôm nay (x. 2Cr 13,11-13), thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện”. Rồi ngài viết tiếp lời cầu chúc về Ba Ngôi: “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen”. Đó là nụ hôn thánh, nụ hôn diễn tả tình yêu trong sáng và quảng đại của Thiên Chúa được người Kitô hữu trao cho nhau như một dấu chỉ mình thuộc về Hội Thánh biết trao ban và hiệp thông.

Thời xưa, người tín hữu gặp nhau là hôn chào nhau (x. Cv 20,17; Rm 16,16; 1Cr 16,20; 1Ths 5,26; 1 Pr 5,14). Đó là dấu hiệu chứng tỏ Thánh Thần tình yêu đã nối kết chúng ta lại. Nhưng, dần dần trong đời sống xã hội người ta ngại hôn nhau, nhất là trong thời kỳ bị cấm đạo, để người ngoại giáo không khám phá ra những Kitô hữu. Dấu hiệu ấy về sau chỉ thực hiện trong Thánh lễ, khi cộng đồng tín hữu họp mặt.

Ngày nay, trong Thánh lễ, khi Giáo Hội mời “Anh em hãy chúc bình an cho nhau”, ở Phương Tây người ta vẫn hôn chào nhau, còn ở Việt Nam, người tín hữu thu mình lại và cúi đầu, lấy cớ là tinh thần dân tộc châu Á quan niệm rằng “nam nữ thọ thọ bất tương thân”! Chúng ta quên mất tình yêu của Thánh Thần đang nối kết chúng ta. Thậm chí ngay cả khi chào nhau trong Thánh lễ, nhiều người làm một cách rất hời hợt: nghẻo đầu bên này, nghẻo đầu bên kia một cái mà chẳng thèm nhìn mặt ai, và không ý thức rằng đấy là nụ hôn thánh thiện của Thánh Thần tình yêu nối kết muôn loài. Chúng ta không còn cảm nghiệm được sự hiện diện độc đáo của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống, nhất là khi chúng ta làm dấu Thánh giá “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về tình yêu trao ban và hiệp thông. “Tình yêu không phải chỉ là cảm xúc. Tình yêu còn là một đức hạnh, một năng lực được thủ đắc bằng huấn luyện. Thách thức thật sự đối với từng người Kitô hữu là phải trở nên ngày càng can đảm và mạnh dạn hơn, đồng thời càng thêm ngay chính và yêu thương hơn” (Docat, số 16).

Lời kết

Vì thế, chúng ta cần phải luyện tập hằng ngày để tình yêu trao ban và hiệp thông trở thành một thói quen trong đời sống, làm thế nào cho mỗi ý nghĩ, lời nói, tư tưởng của ta tràn ngập tình yêu. Thỉnh thoảng nhớ đến Chúa, ta nói với Ngài “Lạy Chúa, con xin ăn bữa này, xem phim này, làm việc này, chịu đựng người này…vì yêu thương”. Như thế là chúng ta bắt đầu cảm nghiệm được sự hiện diện của Ba Ngôi Chúa trong đời sống.