29/11/2024

Lợi ích hôm nay không được làm tổn hại thế hệ mai sau

Trước khi đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội về những vấn đề nóng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

 BỘ TRƯỞNG NGUYỄN NGỌC THIỆN:

Lợi ích hôm nay không được làm tổn hại thế hệ mai sau

Trước khi đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội về những vấn đề nóng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

 

 

 

 

Lợi ích hôm nay không được làm tổn hại thế hệ mai sau
Voọc chà vá chân nâu được xem như biểu tượng đa dạng sinh học của TP Đà Nẵng – Ảnh: B.V.Tuấn

Khi được hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành qua một số sự việc như cấp phép phổ biến bài hát trước năm 1975, cập nhật danh sách hơn 300 bài hát “nhạc đỏ”, ra văn bản liên quan tới phát ngôn về Sơn Trà (Đà Nẵng)…

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Với tư cách người đứng đầu ngành, một lần nữa tôi xin khẳng định những vấn đề làm nóng dư luận trong thời gian qua chính là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý nhà nước của ngành.

Qua đó cũng cho thấy những vấn đề cần điều chỉnh liên quan đến đổi mới công tác quản lý nhà nước cho phù hợp với sự phát triển hiện nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ, công tác tham mưu, thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, đồng thời làm rõ những sai phạm và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan”.

* Thời gian tới, Bộ trưởng sẽ có những điều chỉnh ra sao ở khía cạnh các quy định pháp lý cũng như công tác giám sát thực hiện, ban hành văn bản… để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa rồi?

 

– Ngay sau thời điểm diễn ra những vụ việc này, tôi đã chỉ đạo Vụ Pháp chế và Cục Nghệ thuật biểu diễn rà soát toàn bộ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Đặc biệt chú ý các quy định liên quan đến việc cấp phép, đề xuất những quy định còn bất cập trên tinh thần đơn giản hoá thủ tục hành chính để đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Công tác giám sát thực hiện pháp luật cũng cần thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa ở cả cấp bộ và cấp cơ sở. Bộ sẽ nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ.

* Bên cạnh những câu chuyện sống đẹp, sống thiện, hằng ngày mặt báo vẫn còn vô số câu chuyện xấu xí khác về mặt ứng xử, văn hoá, đạo đức. Vậy gốc rễ những điều đáng buồn này từ đâu, có trách nhiệm của ngành văn hoá trong đó hay không?

Đây là thời kỳ chúng ta phải chứng kiến không ít những biểu hiện xuống cấp của văn hoá ứng xử, đạo đức xã hội.

Trong nhiều nguyên nhân trực tiếp và sâu xa dẫn đến thực trạng đó có trách nhiệm của ngành văn hoá.

Phải thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này thời gian qua chưa nghiêm, thậm chí còn hình thức; sự gắn kết giữa tuyên truyền, giáo dục đạo đức, hành vi ứng xử với thực thi pháp luật còn mờ nhạt; đầu tư cho nguồn lực con người còn chưa tương xứng…

Đáng chú ý là “tam giác” nền tảng: “gia đình – nhà trường – xã hội” chưa được kết nối chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện
Lợi ích hôm nay không được làm tổn hại thế hệ mai sau
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện – Ảnh: V.V.TUÂN

* Ngày 8-6, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên trả lời Tuổi Trẻ đã nói đến nhiều kiến nghị “cởi trói” cho nghệ thuật biểu diễn, như các bài hát đã quen thuộc thì không cần phải xin cấp phép phổ biến…

Việc cấp phép phổ biến bài hát sẽ được trao lại cho các địa phương; thời hạn mỗi năm phải cấp đổi lại giấy phép biểu diễn với tác phẩm âm nhạc, sân khấu sẽ được bãi bỏ… Ý kiến của Bộ trưởng ra sao về những đề xuất này?

– Nghị định số 79 và nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn về cơ bản đã dần đi vào nề nếp và chặt chẽ hơn.

Trong quá trình thực hiện, một số nội dung trong hai nghị định này còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong các hoạt động biểu diễn sáng tác, gây khó khăn cho các nghệ sĩ và nhà quản lý các cấp.

Ngày 8-6, bộ đã có tờ trình Thủ tướng đề nghị thành lập tổ công tác nghiên cứu xây dựng nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn trên cơ sở 2 nghị định trên.

Nghị định mới sẽ được xây dựng theo hướng khắc phục những khó khăn, vướng mắc vừa qua, tháo gỡ những bất cập, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các cá nhân và tổ chức tham gia lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên tinh thần hạn chế cơ chế xin – cho,…

Mở rộng công khai, minh bạch, tôn vinh những giá trị đích thực, phát huy tính tự chịu trách nhiệm của người biểu diễn và nhà tổ chức.

Đồng thời, bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Riêng đề xuất của Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng là một trong số những ý kiến để xem xét, thảo luận khi xây dựng dự thảo nghị định mới.

* Câu chuyện về quy hoạch Sơn Trà đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Công luận còn rất lo ngại việc tận dụng di sản, bất chấp hệ quả để phát triển du lịch, nhất là tình trạng bêtông hoá, cáp treo hoá… nhiều địa danh.

Câu chuyện giải quyết hài hoà giữa bảo tồn và phát triển sẽ được bộ quyết ra sao trong thời gian tới?

– Có thể nói câu chuyện về quy hoạch Sơn Trà đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết nhằm giải quyết hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Quan điểm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đối với việc phát triển du lịch nói chung là phát triển bền vững, có trách nhiệm, bảo vệ các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, rừng biển, sinh thái môi trường, phát triển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, gắn hài hoà giữa phát triển với bảo tồn.

Riêng đối với Sơn Trà và khu du lịch có tính chất tương tự thì ưu tiên cao cho bảo tồn. Chúng ta không thể đánh đổi môi trường vì sự phát triển.

Phát triển vì lợi ích các thế hệ hôm nay nhưng không được làm tổn hại đến các thế hệ mai sau. Đó là một số nguyên tắc cơ bản cần được tôn trọng trong quá trình phát triển du lịch ở nước ta hiện nay.

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện