Giải bài toán rác thải bằng công nghệ hiện đại
TP.HCM tiếp tục xử lý rác sinh hoạt bằng cách chôn lấp cho đến lúc nào, hậu quả ra sao? Câu hỏi mới cho một thực trạng đã quá cũ, đầy trăn trở này một lần nữa được đặt ra đối với TP.
Giải bài toán rác thải bằng công nghệ hiện đại
TP.HCM tiếp tục xử lý rác sinh hoạt bằng cách chôn lấp cho đến lúc nào, hậu quả ra sao? Câu hỏi mới cho một thực trạng đã quá cũ, đầy trăn trở này một lần nữa được đặt ra đối với TP.
Rác được tập kết trên đường Hùng Vương, TP.HCM sáng 9-6 – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Vấn đề rác thải của TP còn là một trong hai nội dung trọng tâm được đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp bất thường của HĐND TP, dự kiến khai mạc sáng 11-6.
Để rác không phải là rác
Bàn về câu chuyện rác thải, PGS.TS Lê Hùng Anh – viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM – lo lắng: “Nếu tiếp tục chôn lấp rác như hiện nay hậu quả sẽ rất nghiêm trọng cho nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến môi trường không khí, nước và đất trên 50 năm sau khi đóng cửa bãi rác”.
Theo ông Anh, kể cả khi đã đóng cửa các bãi rác, không tiếp nhận chôn rác nữa, TP vẫn phải trả tiền cho xử lý môi trường, quan trắc môi trường.
Cùng quan điểm với rất nhiều nhà khoa học, ông Anh cho rằng TP phải xem rác thải là nguồn tài nguyên, tức là phải quản lý, khai thác và đem lại lợi ích cho xã hội, không làm tốn kém ngân sách nhà nước.
Theo ông Anh, TP cần đưa ra quy định cụ thể về phân loại rác tại nguồn để người dân tuân thủ. Nếu người dân không phân loại, sẽ phải trả phí rác thải cao. Còn ngược lại, người dân phân loại tốt sẽ được giảm hoặc miễn phí rác thải.
Cùng với đó, TP cần có chính sách hỗ trợ đất cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế để xây dựng nhà máy, vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo nguồn thu ngân sách. Khi nhà máy, cơ sở tái chế vận hành tốt, có thể giải quyết được 30 – 40% lượng rác thải như nilông, nhựa, kim loại, giấy, thủy tinh…
Mặt khác, khi các hệ thống, nhà máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón được vận hành trơn tru, sẽ giải quyết được 40 – 50% lượng rác thải. Riêng với khối lượng rác hỗn hợp còn lại, cần có nhà máy đốt rác và phát điện (chính là mô hình nhiệt điện rác).
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Hùng Anh nhấn mạnh ngay cả ở những bãi rác đã chứa đầy rác, đóng cửa đã lâu, các công nghệ hiện đại cũng có thể tận dụng lượng rác này để làm nhiên liệu cho nhà máy sản xuất điện từ rác. Tất nhiên, TP vẫn phải duy trì bãi chôn lấp rác, nhưng chỉ để chôn lấp những loại rác trơ, với khối lượng nhỏ, sẽ không còn mùi và ảnh hưởng đến môi trường.
Phân loại rác tại nguồn – chuyện của gần 20 năm
Tối 2-6 UBND P.14, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), một trong hai phường của quận này được chọn triển khai phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn phường, đã phổ biến kế hoạch nói trên đến 50 tổ dân phố. Tới đây, trên 2.300 căn nhà ở phường này sẽ triển khai phân loại rác.
Lãnh đạo UBND P.14 (Q.Bình Thạnh) cho biết phường này cũng là nơi từng được thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn (từ năm 2014) quy mô nhỏ, ở bốn tổ dân phố với 87 hộ dân. Kết quả có thể nhìn thấy là người dân đã thay đổi hành vi, phân loại rác tại nhà trước khi chuyển đến hệ thống thu gom.
Bài học thực tế từ P.14 (Q.Bình Thạnh) là tổ chức lực lượng nòng cốt đeo bám sát dân, chia sẻ với họ kiến thức, hiểu biết về phân loại rác, giải quyết khó khăn ở từng địa bàn dân cư khi áp dụng…
Còn trên quy mô TP, UBND TP nhìn nhận TP đã tiếp cận phân loại rác tại nguồn từ những năm 1998, đến nay đã gần 20 năm. Khi đó, các dự án nhỏ lẻ của các tổ chức phi chính phủ được triển khai, nhằm tạo thói quen, hình thành ý thức của người dân về phân loại rác tại nguồn.
Nhưng rồi mãi đến hơn 15 năm sau (năm 2015), từ kết quả phân loại rác của một cụm dân cư tại P.Bến Nghé, Q.1 (trong khuôn khổ hợp tác với TP Osaka, Nhật Bản), TP.HCM mới thí điểm phân loại rác tại sáu quận (1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh), nhưng cũng chỉ làm với quy mô cụm dân cư, tuyến đường, chung cư và ở một phường.
Nhìn lại việc thí điểm trên, kết quả đạt được khác nhau: như tại Q.1, ở cụm dân cư 176 hộ dân, đạt kết quả 70 – 78% hộ dân thực hiện; còn trên hai tuyến đường thí điểm của Q.3, với 639 chủ nguồn thải (hộ dân, đơn vị, công ty…) cũng chỉ đạt 50%; tại ba chung cư ở Q.5 đạt 30%; còn Q.6, trên quy mô một phường, với hơn 6.000 chủ nguồn thải, chỉ đạt xấp xỉ 24%.
Mới đây nhất, UBND TP đã ban hành kế hoạch phân loại rác tại nguồn, thực hiện trong bốn năm (2017 – 2020) ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi, khu công nghiệp, chế xuất…
Còn ở hộ dân, tại sáu quận đã từng thí điểm phân loại rác tại nguồn thì mở rộng trên quy mô hai phường mỗi quận, và năm 2018 mở rộng đến năm phường. Các quận, huyện còn lại triển khai phân loại rác ở ít nhất một phường, xã và mở rộng đến ít nhất ba phường, xã vào năm 2018. Đến hết năm 2020, các quận, huyện hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn TP.
Có thể cải tạo bãi rác thành sân golf, khu dân cư Nói về bài toán xử lý rác thải ở TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định quan điểm của TP là sẵn sàng mời gọi, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư xử lý rác, nhưng phải sử dụng công nghệ hiện đại. “Bây giờ mà chôn lấp rác là xưa rồi” – ông Phong nói. Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện lượng rác thải ở TP khoảng 8.300 tấn/ngày với công nghệ xử lý: chôn lấp 76%, làm phân từ rác và tái chế 14,7%, đốt 9,3%. TP kêu gọi đầu tư xử lý rác sinh hoạt đến năm 2020 – 2025 là sử dụng công nghệ đốt – phát điện đặt tại khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Công suất mời gọi đầu tư năm 2020 là 1.000 – 2.000 tấn/ngày; công suất mời gọi đầu tư năm 2025 là 3.000 tấn/ngày. TP cũng kêu gọi đầu tư cải tạo, phủ đỉnh bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận rác, theo hai phương án: phủ đỉnh bãi chôn lấp rác để làm sân golf, công viên cây xanh…; cải tạo bãi chôn lấp rác để tái sử dụng thành trung tâm thương mại, nhà ở… Hiện TP có năm bãi chôn lấp rác đã ngưng tiếp nhận rác, với tổng diện tích khoảng 117ha, trong đó bãi Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) có diện tích lớn nhất là 45ha, kế đến là bãi Gò Cát (Q.Bình Tân) 25ha. Năm bãi chôn lấp rác này đang là nơi chôn hơn 23 triệu tấn rác. |